Trên lộ trình tu tập giải thoát thì người xuất gia phải trải qua ba môn Vô lậu học Giới-Định-Tuệ, vì đây là con đường duy nhất đưa đến Niết bàn an lạc. Trong đó, Giới vô lậu học đóng vai trò cơ bản nhất đối với người xuất gia, vì Giới chính là nền tảng cho người xuất gia, là yếu tố quan trọng để sanh định và phát tuệ. Như thế, người xuất gia trước tiên cần phải nghiêm trì giới luật.
Người cạo râu tóc, mặc y hoại sắc chẳng phải là liền trở thành người xuất gia Tăng bảo, vì Tăng bảo có tính cách Tăng nhân của nó. Tăng cách do đâu mà có? Tăng cách không phải từ trên trời rơi xuống, mà phải từ trong cuộc sống sinh hoạt giới luật lâu dài dưỡng thành.
Đức Phật chế định Tỳ-kheo năm năm học giới, không rời bỏ xa lìa sự nương tựa vào giới luật, từ đời sống giới luật mà dưỡng thành Tăng cách, sau đó mới bắt đầu học kinh luận. Người xuất gia tuy đã trở thành bậc Tăng bảo, nhưng từ vô thỉ đến nay, những phiền não và tập khí tích tụ hình thành hoàn toàn không phải vừa xuất gia liền có thể tiêu trừ hết được, có lúc hành giả khó tránh khỏi sự hiện hành của chúng. Thông qua mỗi nửa tháng Bố-tát một lần, chúng ta có thể không ngừng phản tỉnh với chính mình, kiểm soát theo dõi kiểm điểm tự thân, khiến cho hành vi nhân cách chúng ta mỗi ngày được hoàn thiện hơn. Dựa vào giới luật để kiến lập sự thanh tịnh thuần khiết trong Tăng đoàn, y cứ vào hạ lạp của giới mà phân định lớn nhỏ, khiến cho Tăng đoàn có quy củ và trật tự. Yết-ma chế độ Tăng sự, Tăng đoàn, không lấy ý kiến riêng của một người nào đó để quyết định mà thể hiện Tăng đoàn là đoàn thể có tinh thần dân chủ cao độ.
Trong lúc tác pháp Yết-ma, đại chúng đề cử người đầy đủ đức tài chủ trì Hội đồng Yết-ma, điều này đã phản ảnh được tinh thần trọng đức trọng tài của Tăng đoàn. Kế đến là nói đến tinh thần Lục hòa: thân hòa đồng trụ, khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyệt, giới hòa đồng tu, lợi hòa đồng quân, kiến hòa đồng giải. Giới hòa đồng tu là nói lên sự bình đẳng của luật chế, lợi hòa đồng quân là sự cân bằng về kinh tế, kiến hòa đồng giải là sự thống nhất tư tưởng.
Tăng đoàn ngày nay chỉ có phát huy tinh thần Lục hòa mới có thể xuất hiện một Tăng đoàn bình đẳng, hòa hợp, dân chủ, thanh tịnh và an lạc
Là tu sĩ, việc “thượng cầu hạ hóa” đưa đạo vào đời là hoài bão, song việc dụng tâm giữ gìn phạm hạnh không bị đồng hóa bởi thế tục là điều luôn canh cánh bên lòng. Hai chữ “tùy duyên” được chúng ta thực hiện sao cho có ý nghĩa tích cực: “tùy thuận chúng sanh, dĩ văn tải đạo” đừng để nó bị biểu thị theo nghĩa “phan duyên trần cảnh, ô nhiễm thân tâm”.
Người xuất gia có quyền hòa nhập vào cuộc đời bởi vì “Phật pháp bất ly thế gian giác”, nhưng không cho nó hòa tan một cách dễ dàng. Với người xuất gia trẻ thời nay có đầy đủ khả năng làm cho Phật pháp hưng thịnh và phát triển mạnh, song bên cạnh đó cũng không ít thành phần tham gia phá hoại làm cho Phật pháp ngày một suy vi. Mặc dù Phật giáo chú trọng về tâm, về tánh, không đặt nặng về tướng lắm, nhưng một con sâu làm rầu nồi canh, một chút phân nhỏ có thể làm ô uế căn nhà rộng, do đó ta không thể xem thường được.
Nhiều người xuất gia trẻ thời nay dễ rơi vào trường hợp này, nhưng họ không hề hay biết vì cho rằng phương tiện hóa. Hy vọng rằng họ sẽ sớm tỉnh thức, cho dù hành vi đó trong giới điều của Phật không có, nhưng nó rất nguy hiểm cho Phật giáo chúng ta.
Sống trong một cộng đồng, thường thường việc gì được cho là tốt đẹp thì tập trung phát triển mạnh, điều đó cũng xảy ra không ít phiền toái.
Phật giáo đang phát triển trên khắp năm châu bốn bể, nhưng chúng ta đừng sớm hãnh diện và chủ quan mà phải nỗ lực, phấn đấu để bảo vệ Phật pháp ngày càng trong sáng và lành mạnh hơn, vì Phật giáo là đạo trí tuệ, đạo bình đẳng, là đạo sống cho nhân loại, không để cho một vết nhơ làm nhòa cả trang giấy trắng.
Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật dạy rằng: “Ma vương ngoại đạo, không ai có thể phá hoại được giáo pháp của ta, chỉ có đệ tử ta mới làm cho giáo pháp ta bị hủy diệt”, hoặc một câu khác rất có ý nghĩa mà chư Tôn đức Tăng Ni thường trưng dẫn: “Chỉ có trùng trong thân sư tử mới ăn được thịt sư tử mà thôi”.
Thật vậy, giới luật rất cần thiết cho người tu hành, và quan trọng là tăng ni trẻ hiện nay. Nếu ngày nào giới luật còn được truyền bá rộng rãi và trong Tăng đoàn còn nghiêm trì giới luật thì ngày đó Phật pháp còn hưng thịnh. Ngược lại nếu giới luật được xem như một điều bó buộc, mọi người xa rời giới luật thì chắc chắn Phật pháp sẽ bị suy đồi.
Thế nên là những người tiếp nối mạng mạch Phật pháp, chúng ta phải có bổn phận giữ gìn gia tài pháp bảo mà Đức Từ phụ Thế tôn đã để lại trên 2.500 năm nay. Phải làm sao cho giáo pháp ấy ngày càng lớn mạnh thêm lên, để vạn loại hữu tình ngày càng hưởng được nhiều an vui lợi lạc.
Phật Học Trí Diệu -10/04/2022 – Phật lịch 2566.
Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.HCM
Hiền Nguyên