Bài kệ truyền pháp tại Tổ đình Thập Tháp Di Đà, Bình Định

Tác giả: Thích Viên Kiên biên soạn

Lịch sử bài kệ truyền pháp của Tổ sư Siêu Bạch – Nguyên Thiều tại Tổ đình Thập Tháp Di Đà, Bình Định.

Thiền tông Trung Hoa, từ Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền xuống Nhị tổ Huệ Khả, Tam tổ Tăng Xán, Tứ tổ Đạo Tín, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn và Lục tổ Huệ Năng. Từ đó, thiền tông được chia làm hai hệ thống là Nam Nhạc – Hoài Nhượng và Thanh Nguyên – Hành Tư.

Về sau, hệ thống thiền Nam Nhạc – Hoài Nhượng lại lưu xuất ra hai phái là Lâm Tế[1] và Quy Ngưỡng; Hệ thống thiền Thanh Nguyên – Hành Tư lưu xuất ra ba phái là Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn mà xưa nay nhà Thiền gọi là “Thiền môn ngũ gia”. Lâm Tế là một phái thiền nổi tiếng trong năm phái ấy, về sau cũng phân làm hai nhánh nữa là Dương Kỳ và Hoàng Long, cho nên còn được gọi là “Ngũ gia thất tôn”.

Vị tổ sáng lập phái Lâm Tế là Thiền sư Nghĩa Huyền (? – 867). Thiền sư là đệ tử của Tổ sư Hoàng Bá – Hy Vận, về sau trụ trì viện Lâm Tế ở góc Đông – Nam thành Trấn Châu tỉnh Hà Bắc – Trung Hoa và lập phái tại đó nên gọi là Lâm Tế – Nghĩa Huyền. Chiếu theo tập “Phật Tổ – CHÍNH TRUYỀN NHẤT CHI – Từ Trung Thiên đến Trung Hoa và Trung Việt” của thiền sư Pháp Chuyên – Luật Truyền, thì phái thiền Lâm Tế từ khi thành lập phát triển rất mạnh và được truyền thừa theo thứ tự như sau:

  1. Lâm Tế – Nghĩa Huyền (Khai Tổ Lâm Tế)
  2. Hưng Hóa – Tồn Tương
  3. Nam Viện – Huệ Ngung
  4. Phong Huyệt – Diên Chiểu
  5. Thủ Sơn – Tĩnh Niệm
  6. Phần Dương – Thiện Chiêu
  7. Từ Minh – Sở Viên
  8. Dương Kỳ – Phương Hội Hoàng Long – Huệ Nam[2]
  9. Bạch Vân – Thủ Đoan
  10. Ngũ Tổ – Pháp Diễn
  11. Phật Quả – Viên Ngộ
  12. Hổ Khâu – Thiệu Long
  13. Đàm Hoa – Ưng Thuận
  14. Mật Am – Hàm Kiệt
  15. Phá Am – Tổ Tiên
  16. Vô Chuẩn – Sư Phạm
  17. Tuyết Nham – Tổ Khâm
  18. Cao Phong – Nguyên Diệu
  19. Trung Phong – Minh Bổn
  20. Thiên Nham – Nguyên Trường
  21. Vạn Phong – Thời Ủy
  22. Tổ Định – Tuyết Phong

Đến đây, Thiền sư Tổ Định – Tuyết Phong đời thứ 22 lại biệt xuất ra bài kệ truyền pháp gồm 20 chữ: 

Tổ Đạo Giới Định Tông        

Phương Quảng Chứng Viên Thông

Hạnh Siêu Minh Thật Tế      

Liễu Đạt Ngộ Chơn Không.   

Với bài kệ nầy được Thiền sư Tổ Định – Tuyết Phong truyền xuống theo thứ tự như sau:

  1. Đạo Minh – Huệ Sảm
  2. Giới Hải – Vĩnh Từ
  3. Định Bảo – Trí Tuyên
  4. Tông Thiên – Bổn Thoại
  5. Phương Văn – Minh Thông
  6. Quảng Nguyệt – Đức Bảo
  7. Chứng Truyền – Huyễn Hữu
  8. Viên Ngộ – Mật Vân (chùa Thiên Đồng)
  9. Thông Thiên – Hoằng Giác tức Đạo Mân – Mộc Trần.

Thiền sư Thông Thiên – Hoằng Giác đời thứ 31. Ban sơ, Ngài xuất gia đầu sư với Pháp sư Trí Minh – Nhược Muội tại chùa Huỳnh Nham trên núi Lô Sơn, được pháp danh là Đạo Mân hiệu Mộc Trần, nhưng về sau lại đắc pháp với Tổ sư Viên Ngộ – Mật Vân tại chùa Thiên Đồng, và có thêm một pháp danh nữa là Thông Thiên hiệu Hoằng Giác. Do đó, thiền sư có hai pháp danh là Thông Thiên hiệu Hoằng Giác và Đạo Mân hiệu Mộc Trần. Về sau, Thiền sư biệt xuất một bài kệ truyền pháp mới theo pháp danh Đạo Mân gồm 28 chữ:

Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên

Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên

Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ

Chiếu Thế Chân Đăng Vạn Cổ Truyền.

Thiền sư Thông Thiên – Hoằng Giác tức Đạo Mân – Mộc Trần tiếp tục truyền xuống cho đệ tử cả hai dòng kệ pháp trên như sau:

  1. Hạnh Viên – Bổn Quả tức Bổn Khao – Khoáng Viên
  2. Siêu Bạch – Hoán Bích tức Nguyên Thiều – Thọ Tôn.

Đến đây, Tổ sư Siêu Bạch – Hoán Bích hay còn gọi là Nguyên Thiều – Thọ Tôn đời thứ 33 tiếp nhận cả hai dòng kệ truyền pháp trên, nên có hai pháp danh là Siêu Bạch hiệu Hoán Bích và Nguyên Thiều hiệu Thọ Tôn. Đến khi sang Việt Nam khai sáng chùa viện, Tổ Sư tiếp tục truyền cả hai dòng kệ pháp nói trên cho rất nhiều đệ tử. Tại chùa Quốc Ân (Thừa Thiên Huế), Tổ sư truyền cho đệ tử theo dòng kệ pháp của Tổ Đạo Mân – Mộc Trần: Đạo Bổn Nguyên Thành… 

Riêng tại chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định), Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch truyền cho đệ tử theo dòng kệ pháp của thiền sư Tổ Định – Tuyết Phong với thứ tự tiếp tục như sau:

  1. Minh Giác – Kỳ Phương tức  Thành Đạo – Kỳ Phương
  2. Thiệt Kiến – Liễu Triệt [3]
  3. Tế Đoan – Hạo Nhiên
  4. Tế Trí – Hữu Phỉ 
  5. Liễu Trí – Huệ Nhật
  6. Đạt Lượng – Hưng Long
  7. Đạt Khoan – Chánh An
  8. Đạt Thuyên – Nhật Chánh
  9. Ngộ Thiệu – Minh Lý
  10. Chơn Châu – Vạn Thành
  11. Chơn Luận – Phước Huệ
  12. Không Hoa – Huệ Chiếu
  13. Không Tín – Kế Châu
  14. Như Trụ – Viên Định.

Sau đây là nguyên văn bài kệ truyền pháp của Thiền sư Tổ Định – Tuyết Phong thuộc Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 22 biệt xuất, và được truyền thừa tại Tổ đình Thập Tháp một cách liên tục cho đến ngày hôm nay.

Bức hoành “Bài kệ truyền pháp” tại Tổ đường Thập Tháp Di Đà, Bình Định

Tổ Đạo Giới Định Tông                   

Phương Quảng Chứng Viên Thông

Hành Siêu Minh Thiệt Tế

Liễu Đạt Ngộ Chơn Không.

Như Nhật Quang Thường Chiếu     

Phổ Châu Lợi Ích Đồng

Tín Hương Sanh Phước Huệ

Tương Kế Chấn Từ Phong. [4]

Theo bài kệ nầy thì Tổ sư Nguyên Thiều nhằm vào chữ thứ 12 (Siêu) với pháp danh Siêu Bạch hiệu Hoán Bích. Chùa Thập Tháp được Tổ sư truyền theo dòng kệ nầy cho vị đệ tử thừa kế với pháp danh Minh Giác hiệu Kỳ Phương. Ngoài ra, với bài kệ nầy Tổ sư còn truyền cho nhiều đệ tử như: Minh Vật – Nhất Tri, Minh Hải – Pháp Bảo, Minh Lượng – Nguyệt Ân, Minh Hằng – Định Nhiên, Minh Dung – Pháp Thông, Minh Phụng, v.v…

Phổ hệ truyền thừa tại Tổ đình Thập Tháp, Bình Định

Bài kệ truyền pháp thứ hai được lưu xuất bởi Tổ sư Đạo Mân – Mộc Trần hay còn gọi là Thông Thiên – Hoằng Giác mà Tổ sư Nguyên Thiều thừa truyền như sau:

Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên

Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên

Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ

Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Truyền.

Theo bài kệ nầy thì Tổ sư Nguyên Thiều nằm vào chữ thứ 3 (Nguyên) với pháp danh Nguyên Thiều hiệu Thọ Tôn. Với bài kệ nầy, Tổ sư Nguyên Thiều truyền cho nhiều đệ tử như: Thành Đẳng – Minh Yêu, Thành Thiên – Pháp Thông, Thành Ngộ – Nghiêm An, Thành Đạo – Kỳ Phương, Thành Chí – Minh Dung, Thành Nhạc – Ẩn Sơn, v.v… Kệ pháp nầy được truyền thừa rộng rãi ở chùa Quốc Ân tại Phú Xuân và các tỉnh thuộc Nam Bộ.

Chú thích:

[1] Nam Nhạc – Hoài Nhượng có đệ tử nổi tiếng là Mã Tổ – Đạo Nhất (709-788). Đệ tử của Mã Tổ là Bách Trượng – Hoài Hải (720-814) trước tác bộ sách nổi tiếng là “Bách Trượng Thanh Quy”. Bách Trượng truyền cho Hoàng Bá – Hy Vận. Sau Hoàng Bá, phái thiền Lâm Tế được sáng lập bởi thiền sư Nghĩa Huyền tại Viện Lâm Tế, nên gọi là Lâm Tế – Nghĩa Huyền.

[2] Phái thiền Lâm Tế truyền đến đây thì được phân làm hai nhánh là: Dương Kỳ và Hoàng Long

[3] Đến đời 35 tại Thập Tháp không còn thấy truyền cùng một người hai pháp danh theo hai bài kệ truyền pháp, mà chỉ còn truyền một pháp danh theo kệ pháp của Tổ Định – Tuyết Phong.

[4] Theo “Ngũ Gia Tông Phái Ký” của thiền sư Bổn Quả cho rằng Bài Kệ Truyền Pháp nầy do thiền sư Tổ Định – Tuyết Phong biệt xuất chỉ có 20 chữ tức bốn câu đầu. Còn bốn câu sau là của thiền sư Ngộ Thiệu – Minh Lý (1836-1889), Lâm Tế đời thứ 39, trụ trì chùa Thập Tháp tục thêm. Vì vậy mà ta thấy có nhiều ngôi chùa ở Nam bộ thuộc đồng bằng sông Cửu Long, truyền theo dòng kệ nầy đến chữ thứ 20 là chữ KHÔNG thì bị dứt đoạn.

(TT. Thích Viên Kiên biên soạn – Lịch sử Tổ đình Thập Tháp và Tổ sư Siêu Bạch – Nguyên Thiều)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *