QUỐC SƯ PHƯỚC HUỆ – BẬC CAO TĂNG CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX
DẪN NHẬP
Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam, Phật giáo luôn là một cội nguồn tinh thần quan trọng trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và quá trình mở mang bờ cõi của nước nhà. Khi biên giới quốc gia được mở rộng đến đâu, việc thiết lập đời sống tâm linh của vùng đất mới đó không chỉ là một nhu cầu không thể thiếu, mà còn là yếu tố quan trọng để đời sống xã hội nơi ấy được ổn định, phát triển và hưng thịnh. Trong quá trình Nam tiến của nhà Nguyễn tại miền Trung, Phật giáo đã trở thành một trong những nguồn mạch tâm linh thánh thiện, vun bồi cho đời sống tinh thần, không chỉ cho dân chúng mà còn cho các nhà lãnh đạo quốc gia, các bậc chí sĩ yêu nước, các nhà trí thức đương thời, tạo nên một tiềm lực, một sức mạnh kỳ diệu của dân tộc. Trong chiều hướng đó, một trong những ngôi chùa có vị thế quan trọng đối với Phật giáo Đàng Trong là Tổ đình Thập Tháp.
Tổ đình Thập Tháp Di Đà có một vai trò lịch sử đặc biệt, không chỉ đối với Phật giáo Bình Định nói riêng và Phật giáo Đàng Trong nói chung, mà còn có mối quan hệ mật thiết đối với các vị Quốc chúa và Hoàng đế nhà Nguyễn. Mối liên hệ đó thể hiện qua việc các Quốc chúa và vua triều Nguyễn, với lòng tôn kính đã thỉnh Tổ sư Nguyên Thiều và các vị Tổ sư, cao Tăng suốt nhiều giai đoạn khác nhau của Tổ đình Thập Tháp ra Kinh đô Huế để tham gia các Phật sự, thực hiện sứ mạng hộ quốc an dân, chấn hưng Phật giáo, hoằng dương chánh pháp. Trong số các vị cao Tăng đó có Tổ sư Phước Huệ, vị Quốc sư danh tiếng của nhiều đời vua triều Nguyễn.
I- THÂN THẾ
Quốc sư thế danh Nguyễn Tấn Giao. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Chánh Niệm, pháp danh là Minh Thiện, tự Hòa Bình; thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Lãnh pháp danh Chơn Hóa. Hai ông bà vốn là người tỉnh Quảng Nam, đều thấm nhuần Phật pháp. Nhân vì chiến tranh, gia đình cụ Chánh Niệm rời Quảng Nam vào Bình Định lập nghiệp tại Gò Găng. Cụ ông Chánh Niệm thông thạo sử học, văn chương lại giỏi về võ thuật, nghiên cứu rất nhiều về triết lý nhân quả của Phật giáo. Có thể ông là một cư sĩ tu tại gia, có ảnh hưởng rộng, nên đã được ông Nguyễn Phước Quy (tức Viên Quy) và ông Nguyễn Phước Linh (tức Tú tài Thiện), hai vị có trách nhiệm với chùa Phước Lộc đã thay mặt dân làng Phú Thành thỉnh mời về chăm nom và lo Phật sự chùa Phước Lộc tại làng Phú Thành (nay thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn). Trong thời gian ở tại chùa Phước Lộc, cụ đã xây dựng Đông đường và Tây đường, kiến thiết cảnh quan chùa. Chùa Phước Lộc vốn gần Tổ đình Thập Tháp, nên cụ thường dẫn hai người con đến học đạo với Hòa thượng Minh Lý, trú trì Tổ đình Thập Tháp. Về sau, vì tuổi cao sức yếu, ông đã qua đời tại chùa Phước Lộc, phần mộ ông nằm trong khuôn viên chùa, được xây dựng rất kiên cố và thẩm mỹ, bia mộ có ghi:‟Trùng tu Phước Lộc tự, húy thượng Minh hạ Thiện, hiệu Hòa Bình Chánh Niệm Đại sư chi mộ” do bốn người con Nguyễn Tấn Giao, Nguyễn Tấn Lại, Nguyễn Tấn Đạo và Nguyễn Tấn Hưng cùng môn đồ đồng phụng lập. Thân mẫu của Quốc sư về sau tạ thế và mộ phần cũng được an trí trong khuôn viên chùa Phước Lộc.
Trong số ba người em của Quốc sư có một vị đi du học ở Pháp về, một vị nối gót theo ngài xuất gia với Tổ Từ Mẫn tại Tổ đình Tịnh Lâm, pháp danh Trừng Huy, hiệu Phổ Nhãn, sau làm Phó tự Tổ đình Thập Tháp.
II- XUẤT GIA HỌC ĐẠO VÀ CẦU PHÁP
Sau một thời gian thọ giáo, học đạo tại Tổ đình Thập Tháp, khi nhân duyên hội đủ, thời khắc tròn đầy, vào năm Tân Tỵ [1881], 12 tuổi, ngài đã xuất gia với thiền sư Ngộ Thiệu Minh Lý, được bổn sư cho pháp danh là Chơn Luận, nối dòng Lâm Tế đời thứ 40.
Nhận thấy ngài có chủng tử Phật pháp nhiều đời, lợi căn thông tuệ, chí hướng cao xa, để tạo những thắng duyên Phật học cho ngài, thiền sư Minh Lý đã tạo duyên, cho phép ngài được tham học khắp nơi, với những bậc cao tăng đức độ nhất thời bấy giờ.
Đầu tiên, ngài đến chùa Diêu Quang tại An Nhơn thọ giáo với sư bá là thiền sư Ngộ An Tâm Huy, đời chứ 39 (kệ phái Tổ Định Tuyết Phong), là vị trú trì đời thứ 5 tại ngôi cổ tự này.
Vào năm Quý Mùi [1883], Ngài được Bổn sư gởi xuống đạo tràng Tịnh Lâm (Phù Cát) theo học thiền sư Thanh Chánh Từ Mẫn. Trong thời điểm đó, Tổ Từ Mẫn được xem là vị cao tăng thông tuệ và đạo hạnh bậc nhất tại Bình Định. Tổ từng được triều đình mời ra Kinh thành Huế chữa bệnh cho vua Thành Thái. Sau khi bình phục, đức vua đã thỉnh Tổ đăng đàn thuyết pháp cho vua, hoàng tộc và các quan trong triều đình, được vua hết mực tôn kính, đồng thuận đổi hiệu chùa từ ‟Châu Long tự” thành ‟Tịnh Lâm tự”, ban biển sắc tứ, ban lệnh tạo long vị thờ năm đời Tổ sư tại chùa Tịnh Lâm, đồng thời sắc ban Kim khánh cho Tổ. Được gần gũi và học đạo với một bậc cao tăng như thế quả là một nhân duyên lớn trong sự nghiệp cầu pháp của ngài.
Năm Mậu Tý [1888], ngài trở về chùa giữ chức Thủ khố tại Tổ đình Thập Tháp. Năm Kỷ Sửu [1889], lúc 20 tuổi ngài thọ Cụ túc tại Đại giới đàn mở ở Tổ đình Long Khánh do Hòa thượng Hải Khoát Chí Thanh làm Đường đầuHòa thượng. Thọ giới xong thì bổn sư quy tịch [1889], ngài vừa để tang thầy vừa tiếp tục tham học với sư huynh là Tăng cang Vạn Thành – vị tân trú trì tổ đình Thập Tháp.
Sau khi cư tang bổn sư, ngài cùng pháp sư Phổ Huệ được Tổ Từ Mẫn giới thiệu tham học với Tổ Pháp Hỷ (húy Chơn Tín, tự Đạo Thanh) trú trì đời thứ 6 chùa Từ Quang, Phú Yên trong ba năm. Đương thời Tổ Pháp Hỷ, bậc uyên thâm Phật học và Nho học, là vị pháp sư nổi tiếng nhất tại Phú Yên thời ấy. Tổ Pháp Hỷ được nhiều lần mời ra Kinh thành Huế thuyết pháp, giảng kinh. Năm Thành Thái thứ 18 [1906], Tổ được vua mời ra thuyết pháp tại chùa Kim Quang, Huế. Tổ đã nhiều lần tổ chức Đại giới đàn tại chùa Linh Sơn để thí giới cho hàng xuất gia và tại gia.
Theo tác giả Liên Tâm trong nguyệt san Liên Hoa (số 1, năm thứ 9, Quý Mão– 1963), trong lúc về thăm quê ở Điện Bàn, được nghe Hòa thượng Chí Thành, Tăng cang chùa Tam Thai và Linh Ứng (Ngũ Hành Sơn) là bậc chân tu, ngài liền đến xin theo học và được Hòa thượng Chí Thành phú pháp. Sau đó nghe ở Thừa Thiên có nhiều bậc cao đức, ngài lại bang rừng vượt suối, một lần nũa đi tìm đạo. Đến Huế ngài tá túc tại chùa Phước Huệ là do Tuy Lý Vương lập ra.
Sau mười năm vân du khắp nơi học đạo, chẳng ngại đường xa, chẳng từ lao nhọc, được hội ngộ, nương tựa và tiếp nhận tri thức Phật pháp và kinh nghiệm tâm linh cao quý từ các bậc thạc đức mô phạm đương thời, với tư chất thông thái, bác học đa văn, trí nhớ mẫn tiệp, Quốc sư đã sớm thông suốt nghĩa lý uyên áo của Phật pháp và luật nghi thiền môn. Bên cạnh đó tổ đình Thập Tháp đã có sẵn một tàng kinh các quý hiếm, đó là Bộ Đại Tạng kinh đầy đủ do Tổng binh Mạc Thiên Tứ của trấn Hà Tiên dâng cúng, bộ mộc bản đồ sộ cùng các tác phẩm của chư Tổ Đạo Nguyên Tánh Đề (1656-1716), Minh Giác Kỳ Phương (1682-1744), Thiệt Kiến Liễu Triệt (1702-1779), v.v… từng trước tác, đã là nguồn pháp bảo mênh mông để ngài miệt mài nghiên cứu, thâm nhập Tam tạng giáo điển, thông suốt kinh sử, không chỉ của Phật giáo mà còn của Bách gia Chư tử. Theo thiền sư Nhất Hạnh, ‟khả năng giáo hóa của ngài Phước Huệ rất vĩ đại, vì vậy người đương thời đã tặng cho ông mỹ hiệu‟PHẬT PHÁP THIÊN LÝ CÂU”, nghĩa là con ngựa ngàn dặm của Phật pháp”.
III- SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TĂNG TÀI TẠI MIỀN TRUNG
Với một sở học uyên thâm cùng chí nguyện thắp sáng ngọn đuốc tri thức Phật pháp, đào tạo các thế hệ tăng tài, viên dung cả đức hạnh lẫn trí tuệ, làm nền móng cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo nước nhà, góp phần quang huy chánh pháp, Quốc sư đã bắt đầu sự nghiệp cao quý ấy.
Năm Thành Thái thứ 6 [1894], lúc Quốc sư 25 tuổi, Tổ Diệu Giác chùa Báo Quốc và Tổ Cương Kỷ chùa Từ Hiếu được triều đình sắc chỉ khai mở Đại giới đàn. Tổ Từ Mẫn chùa Tịnh Lâm được cung thỉnh ra làm Đệ nhất Tôn chứng và Quốc sư được cung thỉnh làm Đệ nhất Dẫn thỉnh. Đại giới đàn này do Tổ Tăng cang Diệu Giác làm Đường đầu Hòa thượng, Tổ Hải Thiệu làm Yết ma, Tổ Linh Cơ làm Giáo thọ. Tổ Tâm Tịnh khai sơn tổ đình Tây Thiên thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn này. Theo tác giả Liên Tâm trong nguyệt san Liên Hoa và được trích lại trong tác phẩm Quảng Nam Xưa và Nay của Hồ Ngân, Quốc sư và Tổ Tâm Tịnh gặp nhau trong giới đàn, cảm ứng đạo giao, thân thuộc nhau như bạn tri kỷ vậy. Chính Hòa thượng Tâm Tịnh, cha đẻ các Phật học đường xứ Huế đã đàm đạo với Quốc sư trong thảo am đơn sơ gần chùa Thiên Hòa và Quốc sư đã được mời dạy tại trường học mở tại Từ Hiếu.
Năm Thành Thái thứ 16 [1904], Quốc sư nhậm chức trú trì chùa Phổ Quang (Tuy Phước, Bình Định). Trước đó vào năm 1898, để tưởng nhớ Hòa thượng Chơn Lộc, hiệu Hoằng Tế trú trì chùa Phổ Quang đã phá quả hồng chung để đúc vũ khí giúp nghĩa quân Bình Định hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Cần Vương kháng Pháp, Quốc sư đã cho đúc cúng một đại hồng chung cho chùa.
Năm Thành Thái thứ 17 [1905], sư huynh Chơn Châu Vạn Thành viên tịch, ngài được cung thỉnh kế vị tổ đình Thập Tháp.
Năm Bính Ngọ Thành Thái thứ 18 [1906], vua nghe tiếng ngài học hạnh dung thông, liền hạ chiếu mời về triều, hỏi về thiên lý và diệu nghĩa Phật pháp. Từ ấy, ngài thường được mời vào Hoàng cung thuyết pháp cho vua cùng nội cung và bách quan nghe. Nhiều vị trong hoàng tộc, đại thần quy y với ngài.
Năm Duy Tân thứ nhất [1907], bộ lễ tâu lên triều đình phong Tăng cang, ban giới đao độ điệp cho ngài: ‟Nay xét vì Nguyễn Tấn Giao cũng thuộc đồng niên xuất gia, am tường khoa phạm đã được tăng chúng các chùa trong chư sơn cùng hương hào sở tại lựa chọn báo cử, tỉnh thần tỉnh ấy đã xác thực, vậy xin ân chuẩn cho tự trưởng chùa ấy là Nguyễn Tấn Giao chiếu theo lệ trước của Trần Vạn Thành cho sung làm Tăng cang chùa ấy, nhưng do thần Bộ tuân cấp một Giới đao, một Độ điệp, giao cho phụng thủ để được yên tâm giữ đạo”.
Năm Duy Tân thứ 2 [1908], ngài được mời ra Hoàng cung thuyết pháp, đồng thời cũng để khai mở một khóa giảng kinh tại chùa Trúc Lâm. Sau thời vua Thành Thái, các vua Duy Tân và Khải Định đều mời ngài vào cung giảng pháp. Vì vậy ngài được tôn xưng là Quốc sư.
Năm 1920, ngài mở Phật học đường tại chùa Thập Tháp và Long Khánh. Năm Giáp Tý [1924], ngài cất phương trượng cùng xây cổng chùa. Mấy năm sau ngài khai sơn chùa Phước Long ở Bình Khê, Tây Sơn.
Năm 1927 nhiều thế hệ tăng sinh từ Kinh thành Huế như các ngài Vĩnh Thừa, Chánh Thống, Đôn Hậu cùng với hàng đệ tử của Tổ Giác Tiên là các vị Mật Khế, Mật Hiển, Mật Nguyện vào tận Thập Tháp cầu học với Quốc sư.
Năm 1930 sau khi mở Sơn môn học đườngTrúc Lâm tại chùa Trúc Lâm, Hòa thượng Giác Tiên vào tận chùa Thập Tháp mời ngài ra làm chủ giảng. Theo sự thỉnh cầu Quốc sư đã ra Huế giảng dạy tại chùa Trúc Lâm, nơi quy tụ các thầy đã học tại các trường Thập Tháp, Thiên Hưng, Trà Am. Hàng cư sĩ tại gia trong đó có cụ Nguyễn Khoa Tần (nguyên Tổng đốc Quảng Nam), cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám…Từ đó, năm nào ngài cũng được thỉnh về chùa Trúc Lâm để giảng dạy cho tăng sinh. Cũng vào năm này chư vị tôn túc trong sơn môn Tây Thiên mở Cao đẳng Phật học đường Tây Thiên đã thỉnh ngài làm chủ giảng.
Năm 1932, Hội An Nam Phật học thành lập, Quốc sư được cung thỉnh Chứng minh đạo sư. Hội đã đúng ra thành lập một hệ thống giáo dục Phật giáo rất quy mô, khoa học, chặt chẽ tại nhiều cơ sở như các chùa Vạn Phước, Trúc Lâm, Báo Quốc và Tây Thiên. Quốc sư đã tích cực tham gia công tác giáo dục và đào tạo tăng tài do Hội tổ chức. Năm 1935, lớp Đại học Phật giáo được mở ra tại chùa Trúc Lâm, do thiền sư Giác Tiên làm Giám đốc. Quốc sư được cung thỉnh làm Đốc giáo và giảng dạy lớp đại học này. Ngày 16-10-1935, nhân ngày lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát, Hội An Nam Phật học đã cho thành lập và khai giảng Phật học viện Tây Thiên với 3 cấp học là Tiểu, Trung và Đại học. Quốc sư và các vị Hòa thượng như Giác Tiên, Giác Hạnh, Giác Bổn được Hội An Nam Phật học cung thỉnh vào ban giáo thọ Phật học viện. Đến năm 1937, Quốc sư giao việc Đốc giáo cho học trò mình là pháp sư Trí Độ và ngài về lại Bình Định lo Phật sự tại Thập Tháp và quê hương.
Phong trào Phật học thời bấy giờ tuy không còn quy mô đông đảo, nhưng rất vững chắc, với những lớp học trong mái am đơn sơ, những mái trường nho nhỏ, nhưng hội tụ trong đó những chí nguyện kiên cố, những tấm lòng tha thiết cầu pháp, những niềm tin vững chãi dồi dào sinh khí, những bậc chân tu thật học vì tiền đồ chánh pháp, vì đại cuộc nước nhà, như thầm báo hiệu một điều rằng, những hạt giống bồ-đề này sẽ không chỉ giới hạn trong ngôi chùa Thập Tháp cổ kính, trong mái chùa Trúc Lâm tĩnh mịch, trong bốn bức tường của Thiên Hưng tôn nghiêm, mà sẽ lan tỏa, sẽ vươn xa, sẽ tạo thành nguồn sinh khí đậm đà, nguồn năng lượng thâm uyên, nguồn ánh sáng rạng ngời cho tương lai Phật pháp. Quả thật sau đó, rất nhiều vị tôn túc theo học với ngài sau này thành những sứ giả Như Lai, trụ cột cho phong trào chấn hưng Phật giáo.
Năm 1936 với sự yểm trợ tích cực của Quốc sư, chư Tăng Ni và Phật tử tại Bình Định đã thống nhất việc thành lập chi nhánh An Nam Phật học hội tại Bình Định, cung thỉnh Quốc sư vào Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng Trừng Chấn Chánh Nhơn làm Hội trưởng. Ngày 12-01-1941, trên cơ sở mở rộng phạm vi hoạt động thường niên tại chùa Long Khánh để bầu ra Ban Trị sự mới, với Hội trưởng Nguyễn Mạnh Trừng, Hội phó Nguyễn Văn Thông.
Năm 1937, Phật học đường Long Khánh thành lập. Đáp lời mời của Hòa thượng Chánh Nhơn, ngài làm Đốc giáo và Chủ giảng tại trường này cùng Phật học đường Thập Tháp cho đến ngày viên tịch. Học trò ngài đến từ nhiều tỉnh ở Nam và Trung bộ, có những học tăng từng học với ngài nhiều năm ở Huế cũng theo ngài về Bình Định học ở Thập Tháp (như Hòa thượng Mật Nguyện…) hoặc Long Khánh. Rất nhiều bậc Tôn túc từ miền Nam như Hòa thượng Thiện Hòa, Thiện Hoa ở Sài Gòn, Hòa thượng Huyền Tân ở Phan Rang, Hòa thượng Hành Trụ, Hành Long ở Phú Yên…khắp nơi ở các tỉnh lân cận đều có người tới theo học với ngài. Theo tác giả Nguyễn Lang: ‟Tại chùa Long Khánh, một Phật học đường cấp Trung đẳng được Hội thiết lập đầu năm 1937 do thiền sư Phước Huệ đứng làm Đốc giáo. Thiền sư Phước Huệ vì lý do sức khỏe từ đây chỉ ở lại Bình Định và dạy Phật học đường Long Khánh chứ không ra Huế nữa. Vì lý do đó, nhiều học tăng lớp Đại học tại Huế, trong đó có nhiều vị được gởi từ Phật học đường Lưỡng Xuyên ra, đã theo về Bình Định và tiếp tục học nơi Phật học đường Long Khánh số đó ta có thể kể như thiền sư Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hiển Thụy, Hiển Không và Bửu Ngọc”. Cũng theo tác giả này, ‟phần lớn những giáo sư và giảng sư hoạt động từ năm 1938 trở đi đều có thọ giáo với ngài”. Sau khi mãn hạn khóa học này, một số tăng vẫn tiếp tục ra Huế theo học tại các Phật học đường của Hội An Nam.
IV- BẬC THẦY MÔ PHẠM KHẢ KÍNH
Ở nơi Quốc sư, không chỉ là bậc quảng bác đa văn Phật học, mà còn là sự dấn thân, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo các thế hệ hậu bối làm giềng mối cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo. Để thành tựu được hạnh nguyện đó, ngài luôn đối với các thế hệ học trò của mình, không những là vị Đốc học mẫu mực, một bậc giáo thọ thông tuệ, mà còn là một bậc thầy tâm linh mô phạm, khả kính, thâm tình.
Hồi tưởng lại những năm tháng sống dưới mái trường Phật học viện Thập Tháp 1927, trong hồi ký ‟Trên những chặng đường”, Hòa thượng Đôn Hậu đã ghi lại như sau: ‟Ở Thập Tháp, chùa chỉ lo phần gạo còn tiền ăn học thì học tăng phải tự túc. Ban đầu mỗi học tăng phải nộp mỗi tháng một đồng rưỡi. Sau chùa thấy số tiền ấy quá lớn, nhiều người không đủ sức để nộp, nên chùa cho bớt xuống mỗi người chỉ còn 9 hào mỗi tháng. Sau khi học được một năm, đến năm Mậu Thìn 1928, thì thầy Chánh Huy và thầy Chánh Thống trở về Huế. Đổi lại thì có hai thầy Mật Nguyện và Mật Hiển từ Huế vào… Công việc được phân phối như sau: Thầy Vĩnh Thừa sau khi anh em thọ trai xong, lo rửa dọn chén bát. Thầy Mật Khế lo đi chợ. Thầy Mật Hiển và thầy Mật Nguyện lo nấu ăn. Còn tôi thì phụ trách đi kiếm củi”. Tuy cuộc sống vật chất vất vả nhưng với tấm lòng bao dung và năng lượng từ hòa của Quốc sư, đại chúng luôn an lạc trong đời sống tinh thần: ‟Tuy đời sống vật chất có phần cơ cực, thiếu thốn, nhưng nếp sống tinh thần thì rất dồi dào phong phú. Được như thế phần lớn đều do anh em chúng tôi sống với nhau trong tinh thần Lục hòa, thân mật, vui vẻ, xem nhau như anh em ruột thịt. Thêm vào đó chúng tôi được sống dưới sự chăm nom dạy bảo của một vị hòa thượng chan hòa đức độ, một vị Quốc sư uyên thâm Phật pháp, phước trí kiêm toàn, trong khung cảnh trang nghiêm, thanh tịnh của một ngôi chùa lịch sử, cổ kính ”.
‟Trong học chúng lúc bấy giờ những tăng sinh xuất sắc đều từ Huế, đặc biệt là thầy Mật Khế. Tất cả anh em chúng tôi ai ai cũng lo chuyên cần tu học, luôn giữ gìn giới hạnh nên được Hòa thượng thương mến”.
‟Tác phong đúng đắn, học hành thậm chí thậm chí không những đem lại sự hang say, tận tụy trong việc tu học mà còn làm tăng them tín tâm của bổn đạo, tín đồ của chùa lúc bấy giờ”.
‟Một điều đáng ghi thêm ở đây nữa là trong lớp học tại Phật học viện Thập Tháp hồi đó còn có cả thầy Trí Độ, lúc bấy giờ còn là cư sĩ, nhưng sự tu học của thầy rất tinh tấn. Trong các thời công phu sáng chiều, thầy không bỏ sót một thời nào. Thật là một tấm gương cho ta nể vì”.
Như thế, Phật học đường Thập Tháp lúc bấy giờ không chỉ có các tăng sinh Bình Định và từ Huế vào, mà còn có cả cư sĩ trí thức như thầy Lê Kim Ba(sau nầy là pháp sư Trí Độ). Tình thầy trò giữa Quốc sư với các học tăng luôn khắng khít, gắn bó không chỉ tại Bình Định mà còn tiếp nối đến Kinh đô Huế sau đó. Khi trường Đại học Phật giáo Tây Thiên khai giảng, phần đông các vị đã tham dự các khóa học Phật tại Phật học viện Thập Tháp như quý Hòa thượng Chánh Thống, Đôn Hậu, Mật Hiển, Mật Nguyện đều đến tham dự, thêm vào đó còn có những vị khác như Hòa thượng Trí Thủ, Thiện Trì…
Trường Phật học Tây Thiên đơn sơ nhưng rất ấm cúng. Được sự chăm sóc tận tình của Hòa thượng Giác Nguyên, trong một khung cảnh tĩnh mịch, cách xa thị thành, quả thật là nơi học tập, nghiên cứu lý tưởng. Sáng ngày kỷ niệm Đệ nhất chu niên, khi vào chùa làm lễ, quý Hòa thượng Giáo thọ, Chứng minh đứng giữa, bên phải là các tăng sinh cấp Đại và Trung học, bên trái các tăng sinh cấp Tiểu học. Sau thời tụng niệm và phát hoằng thệ nguyện, Quốc sư Phước Huệ có vài lời với tăng sinh. Ngài nói:
‟Ngày xưa Đức Bổn Sư bỏ ngai vàng, lâu đài, điện ngọc, phụ vương, thê tử xuất gia tầm đạo và sau sáu năm khổ hạnh, dưới gốc cây bồ-đề, vượt qua những thử thách của ma vương, thành tựu đại nguyện. Chúng ta ngày nay có nguyện theo dấu chân Ngài, kế thừa đạo pháp? Mọi thử thách đang chờ đợi chúng ta và thử thách cam go nhất là kiểm soát cuộc đời chúng ta, kiểm soát thân khẩu ý. Muốn được vậy chúng ta không thể lơ là trong việc chấp trì giới luật, siêng năng tu tập. Đời sống tâm linh bắt đầu từ sự tuân hành kỷ luật, biết vâng lời, biết phụng sự, dẹp bỏ tư kỷ, dẹp bỏ tham muốn thường tình. Nếp sống Lục hòa mà Phật tổ đã truyền dạy, chúng ta cố gắng tuân hành. Sống hòa đồng với anh em tất cả mọi người, hợp tác, thân tình, phụng sự”. Lễ khai mạc xong, tăng sinh ra ngoài tháp phía bên trái trước chùa hay dưới cây thị xòa nhánh bao phủ cả sân chùa để thảo luận những điểm Quốc sư nêu ra trong huấn từ, hoặc trao đổi cho nhau những câu chuyện cá nhân đầy ý vị cho đến khi có tiếng chuông báo hiệu giờ quá đường, giờ cúng ngọ và thọ trai. Sau buổi lễ kỷ niệm năm thứ nhất của Phật học viện Tây Thiên, Quốc sư Phước Huệ, ban Giáo thọ, Chứng minh cùng tăng sinh chụp ảnh lưu niệm.
Trong số các tăng sinh từng theo học với Quốc sư, Hòa thượng Mật Thể là một trong những học tăng ưu tú, đã biên soạn cuốn Việt Nam Phật giáo sử lược, tác phẩm sử Phật giáo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ. Khi viết xong Hòa thượng Mật Thể đã mang vào Thập Tháp trình cho Quốc sư và được ngài viết tán thán: ‟Tháng trọng Xuân năm Quý Mùi, pháp sư Mật Thể du hành các tỉnh phía Nam mang theo bản cảo Quốc ngữ cuốn Việt Nam Phật giáo sử và thưa với tôi đó là tập sách do pháp sư trải bao năm tháng sưu tầm biên soạn mà thành, thỉnh cầu tôi chứng giám. Tôi nhận lấy bản cảo và đọc kỹ. Mỗi khi đêm tĩnh đèn cao, ngồi bên cuốn sách, nghĩ đến Sư đã từng có năm theo học nơi tôi, tôi biết được chí hướng và nguyện vọng của Sư. Ngoài việc tu học, Sư chưa từng lưu tâm đến việc phiên dịch trước thuật nhằm cho sự nghiệp hoằng pháp. Xưa kia Phật giáo từ Đông độ sang, truyền nhập vào nước Nam ta đã hơn ngàn năm, chư vị đạo tổ Thánh tăng tương tục phát xuất công đức, chiếu sáng lịch sử, há đâu từng mai một. Ngày hôm nay đây, có được cuốn sách này, chẳng những có công với Phật giáo mà còn có công với Phật học vậy. Do đó tôi mừng vô lượng vô biên, vội có mấy lời tán thán”.
Đây là một trong số rất ít bút tích của Quốc sư để lại, thể hiện tấm lòng bao dung và trân quý đối với một nhân tài của Phật giáo thời bấy giờ. Lời khích lệ của ngài đã tạo động lực để sau này Hòa thượng Mật Thể đã trước tác nhiều tác phẩm như: Phật giáo yếu lược, Phật giáo khái luận, Thế giới quan Phật giáo, Cải tổ Sơn môn, Đại thừa vô lượng nghĩa…
Nơi phương trượng chùa Thập Tháp có thượng một bức chân dung toàn thân Quốc sư, khổ lớn, do họa sĩ tại Kinh đô Huế là Khánh Phú Trung nhơn Hồng Cao vẽ năm 1931, tại giảng đường chùa Trúc Lâm, do chư tăng, quý cư sĩ tại chùa Trúc Lâm kính dâng. Bức chân dung được vẽ trên vải quý này có niên đại cách đây 90 năm là một minh chứng thể hiện tấm lòng tôn kính và tri ân chân thành của các thế hệ học trò của Quốc sư tại Kinh đô Huế đối với một bậc xuất trần thượng sĩ.
V- VỊ THIỆN TRI THỨC CAO QUÝ
Kinh Tương Ưng dạy rằng, thiện tri thức hay bậc thầy tâm linh là vị có đức hạnh và trí tuệ, là người hiểu lợi ích đời hiện tại, đời vị lai và lợi ích cao quý nhất. Trong kinh Tạp A Hàm (kinh số 780), đức Thế Tôn dạy bậc thiện tri thức là vị có thể giúp cho người khác chẳng sanh tà kiến chưa sanh, tiêu diệt tà kiến đã sanh, tăng trưởng chánh kiến đã sanh. Kinh Tăng Nhất A-hàm dạy: ‟Gần gũi thiện tri thức rồi, niềm tin liền tăng thêm, giới, văn, thí, trí tuệ thảy đều tăng thêm” (Kinh Tăng Nhất A-hàm, tập I, phần Thiện tri thức). Kinh văn Phật giáo thường diễn tả tầm quan trọng của các vị thiện tri thức trong đời sống tâm linh và xem đó là yếu tố tiên quyết, cực kỳ quan trọng trong lộ trình tu học. Có thể nói Quốc sư là bậc thiện tri thức cao cả. Bất cứ ai có duyên thân cận với ngài đều tiếp nhận những năng lượng nhiệm mầu lan tỏa từ giới đức, từ tuệ giác, từ công hạnh của ngài, để từ đó tăng trưởng niềm tin ý chí, thành tựu nguyện lực cao đẹp.
Khi Quốc sư đến đạo tràng Tịnh Lâm (Phù Cát) theo học thiền sư Thanh Chánh Từ Mẫn, ngài đã hội ngộ một pháp hữu, cũng là đệ tử thượng thủ của Tổ Từ Mẫn là Trừng Chiếu Phổ Huệ. Hai vị sau đó cùng vào Phú Yên tham học với Tổ Pháp Hỷ (húy Chơn Tín, tự Đạo Thành)
Trong chuyến tham học này, Nguyễn Cao là anh cả của Hòa thượng Tâm Hoàn Huệ Long (1924-1981), và cũng là người anh họ của Hòa thượng Phổ Huệ theo tu học và làm thị giả cho Pháp sư. Cũng như Quốc sư, ngài Phổ Huệ cũng được triều đình Huế thỉnh vào trong hoàng cung để thuyết pháp, nên ngài được tôn xưng là Pháp sư, và là một ngôi sao sáng của Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ. Sau thời gian hoằng hóa tại Huế, Pháp sư Phổ Huệ với biệt tài thuyết pháp, trở về chùa Tịnh Lâm, mở đạo tràng giảng dạy Phật pháp, khiến đạo tràng Tịnh Lâm lúc này rất hưng thịnh, danh tiếng vang khắp cả miền Trung.
Nói về nhân duyên đặc biệt giũa hai vị cao tăng, hậu nhân xưng tụng: ‟Bình Định lưỡng Huệ, Dục tú chung linh, Bắc Phổ nam Phước, Đại chấn gia thinh” (Bình Định hai Huệ, Tinh anh đúc ra, Bắc Phổ nam Phước, Làm nức tiếng nhà)
2- VỚI TỔ SƯ BÍCH LIÊN (1876-1950)
Một trong những bậc cao tăng đóng góp rất lớn cho phong trào chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX là Tổ sư Trí Hải Bích Liên. Vốn xuất thân từ gia đình Nho học, trước khi xuất gia, ông tú Nguyễn Trọng Khải miệt mài với nghề giáo và không mấy thiện cảm với đạo Phật. Nhưng nhờ nhân duyên lành với tượng Bồ-Tát Quán Thế Âm do dân chài vớt lên, đặc biệt là do nhân duyên hội ngộ với Quốc sư tại tổ đình Thập Tháp, vị tú tài này đã quy hướng về Phật pháp một cách kỳ diệu. Tương truyền rằng, nghe danh tiếng về sự uyên bác Phật học và trí nhớ đặc biệt của Quốc sư, một hôm ông tú đến mượn ngài một cuốn sách Phật học về xem. Khi đem gởi lại cho Quốc sư, ông đã xé mất vài trang của cuốn sách, tỏ vẻ tiếc nuối, ngỏ lời xin lỗi vì bất cẩn làm mất mấy trang đó và xin Quốc sư nói lại nội dung của những trang đã bị mất. Quốc sư không cần suy nghĩ, trùng tuyên đầy đủ những trang đã bị mất, khiến ông tú ngỡ ngàng, cảm phục và từ đó gần gũi học đạo với ngài. Đạo lực và trí tuệ của Quốc sư đã cảm hóa được một nhà trí thức và từ đó hun đúc chí nguyện thoát tục trong tâm trí của nhà trí thức này.
Vì thế, sau khi sắp xếp chu toàn công việc gia đình, không còn gì ràng buộc, năm 1919 (năm 43 tuổi), ông tú phát nguyện xuất gia. Điều khiến cho mọi người cảm phục về hạnh khiêm cung và nếp sống vô ngã của Quốc sư là thayvì nhận ông tú Khải làm đệ tử (nếu là đệ tử tất sẽ có khoảng cách thầy trò, sẽ lỡ những dịp bàn luận văn chương thi phú), Quốc sư lại giới thiệu ông đến chùa Thạch Sơn ở Quảng Ngãi thọ giáo với Hòa thượng Hoằng Thạc, được ban pháp danh Chơn Giám, tự là Đạo Quang, hiệu là Trí Hải. Dầu Hòa thượng Trí Hải kính Quốc sư như thầy của mình, nhưng Quốc sư đối với Hòa thượng như người bạn đạo, đặc biệt rất quý tài thơ văn liễn đối của Hòa thượng. Hòa thượng Bích Liên đã được Tổ Khánh Hòa mời làm chủ bút tạp chí Từ Bi Âm – Cơ quan ngôn luận của Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật Học.
Những lúc rảnh rổi, Hòa thượng thường đến Thập Tháp luận đạo và trao đổi thơ phú với Quốc sư. Một hôm vào lúc trời đã tối, trên bầu trời An Nhơn trăng sáng vằng vặc, cảnh trí về đêm tĩnh mịch, Hòa thượng đến Thập Tháp để vấn an Quốc sư, cổng tam quan còn mở, Hòa thượng đã cảm tác hai câu đối tuyệt phẩm, được Quốc sư cho khắc lên trụ cổng tam quan tổ đình Thập Tháp:
Nguyệt hạ bất xao kim tỏa đoạn,
Sơn tiền chỉ nhậm bạch vân phong.
[Mây trắng lững lờ vương núi biếc,
Khóa vàng buông mở dưới trăng trong]
(Hòa thượng Viên Đạt dịch)
Câu đối mới đọc qua tưởng chừng chỉ là một sự mô tả khung cảnh trước một ngôi cổ tự. Tuy nhiên, hàm tàng trong đó một thông điệp thiền học thâm thúy: một khi rũ bỏ mọi trần duyên, quay về với đạo, bước vào thiền môn, hành giả trở về với chính mình, trở về thực tại nhiệm màu, với sự an nhiên tự tại, ở đây và bây giờ, như mây trắng thong dong, như núi xanh vững chãi, thì đó là cội nguồn của đạo, là chìa khóa vàng để mở cánh cửa nhất nhị, cửa vô môn, cửa tam giải thoát và an trú vào ánh trăng tự tánh thanh tịnh xưa nay vốn có nơi mỗi người. Về với tự tánh thì lòng luôn rộng mở để bao dung, để tha thứ, như cửa chùa luôn rộng mở với bất cứ ai, trong bất cứ thời điểm nào.
Khi nói về công hạnh của Quốc sư Phước Huệ, Hòa thượng Bích Liên đã cảm tác qua câu đối sau:
Dữ tổ ấn thiền tâm, đại hải huyền châu thân lâm cổ nguyệt,
Vị nhân bồi Phật chủng, tịnh bình cam lộ bảo địa liên hoa.
[Với tổ ấn in tạc lòng thiền, ngọc châu biển cả long lanh, sáng chói rừng sâu vầng nguyệt bạch,
Vì nhân sinh vun trồng giống Phật, cam lộ tịnh bình mát dịu, ngạt ngào cõi báu đóa sen vàng]
(Hòa thượng Kế Châu dịch)
Lời câu đối muốn thể hiện sự tôn kính đối với Quốc sư trong sứ mạng kế thừa tổ nghiệp, ấn tâm truyền tâm, hòa trong biển chánh pháp để tìm được viên ngọc chân tâm huyền diệu; vào tận ngọn nguồn, tìm đến những cội cổ thụ của rừng thiền để tỏa sáng ánh trăng vằng vặc Bồ-đề tâm; rồi từ đó nương thuyền từ khắp chốn nơi nơi vì hàng hậu bối mà vun bồi hạt giống Phật nơi mỗi bản tâm, mang tịnh bình tưới tẩm nước cam lồ nơi đất tâm để sen vàng vươn lên đất báu. Quốc sư vị trú trì đời thứ 13, một lần nữa đã kế thừa xứng đáng sự nghiệp các bậc tổ sư tiền bối, làm rạng rỡ uy đức của tổ đình Thập Tháp nói riêng và Phật giáo Bình Định nói chung. Ngài đã thâm nhập Tam tạng thánh điển, hòa trong biển pháp giới Hoa tạng tỳ-lô, đến thọ giáo với những bậc tòng lâm thạch trụ trong rừng thiền, để rồi ngộ Phật tâm, thông Phật lý, rồi từ đó không quản đường xa khó nhọc, thời thế tao loạn, đến khắp mọi nơi diễnPhật nghĩa, thuyết Phật ngôn, vun xới chí nguyện xuất trần của các thế hệ tăng tài, góp phần cho sự xương minh chánh pháp, hưng thịnh Phật pháp.
3- VỚI TỔ SƯ KHÁNH HÒA
Một trong những duyên hy hữu trong cuộc đời của Tổ Khánh Hòa chính là sự hội ngộ với Quốc sư, Quốc sư vừa là người cùng thời, cùng tâm nguyện trong công cuộc chấn hưng Phật giáo và cùng chí hướng duy tuệ thị nghiệp. Hòa thượng Thiện Hoa có ghi lại một tâm tình của Tổ Khánh Hòa tại Phật học đường Lưỡng Xuyên rằng: ‟Một hôm Sư cụ Tuyên Linh (Lê Khánh Hòa) Giám đốc Phật học đường Lưỡng Xuyên đưa cho chúng tôi cuốn Đại thừa bá pháp minh môn luận mà dạy rằng: Duy thức là một môn học khó vô cùng. Văn chương đã khó, danh từ lại nhiều và hành tướng Tâm vương, Tâm sở cũng rất phiền phức. Tôi đã ba năm nghiên cứu bộ Thành duy thức luận, mà như người đi vào rừng rậm, không tìm được lối ra. Đến năm Đinh Mão nhờ ban tổ chức Trường Hương Long Khánh ở Quy Nhơn mời tôi làm Pháp sư. Tôi được may mắn gặp Hòa thượng Thập Tháp. Tôi thuật lại sự khó khăn trong việc nghiên cứu Thành duy thức của tôi. Hòa thượng Thập Tháp nghe xong đem biếu tôi quyển Đại thừa bá pháp minh môn luận chuế ngôn và nói. Tôi biếu ngài một cái chìa khóa để mở kho Duy thức. Người nghiên cứu Duy thức mà trước không đọc luận này, thì cũng như người gỡ nùi tơ rối mà không tìm được mối. Vậy ngài nên đọc quyển luận này cho kỹ rồi nghiên cứu Thành duy thức. Ngài sẽ thấy dễ dàng… Quả thật như thế. Sau khi tôi trở về Nam, chuyên chú đọc quyển Đại thừa bá pháp minh môn luận trong ba tháng rồi trở lại nghiên cứu Thành duy thức, thấy không còn khó khăn như trước nữa. Bởi thế, quyển Bá pháp này đối với tôi quý báu vô cùng. Ngoài các kỷ niệm vô giá của Hòa thượng Thập Tháp, nó còn là chìa khóa cho tôi mở cửa vào Duy thức”.
Giai thoại trên cho thấy rằng, khi các bậc thiện tri thức cùng tâm niệm và chí hướng gặp nhau, đó sẽ luôn là cơ hội quý báu để trau dồi tri kiến, mở rộng tầm hiểu biết và tăng trưởng năng lượng tâm linh. Quốc sư và Tổ Khánh Hòa không chỉ gặp gỡ tại Trường Hương Long Khánh, gặp gỡ trên con đường học Phật, mà còn gặp gỡ trong đường hướng chấn hưng Phật giáo mà sau này Tổ Khánh Hòa cổ súy: thứ nhất, ra sức chỉnh đốn hàng ngũ Tăng-già; hai là xuất bản tạp chí Phật giáo để phổ biến Phật pháp trong quảng đại công chúng; ba là, vận động mở các Phật học đường để đào tạo tăng tài, phụng sự đạo pháp và xã hội nhân sinh; bốn là, thỉnh Đại tạng kinh chữ Hán để nghiên cứu và dịch ra chữ Quốc ngữ. Những gì mà Tổ Khánh Hòa thực hiện cũng chính là tâm nguyện dấn thân của Quốc sư trong suốt cuộc đời mình.
4- VỚI PHÁP SƯ TRÍ ĐỘ
Pháp sư Trí Độ thế danh Lê Kim Ba, giỏi cả Nho lẫn Quốc ngữ, từng thi đỗ vào trường Sư phạm, sau ra dạy học ở Vĩnh Lưu. Tại đây pháp sư làm quen với thầy giáo Võ Trấp (sau này là Hòa thượng Liên Tôn), thường bàn luận về sự lý tu hành nên mến mộ đạo Phật. Vâng lời Hòa thượng Liên Tôn, pháp sư đến yết kiến và thọ pháp quy y với Hòa thượng Bích Liên (1876-1950), một tăng sĩ quảng kiến đa văn, đạo cao đức trọng, nên trình độ Phật học của pháp sư ngày một nâng cao và Hòa thượng Bích Liên ban pháp danh Trí Độ.
Năm 1926, pháp sư được Hòa thượng Bích Liên giới thiệu đến học pháp với Quốc sư Phước Huệ tại tổ đình Thập Tháp, nhờ đó trình độ Phật học của pháp sư không ngừng tăng tiến. Năm 1929, Quốc sư đã cho phép pháp sư tham gia giảng dạy Phật pháp tại tổ đình Thập Tháp. Sau nhiều năm vào tham gia trong Ban Biên tập tạp chí Từ Bi Âm của Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học cùng Hòa thượng Bích Liên và Liên Tôn, pháp sư đã trước tác, dịch thuật và đăng tải nhiều bản kinh và chủ đề Phật học giá trị, và đã được mời ra Huế tham gia sự nghiệp giáo dục Phật giáo của Hội An Nam Phật học, lần lượt được mời làm giảng sư, rồi Đốc giáo tại Phật học đường của Hội An Nam Phật học mở ở chùa Vạn Phước, sau chuyển về chùa Báo Quốc. Đây là một trường được hình thành rất sớm trong giai đoạn mới chấn hưng Phật giáo, quy tụ cả tăng sinh Trung, Nam, Bắc, suốt mười năm trường gần như do một mình pháp sư chăm sóc giảng dạy. Vốn là một nhà giáo, giàu kinh nghiệm sư phạm, hiểu tâm lý người học, nên pháp sư đã dùng lối giảng dạy hiện đại, rất được học tăng ưa thích và các khóa giảng của pháp sư rất thành công. Trong thời gian này, ngài vẫn đi về tham học với Quốc sư.
Năm 1940, pháp sư trở về Bình Định xin xuất gia làm đệ tử của Hòa thượng Trí Hải Bích Liên và tiếp tục thọ giáo với Quốc sư. Năm 1941, ngài thọ tam đàn Cụ túc, tại Đại giới đàn ở chùa Quốc Ân, Huế. Pháp sư đã có công đào tạo cho xứ Huế nhiều lớp tăng tài mà sau này, trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc trong phong trào chấn hưng Phật giáo và trong pháp nạn 1963. Năm 1944 , pháp sư cùng với bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là hai vị đã dày công chuyển trường lên Lưu Bảo để lập Tùng Lâm Kim Sơn.
Có thể nói, xuất thân từ một nhà giáo, pháp sư Trí Độ đã sớm trau dồi một trình độ Phật học vững chắc nhờ được tham học với Quốc sư Phước Huệ và Tổ Bích Liên – những đại thụ của Phật học miền Trung thời bấy giờ. Quốc sư đã giảng dạy và đào tạo một người học trò xứng đáng mà sau này kế thừa sự nghiệp đào tạo tăng tài tại Huế, góp phần quan trọng cho phong trào chấn hưng Phật giáo. Sau khi ra miền Bắc lãnh đạo Phật giáo, mỗi lần về thăm quê hương pháp sư Trí Độ đều về tổ đình Thập Tháp để lễ Phật, đảnh lễ giác linh bậc thầy tâm linh, vị thiện tri thức cao cả trong cuộc đời của ngài.
5- VỚI NI TRƯỞNG DIỆU KHÔNG VÀ SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH
Sự nghiệp giáo dục Phật giáo của Quốc sư rất rộng khắp. Một trong những nhân duyên thù thắng của sự nghiệp đó chính là việc giảng dạy kinh điển cho Ni chúng, đặc biệt hai vị danh Ni của miền Trung, miền Nam là Sư trưởng Diệu Không (1905-1997) và Sư trưởng Như Thanh (1911-1999). Về sau hai vị này đã trở thành hai vị Ni tài đức, chân tu thật học, thâm nhập kinh điển, lãnh đạo Ni đoàn, có nhiều đóng góp lớn cho Phật giáo nước nhà.
Lúc Quốc sư giảng dạy tại giảng đường chùa Trúc Lâm, ngoài chư tăng còn có sự tham dự đặc biệt của Ni trưởng Diệu Không (lúc đó vừa thọ giới Sa di Ni) và cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Trong bản dịch kinh Lăng-già tâm ấn, Sư bà Diệu Không đã nhắc lại cảm nhận từng theo học với Quốc sư: ‟Bộ Lăng Già Tâm Ấn tôi học cách đây hơn ba mươi năm với Hòa thượng Thập Tháp khai dạy ở chùa Trúc Lâm tỉnh Thừa Thiên vào năm 1932, lớp Đại học ấy gồm có các Hòa thượng, Thượng tọa và cư sĩ Tâm Minh. Được dự thính kinh này, tôi như người mê sực tỉnh, nhờ vậy mà tôi bỏ được cái tập quán phú quý ô trược, tiến thân vào con đường đạo…”(Kinh Lăng già tâm ấn,Diệu Không dịch, Hoa Sen xuất bản, Sài Gòn 1974, tr.7). Lời cảm nhận trên đã cho thấy một sự chuyển hóa rất lớn trong tâm thức của Ni trưởng khi học bộ kinh này với Quốc sư. Là người từng được học với các bậc cao tăng, Ni trưởng đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của sự nghiệp đào tạo tăng tài. Ni trưởng đã đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục Ni giới qua việc kiến tạo các Ni viện Diệu Viên, Khải Ân, Hồng Ân, Kiều Đàm…ở Huế cũng như Bảo Thắng -Hội An, Bảo Quang – Đà Nẵng, Tịnh Nghiêm – Quảng Ngãi, Diệu Quang – Nha Trang.
