Hành trạng đức Quốc sư Chơn Luận – Phước Huệ tại Tổ đình Thập Tháp, Bình Định

Tác giả: Thích Viên Kiên biên soạn

LBBT: Đức Quốc sư Chơn Luận-Phước Huệ (1869 – 1945), ngài là bậc thầy đã truyền trao đèn thiền cho nhiều bậc cao Tăng xây dựng nên phong trào chấn hưng Phật giáo thời cận hiện đại. Ngài là vị Tổ trụ trì đời thứ 12 tại Tổ đình Thập Tháp, Bình Định. Ngôi bảo tự này cũng là học đường nổi tiếng của cả nước lúc ngài còn trụ thế.

Chân dung Quốc sư Chơn Luận – Phước Huệ

Hòa thượng Phước Huệ họ Nguyễn tên Tấn Giao, sanh năm Kỷ Tỵ (1869) tại làng Phú Thành xã Nhơn Thành huyện An Nhơn tỉnh Bình Định. Thân phụ Ngài là cụ ông Nguyễn Chánh Niệm, pháp danh Minh Thiện tự Hòa Bình, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Lãnh pháp danh Chơn Hóa. Hai Ông Bà gốc người Quảng Nam, sau vào Bình Định lập nghiệp và sinh sống tại làng Phú Thành, cạnh chùa Phước Lộc. Năm lên 12 tuổi với ý chí xuất trần lớn mạnh, Ngài được song thân đưa đến chùa Thập Tháp xuất gia đầu sư với Hòa thượng Ngộ Thiệu – Minh Lý, được Bổn Sư cho pháp danh là Chơn Luận hiệu Phước Huệ, Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 40.

Ngài vốn thông minh hiếu học, từ lúc vừa xuất gia đã bộc lộ chí hướng phi thường nên được Bổn sư lưu tâm dạy dỗ và cho đi tham học Phật Pháp nhiều nơi. Trước tiên, Ngài đến chùa Diêu Quang tại làng Nhơn Thọ, huyện An Nhơn theo học với Sư bá là Hòa thượng Ngộ An.  Đến năm 1883, Ngài được Bổn sư cho trở ra theo học với Hòa thượng Từ Mẫn tại chùa Tịnh Lâm huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. 

Năm 1889 vừa tròn 20 tuổi, Ngài được Bổn sư Ngộ Thiệu – Minh Lý cho thọ Cụ túc giới tại Giới Đàn chùa Long Khánh – Qui Nhơn do Hòa thượng Chí Thanh làm Đường đầu. Cũng trong năm nầy, Bổn sư của Ngài viên tịch, Sư huynh là Tăng Cang Chơn Châu – Vạn Thành lên kế vị trú trì Tổ đình Thập Tháp. Sau khi cư tang Bổn sư, Ngài vào tỉnh Phú Yên tham học với Hòa thượng Pháp Hỷ tại chùa Từ Quang núi Đá Trắng[1]. Đến năm 1904, Ngài trở về nhậm chức trú trì chùa Phổ Quang tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Nhưng trước đó 6 năm, nhằm vào mùa xuân năm Thành Thái thứ 10 (1898), Ngài đã chú tạo một cổ Hồng Chung cúng cho chùa Phổ Quang. Trên Hồng Chung có khắc bài “Phổ Quang Tự Chung Chí” do chính Ngài biên soạn[2].

Năm Ất Tỵ (1905) nhằm vào năm Thành Thái thứ 17, Sư huynh của Ngài là Tăng cang Chơn Châu – Vạn Thành viên tịch. Ngài được triều đình sắc phong Tăng cang và triệu về kế vị trú trì Tổ đình Thập Tháp, thừa truyền sự nghiệp của chư Tổ nhiều đời để lại. Năm 1908, Ngài được triều đình mời ra hoàng cung thuyết pháp, đồng thời khai mở một khóa giảng kinh tại chùa Trúc Lâm. Các vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định,… thường xuyên mời Ngài vào nội cung thuyết giảng phật pháp, cho nên từ đó Ngài được tôn xưng danh hiệu là Quốc Sư.

Năm Canh Thân (1920), Quốc sư Phước Huệ đứng ra mở lớp Phật Học tại Tổ đình Thập Tháp, chư Tăng nhiều nơi về tham học rất đông. Năm Giáp Tý (1924), Ngài xây dựng cổng chùa và ngôi Phương Trượng nguy nga cổ kính để lại cho đến ngày nay. Ngoài ra, Quốc Sư còn đứng ra Khai sơn ngôi chùa Phước Long tại Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định rồi cử đệ tử lớn là Hòa thượng Không Vân – Trí Diệu trú trì.

