Từ thuở có chùa trên đất nước đến nay trên dưới hai ngàn năm, thời cực thịnh đến lúc suy vi, chúng ta chưa bao giờ nghe đến “quản trị chùa và quản lý thùng công đức” bao giờ.
Trong lịch sử, từ thời Bắc thuộc và 100 năm ngoại xâm, Phật giáo luôn ẩn thân trong lòng dân tộc, đồng cam cộng khổ với đồng bào, đi cùng lợi ích dân tộc. 400 năm Phật giáo cực thịnh, đem lại an bình cho đất nước, tăng, ni đóng góp rất nhiều cho xã hội, Phật giáo cũng chưa hề bị quản như công ty xí nghiệp, hay quản trị theo kiểu một tổ chức hành chính.
Suốt thời Pháp thuộc, Kito giáo tràn ngập trong các tỉnh thành, chùa bị trưng thu làm nhà thờ, thế mà Phật giáo vẫn không bị quản lý thùng công đức, tăng, ni vẫn không phải kê khai chi thu như chi thu của một tổ chức kinh doanh!
Ngày nay, đất nước thanh bình, một số tăng, ni giã từ “vũ khí” theo lời kêu gọi của cách mạng trước đó, sau khi đóng góp xong cho xã hội, trở về tiếp tục sống với cuộc sống Thiền môn, phục hồi lại các cơ sở do chiến tranh tàn phá, do cải cách ruộng đất triệt hạ; chung tay với nhân dân phát triển kinh tế để ngày nay kịp thời hội nhập với thế giới trong một xã hội an bình, tự do tôn giáo, dân sinh được cải thiện mọi mặt.
Khi đất nước đổi mới cũng là lúc một số thành phần tha hóa làm thiệt hại kinh tế cho quốc gia, nhà chùa cũng không tránh khỏi những thành phần cơ hội làm ô danh Tam bảo. Đúng, phải thừa nhận là có hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng điều đó không thể đại diện cho Tổ chức để kết tội chung là “thực trạng”, sau đó đưa đến quản lý, trái với tinh thần nhà Phật.
Có thể ý tưởng để xử lý một số hiện tượng tiêu cực là rất tốt, nhưng nếu chưa xử lý được mà có tầm nhìn máy móc để ra lối quản lý theo cơ chế hành chính doanh nghiệp, quên Phật giáo là một tôn giáo, cho dù là một thành viên của Mặt trận. Các Tôn giáo khác thì sao? Chả lẽ Phật giáo toàn là những người dễ sai, dễ bảo, nói sao nghe vậy? Các lãnh đạo Phật giáo Trung ương ngoan ngoãn chấp hành, cho dù thiệt hại nhân cách của một Tôn giáo, miễn là giữ được chiếc ghế?
Chúng ta có ý kiến không chỉ bảo vệ nhân phẩm của Tôn giáo mình mà còn giúp cơ chế nhìn lại sai, đúng để ứng xử một cách khoa học, nhân tình và đúng luật với một tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trước cái nhìn của thế giới.
Không vì chuyện sử dụng tiền công đức của những thành phần thiếu ý thức, lạm quyền tín ngưỡng mà xem cá mè một lứa. Quý vị hãy nhìn lợi hại thế nào khi quản lý thùng công đức, chưa nói thành công hay thất bại về mặt kinh tế, hãy nhìn tâm lý của đại đa số tín đồ, tu sĩ và đánh giá đúng thực trạng để quyết định một quyết sách.
Khi một sự kiện mang tầm vóc to lớn như thế, không chỉ bằng văn thư như mệnh lệnh hành chính, hãy thể hiện tinh thần “nhà nước và nhân dân cùng làm”, nghĩa là thuận trên thảo dưới mới tránh đợt sóng ngầm không tâm phục, khẩu phục, tạo ra sự xung khắc trong hòa khí xã hội, giữa tôn giáo này và tôn giáo khác.
Thiết nghĩ, Giáo hội cần có tiếng nói đúng pháp lý, đặc trưng Phật giáo và tính chất tôn giáo, thể hiện quyền tự quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không chỉ có cúi đầu tuân lệnh, đây là thời kỳ 4.0 không còn trên 50 năm về trước.
Cơ sở tôn giáo nói chung, Thiền môn nói riêng do công sức tín đồ và tu sĩ kiến tạo, không do nguồn kinh phí của của công thì lý gì mà quản lý thùng công đức?
Tháp Tổ Liễu Quán, nơi xương máu tăng tín đồ đổ xuống để bảo vệ Phật giáo, lý gì phải kiểm tra báo cáo chi thu? 17 cơ sở tự viện tại Huế, BTS nói gì khi buộc phải chấp hành kiểm tra chi thu? Quảng Bình, chùa Cảnh Tiên từ nền đất hoang tàn, tái thiết chưa xong cũng bị kiểm tra…
Phải chăng Phật giáo đang có vấn đề gì về tiền bạc, phạm húy để cần phải quản cả khoản “công đức” của thập phương tín đồ? Ba miền đất nước đều trong tình trạng như thế, cấp lãnh đạo Phật giáo đang quan tâm và đang làm gì? Phải chăng, phải chờ “cầm tay chỉ việc”, sai đâu đánh đó, không dám ngẩng đầu nhìn lên?
Với tư cách trưởng BTS PG tỉnh Quảng Bình, tôi xin được nêu những ý kiến đối với Giáo hội và các cấp chính quyền sớm có phương án thích hợp với Phật giáo.
Tác giả: Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp