KINH TRUNG BỘ (Majjhima Nikaya)
02- Kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc (Sàbbàsava Sutta)
Thích Nhựt Lâm biên soạn
—————–
DÀN BÀI:
A. DUYÊN KHỞI VÀ TÓM TẮT KINH
B. NỘI DUNG KINH
I. Định nghĩa và phân loại các ‘lậu hoặc’
1- Định nghĩa cụm từ Sàbbàsava
2- Phân loại các lậu hoặc
II. Giải thích hai cách tác ý
1- Như lý tác ý (Yoniso manasikàra)
2- Phi lý tác ý (Ayoniso manasikàra)
III. Bảy cách đoạn trừ ‘lậu hoặc’
1- Tri kiến giúp đoạn trừ lậu hoặc (Dassanā pahātabbā)
2- Phòng hộ giúp đoạn trừ lậu hoặc (Saṃvara pahātabba)
3- Ðoạn trừ bằng thọ dụng (Paṭisevanā pahātabbā)
4- Kham nhẫn giúp đoạn trừ lậu hoặc (Adhivāsanā pahātabbā)
5- Tránh né giúp đoạn trừ lậu hoặc (Parivajjanā pahātabba)
6- Trừ diệt giúp đoạn trừ lậu hoặc (Vinodanā pahātabbā)
7- Tu tập giúp đoạn trừ lậu hoặc (Bhāvanā pahātabbā)
C. KẾT LUẬN
A. DUYÊN KHỞI VÀ TÓM TẮT KINH
- Duyên khởi:
Một thời Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà-lâm), vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).
Ngài gọi các thầy Tỳ kheo: Này các Tỳ kheo! Bạch Thế Tôn, các Tỳ kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói:
Này các Tỳ kheo, ta sẽ giảng cho các người pháp môn phòng hộ tất cả lậu hoặc. Hãy nghe và khéo tác ý. Ta sẽ nói. Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Tóm tắt kinh:
Phàm phu do không như lý tác ý (ayoniso manasikàra), nên các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng, khiến những phiền não căn bản trói buộc con người vào chu kỳ sinh tử, qua lại ba cõi, sáu đường.
Đức Phật dạy chư vị Tỳ kheo có bảy phương pháp để chế ngự và từ bỏ các lậu hoặc, và tuỳ theo căn tánh, hành giả chọn lựa cho mình phương pháp thích hợp nhất để thực hành sẽ đạt đến sự an tịnh, giải thoát bây giờ và tại đây.
B. NỘI DUNG KINH
I. Định nghĩa và phân loại các ‘lậu hoặc’
1- Định nghĩa cụm từ Sàbbàsava
– Sabba: Nghĩa là tất cả.
– Āsava: Nghĩa là lậu hoặc, là nguyên nhân đưa đến đau khổ và luân hồi sinh tử triền miên.
– Lậu: là tên gọi khác của phiền não (tham, sân, si). Gồm có 3 nghĩa sau:
- Nghĩa thứ nhất là chảy ra. Vì loài hữu tình trong ba cõi, thông qua sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chảy ra phiền não không ngừng, nên gọi là lậu.
- Nghĩa thứ hai là lưu, là rơi rớt. Vì loài hữu tình do nó mà lưu lại trong ba cõi, không thể giải thoát, nên gọi là lậu.
- Nghĩa thứ ba là sót mất. Vì do đây mà bỏ mất chánh đạo, không thấy chân lý nên gọi là lậu.
– Hoặc: là mê mờ. Do mê cảnh mà điên đảo sự lý nên gọi là hoặc. Do mê lầm đối với cảnh được nhận biết mà sinh phiền não, nên gọi là lậu hoặc.
Muốn không phiền não, muốn giải thoát thì phải hàng phục cho được phần lậu hoặc này.
2- Phân loại các lậu hoặc
Lậu hoặc có ba loại: Dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu.
– Dục lậu (kāmāsava): Ham muốn khoái lạc của các giác quan.
– Hữu lậu (bhavāsava): Là tên gọi khác của hành (ái, thủ, hữu) đưa đến sanh, lão, tử ở trong 12 duyên khởi. Có dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu[1], những pháp hữu vi[2] và vô vi[3] khiến chúng sanh đau khổ gọi là hữu lậu.
– Vô minh lậu (avijjāsava): Vô minh là trạng thái không rõ, không sáng suốt, không biết rõ về chân lý duyên sanh, nhân quả, vô thường, vô ngã… Do vô minh che mờ nên tạo ra những hành động lầm lạc, gieo các vọng nghiệp rồi trầm luân trong ba cõi, sáu đường.
II. Giải thích hai cách tác ý
1- Như lý tác ý (Yoniso manasikàra)
Tác ý như lý, nghĩa là thấy và hiểu biết đúng như thật các chân lý đang chi phối và hình thành nên thế giới này, như lý Nhân duyên, Nhân quả, Vô thường, Vô ngã… gọi chung là lý Duyên khởi.
Vì sao có hiện tượng duyên khởi? Vì tánh các pháp là không, (không tồn tại nhất định ở hình thức nào, luôn luôn thay đổi). Do tánh pháp là không nên mới có hiện tượng duyên khởi. Nếu tánh pháp là có thì pháp sẽ tự có và thường trụ, không cần nhân duyên sinh.
Nhưng thực tế ở thế gian, tất cả đều do duyên sinh. Nên biết pháp không có tánh. Hành giả tu tập cần phải thấy cho thấu được mặt duyên khởi này.
Duyên khởi là mặt hiện tượng của pháp. Còn mặt bản thể của pháp, chính là tánh không. Tánh không, là tên khác của Phật tánh. Phật tánh là nhân, thành tựu quả vị Phật là quả. Nên cổ đức nói: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Ðức Phật gọi người như thế là người “biết” và “thấy”.
2- Phi lý tác ý (Ayoniso manasikàra)
Tác ý phi lý, nghĩa là tác ý theo cách lệch lạc, tác ý trên căn bản sai lầm đối với chân lý. Khi một vật là vô thường, vị ấy tác ý nó là thường; khi một vật là khổ, là vô ngã, là bất tịnh, vị ấy tác ý nó là lạc, là có thực thể, là tịnh (đẹp). Loại tác ý sai lầm hay còn gọi là điên đảo. Ðức Phật gọi hạng người này là người “không biết” và “không thấy”.
Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỳ kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt. Này các Tỳ kheo, có những lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.”[4]
III. Bảy cách đoạn trừ lậu hoặc
1- Tri kiến giúp đoạn trừ lậu hoặc (Dassanā pahātabbā)
– Tri kiến (Dassanā) là thấy và hiểu biết đúng như thật các chân lý đang chi phối và hình thành nên thế giới này.
– Phàm phu do không có thắng tri, tuệ tri, liễu tri nên hay bị phi lý tác ý. Hậu quả của không như lý tác ý khiến sáu tà kiến (micchādiṭṭhi) sanh khởi. Sáu tà kiến bao gồm:
- Tà kiến (Micchādiṭṭhi): Quan niệm hay nhận thức không dựa trên Duyên khởi, Nhân quả, Vô thường và Vô ngã.
- Kiến trù lâm (Diṭṭhigaharam): Tà kiến như rừng rậm, đây là quan niệm hay nhận thức sai lầm trói buộc con người như rừng cây làm cho người lạc lối bị mê hồn trận, không biết lối ra.
- Kiến hoang vu (Diṭṭhiṭhikantāram): Tà kiến như bình nguyên hoang dã, làm người tu tập mất định hướng trên con đường đạo.
- Kiến hý luận (Diṭṭhivisūkam): Tà kiến là nhận thức sai lầm, trói buộc con người trong các lý luận quanh co, vô ích cho đạo đức và nhận thức.
- Kiến tranh chấp (Diṭṭhivipphanditam): Tà kiến trói buộc con người trong sự bảo thủ quan điểm của mình như chân lý, phủ định xung đột với các quan điểm khác, là đầu mối của chấp trước, tranh giành và đấu tranh.
- Kiến kiết phược (Diṭṭhisamyojanam): Tà kiến trói buộc con người, làm cho con người không thể vùng vẫy nổi, nó sai sử con người trong khổ đau và luân hồi.
Kinh văn: “Này các Tỳ kheo, bị trói buộc bởi kiến kiết sử, kẻ phàm phu ít nghe không được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói kẻ ấy không thoát khỏi khổ đau. Này các Tỳ kheo, và vị Thánh đệ tử nghe nhiều, được thấy các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh; được thấy các bậc chơn nhân, thuần thục pháp các bậc chơn nhân, tu tập pháp các bậc chơn nhân, tuệ tri các pháp cần phải tác ý, tuệ tri các pháp không cần phải tác ý. Vị này, nhờ tuệ tri các pháp cần phải tác ý, nhờ tuệ tri các pháp không cần phải tác ý, nên không tác ý các pháp không cần phải tác ý và tác ý các pháp cần phải tác ý.
…Nhờ vị ấy không tác ý các pháp không cần phải tác ý, tác ý các pháp cần phải tác ý nên các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt. Vị ấy như lý tác ý: Đây là khổ, như lý tác ý: Đây là khổ tập, như lý tác ý: Đây là khổ diệt, như lý tác ý: Đây là con đường đưa đến khổ diệt. Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Này các Tỳ kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ.”[5]
2- Phòng hộ giúp đoạn trừ lậu hoặc (Saṃvara pahātabba)
– Phòng hộ: Nghĩa là giữ gìn chánh niệm khi sáu căn tiếp xúc sáu trần. Không cho phép chúng (lậu hoặc) khởi lên.
– Vì sao phải phòng hộ? Vì sáu căn là nơi có thể giúp hiện khởi tập khí tham dục, sân giận, ngu si. Cũng là nơi tiếp giáp thu nhận vào tạng thức những chủng nhân mới, có thể gây chướng ngại cho sự tu tập, giải thoát; do đó hành giả cần phải phòng hộ sáu căn.
– Phòng hộ có năm loại:
- Phòng hộ bằng giới,
- Phòng hộ bằng niệm,
- Phòng hộ bằng tuệ,
- Phòng hộ bằng kham nhẫn,
- Phòng hộ bằng tinh tấn.
Kinh văn: “Ở đây, có Tỳ kheo như lý giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ con mắt. Này các Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ con mắt, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu sống phòng hộ với sự phòng hộ con mắt, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Vị ấy như lý giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ lỗ tai, mũi, lưỡi, thân, và ý căn… Này các Tỳ kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ.”[6]
3- Ðoạn trừ bằng thọ dụng (Paṭisevanā pahātabbā)
– Như lý giác sát mà thọ dụng khiến lậu hoặc được đoạn trừ.
– Biết thiểu dục, tri túc đối với bốn vật dụng ăn, mặc, ở, thuốc chữa bệnh (chỉ để che đậy sự trần truồng, ngăn ngừa lạnh, nóng, xúc chạm của các loài côn trùng).
– Tỉnh giác quán sát xem bốn vật dụng ăn, mặc, ở, thuốc chữa bệnh để đưa đến giải thoát, không phải vì bốn vật dụng mà bị trói buộc (để thân này khỏi bị hại thương, để hỗ trợ phạm hạnh).
Kinh văn: “Này các Tỳ kheo, ở đây Tỳ kheo như lý giác sát, thọ dụng y phục, chỉ để che đậy sự trần truồng, ngăn ngừa lạnh, nóng, xúc chạm của các loài côn trùng. Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng món ăn khất thực không phải để vui đùa, đam mê, trang sức, hay tự làm đẹp mình. Chỉ là để thân này được dài lâu, để thân này khỏi bị hại thương, để hỗ trợ phạm hạnh…”[7]
4- Kham nhẫn giúp đoạn trừ lậu hoặc (Adhivāsanā pahātabbā)
– Kham nhẫn: Là hoan hỷ chịu đựng những cảm giác khó chịu về thân tâm hay là vui vẻ đón nhận những gì không thuận với ý mình (bất như ý).
– Thực hành kham nhẫn thì phải như lý giác sát.
– Muốn kham nhẫn mà không rơi vào tình trạng đè nén thì phải như lời Phật dạy:
“Này các Tỳ kheo! Thế nào là các lậu hoặc phải do kham nhẫn mà được đoạn trừ? Này các Tỳ kheo, ở đây có Tỳ kheo như lý giác sát.”[8]
– Như vậy, như lý giác sát này rất quan trọng. Nó là loại tri kiến giúp hành giả buông bỏ những bất như ý, có thể kham nhẫn những việc khó kham nhẫn.
– Ví dụ: Ăn những món không hợp khẩu vị mà phải ăn. Mặc những thứ không thích mà phải mặc. Không chịu được lạnh mà trời lạnh. Không chịu được nóng mà trời nóng, v.v… rất nhiều thứ trong cuộc đời này hiện ra trái ý; hành giả với hạnh kham nhẫn sẽ có được hỷ lạc và vô sân.
5- Tránh né giúp đoạn trừ lậu hoặc (Parivajjanā pahātabba)
– Tránh né là một hình thức của tránh duyên. Các duyên, pháp trần có thể khiến chúng ta phát sinh phiền não.
- Tránh né thú dữ: Voi, ngựa, cọp, rắn, chó sói, v.v… Đó là những duyên bất lợi cho bản thân, khiến việc tu hành bị đình trệ.
- Tránh né ngoại cảnh: Khúc cây, gai góc, hố sâu, vực núi, ao nước nhớp, vũng nước, v.v…
- Tránh né nơi chốn: Những trú xứ không nên lai vãng, những chỗ ngồi không đáng ngồi.
- Tránh né người bất thiện: Bạn bè hay người ác độc nếu giao du thì bị người trí nghi ngờ, khinh thường.
– Do đó, hành giả phải biết sức mình không đủ để kham nhẫn các duyên đó, và cũng không tạo duyên để bệnh tật đến thân, khiến sự tu tập bị đình trệ. Nên một khi hành giả chịu tránh né các duyên xấu, và đoạn trừ phần lậu hoặc nhất định có kết quả tốt đẹp.
– Trong kinh, đức Phật dạy:
“Thế nào là các lậu hoặc do tránh né mà được đoạn trừ? Này các Tỳ kheo, ở đây các Tỳ kheo như lý giác sát, tránh né voi dữ, ngựa dữ, bò dữ, chó dữ, rắn khúc cây, gai góc, hố sâu, vực núi, ao nước nhớp, vũng nước…
Các Tỳ kheo như lý giác sát, có những chỗ ngồi không xứng đáng ngồi, những trú xứ không nên lai vãng, những bạn bè ác độc mà nếu giao du thì bị các đồng phạm hạnh nghi ngờ khinh thường”.[9]
6- Trừ diệt giúp đoạn trừ lậu hoặc (Vinodanā pahātabbā)
– Trừ diệt: Là không chấp nhận cho dục niệm, sân niệm, hại niệm khởi lên, diệt trừ chúng ngay trong mầm mống. Trừ diệt là làm cho tiêu nha bại chủng không còn mầm mống.
- Dục niệm: Tư duy, ý niệm hướng về dục, ước muốn thõa mãn dục tính, lệ thuộc dục vọng; xem khoái lạc giác quan là cứu cánh của cuộc sống.
- Sân niệm: Tư duy, ý niệm hay khuynh hướng bực tức, giận dữ, chống đối đối tượng, thể hiện qua lời tục tĩu, thô bạo, thiếu ái ngữ; qua hành động nóng nải và các biểu hiện nôn nóng.
- Hại niệm: Tư duy, ý niệm hay khuynh hướng tiêu diệt, cản phá đối tượng không thích; hãm hại, trù dập, ức hiếp người khác.
- Bất thiện: Những tư duy không mang lại giá trị chân thiện mỹ là bất thiện.
7- Tu tập giúp đoạn trừ lậu hoặc (Bhāvanā pahātabbā)
– Thất giác chi (thất Bồ đề phần): Là bảy pháp có công năng giúp cho trí Bồ đề xuất hiện, là muốn nói đến phần trí vô sư của người tu. Bảy giác chi: Niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả.
“Này các Tỳ kheo, ở đây, Tỳ kheo như lý giác sát tu tập Niệm giác chi, Niệm giác chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; như lý giác sát tu tập Trạch pháp giác chi… (như trên)… tu tập Tinh tấn giác chi… tu tập Hỷ giác chi… tu tập Khinh an giác chi… tu tập Định giác chi… tu tập Xả giác chi, Xả giác chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Này các Tỳ kheo, nếu vị ấy không tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỳ kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.”[10]
– Do tu tập thất giác chi mà tâm chẳng phiền não, tăng trưởng trí tuệ thì đó là minh, là chánh giác, chuyển hướng đến Niết bàn.
– Cho nên các pháp tu tập phụ thuộc về khế cơ, tức do ứng cơ của chúng sinh mà lập, nên không “bất biến” mà “tùy duyên”. Tùy duyên của chúng sinh mà có pháp. Cho nên phần tu tập này không chỉ có thất giác chi mà còn vô số các pháp khác, như hiện nay có chỉ – quán, tham thoại đầu, niệm Phật, trì chú, v.v…
C. KẾT LUẬN
Kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc (Sabbàsava Sutta) chỉ cho chúng ta thấy đâu là đầu mối của khổ đau hoặc hạnh phúc, sinh tử hoặc Niết bàn. Vấn đề không nằm ở đối tượng được nhận thức, mà nằm ở xu hướng của nhận thức. Nếu nhận thức đúng với chân lý thì đó là thắng tri của bậc thánh, vượt thoát khỏi mọi hệ luỵ. Ngược lại, nếu nhận thức không phù hợp với chân lý thì đó là tưởng tri, dấy khởi các tâm lý tham lam, sân hận, si mê, lôi kéo con người vào từ trường của sinh tử.
Kinh này đề cập đến cách thức nhận thức không đúng với chân lý tạo nên gốc rễ của phiền não, lậu hoặc.
Mấu chốc của con đường tu tập trong Kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc (Sabbàsava Sutta)chính là đoạn trừ lậu hoặc bằng cách từ bỏ thái độ chấp thủ quan điểm. Khi thái độ chấp thủ không còn, lề lối nhận thức theo truyền thống hay theo kinh nghiệm hữu ngã không còn chỗ đứng. Nhờ đó, các tác ý hưởng dục, tác ý giận dữ, tác ý sát hại, tác ý bất thiện hoàn toàn vắng mặt. Sự giác ngộ theo đó được trưởng thành.
“Đường dài cho kẻ mệt
Đêm dài cho kẻ thức
Luân hồi dài, kẻ ngu
Không biết chân diệu pháp”.[11]
Vì không biết chân diệu pháp nên người ngu cứ mãi tạo nghiệp, do tạo nghiệp nên tiếp tục luân hồi, chịu nhiều khổ đau.
** Tóm tắt bài kinh theo kệ tụng[12] (Tăng – Ni sinh tham khảo thêm):
Muốn tận trừ nhiễm ô
Phải biết rõ thấy rõ:
Biết tác ý như lý
Thấy gì ‘không như lý’.
‘Như lý’ là cách nghĩ
Khiến ô nhiễm không sinh
Lại có thể diệt trừ
Nhiễm ô đã sinh khởi.
Có bảy cách trừ mê:
Tri kiến và phòng hộ
Thọ dụng và kham nhẫn
Tránh né và trừ diệt
Giác chi là thứ bảy.
Ðoạn trừ nhờ phòng hộ
Là gìn giữ sáu căn
Tức giữ gìn cửa ‘ý’
Khi tiếp xúc sáu trần.
Ðoạn trừ bằng thọ dụng
Là biết đủ không tham
Bốn vật dụng cần dùng
Cốt vượt qua biển khổ.
Ðoạn trừ bằng kham nhẫn:
Những thống khổ khốc liệt
Do người, vật gây nên
Vui nhận không than oán.
Ðoạn trừ nhờ tránh né
Tránh mạo hiểm du hành
Tránh giao du bất đáng
Thì phiền não không sinh.
Ðoạn trừ bằng trừ diệt
Những ý xấu khởi lên
Liên hệ dục, sân, hại
Tỳ kheo phải dứt liền.
Tu tập bảy giác chi
Hướng ly tham, từ bỏ
Ðoạn trừ các ô nhiễm
Là diệt tận khổ đau.
* Chú thích:
[1] Tam hữu gồm: Dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu, tức đồng nghĩa với Tam giới (3 cõi). Vì chúng sinh trong 3 cõi này có (hữu) tạo nghiệp dẫn đến quả báo dị thục nên gọi là Tam hữu.
- Dục hữu: Nơi cư trú của các loài trời, người, tu la, địa ngục, ngã quỉ, súc sinh, mỗi loài tùy theo nghiệp nhân mà chịu quả báo.
- Sắc hữu: Các trời Tứ thiền của cõi Sắc, tuy đã lìa thân thô nhiễm của cõi Dục nhưng còn sắc thanh tịnh.
- Vô sắc hữu: Các trời Tứ không của cõi Vô sắc, tuy không còn sắc chất làm ngại, nhưng cũng vẫn tùy theo chỗ tạo nghiệp nhân mà chịu quả báo.
[2] Pháp hữu vi còn gọi là Tận? Pháp hữu vi là pháp còn tạo tác, còn hành vi tạo nghiệp, còn sanh diệt, tái diễn trong Tam giới. Pháp hữu vi là vô thường, như mộng, huyễn, bào ảnh… trước sau gì cũng dứt, cũng tận! Pháp hữu vi do duyên mà sanh, hết duyên thì dứt. Nó chỉ là “giả tạm”, vốn hư vọng: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Cho nên kinh Kim Cang khuyên: “Ưng tác như thị quán”. Thấy rõ nó vậy, vô thường, khổ, không, vô ngã thì không nên đeo bám, không nên dính mắc, nên xa lìa, nên nhàm chán thì mới được giải thoát.
[3] Pháp vô vi còn gọi là Vô tận? Bởi pháp vô vi là pháp thanh tịnh, vắng lặng, bất động, Niết bàn, diệt tuyệt nhân quả, dứt hẳn phiền não, thoát ly Tam giới, chấm dứt sanh tử luân hồi.
[4] Kinh Trung Bộ 1, 2. Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Nxb: Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.25.
[5] Kinh Trung Bộ 1, 2. Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.27-28.
[6] Kinh Trung Bộ 1, 2. Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, NxbTôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.28.
[7] Sđd, tr.28.
[8] Sđd, tr. 29
[9] Kinh Trung Bộ 1, 2. Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, NxbTôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.29.
[10] Kinh Trung Bộ 1, 2. Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, NxbTôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.30.
[11] Kinh Pháp Cú (Dhammapada), kệ 89.
[12] Toát Yếu Kinh Trung Bộ – Thích Nữ Trí Hải