Tổ KHÔNG HOA – HUỆ CHIẾU (1898 – 1965) – Trụ trì đời thứ 13 Tổ đình Thập Tháp Di Đà, Bình Định, ngài nhiều năm làm thị giả hầu cận bên thầy của mình là đức Quốc sư Chơn Luận Phước Huệ và là nhận lãnh chức vụ thủ khố, trông coi quản lý và chăm lo tất cả mọi việc của Tổ đình một cách phi phàm.
Hòa thượng Không Hoa – Huệ Chiếu họ Từ, sanh tháng 10 năm Mậu Tuất (1898), quê quán tại làng Trường Định xã Bình Hòa huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định. Thân phụ Hòa thượng là Từ Liễu, thân mẫu là Phan hiệu Tý. Năm 12 tuổi, Ngài từ giã song thân đến chùa Thập Tháp xuất gia học đạo, được Quốc sư Phước Huệ nhận làm đệ tử cho pháp danh là Không Hoa, hiệu Huệ Chiếu, Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 41.
Bởi bẩm chất thông minh, đạo hạnh nhân từ, nên Ngài được chọn làm thị giả hầu cận bên Quốc sư nhiều năm. Đến năm 1920, sở học cũng như đạo hạnh vững vàng nên Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ đại giới, sau đó nhận lãnh chức vụ thủ khố, trông coi quản lý và chăm lo tất cả mọi việc của Tổ đình. Nhất là vào những năm Quốc sư thường xuyên ra Huế giảng dạy, Ngài phải thay mặt Bổn sư đảm trách và giải quyết mọi mặt đối nội cũng như đối ngoại một cách chu toàn. Là đệ tử lớn của Quốc sư, cho nên ngoài công việc chùa, Ngài còn phải trông nom nuôi nấng, hướng dẫn và dạy dỗ cho tất cả hàng sư đệ còn nhỏ tuổi. Vì vậy mà sau nầy các vị sư đệ xem Ngài như là bậc thầy của mình. Cũng bởi đạo tâm mạnh mẽ và khả năng chu toàn ấy mà khoảng năm 1925 được Quốc sư chỉ định, triều đình làm chiếu chỉ sắc phong cho Ngài trú trì tổ đình Thập Tháp để có đủ danh phận thay thế Quốc sư đang phải lo giảng dạy Phật pháp tại Kinh đô Phú Xuân.
Đến năm 1945 Quốc sư viên tịch, nhằm lúc đất nước đang trong giai đoạn nhiễu nhương phức tạp, lòng người hoang mang dân chúng khắp nơi đói khổ. Lúc bấy giờ chế độ quân chủ hoàn toàn sụp đổ, thể chế dân chủ Cộng hòa ra đời lãnh đạo nền chính trị quốc gia, rồi đất nước một lần nữa lại phải Nam Bắc chia hai. Mặc dầu nằm trong hoàn cảnh khó khăn nhiều mặt, Hòa thượng Huệ Chiếu đã vận dụng tất cả tài trí và đức độ của mình để duy trì Tổ nghiệp phụng sự Đạo pháp.
Đến năm 1952, Ngài được đại tăng trong bản tỉnh cung thỉnh làm Hòa thượng Đường Đầu truyền giới tại Giới đàn chùa Thiên Bình xã Nhơn Phong huyện An Nhơn – Bình Định, có rất đông giới tử trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh đến xin thọ giới. Sau khi Giáo Hội Tăng Già toàn quốc thành lập vào năm 1952 tại Hà Nội, Ngài được toàn thể chư tăng và tín đồ trong tỉnh tín nhiệm bầu làm Trị Sự Trưởng Giáo Hội Tăng già Bình Định.
Năm 1956 tình hình Giáo hội tạm yên, Hòa thượng đứng ra vận động trùng tu ngôi Chánh điện Tổ đình Thập Tháp với sự tham gia góp sức của đông đảo chư tăng môn phái. Vài năm sau việc trùng tu hoàn tất, lễ Lạc thành được tổ chức một cách trọng thể.
Năm 1963, dưới chính sách kỳ thị Tôn Giáo và nền chính trị độc tài của gia đình họ Ngô, Phật Giáo cả nước đứng lên đấu tranh đòi tự do và bình đẳng Tôn Giáo. Tại Bình Định, Hòa thượng lãnh đạo Tăng Tín đồ Phật giáo tích cực tham gia phong trào đấu tranh, góp phần trong sự nghiệp bảo vệ và duy trì ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam.
Hòa thượng là một người đặc biệt có lối sống hết sức bình dị, thể hiện cuộc sống hòa đồng với tất cả mọi người chung quanh. Vì vậy mà xa gần ai ai cũng cảm phục đức độ cao cả của Ngài. Trong thời gian trú trì tổ đình Thập Tháp, Hòa thượng đã đứng ra khai sơn nhiều ngôi chùa như:
– Chùa Tiên Phong tại xã Tây Thuận, thuộc huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định.
– Chùa Pháp Tràng tại làng Vĩnh Tràng, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định.
– Chùa Phổ Quang tại Đồng Phó, thuộc huyện Tây Sơn, Bình Định.
– Chùa Đại Viên tại xã Bình Phú huyện Tây Sơn, Bình Định.
– Chùa Phước Sơn tại xã Phú Mỹ huyện Tây Sơn, Bình Định.
– Chùa Ngưỡng Quan, nay thuộc phường Đập Đá thị xã An Nhơn, Bình Định.
Đến năm Ất Tỵ (1965) nhằm vào giờ Tý ngày 11 tháng 9, Hòa thượng Không Hoa – Huệ Chiếu an nhiên thị tịch tại Tổ đình Thập Tháp, tháp Hòa thượng được an lập phía bắc chùa. Long vị thờ tại Tổ đường ghi rằng: “Sắc Tứ Thập Tháp trú trì, Tự Lâm Tế tứ thập nhất thế, húy Không Hoa hiệu Huệ Chiếu Hòa Thượng chi vị”.
Tại tháp Hòa Thượng có nhiều câu thơ rất hay như:
百 年 世 事 長 流 水
一 點 靈 薹 不 夜 天
Bách niên thế sự trường lưu thủy
Nhất điểm linh đài bất dạ thiên.
Sự thế trăm năm dòng nước chảy
Chân linh một điểm vượt thời gian.
Trong quảng đời hành đạo, Hòa thượng độ được rất nhiều đệ tử xuất gia như:
(1) Hòa thượng Như Hóa – Thiện Độ hiệu Hoằng Tế, trú trì chùa Viên Quang thị xã An Khê tỉnh Gia Lai. Hòa thượng có các đệ tử như:
– Hòa thượng Nhật Lan trú trì chùa Pháp Bảo tại quận Gò Vấp – Sài Gòn.
– Thượng tọa Nhật Trung thừa kế Bổn sư trú trì chùa Viên Quang tại thị xã An Khê tỉnh Gia Lai.
(2) Hòa thượng Như Trí – Thiện Quang hiệu Hoằng Đạo, trú trì chùa Giác Hoàng tại Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng.
(3) Hòa thượng Như Phụng – Thiện Trì, về sau sang Hoa Kỳ hành đạo, trú trì chùa Kim Quang.
(4) Hòa thượng Như Dũng – Thiện Quảng hiệu Ấn Nguyên, trú trì chùa Viên Thông tại Đồng Phó huyện Tây Sơn, Bình Định. Sau khi viên tịch, đệ tử của Hòa thượng là Thượng tọa Nhật Châu – Thông Đạt thừa kế trú trì.
(5) Hòa thượng Như Thuyên – Thiện Chơn hiệu Hoằng Tịnh, về sau sang Hoa Kỳ hành đạo và sáng lập ngôi chùa Quan Âm tại Philadelphia.
(6) Hòa thượng Như Thâm – Thiện Hải hiệu Ấn Trừng, trú trì chùa Tân An tại thị xã An Khê tỉnh Gia Lai. Hòa thượng có các đệ tử như:
– Thượng tọa Nhật Tín, sau một thời gian du học tại Đài Loan, trở về hầu cận bên Bổn sư tại chùa Tân An.
– Thượng tọa Nhật Định, hiện đang trú trì ngôi chùa Bồ Đề tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.
– Thượng tọa Nhật Tấn, hiện đang trú trì chùa Tiên Phong tại xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn tỉnh Bình Định.
(7) Hòa thượng Như Nhật – Thiện Huy, vô nam hành đạo, trú trì chùa Phú Thạnh tại quận Phú Nhuận – Sài Gòn.
(8) Hòa thượng Như Trung – Thiện Chí hiệu Ấn Tôn, trú trì chùa Phước Sơn tại làng Phú Mỹ huyện Tây Sơn, Bình Định. Sau khi viên tịch, đệ tử của Hòa thượng là Thượng tọa Nhật Vinh – Thanh Hiển thừa kế trú trì.
(9) Hòa thượng Như Huy – Thiện Thắng, trú trì chùa Qui Sơn tại thị xã An Khê thuộc tỉnh Gia Lai, sau khi viên tịch, Hòa thượng Như Trí – Viên Như thừa kế trú trì.
(10) Hòa thượng Như Hóa – Hoằng Khải, trú trì chùa An Bình tại thị xã An Khê – Gia Lai. Sau khi viên tịch, ngôi chùa nầy được giao phó lại cho Thượng tọa Nhật Quảng, đệ tử của Hòa thượng Như Trí, thừa kế trú trì.
(11) Ni trưởng Như Ý – Thiện Bảo hiệu Hải Ngọc, trú trì chùa Bảo Lâm tại Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai. Ni chúng đệ tử của Ni trưởng rất đông, trên 50 vị, hiện nay đệ tử của Ni trưởng hầu hết đi trú trì và hành đạo nhiều nơi trong và ngoài nước. Ngôi chùa Bảo Lâm của Ni trưởng hiện nay giao phó lại cho đệ tử là Ni sư Nhật Quy – Tịnh Lộc thừa kế trú trì.
Đệ tử cầu pháp của Hòa Thượng gồm có:
(1) Hòa thượng Quảng Chư – Thiện Huệ hiệu Đổng Tánh, trú trì chùa Ngưỡng Quan tại phường Đập Đá thị xã An Nhơn, Bình Định.
(2) Ni Trưởng Như Ái – Tịnh Viên, trú trì chùa Hương Quang tại huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định.
Trích: Chùa Thập Tháp Di Đà và Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch).