Cao Am viết: Trụ trì đại thể dĩ tùng lâm vi gia. Khu biệt đắc nghi, phó dụng đương khí. Cử thố hệ an nguy chi lý, đắc thất quan giáo hóa chi nguyên. Vi nhân phạm mô an khả dung dị. Vị kiến trụ trì thỉ túng nhi năng sử nột tử phục tòng. Pháp độ lăng trì nhi dục cấm tùng lâm bạo mạn. Tích Dục Vương Kham khiển Thủ Tọa. Ngưỡng Sơn Vĩ biếm Thị Tăng. Tải ư điển văn, túc vi lệnh phạm.
Kim tắc các tuẫn tư dục, đại huy Bách Trượng qui thằng. Giải ư túc hưng, đa khuyết tham hội lễ pháp. Hoặc túng tham thao nhi vô kỵ đạn. Hoặc duyên lợi dưỡng nhĩ chí huyên tranh. Chí ư tiện tích xú ác mỹ sở bất hữu. Ô hô! Vọng pháp môn chi hưng, tôn giáo chi thịnh, cự khả đắc da. (Long Xương Tập)
(Thiền lâm bảo huấn, bài 136, HT. Thanh Kiểm dịch và Chú thích)
Dịch nghĩa:
Cao Am nói: Ðại thể của người trụ trì phải lấy tùng lâm làm nhà. Khu biệt[1] nên phải thích nghi, trao phó[2] nên phải hợp căn cơ lớn nhỏ. Cất nhắc đều can hệ ở lý an nguy, được mất đều liên can đến nguồn giáo hóa. Làm người mô phạm đâu phải dễ dàng. Chưa từng thấy người trụ trì phóng túng mà hay khiến được sự phục tùng của các nột tử, chưa từng thấy khuôn pháp thối nát[3] mà muốn ngăn cấm được tật kiêu mạn trong chốn tùng lâm. Xưa kia Kham Thiền sư chùa Dục Vương[4] cách chức vị Thủ Tọa, Vĩ Thiền sư chùa Ngưỡng Sơn xuất viện Thị Tăng[5]. Các trường hợp này còn ghi chép trong văn điển, đủ để làm khuôn mẫu.
Người đời nay thường thuận theo tư dục, phá hủy tan nát cái quy củ thằng mặc của Bách Trượng. Lười biếng lại thích ngủ trưa[6] phần nhiều thiếu sót cả phần tham hội lễ pháp. Hoặc có người lại rông rỡ tham lam không kiêng sợ, hoặc lại nương theo lợi dưỡng mà đưa đến việc tranh cải, ngay cả đến những chuyện ti tiện, hẹp hòi, nhơ nhuốc, hiểm ác cũng chẳng có từ. Than ôi! Như thế mà mong muốn cho pháp môn hưng thịnh, tôn giáo phát triển đâu thể được vậy ư. (Long Xương Tập).
* Chú thích:
[1] Khu biệt: Khu biệt căn cơ.
[2] Trao phó: Trao phó y bát tâm ấn.
[3] Thối nát: Dịch ở chữ Lăng trì. Lăng trì là hình phạt xử tội xẻo thịt ra từng mảnh, ý nói thối nát.
[4] Kham Thiền sư chùa Dục Vương: Vô Thị Giới Kham thiền sư, pháp tự của Linh Trường Trác thiền sư. Thiền sư là người cương nghị, tới chỗ đại chúng đều hợp với pháp tắc xưa, đương thời đặt cho tên là Kham Thiết Diện.
[5] Vĩ Thiền sư chùa Ngưỡng Sơn: Hành Vĩ thiền sư, pháp tự của Hoàng Long Nam thiền sư. Thiền sư là người tánh khí cương trực, làm việc theo đúng khuôn phép. Sai người nào làm việc gì thì không ai dám trái lệnh. Như việc từng đem mười hai người giao cho Duy Na, tới ngày mai những người này phải có mặt ở Phương trượng đường. Kịp tới giờ hội họp, lúc điểm danh lại thiếu một người. Vĩ thiền sư hỏi, người đó là ai? Thị giả thưa: “Ðó là Tùy Châu Vĩnh Thái”. Thủ Tọa nói: “Thái đi chơi núi chưa trở về, xin thỉnh vị Tăng khác sung vào cho đủ”. Vĩ thiền sư bừng sắc mặt không vui. Chợt có người nói rằng: “Vĩnh Thái hiện còn ở nhà, đó là Thủ Tọa đem dấu đi một nơi”. Vĩ thiền sư nghiêm sắc mặt, rồi khiến người tìm bằng được Vĩnh Thái, Vĩnh Thái lúc đó mới tự trình bày tình thực là vì mình vụng về và yếu đuối, sợ hỏng mất việc được giao phó nên tự lẫn tránh, còn Thủ Tọa quả thật chẳng biết chi về việc này. Vĩ thiền sư liền cho đánh chuông triệu tập chúng và nói: “Mờ tâm dối chúng là điều người khác chẳng dám làm, nữa là ngôi Thủ Tọa là chức chia tòa ngồi trao đạo pháp, đó là cái chức Tiên sư đã ban cho mà lại tự phá hoại vậy ư”. Thế rồi cả hai người đều bị tội xuất viện, bởi thế mà chúng nhân đều phục cái lẽ công bằng đó. Thái về sau nối pháp Hoàng Long thiền sư. Thủ Tọa ở núi Qui Sơn, nối pháp Hoàng Long thiền sư (Theo Tăng Bảo truyện).
[6] Lại thích ngủ trưa: Dịch ở chữ túc hưng. Túc hưng có nghĩa là dậy sớm.