Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có bốn loại biện tài. Thế nào là bốn? Nghĩa là nghĩa biện, pháp biện, từ biện và ứng biện.
Thế nào gọi là nghĩa biện? Nghĩa biện là lời nói của người này, người kia như Trời, rồng, quỷ thần nói đều có thể phân biệt được nghĩa. Đó gọi là nghĩa biện.
Thế nào gọi là pháp biện? Như Lai thuyết mười hai bộ kinh. Nghĩa là Khế kinh, Kỳ dạ, Bổn mạt, Kệ, Nhân duyên, Thọ ký, Tự thuyết, Tạo tụng, Sanh kinh, Phương đẳng, Hợp tập, Vị tằng hữu; và các pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, các pháp thật không thể phá hoại, có thể tổng trì. Đó gọi là pháp biện.
Thế nào gọi là từ biện? Như chúng sanh ở trước có lời hay, dở; lời đàn ông, lời đàn bà; lời Phật, lời Phạm chí, Trời, rồng, quỷ thần; lời của A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la nói, tùy theo căn nguyên của họ mà thuyết pháp cho. Đó gọi là từ biện.
Thế nào gọi là ứng biện? Lúc đang thuyết pháp không có khiếp nhược, không sợ hãi, hay làm vui hòa bốn bộ chúng. Đó gọi là ứng biện.
Nay Ta sẽ dạy dỗ các thầy! Nên như Ma-ha Câu-hy-la. Vì sao thế? Câu-hy-la có bốn biện tài này, hay cùng bốn bộ chúng rộng phân biệt nói. Như ngày nay, Ta xem trong các chúng không có ai được bốn biện tài hơn Câu-hy-la. Như Lai có bốn biện tài này. Thế nên, hãy cầu phương tiện thành tựu bốn biện tài. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Khổ lạc, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.92)