Đức Phật dạy tám muôn bốn ngàn pháp môn để thuần hóa và an định những cảm xúc tiêu cực, và trong Phật giáo có vô số phương pháp thiền định. Tôi tìm thấy có ba kĩ thuật thiền đặc biệt hiệu nghiệm trong thế giới ngày nay, mà ai cũng có thể được lợi lạc. Đó là phương pháp sử dụng một vật làm đối tượng, nhẩm đọc một câu thần chú, và “canh chừng” hơi thở.
1. Dùng một vật làm đối tượng
Phương pháp thứ nhất mà nhiều người thấy tốt, là an trú tâm vào một đối tượng. Bạn có thể dùng một vật đẹp tự nhiên, gợi cảm đối với bạn, như một đóa hoa hay bình pha lê. Nhưng một cái gì biểu tượng cho chân lí, như tượng Phật, Chúa, hay đặc biệt là bậc thầy của bạn. Thầy là gạch nối giữa bạn với chân lí, và nhờ bạn có quan hệ mật thiết với thầy nên nhìn gương mặt thầy, bạn có thể có được cảm hứng và nhớ đến Phật tính của bạn.
Nhiều người đã có được mối liên hệ đặc biệt với bức tranh của tượng đức Padma-sambhava, gọi là “Trông giống tôi”. Bức tượng được tạc lúc sinh thời của ngài và được ngài ban phép vào thế kỉ thứ 8 ở Tây Tạng. Padmasambhava, bằng năng lực tâm linh khổng lồ của ngài, đã đưa giáo lí Phật vào Tây Tạng. Ngài được xem là vị Phật thứ hai, và được dân Tây Tạng gọi một cách âu yếm là “Thầy Rinpoche” hay “Bậc thầy quý báu”. Dilgo Khyentse Rinpoche nói: “Trên đất Ấn và Tây Tạng, đã từng có nhiều bậc thầy tuyệt luân, nhưng người có công bi mẫn lớn lao nhất, người nhiều ân đức với hữu tình trong thời đại khó khăn này chính là Padma-sambhava, người tượng trưng từ bi và trí tuệ của tất cả chư Phật. Một trong những đức của ngài là ngài ban phúc ngay lập tức cho ai cầu khẩn ngài, và bất cứ gì ta cầu xin, ngài đều có năng lực làm ta toại nguyện tức khắc.”
Khi được cảm hứng từ điều này, thì bạn hãy gắn một tấm hình của bức tượng ngài ngang tầm mắt bạn, rồi hướng sự chú ý của bạn đến gương mặt ngài, nhất là tia nhìn nơi đôi mắt. Có niềm an tịnh sâu xa trong cái nhìn ấy, như đang phóng ra từ bức tranh để đưa bạn đi vào một trạng thái tỉnh giác không bám víu, trạng thái thiền định. Rồi bạn để yên cho tâm bạn an nghỉ cùng với Padmasambhava.
2. Nhẩm đọc một thần chú
Một kĩ thuật thứ hai được sử dụng rất nhiều trong Phật giáo Tây Tạng (và cả trong đạo Sufism, Ki-tô giáo chính thống, và Ấn giáo) là hợp nhất tâm bạn với âm thanh của một bài chú. Định nghĩa của mantra là “cái che chở tâm”. Cái che chở tâm khai tính tiêu cực, hay che chở bạn khỏi tâm bạn, gọi là mantra.
Khi bạn đang nóng nảy, mất hướng đi, hoặc cảm thấy yếu đuối tình cảm, thì tụng đọc thần chú có thể thay đổi hoàn toàn tâm thái của bạn bằng cách thay đổi năng lực và bầu không khí của nó. Việc này xảy ra được bằng cách nào? Thần chú là tinh túy của âm thanh, và là hiện thân của chân lí qua hình thức âm thanh. Mỗi âm thanh đều thấm nhuần năng lực tâm linh, cô đọng một sự thật về tâm linh, và rung động với ân đức của lời chư Phật. Người ta bảo rằng tâm cưỡi trên prana hay khí lực, khí này di chuyển khắp cơ thể và thanh lọc những huyệt đạo vi tế. Bởi thế, khi đọc chúng, là bạn đang chở đầy năng lực của thần chú trong hơi thở và khí lực của mình, tác động trực tiếp trên tâm và thân vi tế.
Câu chú tôi khuyên các học trò tôi đọc là OM AH HUM VAJRA GURU PADMA SIDDHI HUM (Người Tây Tạng nói: Om Ah Hung Benzaa Guru Péma Siddhi Hung), là thần chú của Padmasambhava, của tất cả chư Phật, các bậc thầy và những bậc đã chứng ngộ, bởi thế rất có mãnh lực đem lại bình an, chữa bệnh chuyển hóa và che chở người ta trong thời đại hỗn độn bạo hành này. Hãy lặng lẽ đọc câu chú với sự chú tâm sâu xa, và để hơi thở, câu chú vào sự tỉnh thức của bạn dần trở thành một. Hoặc tụng nó lên một cách hứng khởi, rồi an trú trong sự im lặng bao la đôi khi tiếp theo sau đó.
![](https://bodephatquoc.com/wp-content/uploads/2023/03/Tam-Bao-phuoc-dien-1024x768.jpg)
Mặc dù suốt đời quen thuộc với sự thực hành này, tôi vẫn còn đôi lúc kinh ngạc bởi năng lực của thần chú. Vài năm trước, khi tôi đang hướng dẫn một thiền hội gồm 300 người ở Lyon (Pháp), phần đông là những bà nội trợ và những nhà chữa tâm bệnh. Tôi đã giảng dạy suốt ngày, nhưng họ dường như muốn tận dụng khoảng thời gian ở gần tôi, nên cứ tiếp tục hỏi câu này tới câu khác không ngừng. Cuối ngày thì tôi hoàn toàn kiệt sức, một bầu không khí nặng nề tẻ nhạt lan khắp phòng. Bởi thế, tôi tụng lên bài chú nói trên. Tôi kinh ngạc trước hiệu quả: trong vài phút, tôi cảm thấy năng lực được phục hồi, bầu không khí quanh chúng tôi thay đổi, và toàn thể thính giả trở lại tươi sáng say mê. Tôi vẫn thường có kinh nghiệm ấy nhiều lần, nên tôi biết không phải chỉ là một “phép lạ” tình cờ.
3. Quán hơi thở
Phương pháp thứ ba rất xưa và có mặt trong tất cả các trường phái Phật giáo. Đó là để tâm chú ý vào hơi thở một cách nhẹ nhàng, đầy chánh niệm.
Hơi thở là sự sống, sự hiểu biết căn bản nhất của cuộc đời ta. Trong Do-thái giáo thì ruah, hơi thở, là linh hồn của Thượng đế thấm khắp tạo vật. Trong Ki-tô giáo cũng có dây nối mật thiết giữa đấng Thánh linh – nguồn gốc của mọi sự sống – và hơi thở. Trong giáo lí Phật thì hơi thở, Phạn ngữ là prana, được gọi là “cỗ xe của tâm”, vì chính hơi thở làm cho tâm ta di chuyển. Bởi thế, khi ta làm an tịnh tâm bằng cách làm việc khéo léo với hơi thở thì cũng như ta đang luyện tâm và hàng phục tâm. Có phải ai trong chúng ta cũng đã từng thấy khỏe khoắn biết bao khi đang gặp căng thẳng mà ngồi lại vài phút để thở những hơi thở vào ra thật chậm và sâu không? Ngay cả một tập luyện đơn giản như thế cũng có thể giúp ta rất nhiều.
Vậy khi thiền định, bạn hãy thở tự nhiên, như thường ngày bạn thở. Tập trung sự chú ý của bạn vào hơi thở ra. Khi thở ra, bạn hãy buông ra theo hơi thở tất cả sự bám víu của bạn. Tưởng tượng hơi thở bạn tan vào trong khoảng không bao la của chân lí. Mỗi lần thở ra, trước khi hít vào lại, bạn sẽ thấy có một khoảng trống tự nhiên, khi sự chấp thủ đã tan biến. Hãy an trú trong khoảng không ấy, không gian rộng mở ấy. Và khi tự nhiên bạn thở vào, thì đừng chú ý hơi thở vào, mà cứ tiếp tục an trú tâm nơi khoảng trống đã mở ra ấy.
Khi thực tập, điều quan trọng là bạn đừng vướng vào sự luận giải, phân tích trong tâm, hay thói lải nhải nội tâm. Đừng lầm sự lặp đi lặp lại trong tâm rằng: “Bây giờ tôi đang thở vào, và bây giờ tôi đang thở ra”, cho đó chính là chánh niệm; cái quan trọng là sự tỉnh giác thuần túy không xao lãng.
Đừng quá tập trung vào hơi thở. Các bậc thầy thường khuyên rằng, điều quan trọng không phải là gắn hoàn toàn với sự tập trung vào An trú trong khi thực tập. Vì vậy họ khuyên bạn chỉ tập trung chừng 25% vào chánh niệm hơi thở. Nhưng rồi bạn nhận ra, chỉ chánh niệm không thì chưa đủ. Khi bạn được bảo rằng hãy canh chừng hơi thở, chỉ sau một hay hai phút là bạn đã thấy mình đang chơi đá bóng hay đang dán mắt vào bộ phim yêu thích. Vì thế, 25% khác phải được dành cho một sự nhận biết thận trọng và liên tục, cái sẽ quan sát và kiểm tra liệu bạn có còn để ý vào hơi thở. 50% sự tập trung còn lại hãy để yên, khoáng đạt.
Càng chánh niệm hơi thở, bạn càng tỉnh thức, gom những mảnh vụn phân tán của bạn lại thành một nhất thể.
Xa hơn việc “canh chừng” hơi thở, hãy để bạn dần nhận chân nó, như thể bạn đang trở thành nó vậy. Từ từ, hơi thở, người thở và sự thở sẽ thành một; tính nhị nguyên và ngăn cách tan biến.
Chính tiến trình chánh niệm ấy lọc sạch tư tưởng và cảm xúc của bạn. Khi ấy, bạn cảm thấy như đã rũ bỏ một lớp vỏ cũ, có cái gì được lột sạch, được phóng thích.