HÒA THƯỢNG MINH GIÁC – KỲ PHƯƠNG (1682 – 1744) – Trụ trì đời thứ nhất tại Tổ đình Thập Tháp, Bình Định
Hiện nay chưa biết rõ về thân thế của Hòa thượng. Chỉ biết Hòa thượng sanh vào giờ Tuất ngày 9 tháng 9 năm Nhâm Tuất (1682), tịch vào giờ Ngọ ngày 16 tháng 3 năm Giáp Tý (1744) và là một trong những đệ tử nổi tiếng của Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch. Hòa thượng được Tổ sư truyền cho cả hai pháp danh: Minh Giác theo kệ pháp Tổ Định – Tuyết Phong và Thành Đạo theo kệ pháp Đạo Mân – Mộc Trần, với pháp hiệu Kỳ Phương thuộc Lâm tế chánh tông đời thứ 34.
Năm Bính Thân (1716) Thiền sư Tánh Đề – Đạo Nguyên viên tịch, Hòa thượng Minh Giác – Kỳ Phương, lúc bấy giờ 34 tuổi, được chính thức tấn cử trú trì tổ đình Thập Tháp để tiếp nối đạo mạch và giữ gìn cơ nghiệp của Bổn sư để lại. Hòa thượng là một đấng long tượng của Phật pháp lúc bấy giờ, với trí đức vẹn toàn nên trong thời gian trú trì Tổ đình Thập Tháp, Hòa thượng đã đứng ra khai sơn nhiều ngôi chùa như:
– Chùa Thiên Đức, ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
– Chùa Thắng Quang, ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
– Chùa Thanh Sơn, ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.
Tháng 4 năm Ất Tỵ (1725), chúa Nguyễn Phước Châu mất, Nguyễn Phước Trú lên nối nghiệp và cho mời Hòa thượng về Xuân Kinh, sắc phong trú trì chùa Thiên Mụ kiêm hóa chủ chùa Quốc Ân. Tại đất thần kinh, Hòa thượng đã khai phát đạo mầu, tiếp Tăng độ chúng khiến cho Phật pháp càng thêm long thạnh.
Đến khoảng năm 1740, Hòa thượng Minh Giác – Kỳ Phương quay trở về Tổ đình Thập Tháp sau hơn 15 năm vắng mặt. Tuy không có mặt nhiều năm tại Tổ đình Thập Tháp nhưng Hòa thượng có vị đệ tử lớn nổi tiếng là Thật Kiến – Liễu Triệt tạm thời đảm đương Phật sự thay cho Hòa thượng. Trong thời gian trở lại Tổ đình Thập Tháp, Hòa thượng củng cố chùa viện, tu chỉnh quy củ thiền môn và hướng dẫn Tăng chúng tu hành một cách nghiêm mật. Đặc biệt, trong thời gian trú trì Tổ đình Thập Tháp, Hòa thượng đã đứng ra tổ chức tạo khắc nhiều bộ Kinh Mộc Bản quý giá, hiện còn lưu giữ đến ngày nay.
Đến giờ Ngọ ngày 16 tháng 3 năm Giáp Tý (1744), Hòa thượng Minh Giác – Kỳ Phương an nhiên thị tịch tại Tổ đình Thập Tháp. Đồ chúng lập bảo tháp trong khuôn viên chùa thờ nhục thân Hòa thượng. Long vị thờ tại Tổ đường ghi rằng: “Tự Lâm Tế Chánh Tông tam thập tứ thế Di Đà đường thượng, thượng Kỳ hạ Phương húy Minh Giác lão Hòa thượng liên tọa”.
Trong quảng đời hành đạo, Hòa thượng độ được nhiều đệ tử nổi tiếng như sau:
– Với pháp danh Minh Giác hiệu Kỳ Phương thuộc kệ pháp của Tổ Định – Tuyết Phong, Hòa thượng truyền cho các đệ tử, như: Thật Kiến hiệu Liễu Triệt về sau thừa kế trú trì Tổ đình Thập Tháp (xem phần hành trạng của Hòa thượng) ; Thiệt Truyền hiệu Giác Liễu về sau vào hành đạo ở các tỉnh phía Nam.
– Với pháp danh Thành Đạo hiệu Kỳ Phương thuộc kệ pháp Đạo Mân – Mộc Trần, Hòa thượng truyền cho đệ tử là Phật Tỉnh hiệu Từ Nghiêm ở chùa Hưng Long. Thiền sư Phật Tỉnh – Từ Nghiêm truyền cho đệ tử là Tổ Trí – Khánh Hưng. Về sau Thiền sư Tổ Trí – Khánh Hưng vào Nam hành đạo, có nhiều đệ tử và pháp tôn hoằng hóa khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ như: Tiên Hiện – Từ Lâm, Tiên Tịnh – Bảo Chất, Tiên Tâm – Bảo Châu, Minh Phước – Từ Trung, Minh Giám – Nhất Bổn, Minh Tịnh – Bảo Thanh, v.v… Tại chùa Thập Tháp – Bình Định, Hòa thượng truyền cho đệ tử là Phật Đăng – Nhật Lệ. Vị đệ tử nầy về sau có công rất lớn trong việc trùng tu Tổ đình Thập Tháp, vì vậy mà long vị thờ tại Tổ đường ghi rằng : “Từ Lâm Tế Chánh Tông tái sùng sắc tứ Thập Tháp tự, thọ Bồ tát giới húy Phật Đăng thượng Nhật hạ Lệ lão thiền ông giác linh nghê tòa”.
Cũng theo long vị thờ tại ngôi Tổ đường Thập Tháp, ta thấy còn có các vị thiền sư đời thứ 35 được truyền theo kệ pháp Đạo Mân – Mộc Trần như: Thiền sư Phật Tâm – Ấn Trừng, Phật Hiển – Trí Hiện, Tỳ Kheo Ni Phật Đăng – Chiếu Ảnh. Với kệ pháp nầy, tại Thập Tháp còn truyền xuống đời thứ 36 là Thiền sư Tổ Diễn – Chánh Tuyên, đời thứ 37 là Thiền sư Tiên Huệ – Chí Độ.
Ngoài ra, theo tác giả Lê Mạnh Thát với tác phẩm Toàn Nhật Thiền Sư toàn tập, Đại Học Vạn Hạnh, 1979, tập I trang 58, cho rằng: Hòa thượng Minh Giác – Kỳ Phương có để lại một tác phẩm chép tay rất đặc biệt là “Quy Ước Thiền Đường”, trong đó ghi lại tổ chức quy củ thiền môn, tu chỉnh giới luật và nề nếp sinh hoạt của Tăng đoàn cho thích hợp với xứ sở Việt Nam trong thế kỷ 17 trở đi.
(Chùa Thập Tháp và Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch, Tác giả: Thích Viên Kiên biên soạn).