Người xuất gia theo Phật giáo là người từ bỏ nếp sống thế tục, khép mình trong nếp sống đạo đức và hành trì theo pháp môn đã được Đức Phật thuyết định. Người xuất gia cùng tu tập trong một đạo tràng, cùng tôn thờ một lý tưởng, cùng đi chung một con đường, cùng sống chung trong một không khí thanh tịnh hiền hòa của đạo lý giải thoát đó chính là những người huynh đệ.
Nói đến tình huynh đệ là ta nói đến cái gì thật thiêng liêng, thật đẹp. Đây là cái “tình” không thể thiếu trong đời sống. Thiếu nó, con người sẽ đau khổ, trơ trọi biết bao. Tình huynh đệ tạo nên một khối nhân duyên, một năng lực lớn mạnh. Trong ấy, mỗi cá nhân sẽ được chuyển hoá, được che chở bảo hộ một cách an toàn hoàn hảo nhất.
Chúng ta hãy cùng nhau hoằng truyền Phật pháp, cùng nhau xây dựng tình huynh đệ thật vững chắc. Để từ đó, chúng ta sẽ vượt qua những thử thách, chông gai của cuộc đời. Song, muốn có một tình huynh đệ vững bền, biết hy sinh, biết bao dung cho nhau thì chúng ta phải có phương pháp. Hay nói cách khác, chúng ta phải biết thiết lập huynh đệ bằng những yếu tố nào mới có được tình huynh đệ chân tình nhất.
Cuộc sống chốn già lam thoảng nhìn chỉ là sinh hoạt thường nhật: quét rác, lau dọn, nấu cơm, đóng chuông, tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật và học thuộc lòng vài bài kinh, luật nhật dụng… nhưng đôi khi đây chính là tình huynh đệ hằng ngày cùng sống chung và làm việc với nhau, cho nên có nhiều điều kiện thuận lợi để học hỏi hoặc giúp nhau giải đáp và tháo gỡ những khúc mắc ở trong cuộc sống tu tập. Nếu không chịu mở lòng để học hỏi thì dù có ở cạnh người giỏi sự học tập của mình cũng không tiến bộ và không có được hòa hợp an vui trong cuộc sống.
Trong huynh đệ chung sống với nhau thật khó để tránh được những bất hoà, hiềm khích. Tuy nhiên một tu sĩ Phật giáo chân chính sẽ không ngừng quay lại quán sát chính mình để sửa đổi những tâm niệm cấu uế trong tâm mình, mượn những bất hoà, hiềm khích ấy làm bài học giác ngộ cho mình. Thế nhưng không phải người tu sĩ nào cũng ý thức được điều đó. Ngày nay, những phiền não mà người tu sĩ gặp phải khi chung sống cùng nhau được dấy khởi rất nhiều. Thậm chí có người cả đời không muốn nhìn mặt nhau nữa dù là huynh đệ cùng chung sống dưới một mái chùa. Những bất hoà, hiềm khích ấy một phần xuất phát từ những lời nói và việc làm không tương quan với nhau.
Con người luôn có những tâm bất thiện ngủ ngầm bên trong mình như tham lam, đố kỵ, ganh đua… Một người tu sĩ cũng như thế. Chính vì tham lam nên không ít huynh đệ đã giao tiếp với nhau trên tinh thần lợi dụng lẫn nhau. Từ đó sinh ra những lời hứa hẹn, cam đoan về mối quan hệ khăng khít giữa huynh và đệ. Trong một ngôi chùa, huynh đệ không thương nhau, không hiểu nhau thì làm sao có thể thông cảm chia sẽ cho nhau. Không thông cảm thì không bao giờ tha thứ cho nhau. Ngược lại chúng ta còn luôn chỉ trích lẫn nhau. Có khi chúng ta còn ngấm ngầm hay công khai đấu tranh nhau để đanh quyền lợi, danh vọng.
Thanh tịnh hòa lạc là ý nghĩa căn bản của Tăng đoàn. Giữ gìn nội quy, giới pháp, luật nghi trong sạch thì sẽ có sự hài hòa với nhau. Từ sự hài hòa sẽ có niềm vui và tạo ra được không khí an ổn trong đại chúng. Mục đích của tất cả những người xuất gia đều là đi tới chỗ an vui. Vì cùng tu tập trong một đạo tràng, cùng một lý tưởng, cùng đi chung con đường và cùng mục đích giải thoát, cho nên những người con Phật sẽ rất dễ dàng chia sẻ và thông cảm cho nhau dù là bất cứ vấn đề khó khăn nào. Không có tập thể nào ở trong ba ngàn thế giới này có thể sánh với Tăng đoàn, bởi vì Tăng chúng chuyên thực hành Thánh giải thoát giới và Vô thượng Pháp bảo ly dục, nên có một sức mạnh hòa hợp giải thoát thanh tịnh to lớn. Do từ nhiều đời gieo trồng căn lành cho nên ngày nay mới có nhân duyên thù thắng có thể sống ở trong một đại chúng hùng mạnh như thế.
Là huynh đệ cùng chung một nhà, là cốt nhục quyến thuộc Bồ đề thì cần phải mến dưới trọng trên, sống trong tinh thần lục hòa sẽ được thanh tịnh và an vui. Đừng phân biệt ta hay người hoặc quen hay lạ. Mỗi khi có người bệnh thì nên tận tâm chăm sóc, nếu gặp người thiếu thốn thì phải sẵn lòng giúp đỡ lo lắng. Xa lìa tình thân của thế gian để đón nhận tình đạo, cùng tiến tới chỗ ly dục giải thoát. Tình đạo chính là nương tựa dẫn dắt nhau trên bước đường cao thượng của giác ngộ giải thoát.
Phật học Trí Diệu, HVPGVN-HCM, ngày 24/10/2022.
Hiền Triết