Ni trưởng Như Thanh sau khi xuất gia (năm1932) đã vân du khắp nơi để tham học Phật pháp. Năm 1938 Ni trưởng ra Huế và được Ni trưởng Diệu Không mời ở lại chùa Diệu Đức học kinh điển với Hòa thượng Mật Hiển. Sau đó Ni trưởng ra Hà Nội để tìm học và nghiên cứu Luật tạng. Cuối năm 1941 trên đường về miền Nam, được biết Quốc sư Phước Huệ là vị cao tăng nổi tiếng, bậc thông kinh luận vào bậc nhất thời bấy giờ. Ni trưởng liền ghé lại Bình Định, đến chùa Thập Tháp cầu học bộ kinh Lăng-già tâm ấn với Quốc sư. Xét thấy Ni trưởng có căn khí đại thừa, tinh thần cầu pháp tha thiết, Quốc sư liền hứa khả và đã dạy kinh Lăng-già tâm ấn trong năm tháng. Đây là bộ kinh khó nhất trong giáo điển Đại thừa, nhưng nhờ thiên tư mẫn tiệp, Ni trưởng lãnh hội thâm nghĩa rất nhanh. Có thể nói, thắng duyên được diện kiến và học pháp với Quốc sư Phước Huệ là một phước báu và nhân duyên vô cùng quan trọng cho Ni trưởng Như Thanh trong sự nghiệp hoằng truyền Phật pháp sau này. Ni trưởng không chỉ học tư tưởng về Phật học từ Quốc sư mà còn tiếp nối chí nguyện giáo dục và hoằng pháp của ngài, để rồi khi trở về miền Nam đẽ mở lớp dạy không chỉ giới luật dành cho chư Ni mà còn các bộ kinh Đại thức như: Lăng Già, Thủ Lăng Nghiêm, Kim Cang, Bát Nhã, Pháp Hoa, Đại Bửu Tích…cho chư Ni khắp các nơi từ Nha Trang vào miền Nam.
Hai vị Ni trưởng trên có thể được xem là hai ngôi sao sáng trong Ni đoàn Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, cùng có nhân duyên học đạo với Quốc sư, đặc biệt là bộ kinh Lăng già tâm ấn, cùng tiếp nối được chí nguyện dấn thân cho đời, cho đạo, vì các thế hệ hậu bối, thông qua việc thành lập cơ sở giảng dạy Phật pháp, phát huy giáo dục Phật giáo. Cả hai vị đã phiên dịch rất nhiều kinh điển quan trọng, trước tác nhiều tác phẩm Phật học giá trị.
VI- BÀI CHÍ TRÊN ĐẠI HÔNG CHUNG CHÙA PHỔ QUANG
Năm Mậu Tuất [1898] khi đang tịnh tu tại Am Đế Thảo ở Kinh đô Phú Xuân, Quốc sư đã cho đúc một quả chuông lớn, cao 1m30, đường kính miệng 0m80, nặng 300kg hiến cúng chùa Phổ Quang ở huyện Tuy Phước. Quai chuông tạo hình hai con bồ-lao đấu lưng nhau, đỉnh quai là đuôi bồ-lao, lộ chân 4 móng và những dải mây. Hai đầu bồ-lao đối xứng nhau, mũi cao, miệng ngậm ngọc, hai chân khuynh dính vào đỉnh chuông, mắt lồi, mày 3 chẻ, tai thỏ, sừng chạc hươu, bờm mây lửa uốn, vây nhọn sắc chạy dọc sống lưng, vẩy hình long công, có hào quang mây lửa ở gần đỉnh chuông, chân có 5 móng. Cũng như những chuông khác , thân chuông được chia làm 8 ô, 4 trên và 4 dưới, 4 chữ Vạn Thọ Vô Cương được đúc nổi theo kiểu chữ chân. Trong 3 ô trên dưới 3 chữ Vạn, Thọ, Vô có khắc bài Phổ Quang tự chung chí do Quốc sư soạn. Trong 4 ô dưới có khắc hình long, lân, quy, phụng và các hoa văn tinh xảo. Đọc bài chí ta biết vào năm Ất Dậu [1885], trú trì chùa Phổ Quang là giáo thọ Chơn Lộc Hoằng Tế đã hưởng ứng phong trào Cần Vương đem quả chuông của chùa hiến cho nghĩa quân để đúc vũ khí đánh Pháp. Từ ấy đến khi viết bài chí này thì đã hơn 10 năm, nay chùa đã được ngài Hoằng Tế trùng tu nhưng pháp khí vẫn còn thiếu hông chung nên Quốc sư đúc chuông để cúng vào chùa.
Nguyên văn bài chí bằng chữ Hán.
Xin mời đọc từ bản gốc đăng trên Đặc san Liễu Quán ra tháng 05 – 2021. Phật lịch 2565.
Dịch nghĩa:
BÀI CHÍ CHUÔNG CHÙA PHỔ QUANG
‟Giữa hai khoảng hữu vô trong Phập pháp mà gởi vào đấy dấu vết phế hưng, hình thù chân ngụy thì quá lắm nhỉ? Như quả chuông của ngôi chùa xưa nổi tiếng danh lam là Phổ Quang tự, từ khi Đức vua rời Kinh đô chạy ra ngoài mở chiến dịch chống xâm lăng, quả chuông lớn đó đã giao hết cho lửa của phường đúc, để nó nhảy nhót trong lò (rồi biến thành vũ khí) mà khởi nghĩa. Từ ấy đến nay trải hơn mười năm thì chùa được trú trì là Giáo thọ đại sư hiệu Hoằng Tế bắt đầu trùng hưng
Bần đạo sở dĩ mến mộ Sư bởi nhờ Sư ban cho lời nói hay, người đời sở dĩ kính trọng Sư bởi tiếng tốt về Sư không ngớt xưng tụng. Với bấy nhiêu ấy, tin tưởng rằng Sư sẽ thành nghiệp lớn. Nhân việc đó bần đạo đã đến viếng chùa thăm Sư, quả thấy chùa chiền đẹp đẽ hơn trước, pháp khí đầy đủ chỉ thiếu quả chuông lớn. Cho nên, bần đạo dốc hết của dùng, đúc quả chuông này phụng cúng. Vả lại, làm việc thiện như lời Sư Long Tường đã phân tích (là phá chuông đúc vũ khí để khởi nghĩa mà) người cho là thiện thì bần đạo sao dám tự cho rằng việc mình đúc chuông là thiện, lại đem trình bày cho người ta xem sao? Bần đạo đáp lại Sư là người cùng chí hướng, nên đúc chuông này cùng Sư cầu nguyện cho.
‟Ung ung minh thịnh”, phượng gáy chúc hoàng gia, cõi thọ đài xuân, gió lành thổi mát mẻ. Trong non quỷ mị bật hình, trên biển cá kình bật tiếng. Ấy toàn nhờ ở Phật lực, chứ chẳng phải sức bồ-lao. Tuy nhiên, bồ-lao dầu là ngụy nhưng chẳng có ngụy thì lấy gì làm chân? Đạo vốn là chân, nhưng chẳng có chân thì lấy cái gì làm ngụy? Người nhận tiếng chuông là tiếng con bồ-lao kêu lên tức đã lấy ngụy làm thành chân rồi nhỉ? Nay bần đạo đã lấy chân làm ngụy, biết đâu sau này chẳng có người lại lấy ngụy làm chân nhỉ? Chân không, ngụy có. Cho rằng có thì có phế có hưng, bảo rằng không thì không hưng không phế chăng.
Viết tại năm Thành Thái thứ 10 [1989], mùa xuân.
Người chủ hèn kém của bản thảo còn rối rắm, như cỏ kết chằng chịt này là Phước Huệ. Kính cẩn ghi”.
(Lộc Xuyên Đặng Quý Địch dịch)
Bài chí trên là một trước tác quý hiếm còn lại của Quốc sư không chỉ nói về nhân duyên và ý nghĩa của việc kiến tạo Đại hồng chung, mà còn bàn đến sử liệu, triết lý và tinh thần nhập thế của Phật giáo. Triết lý chân không diệu hữu của Phật giáo, đặc biệt trong truyền thống Đại thừa là một đỉnh cao của triết học tôn giáo, bàn đến ngọn nguồn, thâm áo nhất về bản thể của con người và vạn hữu. Trong thế giới có và không đó, các hiện tượng giới như hưng phế, thịnh suy, thành bại, thật (chân) giả (ngụy) chỉ là ảo ảnh của yếu tính vô thường, cũng là dụng ô nhiễm vọng động của tâm sanh diệt. Bậc đại sĩ đi vào đời tùy duyên, tùy thời mà dung các phương tiện thiện xảo hành đạo lợi tha. Hòa thượng Hoằng Tế với tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân trong thời điểm thống thiết của quốc gia mà cống hiến Đại hồng chung chùa Phổ Quang cho sự nghiệp chung của nước nhà; Quốc sư cũng kế thừa hạnh nguyện đó mà kiến tạo Đại hồng chung để đại chúng và bá tánh nghe tiếng chuông ấy mà lắng tâm, tỉnh giác, trau dồi thân tâm, cầu nguyện cho đất nước thanh bình và chúng sanh an lạc.
Theo Lộc Xuyên Đặng Quý Địch lồng trong triết lý về tánh không là vào thời điểm tác giả viết bài văn này, nhà Nguyễn còn gặp nhiều thử thách, thực dân Pháp còn mạnh thế, vua Hàm Nghi còn bị đày ở nước ngoài, phong trào Cần Vương bị đặt ngoài vòng pháp luật. Mặc dầu vậy tác giả với tinh thần vô úy vẫn nhắc tới cuộc ‟khởi nghĩa do ‟xuất đế” dấy lên cũng ảnh hưởng rộng khắp của phong trào yêu nước. Chưa hết, tác giả còn mượn chuyện bồ-lao bàn việc chân-ngụy nhằm biện minh cho việc làm của ‟xuất đế” đã bị thực dân Pháp và Nam triều bôi nhọ.
Với lối văn biền ngẫu bác học, bài chí đã thể hiện một phong cách ngôn ngữ văn chương lưu loát, nhẹ nhàng vừa mang tính luân lý triết học, chặt chẽ, vừa thể hiện một sự minh triết và sâu sắc của một bậc cao tăng.
VII- VIÊN TỊCH
Suốt một cuộc đời cống hiến cho Phật pháp, phụng sự nhân sinh, Quốc sư đã viên mãn mọi nhân duyên trong sự hiện hữu của mình giữa nhân gian. Ngài không chỉ kế thừa xứng đáng các bậc tiền nhân đời trước tại Thập Tháp, mà còn làm rạng danh chốn Tổ, chăm lo việc kiến thiết tổ đình, đặc biệt là xây dựng cổng tam quan, khu Phương trượng và đã thế độ phú pháp rất nhiều đệ tử xuất gia, về sau trở thành những bậc chân tu, thạc đức và thông tuệ, xứng đáng như quý Hòa thượng Huệ Chiếu, Huệ Chánh, Trí Hạnh, Nguyên Giác, Trí Diệu, Thiện Ngôn, Pháp Thường, Trí Nhàn, Tịnh Diệu, Mật Viên, Mật Hạnh, Kế Châu…trong đó đặc biệt là hai vị Hòa thượng Huệ Chiếu và Kế Châu kế thừa tổ đức đã quang huy làm rạng rỡ thêm tổ đình Thập Tháp.
Đầu xuân năm Ất Dậu [1945], sau khi thăm viếng nhiều ngôi chùa trong bản tỉnh và các ngôi chùa do môn hạ Quốc sư trú trì, vào ngày 22 tháng giêng năm Ất Dậu, sau 76 năm trụ thế, 64 năm viên mãn mọi nhân duyên độ sanh giáo hóa, trọn vẹn hạnh nguyện của bậc xuất trần, Quốc sư đã an nhiên thị tịch. Long vị ngài thờ tại tổ đường ghi: ‟Sắc tứ Thập Tháp Tăng cang, tự Lâm Tế tứ thập thế, húy Chơn Luận hiệu Phước Huệ Hòa thượng chi vị”. Đồ chúng lập tháp phía bắc ngoại vi chùa để tôn trí pháp thể ngài, bia tháp ghi: ‟Sắc tứ Thập Tháp Tăng cang Phước Huệ Hòa thượng chi tháp”
Hòa thượng Bích Liên có 4 câu đề vịnh
Phần chữ Hán xem bản gốc.
Phiên âm:
Nguy nhiên nhất cao tháp
Độc tọa Cổ bàn đông
Ngoại thị hữu vi tướng
Trung tàng vô tướng ông.
Dịch nghĩa:
Một tháp cao vời vợi
Đồ Bàn đứng phía đông
Ngoài thì có hình tướng
Trong chứa vô tướng ông.
Dịch thơ:
Đồ Bàn thành cũ về đông
Một tòa bảo tháp thẳng xông lên trời
Hữu hình hữu hoại đổi dời
Chân không diệu thể sáng ngời bên trong.
(Hòa thượng Kế Châu dịch)
KẾT LUẬN
Cuộc đời của Quốc sư Phước Huệ là một hiện thân của một bậc thầy tâm linh cao cả, một nhà Phật học uyên bác, một nhà giáo dục Phật giáo xuất sắc, một tinh thần nhập thế đầy nhiệt huyết, và là một cao tăng của Phật giáo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Cả cuộc đời của ngài chỉ hướng đến mục đích duy tuệ thị nghiệp, kế thừa mạng mạch của chư vị Tổ sư trong sứ mạng truyền đăng tục diệm và là một trong những nhà tiên phong trong phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà. Vì thế Quốc sư Phước Huệ mãi là niềm vinh dự, tự hào của sơn môn tổ đình Thập Tháp Di Đà và Phật giáo Bình Định.
Tuy là một bậc thạch trụ thiền gia, long tượng của Phật pháp, vị thầy tôn kính của nhiều đời vua và các thế hệ trí thức đương thời, nhưng Quốc sư luôn thể hiện đức tính khiêm hòa, thâm trầm, lặng lẽ, không hề kẹt vào hư danh giả tạm, như ngài đã từng thổ lộ: ‟Thời thường sanh ngu, tử trí, bia sử hay có lời nói thêm, vì vậy tôi không muốn ai viết về đời tôi, sợ người hiểu lầm mà tôi bị mang tội với Phật”. Quả thật chỉ có những tâm hồn rổng rang, tịch tĩnh lắng trong mới có thể nói những lời chân thật ngữ, mộc mạc và cao quý như thế. Tuy sống một cuộc đời vô tướng vô sở trụ, nhưng Quốc sư đã tạo một dấu ấn lớn, một điểm son, một vai trò quan trọng trong dòng chảy lịch sử Phật giáo dân tộc: ‟Cái tướng hữu, vô trong tâm pháp của ngài đã thống nhất, nó giúp cho hạnh nguyện độ thoát quần mê và tự tôn dân tộc qua Duy Tân (vua), Tâm Minh (cư sĩ), Mật Thể, Thiện Hoa…trở thành ngọn nguồn bất tận, đến muôn đời sau của Phật giáo Việt Nam”.
Sinh ra lớn lên và hành đạo trong một giai đoạn bi thương của đất nước khi thực dân Pháp dùng nhiều chính sách thâm hiểm để triệt tiêu ý chí và tinh thần yêu nước của dân tộc, trong đó có chính sách tôn vinh tôn giáo phương Tây, áp chế, hạ bệ tôn giáo bản địa lâu đời, trong đó có Phật giáo, với đức độ đạo hạnh của một vị cao tăng, trí tuệ và sự uyên bác của một bậc trí giả, Quốc sư đã thực hiện một sứ mạng lịch sử của mình trong vai trò là bậc thiện tri thứccho các vị minh quân yêu nước, tạo một ảnh hưởng tích cực đối với tầng lớp quý tộc, trí thức, tăng sĩ kiệt xuất ở Kinh đô Huế thời bấy giờ. Hình ảnh mô phạm và tinh thần giáo dục Phật giáo, sự nghệp đào tạo tăng tài, tinh thần nhập thế, nhiệt huyết hoằng pháp lợi sanh của Quốc sư sẽ mãi tỏa sáng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, trong tâm thức của các thế hệ hậu bối của tăng sĩ Việt Nam, luôn là nguồn động lực kỳ diệu để các thế hệ xuất gia hiện tại và tương lai ý thức và vươn lên trong vai trò và sứ mạng cao quý của mình đối với đạo pháp và dân tộc.