Từ năm 1930 trở đi, theo lời thỉnh cầu của Hòa thượng Giác Tiên chùa Trúc Lâm, Quốc sư trở ra Huế giảng dạy Phật pháp. Đầu tiên Ngài dạy tại chùa Trúc Lâm, nơi đây được xem là lớp Cao học Phật giáo đầu tiên tại Huế. Sau đó, Ngài thành lập và Chủ giảng tại Phật học đường chùa Tây Thiên, tương đương với Đại học Phật giáo ngày nay. Ngoài ra, Ngài còn mở dạy những lớp cấp Trung học Phật giáo tại chùa Tường Vân và Báo Quốc. 

Trong khoảng thời gian từ năm 1930 đến 1938, năm nào Quốc sư cũng từ chùa Thập Tháp – Bình Định ra Huế giảng dạy. Đồng thời, Quốc sư còn mời Hòa thượng Phổ Huệ ở chùa Tịnh Lâm – Phù Cát ra Huế giảng dạy. Hòa thượng Phổ Huệ là đệ tử của Hòa thượng Từ Mẫn chùa Tịnh Lâm, huyện Phù Cát và cũng là một bậc danh tăng đương thời. Ngoài ra còn có Pháp sư Trí Độ người huyện Tuy Phước. Pháp sư là một bậc uyên thâm Phật pháp, được Quốc sư dẫn dắt đào tạo một thời gian tại Tổ đình Thập Tháp, rồi tiếp tục ra Huế theo học khóa Đại học tại Phật học đường Tây Thiên rồi về sau được mời dạy các lớp tại Phật học đường Báo Quốc. 

Lúc bấy giờ Phật giáo Việt Nam đang bùng lên phong trào vận động chấn hưng. Tại miền Trung, vào năm 1932, Quốc sư Phước Huệ cùng với Hòa thượng Giác Tiên và Bác sĩ Tâm Minh-Lê Đình Thám đứng ra thành lập Hội An Nam Phật Học. Đến năm 1937, Phật giáo Bình Định thành lập Phật học đường tại chùa Long Khánh – Qui Nhơn và cung thỉnh Quốc sư đứng ra làm Chủ giảng.

Bảo tháp đức Quốc sư Phước Huệ tại Tổ đình Thập Tháp, Bình Định

Từ năm 1938 trở đi, sức khoẻ Quốc sư bắt đầu suy yếu nên không còn thường xuyên ra Huế dạy. Tuy nhiên, Quốc sư vẫn tiếp tục giảng dạy tại chùa Thập Tháp và Long Khánh thuộc Qui Nhơn – Bình Định. Lúc bấy giờ, học Tăng chủ yếu trong bản tỉnh. Nhưng sau đó, chư Tăng từ Đại học Tây Thiên – Huế và các tỉnh miền Nam lại tập trung về Bình Định tiếp tục tham học với Quốc sư rất đông đảo. Tất cả các học Tăng theo học với Quốc sư tại các Phật học đường ở Thừa Thiên – Huế và Bình Định, về sau đều trở thành những bậc lương đống cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Trong đó có những vị nổi tiếng như: Hòa thượng Đôn Hậu, HT. Mật Khế, HT. Mật Thể, HT. Mật Hiển, HT. Mật Nguyện, HT. Trí Thủ, Pháp Sư Trí Độ, HT. Phúc Hộ, HT. Quy Thiện, HT. Huyền Tân, HT. Giải Hậu, HT. Hiển Thụy, HT. Thiện Trí, HT. Thiện Hòa, HT. Thiện Hoa, HT. Chí Thiện, HT. Giác Tâm, HT. Bửu Ngọc, v.v… và các Cư sĩ nổi tiếng như: Tâm Minh – Lê Đình Thám, Chơn An – Lê Văn Định, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khoa Toàn,… Bà Cao Xuân San (Diệu Không), Bà Ưng Úy (Diệu Huệ), v.v…

Mùa Xuân năm 1943, tại Tổ đình Thập Tháp, Quốc sư chấp bút đề lời Tán ngữ bằng Hán văn cho sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược. (Nội dung bài Tán Ngữ được chép đầy đủ ở PHẦN PHỤ LỤC cuối tập).

Đây có lẽ là một trường hợp đặc biệt duy nhất mà Quốc sư đã dành cho Hòa thượng Mật Thể. “Phật Pháp Thiên Lý Câu” nghĩa là con Tuấn Mã ngàn dặm của Phật pháp là một mỹ hiệu mà người đời đã xưng tán công hạnh của Quốc sư. Thiết nghĩ: Tăng, tín đồ Phật giáo hôm nay không ai là không thọ ân pháp nhũ của Quốc sư bằng trực tiếp hoặc gián tiếp. Quan đại thần Lãnh Tri Phủ An Nhơn, Tiến sĩ Võ Khắc Triển có soạn một bài “Thập Tháp Tự Chí” trong đó riêng ca ngợi Quốc sư. Bài chí nầy được khắc vào bảng gỗ và hiện treo tại ngôi Giảng đường tổ đình Thập Tháp[3].

Để rồi trên một chuyến du hành mùa xuân, Quốc sư thong dong thăm viếng nhiều ngôi chùa trong bản tỉnh. Cuối cùng, đến ngày 22 tháng Giêng năm Ất Dậu (1945), Quốc sư đã an nhiên thị tịch tại Tổ đình Thập Tháp, thế thọ 75 tuổi. Tang lễ của Quốc sư được tổ chức vô cùng trọng thể, sau đó đệ tử cùng môn đồ tứ chúng cung nghinh Kim quan Quốc sư an nhập bảo tháp. Long vị thờ tại Tổ đường ghi rằng: “Sắc Tứ Thập Tháp Tăng Cang, Tự Lâm Tế tứ thập thế, húy Chơn Luận hiệu Phước Huệ Hòa thượng chi vị”.

Hiện tháp Quốc sư còn ghi lại bài thi tán do Hòa thượng Trí Hải – Bích Liên sáng tác như sau:

巍  然  一  高  塔

獨  座  古  磐  東

外  是  有  為  相

中  藏  無  相  翁

Nguy nhiên nhất cao tháp

Độc tọa cổ Bàn đông

Ngoại thị hữu vi tướng

Trung tàng vô tướng ông.

Hòa thượng Kế Châu dịch:

Đồ Bàn thành cũ về đông

Một tòa bảo tháp thẳng xông lên trời

Hữu hình hữu hoại đổi dời

Chân không diệu thể sáng ngời bên trong.

Ngoài ra Hòa thượng Kế Châu cũng có sáng tác nghi Báo Tiến Quốc Sư, trong đó có bài thi rằng:

長 空 雲 霽 月 瓏 玲

海 上 孤 鴻 萬 里 征

一 過 絕 無 斜 影 落 

幾 重 惟 有 碧 天 明

只 緣 惡 濁 沈 迷 夢

回 入 幽 途 點 見 精

福 慧 國 師 開 義 學

元 韶 歷 代 振 家 聲

 Trường không vân tể nguyệt lung linh

 Hải thượng cô hồng vạn lý chinh

 Nhất quá tuyệt vô tà ảnh lạc

 Kỷ trùng duy hữu bích thiên minh.

 Chỉ duyên ác trược trầm mê mộng

 Hồi nhập u đồ điểm kiến tinh

 Phước Huệ Quốc Sư khai nghĩa học

 Nguyên Thiều lịch đại chấn gia thinh.

Cũng chính Hòa Thượng dịch như sau:

Trời quang mây tạnh nguyệt long lanh

Muôn dặm chim hồng vượt biển xanh

Chiếc ảnh tuyệt không rời nước biếc

Mấy trùng duy có bóng trời xanh.

Thương đời nhơ nhớp chìm mê mộng

Vào nẻo u thầm mở kiến tinh

Phước Huệ triển khai nền nghĩa học

Nguyên Thiều tổ đạo rạng gia thinh.

Tháp Quốc sư Chơn Luận – Phước Huệ

Trong quá trình hành đạo, Quốc sư độ được rất nhiều đệ tử xuất gia như sau:

– Hòa thượng Không Hoa – Huệ Chiếu, thừa kế Quốc sư trú trì tổ đình Thập Tháp.  (xem phần hành trạng của Hòa thượng)

– Hòa thượng Không Đàm, về sau vô Nam khai sơn chùa Long Khánh tại tỉnh Trà Vinh thuộc đồng bằng Nam bộ.

– Hòa thượng Không Mật – Huệ Chánh, trú trì chùa Phước Sơn tại xã Phú Mỹ, huyện Tây Sơn, Bình Định.

– Hòa thượng Không Thường – Trí Hạnh, trú trì chùa Bảo Sơn tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Hòa thượng có vị đệ tử là Như Cầu – Đỗng Quan, trú trì chùa Quan Âm tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Hoà thượng Như Cầu có nhiều đệ tử, vị lớn là Hòa thượng Từ Hương, hiện trú trì chùa Bửu Nghiêm tại thành phố Pleiku, Gia Lai. Hiện nay ngôi chùa Quan Âm được giao phó lại vị đệ tử là Hòa thượng Nhật Châu thừa kế trú trì.

– Hòa thượng Không Vân – Trí Diệu, trú trì chùa Phước Long thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định.

– Hòa thượng Không Tôn – Nguyên Giác, trú trì chùa Diêu Quang xã Nhơn Thọ, huyện An Nhơn, Bình Định.

– Hòa thượng Không Tế – Thiện Ngôn, trú trì chùa Phước Lộc xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, Bình Định.

– Hòa thượng Không Tịnh – Pháp Thường, trú trì chùa Bảo Lâm tại Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định.

– Hòa thượng Không Tánh – Trí Nhàn, Khai sơn trú trì chùa Huệ Quang tại xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, Bình Định. Về sau Hòa thượng khai sơn thêm hai ngôi chùa khác là chùa Từ Quang và chùa Tường Quang tại huyện Phù Cát, Bình Định. Hòa thượng có nhiều đệ tử, vị đệ tử lớn là Hòa thượng Như Thị – Tịnh Thủy hiệu Hải Nguyện, hiện trú trì chùa Long Quy tại thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu. Hiện nay Hòa thượng Như Thị có vị đệ tử lớn là Thượng tọa Nhật Huy sang Hoa Kỳ hành đạo và sáng lập ngôi chùa Quan Âm tại Florida.

– Hòa thượng Không Thành – Tịnh Diệu, trú trì chùa Đại Viên xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định. Đệ tử của Hòa thượng gồm có: 

+ Hòa thượng Như Đạt – Đức Hải, thuở còn nhỏ Bổn sư cho ra Huế tham học, về sau trú trì chùa Long Quang tại thị trấn Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Sau khi viên tịch ngôi chùa nầy giao phó lại cho đệ tử lớn là Thượng tọa Nhật Cung – Minh Quang thừa kế trú trì.

+ Hòa thượng Như Quang – Viên Minh hiệu Minh Lý, hiện nay thừa kế Bổn Sư trú trì chùa Đại Viên tại xã Tây Phú, Tây Sơn, Bình Định.

+ Hòa thượng Như Trí – Viên Như hiệu Minh Thể, hiện nay thừa kế Hòa thượng Như Huy, trú trì chùa Qui Sơn tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.

+ Hòa thượng Như Tấn – Viên Tu, hiệu Minh Tánh, hiện trú trì tại Thiền thất Tịnh Độ thuộc Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

+ Ni trưởng Như Cát – Đạo Hạnh, khai sơn chùa Phổ Minh tại Đại Tòng Lâm thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Sau khi viên tịch, ngôi chùa nầy được giao phó lại cho đệ tử là Ni sư Nhật Hạnh – Từ Dung thừa kế trú trì.

– Hòa thượng Không Châu – Mật Viên, trú trì chùa Phổ Tịnh tại xã An Thái, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Hòa thượng có các đệ tử như:

+ Hòa thượng Như Tạng – Viên Hải hiệu Thông Đạt, thừa kế trú trì ngôi chùa Phổ Tịnh của Bổn sư để lại. 

+ Thượng tọa Như Minh – Minh Chánh, hiện đang trú trì chùa Mỹ Phong tại xã Mỹ Phong, Phù Mỹ, Bình Định. 

– Hòa thượng Không Ấn – Mật Hạnh, trú trì chùa Tân An tại Vạn Thuận phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn – Bình Định. Đệ tử của Hòa thượng gồm các vị như:

+ Hòa thượng Như Định – Đức Huệ hiệu Huệ Khai, hiện trú trì Tịnh thất Thanh Sơn tại xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

+ Hòa thượng Như Quả – Đức Mãn hiệu Thanh Tu, thừa kế trú trì chùa Tân An.

+ Hòa thượng Như Hà – Đức Lưu hiệu Huệ Hải, trú trì chùa Pháp Vân tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

+ Thượng tọa Như Long – Đức Lạc hiệu Thanh Trí, hiện nay thừa kế trú trì chùa Tân An của Bổn sư để lại.

– Hòa thượng Không Tín – Kế Châu, về sau thừa kế sư huynh Không Hoa – Huệ Chiếu, trú trì tổ đình Thập Tháp. (xem phần hành trạng của Hòa thượng)

* Chú thích:

[1] Hầu hết các tư liệu xưa nay đều cho rằng Ngài Phước Huệ vào Phú Yên tham học với Hòa thượng Pháp Chuyên – Luật Truyền. Nhưng xét ra không hợp lý, vì niên đại của HT. Pháp Chuyên (1726 -1798) và niên đại của HT. Phước Huệ (1869 – 1945) cách nhau trên 140 năm.

[2] Nội dung bài Chí nầy được chép đầy đủ ở Phần Phụ Lục cuối tập.

[3] Nội dung bài Thập Tháp Tự Chí được chép đầy đủ ở Phần Phụ Lục cuối tập.

(Chùa Thập Tháp và Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch, Tác giả: Thích Viên Kiên biên soạn).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *