Kinh Phật Thuyết A Di Đà giảng thuật – phần 17 (hết)

Tác giả: Thích Huyền Châu

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Ư nhữ ý vân hà? Hà cố danh vi: Nhứt thiết chư Phật sở hộ niệm kinh?

Xá Lợi Phất! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn văn thị kinh thọ trì giả, cập văn chư Phật danh giả, thị chư thiện nam tử, thiện nữ nhơn, giai vi nhứt thiết chư Phật chi sở hộ niệm, giai đắc bất thối chuyển ư A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

Thị cố Xá Lợi Phất! Nhữ đẳng giai đương tín thọ ngã ngữ, cập chư Phật sở thuyết.

Dịch nghĩa:

Xá lợi Phất! Ý ông thế nào? Tại sao gọi là “kinh được tất cả chư Phật hộ niệm?”

Này Xá Lợi Phất! Nếu có kẻ thiện nam, người thiện nữ nào nghe kinh này mà thọ trì, và nghe được danh hiệu của chư Phật, thì những thiện nam thiện nữ ấy đều được tất cả chư Phật hộ niệm và đều được Bất thối chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Cho nên, này Xá Lợi Phất! Các ông hãy nên tin nhận lời ta và lời chư Phật nói.

Giảng:

Đoạn kinh này đức Phật trả lời cho chúng ta biết vì sao Kinh Phật Thuyết A Di Đà gọi là Kinh Được Tất Cả Chư Phật Hộ Niệm? Bởi vì lòng từ bi của Phật vô lượng vô biên, thương chúng sinh như mẹ thương con đỏ. Nếu con làm điều sai quấy phải mang trọng tội thì mẹ cũng sẵn sàng chịu mọi hình phạt. Cũng vậy, nếu có thể chịu khổ thay cho tất cả chúng sinh thì chư Phật cũng sẵn sàng gánh lấy. Nhưng khổ nỗi ai ăn người ấy no, người khác không thể no thay được. Chúng sinh vô minh tạo ra nghiệp báo nên bản thân phải chịu trả quả luân hồi. Vậy nên ai muốn thoát khỏi khổ đau thì phải tự mình phát tâm tu tập. Cũng như con nhớ mẹ, gọi “mẹ ơi!” thì mẹ sẽ đến dắt con về nhà. Hằng ngày chúng ta siêng năng xưng niệm danh hiệu Phật, đến phút lâm chung thì Phật sẽ hiện thân tiếp dẫn.

Hơn thế nữa, nếu chúng ta biết thọ trì đọc tụng kinh này, niệm danh hiệu chư Phật thì tất cả chư Phật mười phương hộ niệm và được thành tựu quả vị Bất thoái chuyển ở Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Cho nên trong kinh Niệm Phật Bát Nhã Tam Muội, đức Phật Thích Ca dạy rằng: “Chư Phật mười phương đã cùng nhau khuyến tấn, ai nhất tâm xưng niệm danh hiệu A Di Đà Phật, sẽ được chư Phật hộ trì và nhiếp thọ, quyết định thành Phật”. Chúng ta nên có lòng tin tuyệt đối lời Phật Thích Ca và chư Phật nói ra, phát tâm học tập giáo nghĩa và hành trì theo kinh này.

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Nhược hữu nhơn dĩ phát nguyện, kim phát nguyện, đương phát nguyện, dục sanh A Di Đà Phật quốc giả, thị chư nhơn đẳng giai đắc bất thối chuyển ư A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, ư bỉ quốc độ, nhược dĩ sanh, nhược kim sanh, nhược đương sanh.

Thị cố Xá Lợi Phất! Chư thiện nam tử, thiện nữ nhơn, nhược hữu tín giả, ưng đương phát nguyện sanh bỉ quốc độ.

Dịch nghĩa:

Này Xá Lợi Phất! Nếu có người đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sinh về nước của Phật A Di Đà thì những người đó đều được Bất thoái chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ở nước Phật kia, những người này hoặc đã sinh, hoặc đang sinh, hoặc sẽ sinh.

Cho nên, này Xá Lợi Phất! Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn, nếu ai có lòng tin hãy nên phát nguyện sinh về cõi nước kia.

Giảng:

Phật dạy rằng, nếu có người đã phát nguyện thì đã sinh Tịnh độ. Nghe lời này có vị khởi tâm thắc mắc: “Tôi đã phát nguyện lâu rồi, niệm Phật cũng nhiều rồi nhưng sao vẫn còn ở thế giới khổ đau này mà chưa thấy sinh Tịnh độ?” Trước khi trả lời câu này, tôi xin hỏi các vị đã thật sự phát nguyện tha thiết và chí thành niệm Phật hay chưa? Nguyện tha thiết giống như người đang bị nước cuốn trôi mong tìm được chiếc phao nổi, hay như người đói khát nhiều ngày cầu có được bữa ăn ngon miệng. Với lòng thiết tha như thế, quý vị khởi tâm thành kính niệm Phật thì bao nhiêu thứ vọng tưởng khổ đau liền bị tiêu trừ. Niệm đến nhất tâm bất loạn thì ngay trong đời này quý vị đã sống trong thế giới Cực Lạc. Hơn nữa như lời Phật dạy, đức Phật A Di Đà thành đạo đến nay mười kiếp, những chúng sinh đã phát nguyện thì đã vãng sinh vô số kể. Còn nếu có người đang phát nguyện thì đang vãng sanh, nghĩa này thế nào? Tức là khi chúng ta phát nguyện niệm Phật thì ngay lúc ấy hoa sen ở Cực Lạc hình thành. Chúng ta siêng năng niệm Phật thì hoa sen lớn dần lên, đến lúc mạng chung liền hóa sinh vào trong hoa sen ấy. Mỗi ngày tinh tấn niệm Phật thì mỗi ngày vãng trừ đi nghiệp chướng và chúng ta đang đến gần Cực Lạc. Ấy chính là nghĩa đang vãng sanh. Và trong tương lai, chắc hẳn có nhiều người nữa sẽ phát nguyện niệm Phật như chúng ta, họ cũng sẽ vãng sanh Cực Lạc. Vì sao có sự mầu nhiệm này? Bởi lẽ khi phát nguyện sinh về thế giới của Phật A Di Đà, chúng ta được chư Phật hộ niệm và đều được Bất thoái chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Cho nên đức Phât dạy chúng ta, những ai có lòng tin thì hãy nên phát nguyện sinh về thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà. Đây là lần thứ ba, đức Phật ân cần khuyến hóa những ai có duyên thì hãy nên tin và làm theo lời ngài.

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Như ngã kim giả, xưng tán chư Phật, bất khả tư nghị công đức, bỉ chư Phật đẳng, diệc xưng tán ngã bất khả tư nghị công đức nhi tác thị ngôn: “Thích Ca Mâu Ni Phật năng vi thậm nan hy hữu chi sự. Năng ư Ta Bà quốc độ ngũ trược ác thế: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược trung đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, vị chư chúng sanh, thuyết thị nhứt thiết thế gian nan tín chi pháp”.

Dịch nghĩa:

Này Xá lợi Phất! Như ta hôm nay khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của chư Phật thì các đức Phật kia cũng khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của ta và nói như thế này: “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đã làm những việc khó làm và ít có. Ở trong cõi nước Ta Bà, vào đời ác năm trược: Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược được quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngài giảng cho các chúng sinh nghe pháp tất cả thế gian khó tin này”.

Giảng:

Trong khi đức Phật, ở tại vườn Trưởng giả Cấp Cô Độc, khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của mười phương chư Phật, thì các đức Phật ấy cũng khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Phật Thích Ca Mâu Ni, có thể ở trong đời ác ngũ trược mà làm được việc khó làm và ít có: ấy là chứng đắc quả vị Phật vô thượng và giảng nói các kinh điển mà chúng sinh vì căn cơ thấp kém, vô minh che mờ nên khó tin khó hiểu như Kinh Phật Thuyết A Di Đà này. Ngũ trược ở đây nghĩa là gì?

1. Kiếp trược: Thời gian ô trược, thế giới nhiều thiên tai, biến động. Khi tuổi thọ con người giảm xuống còn 30 tuổi thì nạn đói kém xảy ra, lúc 20 tuổi thì nạn dịch bệnh xảy ra và lúc còn 10 tuổi thì đao binh nổi dậy, chúng sinh trong thế giới thảy đều bị hại.

2. Kiến trược: Sự thấy biết sai lầm, tà vạy. Kiến trược hình thành bởi nhận thức sai lầm về sự tồn tại thân mạng, hiểu phiến diện chân lý, nhận thức tà vạy, rồi cố chấp cao ngạo, lại còn học theo giới cấm vô ích.

3. Phiền não trược: Chúng sinh nhiều ái dục, tham lam, bỏn sẻn, tranh đua, nịnh hót, lừa gạt, tiếp nhận pháp tà mê tín, làm cho tâm thần bị não loạn.

4. Chúng sinh trược: Chúng sinh phần nhiều tồi tệ, xấu xa không hiếu kính cha mẹ, không kính trọng người lớn tuổi, không sợ quả báo, không tạo công đức, chẳng giữ trai giới… cho nên trôi lăn mãi trong luân hồi.

5. Mạng trược: Đời xưa con người thọ tám vạn tuổi, đời nay do ác nghiệp tăng mạnh nên tuổi thọ giảm dần, hiếm có người sống được trăm tuổi. Mạng trược lấy sự rút ngắn tuổi thọ làm tướng.

Vào đời ác ngũ trược này, đức Phật thành đạo là một việc rất khó làm. Còn chúng sinh thì tính khí cang cường nên cũng rất khó tu tập. Vì thế ngay khi vừa thành đạo, đức Phật có một niệm lo lắng về giáo pháp thậm thâm vi diệu, chúng sinh thật khó mà lãnh hội được nên ngài muốn vào niết bàn. Nhưng may thay khi đó chư thiên kịp thời đến thỉnh Phật chuyển pháp luân. Phật vì lòng từ bi nên hứa khả và dùng vô số phương tiện, ân cần dạy bảo tám vạn bốn ngàn pháp môn tu để đối trị với tám vạn bốn ngàn phiền não của chúng sinh. Trong số pháp môn ấy, pháp niệm Phật dễ tu dễ chứng. Chỉ cần niệmNammô A Di Đà Phật mà có thể thành Phật, thật là pháp “tất cả thế gian khó tin” nhưng đó lại là sự thật.

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Đương tri ngã ư ngũ trược ác thế, hành thử nan sự, đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, vị nhứt thiết thế gian thuyết thử nan tín chi pháp, thị vi thậm nan.

Dịch nghĩa:

Xá Lợi Phất, nên biết ta ở đời ác năm trược làm việc khó làm này, được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nói cho tất cả thế gian pháp khó tin này, thật là rất khó.

Giảng:

Ở trên là lời chư Phật tán thán đức Thích Ca thành đạo trong đời ngũ trược rất là khó và hy hữu. Ở đây, đức Thích Ca lại khẳng định thêm một lần nữa về việc thành đạo của ngài trong đời ác ngũ trược rất khó làm. Những gì ngài chứng biết siêu việt, vượt khỏi phạm trù nói năng và suy nghĩ. Có nghĩa là không thể dùng lời nói và suy nghĩ mà diễn tả hết được. Chọn trong ấy pháp niệm Phật A Di Đà, là pháp môn siêu việt đệ nhất trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, để chỉ dạy cho chúng sinh tự cứu mình và làm cho chúng sinh có thể tin nhận được điều này thì thật là khó.

Vì sao? Vì vào đời ác ngũ trược, nhất là thời kỳ mạt pháp, tâm trí con người mỗi ngày thêm sa đọa vào dục vọng, ganh tỵ, ích kỷ, hiểm ác, hận thù. Từ đó, chiêu cảm đến đất trời hình thành tật dịch, chiến tranh, gió bão, động đất, mất mùa, lũ lụt, thời tiết viêm nhiệt bức não. Đa phần chúng sinh mang tâm hoài nghi, không tin một thái tử Tất Đạt Đa ở Ấn Độ đã xuất gia tu hành thành Phật. Nghe nói đến chuyện tu hành, họ thường cho đó là mê tín. Những cảnh giới A la hán, Niết bàn, Cực Lạc… được Phật giới thiệu thì họ cho đó là điều viễn vông, sản phẩm của trí tưởng tượng. Con người chết thì hết, làm sao có chuyện luân hồi trong lục đạo? Giờ đây giảng nói giáo nghĩa thượng thừa cho những chúng sinh phần nhiều căn trí thấp kém không phải dễ chút nào.

Kinh văn:

Phật thuyết thử kinh dĩ, Xá Lợi Phất cập chư Tỳ kheo, nhứt thiết thế gian, thiên, nhơn, a tu la đẳng, văn Phật sở thuyết, hoan hỷ tín thọ, tác lễ nhi khứ.

Phật thuyết A Di Đà Kinh.

Dịch nghĩa:

Phật nói kinh này rồi, ngài Xá Lợi Phất và các Tỳ kheo, tất cả thế gian trời, người, a tu la… nghe Phật nói rồi, đều hoan hỷ tin nhận, lễ Phật mà lui ra.

Phật thuyết Kinh A Di Đà hết.

Giảng:

Câu kinh này là lời thuật lại của tôn giả A Nan khi kiết tập kinh điển. Sau khi đức Phật giảng xong kinh này thì ngài Xá Lợi Phất, các vị Tỳ kheo, tất cả thiên chúng cõi trời, cõi người, hàng a tu la… nghe rồi sinh tâm hoan hỷ, vui vẻ tin nhận lời Phật dạy, lễ Phật mà lui ra.

Nếu chúng ta tin nhận lời Phật dạy, nếu chúng ta có duyên với pháp môn này thì hãy nhanh chóng niệm Phật. Chỉ có thế giới Cực Lạc mới chính là quê hương vĩnh cửu, là mái nhà bình an cho mọi chúng ta.

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sinh

Đều trọn thành Phật đạo.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *