KINH TRUNG BỘ (Majjhima Nikaya)
01- Kinh Pháp Môn Căn Bản (Mūlapariyāya Sutta)
Thích Nhựt Lâm biên soạn
—————–
DÀN BÀI:
A- GIỚI THIỆU
B- DUYÊN KHỞI
C- NỘI DUNG CHÍNH CỦA KINH
I- Năm tầng nhận thức
– Tưởng tri
– Thức tri
– Thắng tri
– Tuệ tri
– Liễu tri
II- Bốn Hạng người
1- Phàm phu (Puthujjana)
2- Vị Thánh hữu học (Sekkhā)
3- Vị Thánh A-la-hán
4- Đấng Như Lai
III. Hai mươi bốn vấn đề
– 4 vấn đề thuộc về sắc pháp (rūpadhamma) là: đất, nước, lửa, gió
– 8 vấn đề này thuộc hay thuộc về danh – sắc pháp (puggala paññatti,), còn gọi Là pháp chế định (paññattidhamma)
– 12 vấn đề thuộc pháp vô sắc hay danh pháp (nāmadhamma)
D- KẾT LUẬN
A- GIỚI THIỆU
Kinh số 01: Dhammamūlapariyāya Sutta (Kinh Pháp Môn Căn Bản).
– Dhamma (pháp): Chỉ cho những gì mang đặc tính riêng, cho dù đó là một tế bào, một hạt bụi, chiếc lá, ngọn cỏ cho đến những vì tinh tú hoặc vũ trụ, v.v… tất cả đều gọi là pháp. Pháp trong bài kinh này chỉ cho thân kiến (kāyadiṭṭhi).
– Mūla: Nghĩa là ‘căn bản’ vì từ một gốc rễ của ‘tưởng’ (sañña) đã nảy sinh nhiều luận thuyết cũng như nhiều quan niệm.
– Pariyāya: Là thứ lớp, pariyāya còn có nghĩa là nguyên nhân hoặc lời dạy.
Như vậy, Sabbadhammamūlapariyāya là lời dạy về gốc rễ những pháp liên quan phát sanh thân kiến, hay do cái biết của tưởng (sañjānāti) sanh khởi ái, mạn (māna), và thân kiến (kāyadiṭṭhi).
Thông hiểu gốc rễ của thân kiến tuy chỉ bằng trí văn hay trí tư cũng mang đến nhiều lợi ích, tạm thời xa lìa hai cực đoan thường kiến – đoạn kiến, tạm thời xa lìa hai quan điểm tự ngã – đại ngã, như những chủ thuyết có trong thời đức Phật.
Muốn nhận thức trọn vẹn nghĩa pháp, không còn nghi hoặc trong các quan điểm sai lệch, lầm lẫn, đòi hỏi hành giả phải thông đạt năm tầng tri, và thể nhập các pháp với thắng tri, tuệ tri và liễu tri.
B- DUYÊN KHỞI
Một thời đức Thế Tôn trú tại (tụ lạc) Ukkattha, trong rừng Subhaga (Hạnh phúc), dưới gốc cây đại thọ Sa-la, đức Thế Tôn vì thấy được tâm kiêu mạn của 500 vị Tỳ kheo ấy phát sanh nên đức Phật thuyết giảng bài kinh này để nhiếp phục sự ngã mạn “do tự hào về sự hiểu biết” của 500 vị Tỳ kheo dòng Bà-la-môn thuộc bộ tộc Licchavī.
B- NỘI DUNG CHÍNH CỦA KINH
Kinh Căn Bản Pháp môn (Dhammamūlapariyāya Sutta), thuộc Trung Bộ Kinh đức Phật đề cập đến năm tầng nhận thức.
1- Tưởng tri (sañjānati):
Là thức biết biểu hiện ở tâm trí qua một quá trình tương tác, dẫn truyền liên tục, làm phát khởi chủng tử và ảnh hiện hành liên tục. Tức là thức luôn bám khắn khít vào những hình ảnh đang trở thành chủng tử và hiện hành, nhưng thức biết này không nhận thức được pháp thật tính nên trở thành tưởng sai biệt.
2- Thức tri (vijānāti):
– Thế gian: Thông qua học hỏi, kinh nghiệm tuổi tác, thói quen hằng ngày…
– Học đạo: Thông qua học hỏi giáo lý Duyên khởi, Bát chánh đạo, Tứ diệu đế…
3- Thắng tri (abhijānāti):
– Người thể nghiệm đạo: Thức biết của những hành giả sau khi học hỏi và tư duy các pháp (Bát chánh đạo, Tứ diệu đế, Lục độ ba la mật, v.v…)
– Thánh hữu học: Là còn trong quá trình tu tập các pháp môn vô thường, khổ, vô ngã. Bậc thánh hữu học chưa chứng Thánh quả và đang nương tựa chánh pháp để hành trì.
4- Tuệ tri (pajānāti):
Là thức biết rõ thật tướng của các pháp là do duyên sanh, vô thường, vô ngã, nhân quả, v.v…
– Thánh quả A-la-hán: Là bậc vô học, hành giả đã trải qua quá trình cần mẫn văn tư tu với sự thanh tịnh, vắng lặng và không còn một bóng mờ nào che đậy tâm thức.
– Muốn xây dựng được công trình tuệ tri, hành giả phải chánh niệm từng sát na để loại bỏ các lậu hoặc và sống đúng với chánh pháp.
5- Liễu tri (parijānāti):
Là thức biết tất cả pháp như thật và diệu dụng đúng với khế lý, khế thời, khế cơ, gọi là cái biết của Phật quả.
Do vậy, năm tầng tri trên là tiến trình của địa vị phàm phu đến bậc thánh quả.
– Phàm phu thường có nhận thức sai lầm về bản thể thật tính của các pháp, nên đức Phật dùng từ tưởng tri (sañjānati).
– Một số phàm nhân có duyên may gặp được bậc thánh, được nghe bậc thánh thuyết giảng pháp, được học hỏi pháp bậc thánh, nhưng chưa thể nhập vào pháp, gọi là thức tri (vijānāti).
– Sự nhận thức của bậc thánh hữu học, đức Phật gọi chung là thắng tri (abhijānāti), tức là cái biết các pháp đưa đến Niết bàn (do văn – tư – tu sanh trí).
– Khi nói đến cái biết của thánh lậu tận A-la-hán, đức Phật dùng từ tuệ tri (pariññā) hiểu biết rõ ràng, hiểu thấu chân lý và loại trừ lậu hoặc.
– Khi nói đến cái biết của đấng Như Lai, ngài dùng từ liễu tri (pariññā), hiểu biết trọn vẹn và hành pháp trọn vẹn.
* Sơ đồ: Ngũ tầng Tri thông qua ngũ Nhãn và đạt được ngũ phần chân hương và thấy rõ ngũ Uẩn:
- Tưởng tri >>> Nhục nhãn >>> Giới hương (sẽ nhìn rõ Sắc uẩn)
- Thức tri >>> Thiên nhãn >>> Định hương (sẽ nhìn rõ Thọ uẩn)
- Thắng tri >>> Pháp nhãn >>> Tuệ hương (sẽ nhìn rõ Tưởng uẩn)
- Tuệ tri >>> Tuệ nhãn >>> Giải thoát hương (sẽ nhìn rõ Hành uẩn)
- Liễu tri >>> Phật nhãn >>> Giải thoát tri kiến hương (nhìn rõ Thức uẩn)
– Tưởng tri: Cái nhìn của Nhục nhãn, hành giả thực hành về giới luật (tứ oai nghi), ngăn ngừa ác pháp phát sinh thì phát sinh Giới hương (thực hành bốn oai nghi).
– Thức tri: Là cái nhìn của Thiên nhãn. Cái biết để thực hành các thiện gọi là Thiên nhãn. Không bị bát phong (buồn – vui, khen – chê, vinh – nhục, được – mất) xoay chuyển nên có Định hương (không bị Bát phong làm nhiễu loạn).
– Thắng tri: Là cái nhìn của Pháp nhãn. Cái biết có sàn lọc để đến chân lý duyên sinh, vô ngã và nhìn các pháp đúng chân lý như thật thì đạt được Tuệ hương (duy tuệ thị nghiệp).
– Tuệ tri: Là cái biết của Tuệ nhãn. Tuệ tri là như lý quán sát, như lý tác ý thì sẽ đạt được Giải thoát hương (như lý tác ý).
– Liễu tri: Là cái nhìn của Phật nhãn. Lý sự viên dung bằng tuệ giác thông qua hành động khế lý, khế thời, khế cơ nên đạt được Giải thoát tri kiến. Đức Phật tùy theo căn cơ của chúng sanh mà giảng pháp và chuyển hóa mọi chúng sanh (thõng tay vào chợ).
II- Bốn hạng người
– Kẻ phàm nhân (Puthujjana)
– Thánh hữu học (Sekkhā)
– Thánh lậu tận A-la-hán (Arahaṃ khīṇāsava)
– Đấng Như Lai (Tathāgato)
1- Kẻ vô văn phàm phu (Assutavā puthujjano)
Kinh văn: “Này các Tỳ-kheo, ở đây, có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh[1], không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhân[2], không thuần thục pháp các bậc Chơn nhân, không tu tập pháp các bậc Chơn nhân, tưởng tri địa đại là địa đại. Vì tưởng tri địa đại là địa đại, người ấy nghĩ đến địa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, người ấy nghĩ: Ðịa đại là của ta – dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri địa đại.”[3]
Hạng người này thờ ơ trong học hỏi, hay có nghe, có học hỏi nhưng xao lãng trong việc phân tích các pháp như uẩn (khandha), xứ (āyatana), giới (dhātu), đế (sacca), duyên khởi (paṭicca samuppada), niệm xứ, chánh cần, v.v…
2- Thánh hữu học (Sekkhā) là chỉ cho ba bậc Dự lưu[4], Nhất lai[5] và Bất lai[6]
Kinh văn: “Này các Tỳ kheo, có Tỳ kheo, hữu học tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi khổ ách. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy đã không nghĩ đến địa đại, đã không nghĩ (tự ngã) đối chiếu với địa đại, đã không nghĩ (tự ngã) như là địa đại, đã không nghĩ: Ðịa đại là của ta, không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy có thể liễu tri địa đại.”[7]
Nói cách khác, bậc Hữu học là bậc đã vượt qua phàm tính đang tiến dần đến sự giải thoát hoàn toàn mọi sinh hữu, còn bậc Vô học đã hoàn toàn thoát ra mọi sinh hữu. Thánh hữu học hiểu rõ “24 vấn đề” qua ba tuệ: Văn – tư – tu.
* Hữu (bhava) có hai loại hữu:
– Nghiệp hữu (Kammabhava): Là những nghiệp từ thân, ngữ, ý tạo ra
– Sinh hữu (Upapattibhava): Sanh hữu là những cảnh giới tái sanh.
3- Thánh lậu tận A-la-hán[8]
Kinh văn: “Này các Tỳ-kheo, có Tỳ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng trí địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: Ðịa đại là của ta – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có tham dục, nhờ tham dục đã được đoạn trừ. Các lậu đã tận, tu hành thành mãn các việc nên làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát.”[9]
Kiết hay kết nghĩa là buộc lại, sử là sai khiến. Kiết sử[10] là cột lại để sai khiến đi vào con đường khổ đau.
* Chánh trí giải thoát (Samma – aññā vimutto):
Vị thánh A-la-hán thấy rõ như thật nhân duyên sinh khởi các pháp như uẩn, xứ, giới, đế không còn bị nhầm lẫn nên trí tuệ ấy được gọi là chánh trí.
4- Như Lai (Tathāgato)
Kinh văn: “Như Lai thắng tri thủy đại… hỏa đại… Như Lai thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, Như Lai không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: Niết-bàn là của Ta – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai biết rằng: Dục hỷ là căn bản của đau khổ, từ hữu, sanh khởi lên, và già chết đến với loài sinh vật. Do vậy, này các Tỳ kheo, Ta nói vì Như Lai, với sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sự ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự trừ bỏ hoàn toàn các ái, đã chơn chánh giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác.”[11]
Đức Phật là vị đã thấy những gì cần thấy, nhưng không có tưởng tượng điều đã được thấy. Không có tưởng tượng những cái gì không được thấy, không có tưởng tượng những gì cần phải thấy, không có tưởng tượng đối với người thấy.
Đã nghe những gì cần nghe, nhưng không có tưởng tượng điều đã được nghe, không có tưởng tượng những gì không được nghe, không có tưởng tượng những gì cần phải nghe, không có tưởng tượng đối với người nghe.
Đã cảm giác những cái gì cần cảm giác. Đã thức tri những gì cần thức tri.
Như vậy, này các Tỳ kheo, Như Lai đối với các pháp được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, nên vị ấy là như vậy.
III. Hai mươi bốn vấn đề
Đức Thế Tôn thuyết giảng tuần tự theo thứ lớp về sự biết do tưởng (Sañjānāti) qua sắc pháp, qua danh pháp. Mỗi vấn đề do tưởng dẫn dắt tạo ra kiến, mạn và ái;[12] ba tà pháp này trộn lẫn vào nhau. Nếu không có trí nhận biết, chúng phát xuất từ gốc rễ nào thì rất khó giải trừ chướng ngại, ràng buộc do chúng tạo ra.
1- Bốn vấn đề thuộc về sắc pháp (Rūpadhamma) là: đất, nước, lửa, gió.
2- Tám vấn đề thuộc về danh – sắc pháp (Puggala paññatti) còn gọi là pháp chế định (Paññattidhamma).
– Chúng sanh: Chúng sanh thuộc về tính cơ bản, tức là chỉ cho các hữu tình có trong tam giới Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới.
– Chư thiên: Là chỉ cho chúng sanh trú trong Dục giới. Chúng sanh là danh từ phổ thông, chỉ cho những hữu tình không có, hoặc có ít phước, còn những hữu tình có phước tương đối cao, được định danh là chư thiên.
– Sanh chủ: Chúng sanh có phước cao nhất trong cõi Dục, được định danh là Sanh chủ. Ví như trong quốc độ, thường dân là người có phước kém, các quan cận thần là người có nhiều phước, Hoàng tộc có đức vua đứng đầu, là những người có phước lớn trong quốc độ đó. Sanh chủ trong kinh là vị chúa tể cõi Dục giới.
– Phạm thiên: Người thành tựu ở Sơ thiền – ly dục sanh hỷ. Sơ thiền gồm có ba cõi: Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên và Đại Phạm thiên.
– Quang âm thiên: Thành tựu Nhị thiền – định sanh hỷ. Phạm thiên cõi Quang Âm (Ābhā sarā etasanti ābhassarā) là những vị Phạm thiên có hào quang phóng ra từ thân mình thành từng tia, do định mà có.
– Biến tịnh thiên: Thành tựu Tam thiền – ly hỷ diệu lạc. Phạm thiên biến tịnh là chúa cõi Tam thiền, toàn thân vị này được bao phủ với hào quang, hào quang ấy là một khối rực rỡ và đẹp như một miếng vàng sáng chói được đặt trong cái hộp vàng. Tầng Tam thiền cũng có ba cõi là:
+ Thiểu tịnh thiên (Parittasubhābhūmi).
+ Vô lượng tịnh thiên (Appamāṇasubhābhūmi).
+ Biến tịnh thiên (Subhākiṇhābhūmi).
– Quảng quả thiên: Thành tựu Tứ thiền – xả niệm thanh tịnh. Quảng quả thiên là một trong bảy cõi của tầng Tứ thiền. Sở dĩ gọi là Quảng Quả vì khi thế gian bị hoại do lửa thì ba cõi Sơ thiền đều cháy rụi, cứ bảy lần hoại do lửa thì có một lần hoại do nước, khi thế gian bị hoại do nước thì cả ba cõi Nhị thiền cũng hoại theo, cứ bảy lần hoại do nước thì có một lần hoại do gió, khi ấy ba cõi Tam thiền cũng bị hoại, riêng cõi Tứ thiền đều tránh khỏi cả ba loại tai họa này, do đó có tên gọi là Quảng quả thiên (cõi trời có quả phúc rộng lớn).
– Thắng giả: Người biết áp dụng Tứ diệu đế vào trong Ngũ uẩn gọi là Thắng tứ danh uẩn. Thắng giả là tên gọi khác của chúng sanh cõi Vô tưởng (Asaññasattabhūmi).
3- Mười hai vấn đề thuộc pháp vô sắc hay danh pháp (Nāmadhamma):
* Bốn thiền Vô sắc:
– Không vô biên xứ (Ākānañcāyatana maññati) còn gọi là Hư không vô biên xứ:
Thành tựu được tầng thiền Vô sắc Không vô biên xứ là tầng thiền Vô sắc đầu tiên. Hành giả tu tập các đề mục Kasina[13] đạt đến Tứ thiền, muốn tu tập thiền Vô sắc Không Vô biên xứ, phải nhập Tứ thiền với một trong chín đề mục Kasina (trừ đề mục Hư không), hành giả vượt qua sắc tưởng, chướng ngại tưởng, dị biệt tưởng của thiền Hữu sắc, chứng đạt được tầng thiền Vô sắc đầu tiên có tên gọi là Không vô biên xứ.
Gọi là Không vô biên vì biên giới sinh và biên giới diệt của nó không được biết đến, cái khoảng không còn lại sau khi dời bỏ kasina, gọi là Hư không. Vì không có biên giới (Anta) nên gọi là vô biên (Ananta).
– Thức vô biên xứ (Viññāṇañcāyatana):
Thiền này có tên gọi là Vô biên, nhưng thật ra không thể gọi là Vô biên, vì “khoảng không” ấy tuy rộng lớn, nhưng vẫn còn bị thức biết.
– Vô sở hữu xứ (Ākiñcaññāyatana):
Hành giả lấy trạng thái diệt của Thức vô biên xứ làm đề mục tu tập, trạng thái này trống không, chẳng có chi cả, nên có tên gọi là Vô sở hữu xứ.
– Phi tưởng phi phi tưởng xứ (Nevasaññāsaññāyatana):
Gọi là “phi tưởng” không phải là không có tưởng mà vì tính cách an tịnh của tầng thiền này, tức là dường như có dường như không, mọi ý nghĩ (tưởng) dường như không thể hiện rõ. Nói cách khác, một tưởng cực vi tế, nó không thể làm tròn chức năng nên gọi là phi tưởng, chữ “phi phi tưởng” nối tiếp theo sau nhằm giải rõ ý nghĩa này, tức là tầng thiền này rất an tịnh.
– Sở kiến: Nghĩa là những gì được thấy.
– Sở văn: Là sự nghe.
– Sở xúc: Sự biết khi căn tiếp xúc trần.
– Sở tri: Là điều nhận biết được bởi ý thức. Sự biết này có thể bằng tâm bình thường do năm giác quan dẫn nhập vào, tức là do quan sát sắc, thinh, hương, vị, xúc ở bên ngoài rồi dẫn nhập vào ý thức.
Bốn tiêu đề: Sở kiến, sở văn, sở xúc và sở tri, ám chỉ sáu ngoại xứ (sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp xứ) đối chiếu với sáu nội xứ (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý xứ), đồng thời nói lên năm thắng trí.
Sở kiến có được là do nhãn xứ tiếp chạm với sắc xứ, phát sanh nhãn xúc, dẫn đến nhãn thọ, rồi từ đó phát sanh ái… Tương tự như vậy đối với sở văn, sở xúc, sở tri. Tất cả chỉ do tưởng mà ra, nhưng phàm nhân vì không thấu hiểu rõ ràng nên bị tưởng vây hãm, không thể thoát ra ảnh hưởng của tưởng nên không thể giải thoát, đắc chứng Niết bàn.
– Dị biệt: Tức là có sự phân biệt giữa tâm với cảnh chấp nhận sai biệt.
Kinh văn: “Vị ấy tưởng tri sai biệt là sai biệt (nānattam nānatto sañjānāti)… Ta nói kẻ ấy không hiểu sai biệt.”
Ví dụ: Hữu (astika) là những hệ tư tưởng theo truyền thống Bà la môn giáo, chấp nhận có đấng sáng tạo. Vô (nastika) là những hệ tư tưởng phủ nhận Thượng đế hay Đấng sáng tạo.
– Đồng nhất: Người chứng đạt thiền Sắc hay thiền Vô sắc gọi là “đồng nhất” vì khi ấy tâm và ấn tướng chỉ còn là một (eka + atta).
Kinh văn: “Vị ấy tưởng tri Đồng nhất là Đồng nhất Ta nói kẻ ấy không hiểu rõ Đồng nhất.”
– Tất cả: Là tất cả (sabba sabbato): “Tôi ở trong tất cả, tất cả là một chướng ngại của tôi”.
Kinh văn: “Vị ấy tưởng tri tất cả là tất cả (sabbaṃ sabbato sañjānāti)… Ta nói kẻ ấy không hiểu rõ tất cả”.
Có những trường phái chấp nhận mọi chủ thuyết đương thời, như phái của Giáo chủ Sañjaya Belatthiputta[14] (San Xà Dạ Tỳ La Chi Tử), chủ trương của phái này là tránh né các câu hỏi bằng cách trườn uốn, đức Thế Tôn gọi giáo thuyết này là ngụy biện kiến, một lối lý luận trườn uốn như con lươn.
– Về Niết bàn:
Kinh văn: “Vị ấy tưởng tri Niết bàn là Niết bàn… Ta nói kẻ ấy không hiểu rõ Niết bàn.”
Niết bàn là thân và tâm ko bị trói buộc bất cứ pháp nào. Còn nếu thấy Niết bàn là an lạc thì còn có ngã để tồn tại. Niết bàn là tên gọi khác của hành giả liễu tri.
* Tóm lại:
– Trong 24 tiêu đề, mỗi tiêu đề đức Thế Tôn đều nhấn mạnh đến tưởng tri, vì chấp nhận cái biết do tưởng, nên phàm nhân có quan niệm (Maññati) theo pháp chế định và cho đó là sự thật.
– Nên hiểu rằng pháp chế định là tên gọi cho những gì “không có thật” lẫn “có thật”.
– Những danh từ chỉ “điều không có thật” như “trách nhiệm, Thượng đế, tạo hóa, giai cấp…”, những điều này xuất phát từ một qui ước được nhiều người chấp nhận, nhưng không có bản thể thật tánh pháp (Sabhāvadhamma).
– Ai là người tạo ra những qui ước ấy? Chính là những người lãnh đạo một tập thể nào đó, như đức vua lập ra những qui ước về thuế, những hình phạt, cách ban thưởng, cách trang phục trong nghi lễ… ở trong quốc độ của mình và dân chúng phải tuân theo. Các giáo sĩ Bà la môn tạo ra bốn giai cấp, các vị lãnh chúa lập ra những qui định riêng trong lãnh thổ mình cai quản, những vị được nhiều người kính trọng như những ẩn sĩ, đạo sĩ, các giáo chủ ngoại giáo…
– Những qui ước ấy chỉ có giá trị tạm thời trong một thời gian nào đó, khi vị lãnh đạo khác lên thay, những qui ước ấy sẽ biến đổi hoặc không còn tồn tại. Cùng thế ấy, những quan niệm không đúng theo thật tính pháp chỉ có giá trị một thời gian nào đó mà thôi, khi ánh sáng chân lý soi rọi đến thì những chủ thuyết phi chân cũng phải thay đổi hay bị rụi tàn.
D- KẾT LUẬN
Kẻ phàm phu vì không thân cận bậc thánh, lại do nhận lầm thật tướng của 24 vấn đề, nên từ đó sanh khởi thân kiến. Gốc rễ của thân kiến chính là ái, mạn và tà kiến (tưởng tri).
Bậc Thánh hữu học, không còn tưởng sai biệt, đối với 24 vấn đề trên, các ngài tuy chưa thông suốt nhưng tâm không còn tưởng sai biệt dẫn dắt khiến phải rơi vào thân kiến (thắng tri).
Bậc Thánh A-la-hán đã thông suốt 24 vấn đề trên, các ngài không còn bị tưởng chi phối; đã nhìn thấy đúng thực tướng pháp, và đoạn tận ái, mạn do tưởng tạo ra (tuệ tri).
Đấng Như Lai, ngoài sự nhận thức đúng như vị Thánh A-la-hán, ngài còn biết rõ trọn vẹn 24 vấn đề trên sanh lên do nhân gì? Và chúng sẽ diệt mất do nhân gì, chúng hiện bày có những hình thức như thế nào? Đức Thế Tôn liễu tri tất cả như thế đó.
Ý nghĩa của bài kinh này cho chúng ta thấy, Như Lai là bậc thấy, nghe, cảm giác, thức tri như thật “nó là như vậy”. Sự thấy rõ các pháp bằng tuệ giác không do tưởng tượng, sự nghe, sự cảm nhận, sự hiểu biết cũng do trí, không phải do tưởng tượng, đó là giá trị của bài kinh.
* Chú thích:
[1] Chỉ cho đức Phật và đệ tử của đức Phật.
[2] Chỉ cho Bích Chi Phật và đệ tử của Phật.
[3] Kinh Trung Bộ, bài 01 Kinh Pháp Môn Căn Bản (Mulapariyaya Sutta), HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr.20.
[4] Dự lưu hay Sơ quả Tu-đà-hoàn (Sotāpatti): là ly dục sanh hỷ – dự vào dòng sông pháp tánh. Phá được ba kiết sử Thân kiến, Giới cấm thủ, và nghi.
[5] Nhất lai hay Nhị quả Tư-đà-hàm (Sakadāgāmī): định sanh hỷ lạc; loại bỏ ba kiết sử Thân kiến, Giới cấm thủ, và nghi. Giảm bớt tham, sân; vẫn còn vi tế chưa đoạn hết.
[6] Bất lai hay Tam quả A-na-hàm (Anāgāmī): là ly hỷ diệu lạc; loại bỏ, đoạn trừ được năm kiết sử tham, sân, si, thân kiến và giới cấm thủ.
[7] Kinh Trung Bộ, bài 01 Kinh Pháp Môn Căn Bản (Mulapariyaya Sutta), HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr. 20.
[8] Xả niệm thanh tịnh. Đoạn tận 10 kiết sử.
[9] Kinh Trung Bộ, bài 01 Kinh Pháp Môn Căn Bản (Mulapariyaya Sutta), HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr. 21.
[10] Mười kiết sử gồm có:
- Tham: sự tham muốn mọi sự.
- Sân: sân giận, hung dữ, nóng nảy.
- Si: là sự mê tối, không phân được chánh tà.
- Mạn: kiêu ngạo, khinh người.
- Nghi: nghi ngờ chánh pháp.
- Thân kiến: thấy thân này là thật.
- Biên kiến:thấy biết một bên.
- Tà kiến: thất biết sai lầm.
- Kiến thủ: chấp giữ sự thấy biết sai lầm cho là đúng.
- Giới cấm thủ: chấp giữ những giới sai quấy.
[11] Kinh Trung Bộ, bài 01 Kinh Pháp Môn Căn Bản (Mulapariyaya Sutta), HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr.23.
[12] Kiến, mạn và ái: chướng ngại sai biệt lầm lạc, chấp ngã chấp pháp hẫy hừng, đắm chìm trong ngũ dục.
[13] Kasina là những đối tượng được dùng trong thiền quán. Có 10 loại được đề cập: Đất, nước, lửa, gió, không khí, màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, khoảng không, ánh sáng.
Kasina cũng gọi là Thiền chỉ được biết với tên gọi khác là Samatha, Dhyana, Yana. Thiền chỉ nhằm làm ổn định tâm thức của hành giả để tiến xa trên nền tảng của thiền quán (Vipassana).
[14] Lục sư ngoại: Là sáu người sáng lập sáu trường phái triết học và tôn giáo chủ yếu thời ấy, gồm:
- A Kỳ Đa Xí Xá Khâm Bà La (Ajita Kesakambalin): chủ trương Duy Vật Luận, tức là thế giới và con người do Tứ Đại hợp thành, chủ trương con người chết đi là hết, không thiện, không ác.
- Ca La Cưu Đà Ca Chiên Diên (còn phiên là Bạt Câu Đà Ca Chiên Diên, Pakudha Kaccāyana): chủ trương mọi hiện tượng do bảy yếu tố là đất, nước, gió, lửa, khổ, lạc, và mạng hợp thành. Thậm chí giết người không có tội vì chỉ là lưỡi gươm cắt đứt sự tổ hợp của bảy yếu tố.
- Phú Lan Na Ca Diếp (Pūrana Kassapa): chủ trương sổ toẹt mọi quy chuẩn đạo đức trong xã hội đương thời, theo thuyết đoạn diệt.
- Mạt Già Lê Câu Xá Lê Tử (Makkhali Gosāla): chủ trương trần truồng, chủ trương quyết định luận. Chúng Sanh khổ hay vui chẳng do nhân duyên, mà tự nhiên nó là như thế! Con người không có cách nào thay đổi số phận.
- San Xà Dạ Tỳ La Chi Tử (Sañjaya Belatthiputta): chủ trương hoài nghi luận, đề xướng con người khi nào chịu hết khổ sẽ sướng, giống như bánh xe hết lên cao sẽ xuống thấp.
- Ni Càn Đà Nhã Đề Tử (Nigantha Nātaputta): chủ trương tương đối luận, ông này trở thành thỉ tổ đạo Jain (Kỳ Na Giáo) sau này. Tu sĩ phái này cũng thích lõa thể, họ tin rằng trần truồng là giải thoát mọi vướng mắc, chấp trước.