Thiền sư Nghĩa Tồn còn gọi là Tổ Phạn đầu (trưởng ban trai phạn)

Tác giả: Thiền sư Thích Thanh Từ

ĐỜI THỨ SÁU SAU LỤC TỔ – THIỀN SƯ NGHĨA TỒN Ở TUYẾT PHONG (822 – 908)

Sư họ Tằng người Nam An Tuyền Châu. Sư sanh trong gia đình thờ Phật, thuở nhỏ đã không chịu ăn thịt cá. Còn trong nôi mà Sư nghe tiếng chuông, hoặc thấy tràng phan, hoa hương, tượng Phật Bồ-tát liền cười.

Năm mười hai tuổi. Sư theo cha đến chùa Ngọc Gián ở Bồ Điền, thấy Luật sư Khánh Huyền bèn đảnh lễ nói: thầy con! rồi ở lại đây luôn. Đến mười bảy tuổi, Sư được cạo tóc. Sau, Sư đến chùa Bảo Sát ở U Khê thọ giới cụ túc. Sư thường dạo qua các thiền họ?

Tại Động Sơn, Sư làm Phạn đầu (trưởng ban trai phạn) đang đãi gạo. Khâm Sơn hỏi: Đãi cát bỏ gạo hay đãi gạo bỏ cát? Sư đáp: Gạo cát đồng thời bỏ. Khâm Sơn hỏi: Đại chúng lấy gì ăn? Sư bèn lật úp thau đãi gạo. Khâm Sơn nói: Cứ theo nhân duyên này, huynh hợp ở Đức Sơn.

Một hôm, Động Sơn hỏi: Làm gì đây? Sư thưa: Đẽo máng. Động Sơn hỏi: Đẽo mấy búa được thành? Sư thưa: Một búa đẽo thành. Động Sơn bảo: Vẫn là việc bên này, việc bên kia thì sao? Sư thưa: Hẳn được không chỗ hạ thủ. Động Sơn bảo: Vẫn là việc bên này, việc bên kia thì sao? Sư im lặng.

Sư đến tạm biệt Động Sơn, Động Sơn hỏi: Ngươi đi đâu? Sư thưa: Đi về trong đảnh núi. Động Sơn hỏi: Đương thời từ đường nào ra? Sư thưa: Từ đường vượn bay đảnh núi ra. Động Sơn hỏi: Nay quay lại đường mà đi? Sư thưa: Từ đường vượn bay đảnh núi đi. Động Sơn bảo: Có người chẳng từ đường vượn bay đảnh núi đi, ngươi biết chăng? Sư thưa: Chẳng biết. Động Sơn hỏi: Tại sao chẳng biết? Sư thưa: Y không mặt mày. Động Sơn bảo: Ngươi đã chẳng biết, sao biết không mặt mày? Sư không đáp được.

Đến Đức Sơn, Sư hỏi: Tông thừa từ trước, con có phần cùng chăng?

Đức Sơn đánh một gậy, bảo: Nói cái gì? Sư thưa: Chẳng hội.

Hôm sau, giờ thưa hỏi, Đức Sơn bảo chúng: Tông của ta không ngữ cú, thật không một pháp cho người. Sư nhân đó có tỉnh.

Sư cùng Nham Đầu đi đến Ngao Sơn ở Lễ Châu gặp trở tuyết (tuyết xuống quá nhiều) dừng lại, Nham Đầu mỗi ngày cứ ngủ, Sư một bề ngồi thiền. Một hôm, Sư gọi: Sư huynh! Sư huynh! hãy dậy.

Nham Đầu hỏi: – Làm cái gì?

Sư nói:

– Đời nay chẳng giải quyết xong, lão Văn Thúy đi hành khước đến nơi chốn, bị y chê cười, từ ngày đến đây sao chỉ lo ngủ?

Nham Đầu nạt:

– Ngủ đi! mỗi ngày ngồi trên giường giống như thổ địa, ngày sau bọn ma quỉ nam nữ vẫn còn.

Sư chỉ trong ngực nói: – Tôi trong ấy còn chưa ổn, không dám tự dối.

– Tôi bảo ông sau này lên trên chót núi cất thảo am xiển dương đại giáo, sẽ nói câu ấy.

– Tôi thật còn chưa ổn.

– Nếu ông thật như thế, cứ chỗ thấy của ông mỗi mỗi thông qua, chỗ phải tôi sẽ chứng minh cho ông, chỗ chẳng phải tôi sẽ vì ông đuổi dẹp.

– Khi tôi mới đến Diêm Quan thấy thượng đường nói nghĩa sắc không liền được chỗ vào.

– Từ đây đến ba mươi năm rất kỵ không nên nói đến.

– Tôi thấy bài kệ của Động Sơn qua sông: “Thiết kỵ tùng tha mít, điều điều dữ ngã sơ, cừ kim chánh thị ngã, ngã kim bất thị cừ.”

– Nếu cùng ấy tự cứu cũng chưa tột.

ảnh minh họa

Sau, hỏi Đức Sơn: việc trong tông thừa từ trước con có phần chăng, Đức Sơn đánh một gậy hỏi: nói cái gì, tôi khi đó giống như thùng lủng đáy.

Nham Đầu nạt:

– Ông chẳng nghe nói “từ cửa vào chẳng phải của báu trong nhà?”

– Về sau làm thế nào mới phải?

– Về sau, nếu muốn xiển dương Đại giáo, mỗi mỗi từ trong hông ngực mình lưu xuất, sau này cùng ta che trời che đất đi!

Sư nhân câu ấy đại ngộ liền đảnh lễ, đứng dậy kêu luôn: Sư huynh! ngày nay mới là thành đạo ở Ngao Sơn.

Tăng hỏi: – Hòa thượng thấy Đức Sơn được cái gì liền thôi?

Sư đáp: – Ta đi tay không, về tay không.

Có hai vị Tăng đến, Sư lấy tay chặn cửa am, nhảy vọt ra, nói: Ấy cái gì? Tăng cũng nói: Ấy cái gì? Sư cúi đầu vào am. Tăng từ Sư đi nơi khác. Sư hỏi: Đi nơi nào? Tăng thưa: Hồ nam. Sư bảo: Ta có người bạn đồng hành ở Nham Đầu, gởi ông một lá thơ đưa hộ. Thơ viết: “Tôi gởi thơ lên Sư huynh, từ ngày tôi thành đạo ở Ngao Sơn về sau cho đến ngày nay vẫn còn no chẳng đói.”

Tăng đến Nham Đầu, Nham Đầu hỏi: Từ nơi nào đến? Tăng thưa: Tuyết Phong đến, có thơ dâng lên Hòa thượng. Nham Đầu tiếp thơ xong hỏi: Có ngôn cú gì khác chăng? Tăng bèn thuật lại lời trước. Nham Đầu hỏi: Ông ấy nói sao? Tăng thưa: Không nói, chỉ cúi đầu vào am. Nham Đầu nói: Ôi! ta hối hận lúc đầu chẳng nói với y câu rốt sau. Nếu nói với y thì người trong thiên hạ không làm gì được lão Tuyết.

Tăng ở lại đến cuối hạ mới lên thưa hỏi câu ấy. Nham Đầu bảo: Sao chẳng hỏi sớm? Tăng thưa: Chưa dám dễ dàng. Nham Đầu bảo: Tuyết Phong tuy cùng ta đồng điều sanh, mà chẳng cùng ta đồng điều tử. Cần biết câu rốt sau chỉ là thế.

Vị Tăng hỏi Hòa thượng Tây Sơn: Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn sang? Tây Sơn đưa cây phất tử lên chỉ đó. Tăng không chấp nhận.

Sau, vị Tăng ấy đến tham vấn Sư. Sư hỏi: Ở nơi nào đến? Tăng thưa: Ở Chiết Trung đến. Sư hỏi: Hạ năm nay ở tại đâu? Tăng thưa: Ở Tây Sơn Tô Châu. Sư hỏi: Hòa thượng an ổn chăng? Tăng thưa: Khi đến thấy Ngài được muôn phước. Sư hỏi: Sao không ở đó tu học? Tăng thưa: Phật pháp chẳng sáng. Sư hỏi: Có việc gì? Tăng thuật lại việc trước. Sư hỏi: Tại sao ông chẳng chấp nhận Ngài? Tăng thưa: Ấy là cảnh. Sư bảo: Ông thấy kẻ nam nữ ở Tô Châu chăng? Tăng thưa: Thấy. Sư hỏi: Ông thấy cây cối trên đường chăng? Tăng thưa: Thấy. Sư bảo: Phàm thấy nam nữ đất cát suối rừng thảy đều là cảnh, ông chấp nhận những cái ấy chăng? Tăng thưa: Chấp nhận. Sư bảo: Tại sao giở phất tử ông không chấp nhận? Tăng lễ bái thưa: Con chấp bướng nói bừa, xin Hòa thượng từ bi. Sư hỏi: Tột càn khôn là con mắt, ông tìm chỗ nào ngồi xổm. Tăng không đáp được.

Có một vị Tăng ở dưới núi cất thảo am, nhiều năm không cạo tóc, dùng một ống cây dài ra bên suối múc nước. Vị Tăng khác thấy hỏi: Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn sang? Am chủ đáp: Suối sâu ống cây dài.

Sư nghe việc này, nói: rất là kỳ quái. Một hôm Sư cùng thị giả đem dao cạo theo đến am. Vừa gặp mặt, Sư dẫn lời nói trước hỏi, phải lời am chủ chăng? Am chủ nói: Phải. Sư bảo: Nếu nói được chẳng cạo tóc ông. Am chủ liền đi gội đầu, quì gối trước Sư, Sư liền cạo tóc cho.

Tam Thánh Huệ Nhiên hỏi: – Cá vàng vượt khỏi lưới lấy gì ăn?

Sư bảo: – Đợi ông vượt khỏi lưới sẽ vì ông nói.

Tam Thánh nói:

– Là thiện tri thức của một ngàn năm trăm người, mà câu thoại đầu cũng chẳng biết.

Sư bảo: – Lão tăng trụ trì nhiều việc.

Sư hỏi vị Tăng mới đến: Vừa rời chỗ nào đến? Tăng thưa: Phú Thuyền (Thiền sư Hồng Tiến) đến. Sư hỏi: Biển sanh tử chưa qua, vì sao lại Phú Thuyền (úp thuyền)? Tăng không đáp được, bèn trở về thuật lại Phú Thuyền. Phú Thuyền bảo: Sao không nói y không sanh tử. Tăng trở lại nói lời này. Sư bảo: Đây không phải lời của ông. Tăng thưa: Phú Thuyền nói thế ấy. Sư bảo: Ta có hai mươi gậy gởi cho Phú Thuyền, còn ta tự ăn hai mươi gậy, chẳng can hệ gì việc Xà-lê.

Huyền Sa Sư Bị thưa: – Hiện nay có đại dụng, Hòa thượng phải làm sao?

Sư đem ba trái cầu gỗ đồng thời ném ra. Huyền Sa ra bộ chẻ bia.

Sư bảo: – Người hiện ở Linh Sơn mới được như vậy.

Huyền Sa thưa: – Cũng là việc nhà mình.

Một hôm, Sư ở trong nhà tăng đóng cửa trước cửa sau nổi lửa đốt, lại kêu: Cứu lửa! Cứu lửa! Huyền Sa đem một thanh củi từ cửa sổ ném vào trong. Sư bèn mở cửa.

Sư thượng đường:

– Núi Nam có một con rắn mũi to, hết thảy các ông đều phải khéo xem.

Trường Khánh bước ra thưa:

– Hôm nay trong nhà này có người tán thân mất mạng.

Vân Môn lấy cây gậy ném trước Sư rồi ra bộ sợ.

Có người đem việc này thuật lại Huyền Sa. Huyền Sa nói:

– Phải là huynh Lăng mới được. Tuy nhiên như thế, nếu ta thì chẳng vậy.

Tăng hỏi: – Hòa thượng làm thế nào?

Huyền Sa nói: – Dùng núi Nam làm gì.

Một hôm, Sư bảo Huệ Lăng (Trường Khánh):

– Ta thấy Qui Sơn hỏi Ngưỡng Sơn? Chư thánh đi chỗ nào? Ngưỡng Sơn đáp: “hoặc ở trên trời, hoặc ở nhân gian”. Ngươi nói ý Ngưỡng Sơn thế nào?

Huệ Lăng thưa:

– Nếu hỏi chỗ ra vào của chư thánh mà nói thế ấy thì không được.

Sư bảo:

– Ngươi đều không chấp nhận, chợt có người hỏi ngươi đáp thế nào?

– Chỉ nói lầm.

– Là ngươi chẳng lầm.

– Đâu khác với lầm.

Sư sắp thị tịch, Sư tự chế tháp và làm bài minh, tựa rằng:

– Phàm từ duyên mà có là trước sau thành hoại, chẳng từ duyên mà được muôn kiếp thường vững; Vững thì hằng còn, hoại thì tổn giảm. Tuy nhiên ly tán chưa đến, ngại gì dự bị sắp đặt? Sở dĩ, chất đá làm nhà, cưa cây đóng hòm, bưng đất đổ đống làm khám. Các việc đã đủ, đầu xây hướng nam, chân về hướng bắc, nằm ngang qua núi.

Chỉ mong đến giờ, đồng đạo chớ trái ý ta. Người biết tâm ta, thì chẳng đổi chí ta, dặn sâu! lại dặn!

Sư trụ Mân Xuyên hơn bốn mươi năm, học giả mùa Đông mùa Hạ chẳng dưới số một ngàn năm trăm người.

Đời Lương niên hiệu Khai Bình năm thứ hai (908) vào tháng ba, Sư có chút ít bệnh. Mân Soái sai lương y đến xem mạch. Sư bảo: Ta chẳng phải bệnh, trọn chẳng uống thuốc. Sư để kệ và trao pháp xong, ngày mùng hai tháng năm, sáng đi dạo Lam Điền, chiều về tắm rửa, nửa đêm nhập diệt. Sư thọ tám mươi bảy tuổi, năm mươi chín tuổi hạ.

(HT. Thích Thanh Từ, Thiền sư Trung Hoa, tập 2).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *