“Gom vào, chỉ biết nghĩ cho mình.”
Có những người con do thiếu suy nghĩ, được bố mẹ dồn hết sức để lo cho rồi nhưng vẫn chưa hài lòng, luôn trách cứ bố mẹ, tại gia đình này cho nên tôi mới ra nông nỗi như vầy. Đây là hạng người sống mà chỉ biết nghĩ về cho mình, người lớn phải có trách nhiệm hy sinh để dồn về cho mình, người bình thường phải có bổn phận phục vụ mình, và người dưới phải có nghĩa vụ cung phụng mình. Nhưng mình là ai? Ai là người sanh ra đời để cung phụng ai ?
Do tư tưởng sống gom vào, lấy về bị sai lầm này cho nên phải luôn bị sống trong cô độc, luôn thấy thiếu và khổ, cả bầu trời u ám, trách cứ, căng thẳng, muộn phiền. Khó có người sống tốt được với mình cho dù lòng họ đã sẵn và một bề hy sinh. Đó là do không biết sống bằng chính khả năng của mình, không biết phấn đấu tự thân cho nên dẫn đến suy nghĩ và hành động tiêu cực. Do đây, con người trở nên thụ động, nhỏ nhen, luôn nghĩ mọi người phải làm gì đó cho mình mà không tự mình làm nên một tích sự gì cả. Bố mẹ không thể có tiền để cho mãi, và trên đời này không ai sinh ra để nuôi ai cả. Khi đã hiểu sai, chính mình không lo được cho mình thì sẽ có ngày tự đưa mình vào ngõ cụt không có lối thoát. Người như thế thì bố mẹ có cho bao nhiêu tài sản họ cũng không thấy đủ. Họ sẽ tiêu xài đồng tiền vô tội vạ, lần hồi đi đến chỗ hư đốn, tệ nạn, xấu xa. Có khi còn nảy sanh hoang tưởng, suy nghĩ viển vông, nói kiểu như người khác nhập vào mình để nói. Kết quả là tâm bệnh, chính ảo tưởng của mình đã lừa dối và chôn nát cuộc đời mình. Cứ thế theo thời gian lớn dần lên, sẽ theo đó mà có nhiều xấu xa, nhỏ nhoi, bẩn thỉu và tệ hại nữa, không thể kể hết. Mà không kể thì ai cũng biết. Đó là tai hại do sống ích kỷ, chỉ biết vơ vét, lấy về. Cũng do lười biếng, không chịu trau dồi bản thân, không biết sống bằng chính năng lực của mình.
“Cho ra, luông nghĩ cho người.”
Ngược lại, có nhiều người con khác luôn đau đáu trong lòng, lớn chừng này tuổi rồi mà mình chưa làm được gì cho cha mẹ để song thân đỡ vất vã. Mình đã cố gắng rất nhiều rồi mà vẫn chưa có đóng góp gì đáng kể cho xã hội… Sống có tư duy như thế là một đời sống với sự tích cực cho ra, sẽ không đòi hỏi bố mẹ, người thân hay xã hội phải làm gì cho mình cả. Dù là trong suy nghĩ thôi, nhưng đã tích cực. Dù có đóng góp được ít, nhưng vẫn có thêm cho gia đình và xã hội, hơn là người muốn gom vào thì chỉ mất bớt, không thể thêm lên. Biết sống như vậy là người luôn trau dồi bản thân và học tập, phấn đấu để sống bằng chính mình, mới mong mai này sống tốt cho bản thân và đóng góp phần mình cho xã hội. Cuộc sống như thế không thấy ý vị và xứng đáng hơn hay sao!
“Giá trị thực”
Tuy hát không hay, nhưng khi tự hát sẽ cảm thấy thích thú hơn nghe người khác hát. Món quà giản dị, có khi chỉ là một chú hạc giấy tự tay cậu bé sáu tuổi mày mò gấp lại, nhưng sẽ là một món quà được yêu quý nhất trong ngày sinh nhật mẹ mình. Sống bằng năng lực trau dồi của chính tự thân và luôn nghĩ cho ra, giúp đỡ người khác, cuộc sống bao giờ cũng có ý vị, thanh cao, thích thú, hoan hỷ hơn những niềm vui nhất thời bên ngoài không chính đáng.
“Rèn luyện”
Thường nghe mọi người nói: “Tánh tôi là như vậy. Cố tật của anh kia là như thế. Điều đó như là bản chất của anh ta rồi…”. Nhưng thực ra trong cái bản chất của mỗi con người dường như đã định sẵn ấy, vẫn còn có cái linh động, thay đổi do trau dồi trí tuệ và rèn luyện bản thân để sửa đổi, vươn lên.
Người sống gom vào, chỉ biết suy nghĩ cho mình thường theo thiên hướng thụ hưởng cá nhân, sẽ khiến cho con người ta trở nên nhỏ nhoi, hèn nhát. Ngược lại, người sống luôn vì mọi người, cho ra; đó là sống theo lý tưởng cống hiến. Người này bao giờ cũng lớn lao, cao cả, được mọi người tôn trọng, quý mến.
Khi còn nhỏ, vì thương con quá mà chúng ta hay chìu chuộng, muốn gì có đó, không cho con làm gì… Nuông chìu lâu ngày như thế sẽ tạo cho con nhỏ một nếp hằn suy nghĩ theo cách mình luôn được thuận lợi và mọi người che chở cho mình. Từ đó bao giờ cũng quen thấy có mình mà quên nghĩ cho người khác. Với những tính chất đã được tạo thành từ sự cưng chìu của gia đình, đã vô tình hình thành trong đầu con nhỏ một tư duy vào đời bằng thiên hướng gom vào mà chính bạn ấy vẫn không hay biết. Thích thuận lợi, muốn tiện nghi, tìm những gì hợp với mình. Thấy mình là tâm điểm quan trọng nhất và mọi người phải có trách nhiệm che chở, ban phát, cung phụng, phục vụ mình. Có một lại muốn có hai, có ba có bốn lại đòi có năm. Con người này sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng những gì đang có và luôn trách cứ mọi chuyện. Dù là bậc cha mẹ hết lòng ban cho hết tiền tài, của cải không phải nhỏ; vắt hết công sức, tình cảm, hy sinh cả một đời để dành cho con, nhưng bạn ấy vẫn không cảm thấy hài lòng. Khi nào cũng thấy mình thiếu và khổ, rồi trách cứ và gai góc với người thân. Đối với cha mẹ của mình mà còn như vậy thì làm sao hy vọng sống tốt thực lòng với người khác. Kết quả thực tế cho thấy, họ gieo rắc đau khổ hết người này đến người khác. Cuối cùng chính họ không còn được gì, chỉ biết bất lực xuôi tay chịu kết quả của khổ đau, hẳm hiu, cô quạnh. Có người thì được muôn thứ ngàn thứ đến thặng dư, mọi điều tốt đẹp đều đến với họ, muốn gì có đó. Nhưng cuối cùng điều mà họ nhận được lại là một sự chán chường, vô vọng, không biết mình nên làm gì nữa. Có vị chán chường đến nỗi không biết vì sao mình lại chán, cho đến độ kiếp sau không muốn làm người nữa. Đây là những sự thật đã và đang diễn ra chứ không phải lý thuyết.
Đời không như mình mong đợi. Lòng dũng cảm là can đảm biết cách để đối diện với mọi tình huống trong đời, chứ không phải ngồi đó để trông chờ những điều từ may mắn hay của ai đó mang lại. Từ nhỏ, cha mẹ đã dạy cho con trau dồi trí tuệ, rèn luyện bản thân, đối diện với những yếu hèn, sợ hãi tùy theo khả năng chịu đựng của từng độ tuổi. Cho con siêng năng học hành. Đưa đến những môi trường tốt để tập làm những việc tử tế, công ích. Tập cho con biết nỗi khó khổ của người khác và biết quan tâm mọi người. Tuổi đã đủ lớn, nếu ngại quét nhà thì hãy cầm chổi để quét dọn; nếu thanh niên sợ xấu hổ thì đi chợ nấu cơm; nếu ghét ai đó thì hãy gặp họ để cười tươi, hoặc mang quà đến tặng xem mình có bị chết hay không… Việc nào mình cảm thấy ngần ngại thì đối diện và làm cho đến khi cảm thấy bình thường mới thôi. Theo thời gian lớn lên, đứa trẻ này sẽ có ý chí, bản lĩnh; biết kiên trì, nhẫn nại, siêng năng, biết nghĩ cho người khác. Hy sinh cho người khác sẽ cảm thấy vui hơn là làm cho bản thân. Đứa bé này đến đâu đều được mọi người thương mến, giúp đỡ. Như thế là đời đã nuôi nó chứ không chỉ cha mẹ. Một cuộc sống đứng vững trên đôi chân của mình để hay cho ra như thế, lo gì thiếu thốn vật chất, điều kiện sống và niềm vui.
“Kiểm chứng”
Tình cờ gặp một người giàu sang, có địa vị trong xã hội, chúng ta nghĩ đến: “Mình có gì cần nhờ vả họ, tranh thủ làm quen, xin số điện thoại?”; hay quan tâm hỏi: “Tôi có thể giúp được gì cho anh?”. Thực tâm nhìn lại lòng mình, mới biết chúng ta là người đang sống bằng bản tính tích cực của cho ra, hay sống với tư tưởng nhỏ hẹp của gom vào.