Sinh lão bệnh tử hay sinh bệnh lão tử là quy luật tất yếu của cuộc đời con người. Cho dù là người có địa vị cao hay thấp, giàu hay nghèo, trai hay gái đều trải qua bốn giai đoạn này. Chỉ bốn chữ sinh lão bệnh tử nhưng có thể gói gọn cuộc đời của mỗi con người và vạn vật trên trái đất này. Chúng ta có thể nói rằng quy luật sinh lão bệnh tử không còn xa lạ với người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng. Quan niệm này không hướng đến những điều tiêu cực như bệnh tật hay mất mát mà cho chúng ta thấy rằng, bất cứ ai cũng phải trải qua bốn giai đoạn chính của cuộc đời. Vì vậy, nên giữ cho mình tâm an lạc và bình yên để thản nhiên đón nhận mọi thứ thay vì sợ hãi, né tránh và ôm sự lo lắng trong lòng.
Sinh lão bệnh tử là quy luật có nguồn gốc từ Đạo Phật. Quy luật này được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giác ngộ và thuyết giảng trong bài Kinh Chuyển Pháp Luân đầu tiên. Ngài xuất thân là vị Thái tử thuộc Hoàng tộc nhưng ngài đã rời bỏ cuộc sống xa hoa để đi tìm chánh đạo. Đến năm ba mươi tuổi, ngài giác ngộ chánh pháp. Trong đó, bốn chân lý đầu tiên mà ngài giác ngộ chính là khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế và đây là nguồn gốc của sinh lão bệnh tử. Tứ diệu đế hay còn gọi là Tứ thánh đế, là bốn chân lý cao cả, là nguồn gốc cơ bản của Phật giáo. Tứ diệu đế là nội dung của kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và cũng là nội dung chính của bài kinh đầu tiên, kinh Chuyển Pháp Luân.
Khổ đế, chân lý về sự Khổ:
Chân lý thứ nhất cho rằng mọi dạng tồn tại đều mang tính chất khổ não, không trọn vẹn. Sinh lão bệnh tử xa lìa điều mình yêu thích, chưa đạt được điều mong muốn, luôn gặp được những người, sự vật mình không thích đều là khổ. Hiểu sâu hơn đó là Ngũ uẩn (gồm có năm yếu tố tạo thành con người toàn bộ thân tâm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều là khổ.
Tập đế, chân lý về sự phát sinh của khổ:
Nguyên nhân của Khổ là sự tham ái, tìm sự thỏa mãn dục vọng, thỏa mãn được trở thành, thỏa mãn được hoại diệt. Các loại ham muốn này chính là nguồn gốc của Luân hồi.
Diệt đế, chân lý về diệt khổ:
Một khi gốc của mọi tham ái được tận diệt thì sự khổ cũng được tận diệt.
Đạo đế, chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ: Phương pháp diệt khổ là con đường Bát chính đạo.
Hiểu được quy luật sinh lão bệnh tử chính là chìa khóa để giữ cho lòng an yên và hạnh phúc. Sinh chính là sự khởi đầu, bắt đầu của một sự sống mới. Dù là con người hay vạn vật trên trái đất đều được sinh ra theo một cách nào đó.
Có thể nói, những năm đầu đời là khoảng thời gian tươi đẹp nhất vì chúng ta chưa phải lo toan hay buồn phiền về những vấn đề trong cuộc sống; Lão là sau một thời gian dài sinh sống, cơ thể chúng ta sẽ trở nên già nua. Chữ lão ẩn ý cho cuộc sống buổi xế chiều khi cơ thể đã lão hóa và sức khỏe suy giảm.
Đây không chỉ là quy luật tất yếu của một đời người mà còn là quy luật của tất cả vạn vật trên vũ trụ; Bệnh là ẩn ý các vấn đề sức khỏe chúng ta phải đối mặt. Bệnh có thể xuất hiện ngay cả khi còn trẻ nhưng thường ảnh hưởng nhiều hơn đến người cao tuổi. Bệnh tật khiến thể chất và tinh thần của con người suy kiệt. Nhiều người không thể vượt qua bệnh tật và chuyển sang giai đoạn tử; Tử chính là điểm cuối cùng của quy luật này và cũng là đoạn kết của đời người. Dù có mong muốn hay không, tử vẫn là điều mà chúng ta không thể tránh khỏi. Với nhiều người, tử mang đến sự đau buồn, tiếc nuối nhưng đôi khi lại chính là sự giải thoát khỏi những đau khổ và bất hạnh.
“Sinh”: Không chỉ có loài người nhưng tất cả loài vật, vạn vật từ hòn đá, cây cỏ, dòng sông, biển cả, núi đồi, trái đất, hệ mặt trời, thế giới, vũ trụ đến các tư tưởng, hệ thống triết học, quốc gia, nền văn minh,… đều có sinh ra, bắt đầu, hình thành, rồi phát triển, trưởng thành rồi già cỗi, lỗi thời, lạc hậu, bị đào thải rồi bệnh tật, và một ngày chết đi. Nhưng kỳ diệu nhất vẫn là lúc sinh ra, có chứng kiến sự hình thành của một bào thai rồi nhìn người mẹ mang nặng thai nhi và đến ngày sinh nở, mẹ tròn con vuông, một con người mới góp mặt với thế giới, chúng ta mới thấy hết sự mầu nhiệm của đời sống. Vẻ đẹp bé thơ, ngây thơ thánh thiện, tiếng khóc chào đời làm niềm vui cho cha mẹ ông bà. Sự sinh ra là vô cùng cần thiết để đời sống tiếp tục, hãy tưởng tượng nếu một ngày nào đó không ai sinh con nữa, thì có lẽ chỉ sau hơn trăm năm là thế giới sẽ kết thúc. Mặc dù con người đang tăng dân số nên nhiều người sợ nạn nhân mãn, bây giờ chúng ta có hơn bảy tỷ người, đó là một con số khổng lồ nếu chúng ta không có cách nuôi sống, chăm sóc đầy đủ bảy tỷ người này thì thật là thảm họa, nhưng với tình trạng đất đai của chúng ta trên trái đất, thế giới có thể có được ít nhất là ba mươi tỷ người. Vấn đề con người cần nên làm là tạo điều kiện để mọi đứa trẻ sinh ra đều khỏe mạnh, hạnh phúc trở thành người có ích hữu dụng cho xã hội.
“Lão”: Sau khi sinh ra con người cũng như vạn vật bắt đầu lớn lên, trưởng thành, học hỏi, khôn ngoan hơn, kinh nghiệm hơn và một ngày kia bỗng thấy mình già cỗi, hom hem, tóc bạc, lưng còng,… Không ai tránh khỏi, tất cả một ngày kia đều phải theo quy luật nhân gian già đi, cũ đi và bị đào thải. Tuổi thanh xuân đầy ước mơ, nghị lực, rồi tuổi trung niên chững chạc, điềm tĩnh, chín chắn và tuổi già thì yếu đuối, cố chấp, hoài cổ,… Chỉ có điều kỳ lạ là ít ai chịu thông cảm, tha thứ và chấp nhận. Nhà tâm lý nhận ra rằng hoá ra con người thời nào cũng luôn phải đối đầu, đối phó với hầu như cùng một vấn nạn, vấn đề… Và đó chỉ là một vòng lẩn quẩn của nhân sinh, nhưng còn có hai vấn đề mà con người luôn lo lắng sợ hãi mà dường như chẳng bao giờ chạy thoát nổi đó là bệnh và tử.
“Bệnh”: Đây thực sự là vấn nạn mà loài người cũng như vạn vật kể cả vũ trụ cũng đều chịu đau khổ. Tại sao chúng ta ai cũng phải chịu ít nhất 1 tật bệnh, nặng hay nhẹ, thoáng qua hay kinh niên. Từ ngàn xưa các thầy thuốc bác sĩ đã cố gắng chiến thắng bệnh tật cứu người nhưng càng ngày nhân loại càng bị những bệnh khó hơn. Bệnh tật không tha bất cứ ai, từ người giàu sang đến kẻ bần hèn. Những căn bệnh cứ âm thầm gieo cho con người nỗi sợ hãi và từ từ cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng từng giây phút. Khi ta bệnh, ta thấu hiểu nỗi đau của người khác nhiều hơn, nhất là những người mắc bệnh giống mình hoặc bệnh nặng hơn mình. Người xưa nói đồng bệnh tương lân quả không sai. Trong đau đớn, chúng ta cảm thấy mình không đơn độc chống chọi với căn bệnh này. Nghĩ đến những người cùng chịu nỗi đau giống mình hoặc hơn mình nữa, chúng ta có thể dễ dàng trải lòng thương yêu đến cả những người không quen. Khi bệnh, chúng ta mới sực nhớ ra rằng cuộc đời mình không phải là không có giới hạn. Giới hạn của con người là lẽ thường xưa nay, nhưng bình thường chúng ta không ý thức đầy đủ về những giới hạn của mình. Nếu thấy người khác bệnh, chúng ta cứ tưởng bệnh chỉ đến với người đó mà không đến với mình. Cho đến khi chính bản thân mình hay người thân bị bệnh như bao người khác, chúng ta mới kịp nhận ra, ai cũng chịu sự chi phối của quy luật tự nhiên: đau, già, bệnh và chết.
“Tử”: Đây là cái đích cuối cùng mà con người ai cũng phải tới mà ít ai chịu chấp nhận nó, khi nó tới gần thì sợ hãi. Mặc dù các tôn giáo vẫn luôn tìm cách thuyết phục con người tin rằng sẽ có một thế giới khác tốt đẹp hơn nếu chúng ta tu tâm sửa tánh, làm lành tránh dữ, tu tập, cầu nguyện… nhưng con người vẫn cứ sợ hãi. Liệu đời sống chúng ta: chuỗi tuần hoàn Sinh, Lão Bệnh Tử là ngẫu nhiên hay là định mệnh đã an bài. Mình nghĩ là cả hai thái cực đó chi phối chúng ta. Trước khi ta sinh ra, ta từ đâu tới, sau khi chết đi ta sẽ đi đâu, đó là câu hỏi mà muôn đời vẫn còn chờ câu trả lời dù các tôn giáo, triết học, tư tưởng… đã cố gắng trả lời rồi nhưng dường như vẫn chưa đủ sức thuyết phục con người. Có người cho rằng chết là hết, cát bụi sẽ về cát bụi, đó là thuyết ngẫu nhiên, còn có người cho rằng số phận của chúng ta đã an bài trong định mệnh: chúng ta phải sinh ra bởi cha mẹ của chúng ta chứ không phải người khác, chúng ta phải gặp người đó làm chồng vợ, chúng ta phải chịu những đau khổ tai kiếp đó, bệnh tật đó và phải chết. Đó là thuyết định mệnh: nhưng ngay cả thuyết này cũng có hai trường phái giải thích khác nhau về ai chịu trách nhiệm cho sự quyết định số phận đó, định mệnh đó: có thuyết cho rằng có 1 đấng tối cao, chúa, trời… quyết định như thế; Có thuyết cho rằng tất cả những định mệnh đó là do chính nghiệp của chúng ta tạo ra, trong vô lượng kiếp, nếu trong những kiếp trước chúng ta làm ác, thì kiếp này phải nhận quả báo, ngay cả quả báo nhãn tiền ngay lập tức… Thực sự ra có lẽ chúng ta bị chi phối bởi cả hai: định mệnh và ngẫu nhiên. Đúng là chúng ta đang chịu những hậu quả của những gì chúng ta đã làm và có một sự “thiêng liêng”(điều chúng ta chưa hiểu biết trọn vẹn được) ảnh hưởng nhưng sự ngẫu nhiên cũng có do sự sai lầm, tình cờ của tất cả những quy luật đó. Đó mới thực sự là lúc chúng ta hiểu được vòng tuần hoàn bất tận : Sinh, Lão, Bệnh, Tử và không còn sợ hãi nữa.
Ý thức được vô thường giúp chúng ta ý thức hơn về cách sử dụng và quản lý thời gian của bản thân cũng như điều chỉnh các mối quan hệ với những người xung quanh để có một cuộc sống ý nghĩa hơn. Chỉ có những người trải qua cơn bạo bệnh mới hiểu được trọn vẹn sức khỏe tốt là một thứ tài sản vô giá, để rồi sau đó, họ không phung phí tài sản ấy.
Sinh lão bệnh tử là quy luật không thể thay đổi của con người cũng như vạn vật trên trái đất. Chính vì thế chúng ta hãy tận dụng những khoảng thời gian trong đời mình để sống hết mình, đến những nơi mình muốn đến, thực hiện ước mơ của bản thân như vậy bạn sẽ không phải hối hận vì đã bỏ lỡ thời gian tươi đẹp trong cuộc đời của mình, đó mới được gọi là hạnh phúc.
Phật học Trí Diệu, ngày 17/3/2022, Phật lịch 2566
Hiền Triết