Tuệ giác của Đức Phật

Tác giả: Hoà thượng Thích Thanh Từ

Hôm nay, nhân ngày Đại lễ Phật đản cũng là ngày vui của Tăng Ni và Phật tử, tôi sẽ nhắc lại những đặc điểm nổi bật trong đời sống của Đức Phật. Mong rằng quý vị nghe, hiểu và ứng dụng tu hành, xứng đáng là người đệ tử đi theo con đường Phật đã đi, làm những việc Phật đã làm.

Nói về cuộc đời của Đức Phật, nếu kể đầy đủ theo dòng lịch sử thì quá dài không thể nói hết. Ở đây tôi chỉ nêu những điểm quan trọng từ khi Ngài phát tâm xuất gia đến lúc thành đạo và giáo hóa chúng sanh. Nương theo giáo lý chân thật Ngài để lại, chúng ta học tập và thực hành theo để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Khi Đức Phật còn là Thái tử Tất-đạt-đa, một hôm Ngài đi dạo bốn cửa thành, chứng kiến cảnh già bệnh chết của nhân sinh. Về đến hoàng cung, lòng Ngài nặng trĩu niềm ưu tư, trăn trở, bất an. Suốt đêm Ngài không ngủ được vì trằn trọc suy nghĩ. Tại sao con người sanh ra, lớn lên có gia đình, con cái và cuối cùng phải chịu già bệnh chết. Lần lượt lớp người đi trước, lớp người đi sau đều như vậy. Sanh già bệnh chết là một quy luật đương nhiên, mọi người phải chấp nhận, không ai chối cãi được. Nhưng riêng Thái tử không chấp nhận điều đó. Ngài cho rằng con người có quyền thoát khỏi quy luật này, vì thế Ngài quyết chí tìm lối đi để chinh phục sanh tử. Lẽ ưu tư đó khiến Thái tử không thể yên lòng tiếp tục sống trong hoàng cung. Mấy ngày liên tiếp Thái tử quên ăn bỏ ngủ, luôn luôn thao thức chí nguyện làm sao cứu mình và chúng sanh thoát khỏi luân hồi sanh tử.
Cuối cùng Ngài quyết định từ giã vương cung, vào chốn rừng sâu tìm thầy học đạo.
Trong quá trình tìm đạo và học đạo, trước hết Ngài gặp những vị tu tiên dạy về Tứ thiền và Tứ không, sanh lên các cõi trời. Tất cả kết quả rốt ráo của các vị thầy chỉ dạy lại, Ngài đều chứng đạt hết. Như Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ cho tới Phi tưởng phi phi tưởng xứ… những địa vị tu chứng này đối với Ngài chưa phải cứu kính, chưa đúng mục tiêu Ngài nhắm vì còn trong sanh tử.
Cuối cùng Ngài từ giã tất cả, vào rừng tu khổ hạnh. Ròng rã suốt sáu năm mà vẫn chưa đạt ý nguyện. Ngài chuyển sang lối tu trung đạo, đến dưới cội bồ-đề thiền định suốt bốn mươi chín ngày đêm. Đến đêm thứ bốn mươi chín, khi sao Mai vừa mọc, tâm Ngài hoàn toàn thanh tịnh, liền chứng Tam minh, Lục thông… Ngang đó Ngài tuyên bố giải thoát sanh tử, thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.
Nhờ chứng Túc mạng minh và Thiên nhãn minh, Đức Phật đã giải quyết được thắc mắc buổi đầu. Tại sao con người có mặt ở đây và sau khi chết sẽ đi về đâu. Nhờ chứng Lậu tận minh, Ngài biết rõ ràng đâu là khổ, đâu là nguyên nhân của khổ, đâu là hạnh phúc, phương pháp nào đạt được hạnh phúc chân thật miên viễn. Dứt hết mầm sanh tử và nguyên nhân dẫn đi trong sanh tử, tức là không còn sanh lại trong Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Đức Phật thực sự chinh phục được sanh tử, không bị sanh tử chi phối nữa.
Đức Phật chứng Thiên nhãn minh thấy rõ đời quá khứ của mỗi chúng sanh. Sanh ra trong gia đình nào, tạo nghiệp lành hay dữ, hiện tại như thế nào, sau khi chết sẽ ra sao. Ai có mặt ở đây đều mang vết tích của quá khứ và những gì gây tạo trong đời hiện tại, sẽ được tiếp nối ở tương lai. Sự hiện diện của tất cả chúng ta ngày nay không phải chuyện ngẫu nhiên, cũng không do ai sắp đặt ngoài mình. Trong kinh kể một đoạn nhân duyên ngoại đạo tới hỏi Phật:
– Thưa Cù-đàm, tại sao trên nhân gian có người sống lâu có người chết yểu, có người nghèo khổ có người giàu sang, có người ngu si có người trí tuệ. Điều này do ai sắp đặt?
Phật trả lời:
– Không ai sắp đặt hết. Chỉ vì nghiệp mình đã tạo khiến bị chi phối như vậy.
Ngoại đạo hỏi tiếp:
– Do tạo nghiệp gì sanh ra bị chết yểu, tạo nghiệp gì lại được sống lâu?
Phật dạy:
– Vì ưa giết hại chúng sanh nên phải chịu quả báo bị chết yểu. Ngược lại, người không giết hại chúng sanh sẽ được sống lâu.
– Tại sao có người sanh ra trong cảnh giàu sang, có người sanh ra trong cảnh nghèo nàn?
– Vì đời trước biết bố thí, giúp đỡ người nghèo đói nên bây giờ được sanh trong gia đình giàu sang. Đời trước ích kỷ, nhỏ mọn nên bây giờ phải sanh trong gia đình nghèo nàn.
– Tại sao có người thông minh, có người dốt nát?
– Do đời trước hiếu học, siêng năng cần mẫn tìm tòi, hỏi han nên đời này thông minh trí tuệ; ngược lại là người dốt nát.
Đức Phật kết thúc rằng, con người là chủ tạo nghiệp cũng là nhân tố thừa kế nghiệp mình đã tạo. Thí dụ, lúc nhỏ tám chín tuổi chắc chắn không có ai biết ghiền thuốc, ghiền rượu hoặc ghiền trầu. Sau này lớn lên tập hút chơi, mỗi ngày một điếu. Tập quen lâu dần thành ghiền, tới chừng thiếu thuốc ngồi ngáp ngắn ngáp dài, ngửi mùi thuốc từ xa là thèm không chịu nổi.
Một khi đã huân tập thành nghiệp, nó có sức mạnh chi phối, lôi kéo mình tiếp tục tạo nghiệp nữa. Trước làm chủ tạo nghiệp, sau bị nghiệp dẫn đi. Trời Phật hay thần thánh đều không bắt ai phải ghiền cái này cái kia. Tự mình tập thành thói quen tạo nghiệp rồi bị nghiệp chi phối. Vì không biết điều này nên lúc khổ người ta kêu trời kêu đất, than thân trách phận. Hiểu đạo rồi chúng ta mới thấy ngày xưa si mê bây giờ ráng chịu, cười và trả quả thôi, đâu có gì phải buồn giận.
Sau khi thành đạo, Đức Phật vì lòng từ bi thương xót chúng sanh còn đang trầm nịch trong trầm luân sanh tử, Ngài dùng đủ phương tiện để giáo hóa, chỉ dạy phương pháp tu hành, giúp cho chúng sanh giải thoát sanh tử. Tùy tâm tánh và căn cơ của từng chúng sanh mà Phật có phương pháp chỉ dạy phù hợp. Làm sao cho chúng sanh thấy rõ manh mối của luân hồi và manh mối của giải thoát. Trọng tâm ý nghĩa những lời Phật dạy tựu trung trong ba điểm chánh.
Điểm thứ nhất, Phật dạy chúng ta sống trong cõi đời này đúng ý nghĩa là phải có lòng từ bi và trí tuệ. Mọi người biết thương yêu, giúp đỡ, bảo vệ, bênh vực nhau. Chỉ cho nhau thấy đâu là chánh tà, thiện ác, hay dở. Làm sao hướng dẫn mọi người đều được sáng suốt, thấy lẽ phải, chân lý một cách rõ ràng tường tận, khả dĩ đời sống hiện tại và tương lai mới tươi sáng hơn. Nếu sống mà không biết gì hết, ai đẩy đâu tới đó, bắt làm gì làm nấy là đang sống say chết mộng trong mê muội.
Điểm thứ hai, Đức Phật dạy sanh tử không phải chỉ một đời này. Sau khi mạng chung còn tiếp tục luân hồi nhiều đời nữa. Muốn đời sau được vui vẻ tốt đẹp, Phật dạy chúng ta chọn lấy một lối đi cho mình. Muốn trở lại làm người tốt, phải quy y Tam bảo và giữ tròn năm giới cấm. Năm giới là không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu say sưa. Đó là nhân tố xứng đáng làm người tốt trong hiện tại và tương lai.
Tiến cao hơn một bước nữa, Phật dạy muốn sanh lên cõi trời phải giữ tròn mười điều lành, tức là tu pháp Thập thiện. Thân có ba: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm. Miệng có bốn: không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt, không nói lời hung ác. Ý có ba: bớt tham, bớt sân, bớt si. Giữ được mười điều lành chắc chắn sanh cõi trời không nghi. Người nào tạo mười điều ác như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu… cho tới tà kiến, nhất định rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đó là ba đường xấu. Đức Phật nêu ra các phương pháp cho chúng ta chọn lựa, ai muốn đi đâu tùy ý.
Đối với những người đã biết tu, ân đức của Phật nhiều vô kể. Trong kinh thường tán thán Đức Phật là bậc Vô thượng Y vương. Vô thượng là không có gì hơn, y là thầy thuốc, vương là vua, nghĩa là ông vua thầy thuốc không ai bằng. Giá trị đó không thể dùng năm tháng hay bất cứ cái gì có thể tính kể hết. Thang thuốc của Phật dùng để trị tâm bệnh điên đảo, ngu si, mê muội của chúng sanh. Chừng nào dứt sạch tâm niệm đó, ngang đây hết sanh tử.
Hết sanh tử thì chúng ta còn không? Chỗ này không khéo rất dễ hiểu lầm. Nếu nói còn là sai, người ta lại tưởng có hình tướng này kia. Nếu nói hết, người ta tưởng không ngơ. Cho nên hình tướng và không ngơ đều sai. Lúc đó chỉ một tánh giác thanh tịnh, tùy duyên ứng hiện không lường được. Chỗ này tuy không thể dùng ngôn ngữ diễn tả được nhưng không phải là không. Nói có không được, nói không cũng không thành.
Trong kinh Phật dùng thí dụ này để nói lên ý nghĩa Niết-bàn có hay không. Một con rùa đi nghêu ngao trên mặt đất thấy rõ ràng trời mây, cây cối, núi rừng, nhà cửa. Khi nó lặn xuống biển gặp chú cá, cá hỏi anh đi chơi trên đó thấy gì nói tôi nghe. Rùa vui vẻ kể, nào là trời mây, núi rừng đủ thứ. Cá ngạc nhiên hỏi, những thứ anh thấy trên đó có cái nào giống dưới biển không, rùa đều đáp không. Cá sửng sốt nghĩ rằng, nếu cái gì cũng không hết tức là không có.
Chỗ này phải chín chắn lắm mới có thể hiểu được ý Đức Phật ngầm chỉ. Ngài đã hoàn toàn giác ngộ nên thấy rõ ràng cái mê muội của chúng sanh. Nếu mình nói có nói không cũng chỉ là cái thấy mê muội. Chỉ khi nào giác ngộ như Phật Tổ mới có thể biết được chỗ đó. Phật nói chừng nào tu chứng đến Lậu tận minh, ngang đó không còn sanh tử, chứ không nói còn hay hết, cũng không nói có và nói không.
Ngày nay học đạo chúng ta biết rõ ngay trong thân sống chết này có cái không sống chết. Nhận được cái đó tức là làm chủ sống chết. Cho nên sau khi đạt đạo, ngài Từ Minh nói: “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”. Nghĩa là có mặt trên cõi đời như mùa đông đắp chăn ấm áp, chết như cởi bỏ chiếc áo trong mùa hè nóng bức. Sanh vui, tử cũng vui.

Trong ngày Phật đản, tôi nhắc lại những điểm quan trọng này để quý vị cùng nhớ và cảm trọng ân đức sâu dày của Đức Phật. Mỗi năm chúng ta làm lễ tưởng niệm Ngài, là khắc ghi công ơn trời biển khó có thể đền đáp cho xứng cho đủ. Mong tất cả quý Phật tử nghe, hiểu rồi ứng dụng tu, làm sao thoát khỏi cái khổ sanh tử, vĩnh viễn an vui.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *