Kinh Phật Thuyết A Di Đà giảng thuật – phần 16 (tiếp theo)

Tác giả: Thích Huyền Châu

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Nam phương thế giới hữu Nhật Nguyệt Đăng Phật, Danh Văn Quang Phật, Đại Diệm Kiên Phật, Tu Di Đăng Phật, Vô Lượng Tinh Tấn Phật; như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật, các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng, biến phú tam thiên đại thiên thế giới, thuyết thành thiệt ngôn: “Nhữ đẳng chúng sanh đương tín thị xưng tán bất khả tư nghị công đức nhứt thiết chư Phật sở hộ niệm kinh”.

Dịch nghĩa:

Xá Lợi Phất! Ở thế giới phương Nam có Phật Nhật Nguyệt Đăng, Phật Danh Văn Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tu Di Đăng, Phật Vô Lượng Tinh Tấn. Giống như vậy, hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy: “Chúng sinh các ngươi phải nên tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn và kinh được tất cả chư Phật hộ niệm này”.

Giảng:

Đức Phật bảo với ngài Xá Lợi Phất, ở phương Đông có vô lượng chư Phật tán thán kinh này, thì ở thế giới phươngNamcũng có vô lượng đức Phật đồng nói lời như vậy. Có năm đức Phật điển hình như:

Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng: Nhất thiết trí là mặt trăng, đạo chủng trí là mặt trời, nhất thiết chủng trí là ngọn đèn chiếu soi. Hào quang của đức Phật này ví như ánh sáng chiếu soi của mặt trời, mặt trăng vậy.

Đức Phật Danh Văn Quang: Danh xưng của đức Phật này chúng sinh khắp pháp giới thảy đều nghe đến.

Đức Phật Đại Diệm Kiên: Đức Phật này thường phóng hào quang từ hai vai. “Diệm” chính là đại huệ, “kiên” thể hiện sự gánh vác.

Đức Phật Tu Di Đăng: Ánh hào quang của đức Phật này vô lượng như ánh sáng của núi Tu Di.

Đức Phật Vô Lượng Tinh Tấn: Tinh là chuyên ròng, tấn là tiến tới. Hồng danh này thể hiện hạnh nguyện độ sinh không ngừng nghỉ của Phật.

“Giống như vậy, hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy: “Chúng sinh các ngươi phải nên tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn và kinh được tất cả chư Phật hộ niệm này”.

Chúng ta nên phát tâm thành tín, nguyện tâm tha thiết và hạnh tâm tinh tấn để tán thán, xưng tụng, tu tập theo kinh này.

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Tây phương thế giới hữu Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Tướng Phật, Vô Lượng Tràng Phật, Đại Quang Phật, Đại Minh Phật, Bảo Tướng Phật, Tịnh Quang Phật; như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật, các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng, biến phú tam thiên đại thiên thế giới, thuyết thành thiệt ngôn: “Nhữ đẳng chúng sanh đương tín thị xưng tán bất khả tư nghị công đức nhứt thiết chư Phật sở hộ niệm kinh”.

Dịch nghĩa:

Xá lợi Phất! Ở thế giới phương Tây có Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lượng Tướng, Phật Vô Lượng Tràng, Phật Đại Quang, Phật Đại Minh, Phật Bảo Tướng, Phật Tịnh Quang. Giống như vậy hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy: “Chúng sinh các ngươi phải nên tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn và kinh được tất cả chư Phật hộ niệm này”.

Giảng:

Đức Phật dạy tiếp với ngài Xá Lợi Phất rằng ở phương Tây cũng có bảy đức Phật điển hình trong vô lượng chư Phật, đồng nói lời khen ngợi, tán thán và hộ niệm kinh này.

Đức Phật Vô Lượng Thọ: Đức Phật này có thọ mạng vô lượng. Có thể trùng tên với đức Phật A Di Đà nhưng điều này không quan trọng. Chư Phật mười phương trùng tên rất nhiều. Chúng ta phát tâm tu tập nên sinh tâm buông bỏ, đừng chấp vào điều gì cả thì vọng tưởng tự nhiên dứt bặt mà thôi.

Đức Phật Vô Lượng Tướng: Đức Phật này có tám mươi bốn ngàn vi trần tướng hảo, thường tùy cơ ứng hiện nhiếp hóa chúng sinh.

Trong kinh thường nói đức Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, nhưng thật ra không phải giới hạn như thế đâu. Một đức Phật trải qua ba A tăng kỳ kiếp gieo trồng thiện căn, nuôi dưỡng và thành tựu tâm Vô thượng bồ đề thì tất nhiên chánh báo ấy cũng tốt đẹp vô cùng.

Đức Phật Vô Lượng Tràng: Tràng phan, trong rỗng ngoài tròn dụ cho Phật tánh rỗng lặng mà sáng suốt tròn đầy che mát vô lượng chúng sinh.

Đức Phật Đại Quang: Ý nói cái thể của đức Phật này có khả năng chiếu sáng khắp nơi.

Đức Phật Đại Minh: Đại minh tức là cái dụng của thể tánh Phật có ánh sáng chiếu khắp mười phương. Hai vị Phật Đại Quang và Đại minh đồng hiển lộ trí huệ to lớn.

Đức Phật Bảo Tướng: Nghĩa là công đức trí báu của ngài có tướng sáng tròn đầy.

Đức Phật Tịnh Quang: Sự thanh tịnh quang minh của ngài chiếu khắp chúng sinh.

“Giống như vậy hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy: “Chúng sinh các ngươi phải nên tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn và kinh được tất cả chư Phật hộ niệm này”.

Tướng lưỡi rộng dài ở đây chúng ta có thể hiểu theo nghĩa nhỏ nhất ấy là một niệm. Vì sao? Vì vô lượng thế giới đều hình thành từ một tâm niệm. Cũng như vô lượng quốc độ không ra ngoài bản chất một vi trần. Cho nên, tướng lưỡi rộng dài được hiểu là một niệm truyền trao Phật pháp từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Bắc phương thế giới hữu Diệm Kiên Phật, Tối Thắng Âm Phật, Nan Trở Phật, Nhựt Sanh Phật, Võng Minh Phật; như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật, các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng, biến phú tam thiên đại thiên thế giới, thuyết thành thiệt ngôn: “Nhữ đẳng chúng sanh đương tín thị xưng tán bất khả tư nghị công đức nhứt thiết chư Phật sở hộ niệm kinh”.

Dịch nghĩa:

Xá Lợi Phất! Thế giới phương Bắc có Phật Diệm Kiên, Phật Tối Thắng Âm, Phật Nan Trở, Phật Nhật Sanh, Phật Võng Minh. Giống như vậy hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy: “Chúng sinh các ngươi phải nên tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn và kinh được tất cả chư Phật hộ niệm này”.

Giảng:

Phật dạy ngài Xá Lợi Phất rằng, ở thế giới phương Bắc cũng có vô lượng chư Phật tán thán, hộ niệm và nguyện hứa sẽ hộ trì những ai thành kính thọ trì kinh nầy. Ở đây Như Lai sẽ nêu ra công đức và đạo hạnh của năm vị Phật đại diện cho ông và chúng sinh đời hậu lai biết.

Đức Phật Diệm Kiên:  Đức Phật này cũng phóng ánh hào quang từ vai để cứu độ, giáo hóa chúng sinh.

Đức Phật Tối Thắng Âm: Âm thanh của đức Phật này hết sức vi diệu, tiếng nói nghe cùng khắp.

Đức Phật Nan Trở:Nan trở tức là không hư hoại. Ý nói giáo pháp và công đức của ngài không ai có thể phá hoại được.

Đức Phật Nhật Sanh: Trí tuệ Phật như mặt trời mới mọc, là chủ các tinh tú nuôi dưỡng vạn vật.

Đức Phật Võng Minh: Trí tuệ Phật sáng ngời như lưới võng minh châu, biểu thị ánh sáng giác ngộ rực rỡ.

“Giống như vậy hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy: “Chúng sinh các ngươi phải nên tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn và kinh được tất cả chư Phật hộ niệm này”.

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Hạ phương thế giới hữu Sư Tử Phật, Danh Văn Phật, Danh Quang Phật, Đạt Ma Phật, Pháp Tràng Phật, Trì Pháp Phật; như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật, các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng, biến phú tam thiên đại thiên thế giới, thuyết thành thiệt ngôn: “Nhữ đẳng chúng sanh đương tín thị xưng tán bất khả tư nghị công đức nhứt thiết chư Phật sở hộ niệm kinh”.

Dịch nghĩa:

Xá Lợi Phất! Thế giới phương Dưới có Phật Sư Tử, Phật Danh Văn, Phật Danh Quang, Phật Đạt Ma, Phật Pháp Tràng, Phật Trì Pháp. Giống như vậy hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy: “Chúng sinh các ngươi phải nên tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn và kinh được tất cả chư Phật hộ niệm này”.

Giảng:

Ở thế giới phương Dưới có vô lượng chư Phật như ở các phương Đông,Tây,Nam, Bắc cũng nói lời tán thán, hứa khả hộ trì kinh này và những chúng sinh tu tập theo kinh này. Kinh văn nêu tên sáu vị Phật đại điện, có công đức và đạo hạnh như sau:

Đức Phật Sư Tử: Tiếng pháp của vị Phật này khi cất lên hùng dũng làm cho ngoại đạo khiếp sợ, giống như tiếng hống sư tử cất lên thì muôn thú ẩn dạng.

Đức Phật Danh Văn: Đức tướng của đức Phật này vang dội khắp nơi, ai cũng biết và ca ngợi.

Đức Phật Danh Quang: Hào quang của vị Phật này chiếu sáng vô biên, chúng sinh thảy đều biết đến.

Đức Phật Đạt Ma: Pháp khí trùm khắp. Đức Phật này dùng pháp khí giáo hóa chúng sinh.

Đức Phật Pháp Tràng: Pháp đức của ngài vượt hơn tất cả, lấy pháp làm bảo tràng trang nghiêm cõi Phật.

Đức Phật Trì Pháp: Thể hiện đạo hạnh giữ gìn giới luật, trì kinh độ sinh.

“Giống như vậy hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy: “Chúng sinh các ngươi phải nên tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn và kinh được tất cả chư Phật hộ niệm này”.

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Thượng phương thế giới hữu Phạm Âm Phật, Tú Vương Phật, Hương Thượng Phật, Hương Quang Phật, Đại Diệm Kiên Phật, Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân Phật, Ta La Thọ Vương Phật, Bảo Hoa Đức Phật, Kiến Nhất Thiết Nghĩa Phật, Như Tu Di Sơn Phật; như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật, các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng, biến phú tam thiên đại thiên thế giới, thuyết thành thiệt ngôn: “Nhữ đẳng chúng sanh đương tín thị xưng tán bất khả tư nghị công đức nhứt thiết chư Phật sở hộ niệm kinh”.

Dịch nghĩa:

Xá Lợi Phất! Thế giới phương Trên có Phật Phạm Âm, Phật Tú Vương, Phật Hương Thượng, Phật Hương Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân, Phật Ta La Thọ Vương, Phật Bảo Hoa Đức, Phật Kiến Nhất Thiết Nghĩa, Phật Như Tu Di Sơn. Giống như vậy hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy: “Chúng sinh các ngươi phải nên tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn và kinh được tất cả chư Phật hộ niệm này”.

Giảng:

Phật dạy ở phương Trên cũng có vô lượng chư Phật nói lời thán tán, hộ niệm kinh này. Có mười vị Phật đại diện, công đức và đạo hạnh của các ngài như sau:

Đức Phật Phạm Âm: Lời nói của Phật này thanh tịnh, trong sáng như tiếng trời Phạm thiên.

Đức Phật Tú Vương: Trí Phật chiếu soi như vua tinh tú. Nguyện lực đức Phật này trong quá khứ lớn mạnh vô cùng.

Đức Phật Hương Thượng: Nghĩa của hồng danh đức Phật ở trong câu “Giới hương thanh tịnh đặng vô thượng diệu đế”. Hương thanh tịnh ở đây chỉ có ngũ phần chơn hương, tức là hương giới, hương định, hương huệ, hương giải thoát và hương giải thoát tri kiến. Tu ngũ phần chơn hương thành tựu thì chứng đắc chân lý thâm sâu vi diệu vô thượng. Khi thành khẩn đốt hương dâng cúng thì đức Phật này sẽ đến chứng minh.

Đức Phật Hương Quang: Nhờ giới hương thanh tịnh nên phát ánh sáng trí tuệ vô lậu. Ai hướng về đức Phật này chí thành dâng hương thì ngài sẽ phóng quang chứng minh.

Đức Phật Đại Diệm Kiên: PhươngNam cũng có danh hiệu Phật này, có lẽ trùng tên. Đức Phật này phóng hào quang từ hai vai, biểu thị cho hai trí quyền và thật giáo hóa chúng sinh.

Đức Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân: Nghĩa là đức Phật này dùng nhân hoa vạn hạnh để trang nghiêm đức tướng như hoa báu muôn màu.

Đức Phật Ta La Thọ Vương: Cây ta la vương không có chất nước nào thấm vào làm mục nát được. Điều này dụ cho Pháp thân Phật không vật nào có thể phá hoại.

Đức Phật Bảo Hoa Đức: Bảo Hoa thanh tịnh mà sáng ngời, biểu thị cho vạn đức viên mãn của Phật.

Đức Phật Kiến Nhất Thiết Nghĩa: Ý nói năm nhãn của Phật (nhục nhãn, thiên nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn, Phật nhãn) thấy khắp, pháp nghĩa vô cùng.

Đức Phật Như Tu Di Sơn: Nghĩa là hạnh đức to lớn như núi Tu Di.

“Giống như vậy hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy: “Chúng sinh các ngươi phải nên tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn và kinh được tất cả chư Phật hộ niệm này”. Tại sao câu kinh này được lặp lại đến sáu lần trong một bản kinh, có phải dư hay không? Thật ra kinh Phật thuyết không dư một chữ, cũng không thiếu một chữ. Chúng ta hãy tự mình thể nghiệm vấn đề này.

Ở đây có sáu phương hay mười phương chư Phật? Thật ra trong bản dịch của Tam tạng Pháp sư Huyền Trang thì có đủ mười phương chư Phật. Chư Phật mười phương là tất cả mười tỷ các đức Phật (thập vạn ức Phật) ở khắp mười phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, Trên, Dưới. Nhưng vì để thích hợp với thời khóa tụng niệm, ngài Cưu Ma La Thập tóm lược còn sáu phương. Tuy nhiên, sáu phương hay mười phương đi nữa thì ý nghĩa vô lượng chư Phật tán thán và hộ niệm kinh này cũng không mất. Hễ ai trong chúng ta phát tâm niệm Phật tinh tấn sẽ được lợi ích không thể nghĩ bàn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *