Vũ trụ tuần hoàn muôn vật đổi thay, hết Xuân đến Hạ, hết Hạ đến Thu, hết Thu qua Đông. Như thế gọi là một năm.
Quả đất xoay xung quanh mặt trời, cứ giáp một vòng quả đất là một tháng. Mười hai lần xoay của quả đất giáp một vòng quanh của mặt trời là một năm. Có tháng có năm đó là điều nhân loại mới phát hiện sau này.
Trong lúc nhân loại đang ở thời kỳ sơ khai thì chưa biết đến điều đó. Dần dần chiêm nghiệm mọi vật sinh thành giữa vũ trụ, sự luân chuyển của mặt trời mặt trăng, bấy giờ người ta mới đoán định, mới thuyết đặt ra có ngày, có tháng, có năm. Rồi mỗi cuối năm người ta lại nghĩ: Chắc sẽ có một vị thần nào đó đi chu du khắp cả thế gian, soi xét việc lành việc dữ của mọi người. Cho đến khi vị thần đi tuần hành thăm sát hết một năm, qua năm khác truyền cho vị khác. Vì vậy mà múi giờ đầu tiên của năm cũ và năm mới giáp nhau thì gọi là Giao thừa. Tức một bên vị thần cũ giao chức vụ lại cho vị thần mới thừa kế, tiếp tục việc tuần du thế gian, xem xét người làm lành, làm dữ trongthiên hạ.
Đó là một bước tiến, một sự văn minh của con người, chứ khi còn sơ khai con người không hề biết các điều đó. Rồi người ta thấy năm tháng trôi qua xoay tròn luân chuyển, liền nghĩ, người ta sanh trong năm tháng như vậy, nhưng tại sao có người sanh ra đã sướng, họ sung sướng ngay từ trong bụng mẹ cho đến khai sanh ra và đến lúc chết. Họ là những người cơm dư ăn, áo dư mặc, đủ mọi quyền thế, đủ xe đủ cộ và luôn cả nhà cửa, họ mong chi được nấy, muốn chi có nấy. Ngược lại có người sống rất cực khổ, mà lại khổ từ trong lòng mẹ khổ ra cho đến khi nhắm mắt tắt thở, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, cầu mong hết sức mà cũng không bao giờ thoả mãn được. Rồi có người lành mạnh suốt cả đời, cũng có người đau lên đau xuống suốt cả năm. Lại cũng có người làm gì cũng sáng suốt, công việc được trôi chảy, mà cũng có người làm gì bị trở ngại nấy, bỏ công rất nhiều mà kết quả gặt hái thì rất ít, ngược lại, có người bỏ công rất ít mà kết quả gặt hái rất nhiều, tại sao như thế? Người ta tìm đủ mọi lý do để giải thích sự sai biệt đó.
Có người nghĩ rằng có lẽ anh đó sanh vào năm đó, tháng đó không tốt, hay sanh vào ngày đó không lành nên mới suy đoán, mỗi năm có 12 con giáp, tức thiên can thập nhị chi là Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Thí dụ năm này người sanh năm Tý thì tốt, người sanh năm Hợi không tốt; người sanh năm Thân tốt người sanh năm Dậu không tốt, chắc có lẽ vì năm sanh cho nên cuộc đời của anh ta không tốt. Anh kia nhờ năm sanh tốt cho nên cuộc đời của anh ta ăn nên làm ra.
Nhưng trải qua một thời gian kinh nghiệm, người ta thấy anh A, B, C, ba anh cùng sanh năm Tý, nhưng có anh cuộc đời tốt, có anh không tốt. Ba anh đồng sanh vào năm Hợi tại sao có anh sướng có anh khổ? Họ nghĩ chắc còn điều gì nữa chứ không phải tại năm sanh! Có lẽ vì không tính tháng. Họ liền nghĩ tháng sanh không tốt cho nên cuộc đời anh ta không tốt. Nhưng cũng có ba anh cùng sanh một tháng, sao có anh sướng có anh khổ, có anh thông minh, có anh ngu dốt? Người ta lại nghĩ chắc tại ngày, chứ không phải tháng không mà thôi. Vì vậy họ mới tính thêm ngày. Như vậy là coi năm, coi tháng, phải coi cả ngày nữa. Khi anh ta sanh có đúng ngày tốt hay không? Hễ sanh ngày tốt thì cuộc đời anh ta tốt, hễ sanh nhằm ngày xấu thì cuộc đời anh ta không ra gì. Lại cũng có ba anh sanh cùng năm, cùng tháng, cùng ngày, nhưng có anh lại tốt, có anh lại xấu là vì sao? Người ta lại đoán chắc còn tính thêm giờ sanh nữa thì mới đúng. Có anh sanh năm Tý, giờ Tý, tháng Tý nhưng có người ăn nên làm ra, có người không ra gì. Lại có ba anh cùng sanh năm Hợi, tháng Hợi, ngày Hợi, giờ Hợi, nhưng tại sao có anh sướng anh khổ, anh thông minh anh ngu dốt? Chắc có cái gì nữa đây chứ không phải vì năm, vì tháng, vì ngày, vì giờ họ nghĩ như vậy. Có lẽ còn thêm cái mạng nữa.
Giữa vũ trụ có năm loại là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Anh A sinh năm đó thuộc mạng Thổ hay thuộc mạng Kim, nếu năm đó thuộc năm Kim mà mạng anh thuộc mạng Mộc. Vậy thì Kim gặp Mộc là khắc rồi. Thì sắt chặt cây thì cây phải gãy, chứ cây không chặt sắt được. Như vậy là Kim khắc Mộc. Nếu Kim sanh Thủy thì tốt hay sanh năm Thổ, Thổ sanh Kim là tốt. Họ liền nghĩ thêm: Coi năm, coi tháng, coi ngày, coi giờ cộng thêm phải coi mạng nữa mới đủ. Nhưng rồi cũng ba người đó, sanh cùng năm, cùng tháng, cùng ngày, cùng giờ, cùng mạng mà cũng có anh sướng, có anh khổ, có anh thông minh, có anh ngu dốt, chắc còn cái gì nữa đây? À, té ra trên trời có các vì sao như sao La Hầu, sao Thổ Tú, sao Thủy Diệu, sao Thái Bạch, sao Thái Dương, sao Vân Hớn, sao Kế Đô, sao Thái Âm và sao Mộc Đức. Anh ấy có thể bị xoang vào một các vì sao đó như sao La Hầu chẳng hạn, nên năm nay cuộc đời anh không tốt lắm. Vì sao La Hầu đối với đàn ông là xấu nhất, sao Kế Đô đối với đàn bà là xấu nhất. Như vậy là còn tính thêm sao nữa. Đàn ông mà gặp sao La Hầu thì năm đó coi như đại kỵ đại xui. Còn gặp sao Mộc Đức, sao Thủy Tú thì tốt. Do đó đẻ ra chuyện cúng sao.
Coi ngày, coi tháng, coi năm, coi giờ, coi mạng rồi coi thêm cúng sao nữa, một mặt nào đó thì có thể nói đó là một bước tiến của con người tạm gọi là văn minh, chứ trước kia con người còn sơ khai không biết gì cả. Thậm chí khi sanh không biết ngày nào sanh, chết cũng không biết sống bao nhiêu năm thì chết. Sanh rồi chết, chết rồi sanh, sanh ra thì nuôi, chết rồi đem chôn. Đó là tình trạng dân bán khai ngày xưa, nếu chúng ta hỏi họ bao nhiêu tuổi, họ cũng lắc đầu. Sanh năm nào, học cũng chả biết. Đó là khi còn bán khai họ chưa tiến bộ, nhưng bây giờ tiến bộ rồi, nên khi sanh ra người ta lại coi năm, coi tháng, coi ngày, coi giờ, coi mạng, coi sao đủ thứ. Đó cũng là một bước tiến bộ nhưng xem ra quá phức tạp. Tuy vậy cũng có người sanh ra cùng năm, cùng tháng, cùng ngày, cùng giờ, cùng mạng, cùng sao mà cũng có người sướng người khổ là vì sao? Khi đó người ta nghĩ chắc có ông Trời nữa.
Ông Trời là một vị thiêng liêng, cao cả ở trên đầu chúng ta, ông định đoạt cuộc đời của mọi người sướng hay khổ. Ví dụ, ông định cho cuộc đời của ông A sướng thì ông A được sướng, ông định đoạt cuộc đời của ông B khổ thì ông B phải khổ. Chứ sao cung coi rồi, ngày tháng cũng coi rồi, giờ cũng coi rồi…mà tại sao cuộc đời nó khác nhau như vậy. Có lẽ tại vì ông Trời. Ông định đoạt như thế nào thì phải chịu như thế ấy. Như một nhà thơ Việt Nam có câu:
“Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao,
Do đó mới đẻ ra lòng tin.”
Đầu năm người thì đi cúng sao, vì tin theo sao. Người thì tin theo ngày tháng lại đi coi ngày tháng, người tin ông trời cao cả thì theo ông trời cao cả, mỗi người đi theo mỗi hướng, nhưng chả nơi nào đúng hết, bởi vì ông trời cao cả định đoạt tất cả cuộc đời con người, nhưng người ta lại nghi ngờ ông trời, vì ông định đoạt một cách thiên vị. Ví như cho ông A sướng còn ông B khổ, như vậy là ông trời không công bằng. Đã là ông trời cao cả sao lại bất công như vậy. Bất công như vậy sao gọi là cao cả, cho nên cũng không đúng. Thế thì tại sao cũng là con người lại có sự sai khác đó? Mà thật sự có ngày tốt, giờ tốt, năm tốt, tháng tốt hay không? Đức Phật dạy: Ngày nào cũng là ngày tốt, giờ nào cũng là giờ tốt. Nếu người ta hướng đến điều thiện,hướng đến lẽ phải. Tất cả các điều vừa nói đó chỉ vì người ta quên mình đi, hướng theo bên ngoài, nhìn theo sự vật để định đoạt cái thân phận của mình. Mà chính tâm của mình mới là lớn lao, mới là bao quát nhất, là chính yếu định đoạt tất cả mọi vấn đề, tất cả cuộc sống của mình. Lẽ tất nhiên tâm mình đây không phải là tâm trong hiện tại mà kể cả cái tâm quá khứ nữa, cho nên cuộc đời của mình có sự sai khác. Dầu trong hiện tại, tâm anh tâm tôi cũng đụng như nhau, làm việc thiện cũng giống nhau,nhưng tâm quá khứ của anh khác, tâm quá khứ của tôi khác, cho nên anh sống trong một hoàn cảnh khác, tôi sống trong một hoàn cảnh khác. Như vậy cái tâm quá khứ của mỗi người có sự sai khác là vậy. Khi biết rõ nguồn gốc của sự sai khác giữa người này và người khác, qua sự giàu nghèo, ngu dốt, sanh hèn, bệnh tật, sống lâu hay chết yểu. Chính do cái tâm của mình làm chủ mà sinh ra các điều đó. Cái tâm ấy không phải chỉ là tâm hiện tại mà luôn cả cái tâm trong quá khứ nữa.
Ngày hôm nay cùng đi học thi, trò nào cũng siêng năng chăm chỉ hết, học suốt cả ngày từ 10 đến 15 tiếng đồng hồ, nhưng đi thi có người đậu người hỏng, thì sao? Vì hiện tại đều siêng năng, nhưng ngày trước thì người siêng kẻ nhác. Anh chỉ siêng năng mới ngày nay thôi chứ còn ngày trước anh biếng nhác, chỉ biết thu sách vở trong bụi để đi chơi, nên có anh thi đậu, có anh thi hỏng, mặc dầu hôm nay hai người cùng siêng như nhau, nhưng ngày trước lại quá nhác nên hôm nay đi thi bị hỏng.
Vì vậy ngày xưa có vị Thiền sư nói rằng:
“Xuân hữu bách hoa thu hữu nguyệt
Hà hữu lương phong đông hữu tuyết
Nhược vô nhàn sự quái tậm đầu
Nhất thế thời trung giai hảo tiết.”
Nghĩa là:
“Mùa xuân có trăm hoa mùa đông có tuyết,
Mùa hạ có gió mát, mùa thu có trăng sáng.
Nếu không có sự quanh co vướng mắc trong lòng,
Thì tất cả thời nào cũng tốt hết.”
Nên khi cái tâm của chúng ta còn những điều rắc rối, quanh co, uẩn khúc, vướng mắc trong lòng, thì dầu có coi ngày, coi tháng, coi năm, coi giờ, coi sao, chi gì gì đi nữa, ta cũng ở trong cái vòng luẩn quẩn đau khổ, không có tự tại an vui được. Cho nên đi coi về mà tâm vẫn không yên. Coi ngày coi tháng về mà tâm vẫn rối, vì sao? Vì tâm ta còn khúc mắc, quanh co, đang vướng bận trong lòng, đó là điều chính yếu. Vì vậy, khi nào trong tâm tư của ta mở toang ra được những điều khúc mắc quanh co, không vướng những điều đó nữa, thì giờ nào cũng là giờ tốt hết. Như vị Thiền sư đã nói: Mùa xuân có trăm hoa, mùa đông có tuyết, mùa hạ có gió mát, mùa thu có trăng sáng. Như vậy thì trăm hoa mùa xuân nào có riêng của ai đâu! Gió mát mùa hạ nào có riêng của ai đâu, trăng sáng mùa thu nào có riêng của ai đâu, tuyết rơi mùa đông nào có riêng cho ai đâu, không riêng của ai hết. Như vậy, nếu như biết thưởng thức trăm hoa mùa xuân, trăng sáng mùa thu, gió mát mùa hạ, tuyết rơi mùa đông với một tâm thảnh thơi, không có điều gìkhúc mắc, thì giờ nào cũng tốt, thời nào cũng đẹp cả.
Các vị Thiền sư sống trong niệm đó nên không vướng mắc, do đó không đi coi ngày, không đi coi bói, không đi coi giờ, không đi cúng sao, không đi giải hạn. Các Ngài chỉ lo niệm kinh, tỉnh giác, lạy Phật sám hối để trau dồi tâm tánh của mình thật an tịnh, sáng suốt, hiền lành, tâm được tự tại thì bất cứ ngồi đâu, đi đâu, ở đâu cũng đều tự tại, lúc nào miệng cũng nở nụ cười tươi tỉnh.
Theo thế tục đầu năm chúng ta vẫn làm lễ Giao thừa, nhưng cũng không quên chúng ta còn làm lễ kỷ niệm đức Di Lặc nữa.
Thường thường đức Di Lặc có hình dáng bụng thì to, miệng thì mỉm cười hoan hỷ bao dung. Nhưng cái bụng to này là to rất đẹp, chứ không phải to dễ ghét. Miệng Ngài cười là nụ cười giải thoát chứ không phải cười ngạo nghễ, cũng không phải cười khoái chí. Thế gian, có người ghét ai thì lại cười cho khoái chí để trả thù. Trái lại, nụ cười đức Di Lặc không dính chi đến mấy nụ cười đó hết. Nụ cười của Ngài là nụ cười siêu thoát vượt lên trên tất cả các nụ cười của thế gian. Vì thế mà có người tả nụ cười của Ngài bằng hai câu thơ như thế này.
“Đại đổ năng dung dung thế gian nan dung chi sự
Từ nhan vi tiếu tiếu thiên hạ khả tiếu chi nhơn.”
Nghĩa là:
“Cái bụng lớn có thể dung chứa, dung chứa những việc khó dung chứa của thế gian.
Nét mặt từ bi mỉm cười, cười những người đáng cười trong thiên hạ.”
Đại đổ năng dung dung thế gian nandung chi sự. Cái bụng lớn hay dung. Bụng lớn đây không phải vì ăn nhiềumà to bụng, kêu bụng lớn. Bụng lớn này là một sự tiêu biểu, chỉ cho cái tâm rộng rãi bao tất cả. Vậy nó dung cái gì? Dung những điều mà người thế gian không dung được.
Thí dụ đầu năm mới ra đường gặp một người nào đó đi ngang trước mặt mình, họ vứt bỏ đồ nhớp trúng mình. Như vậy là mất hên nên không dung được. Đầu năm mở hàng gặp một người mua hàng cứ trả cù nhằn cù nhằn, trả tới trả lui, chê đắt chê xấu không mua, thì không dung được. Đối với Đức Di Lặc thì chuyện đó quá thường, Ngài dung hết. Vì cái bụng năng dung của Ngài là bụng có tâm lượng bao dung, khoan dung, nên mới ở với chúng sanh được.
Trong một gia đình, vợ chồng, con cái, anh em có thể đụng chạm nhau hằng ngày, hằng giờ so đo từng ly, từng tí là vì họ không có một tâm niệm bao dung nên không thể sống chungvới nhau được. Ngay trong bà con cũng không thể sống chung với nhau, huống chi là thiên hạ là người xa lạ. Cho nên sự bao dung đó là một điều hết sức thiết yếu để tạo lấy niềm an vui hạnh phúc. Mà Đức Di Lặc là tiêu biểu cho tấm lòng bao dung đó.
Từ nhan vi tiếu, tiếu thiên hạ khả tiếu chi nhơn. Miệng mỉm cười, cười những điều đáng cười trong thiên hạ. Xì ke ma túy mà đụng vào thì coi như tan gia bại sản, táng thân thiệt mạng. Thế nhưng có nhiều người vẫn cứ đụng như thường. Nếu nói đáng cười thì cũng đáng cười thật. Rượu chè cờ bạc ăn chơi xả láng thì cũng có ngày tan gia bại sản, cũng táng thân thiệt mạng. Nhưng vẫn có người cứ đụng như thường. Điều đó cũng đáng cười thật, nhưng mà thế gian không cười, cứ nhào vô mà nhắm mắt đụng vô thôi, nên từ nhan vi tiếu. Tiếu là cười, cười đây là cười cái vô minh của chúng sanh. Chúng sanh vô minh không tỉnh ngộ, không làm chủ bản thân của mình. Đó cũng là điều đáng cười.
Ngày xưa bên Trung Hoa có một vị Hòa Thượng tên là Trường Đính. Sáng tụng kinh xong, ngài vác một cái đãy vải rất lớn đi ra ngoài chợ, hoặc đến chỗ nọ chỗ kia để xin đồ đạc. Ai cho gì ngài cũng bỏ vào đãy vải đó hết. Cho cá ngài lấy cá, cho thịt ngài lấy thịt, cho tôm ngài lấy tôm, cho gạo ngài lấy gạo, cho cơm ngài lấy cơm, cho bánh ngài lấy bánh…Ai cho gì ngài cũng nhận hết. Khi đã đầy đãy rồi ngài vác tới nơi gốc cây nào đó, rồi qui tụ các em bé, những người ăn xin, những người thất cơ lỡ vận, các cháu mồ côi…lại để phân phát đồ đã xin được cho họ, rồi nói chuyện đạo lý phải trái cho họ nghe, giảng đạo cho họ hiểu. Cho hết đãy đó rồi ngài lại đi xin tiếp, hễ đầy đãy thì lại tìm một chỗ khác để phân phát cho họ. Hết ngày ngài trở về chùa, tối tụng kinh, tham thiền, niệm Phật. Sáng mai thức dậy tụng kinh xong thì ngài cũng vác đãy đi xin như thế để cho những người đáng cho. Vì ngày nào ngài cũng mang một đãy vải lớn như vậy nên người ta không biết ngài tên gì và đã đặt cho ngài cái tên là Bố Đại Hòa thượng (ông Hòa thượng mang cái đãy vải to lớn).
Cho đến khi ngài tịch, người ta đến để đưa tang ngài, lạ thay họ thấy nơi bàn của ngài để lại 4 câu thơ:
“Di Lặc chơn Di Lặc,
Hóa thân thiên bách ức,
Thời thời thị thời nhơn,
Thời nhơn thường bất thức.”
Nghĩa là:
“Di Lặc chính ta đây,
Hóa thân trăm ngàn ức,
Thường thường hiện (ra) người thường,
Người thường không biết được (Ta).”
Bấy giờ mới biết đó là hóa thân của đức Di Lặc. Người sau mới tạc theo cái tượng của ông Bố Đại đó gọi là tượng Di Lặc, mà đa số các chùa đều thờ.
Đức Di Lặc là một vị đệ tử trong Pháp hội của đức Thích Ca. Trong Pháp hội này Ngài có tên là Lô, người nhỏ nhất trong chúng. Một hôm, đức Thích Ca muốn khai thị cho đại chúng biết đức Di Lặc tương lai là vị quan trọng như thế nào để đại chúng biết. Và Ngài liền quăng cái bát lên trên hư không rồi bảo các vị Tỳ kheo đi tìm cái bát về. Nhưng không có vị Tỳ kheo nào tìm bình bát về được hết. Khi đó đức Di Lặc là vị Tỳ kheo nhỏ nhất trong chúng ngồi dưới hàng chót, đưa tay xin đi lấy. Đức Phật chấp nhận. Ngài đã lấy cái bình bát về được. Nhân đó đức Thích Ca thọ ký cho đức Di Lặc tương lai tác Phật (ngày sau làm Phật thay thế đức Thích Ca).
Từ sự thọ ký đó cho đến cái hiện thân làm Bố Đại Hòa thượng với thân hình rất to, miệng cười hoan hỷ mà các chùa tạc để thờ là cái hóa thân của đức Di Lặc Bồ tát. Đức Di Lặc Bồ tát hiện tại đang ở cõi trời Đâu Suất, tương lai sẽ giáng sanh cõi Ta bà thế giới để kế vị đức Thích Ca làm giáo chủ cõi Ta bà thuyết pháp độ sinh.
Nơi tượng đức Di Lặc, ta thường thấy có 5 đứa trẻ con bu xung quanh Ngài là có ý nghĩa gì? Năm đứa trẻ con đó là tiêu biểu cho ngũ thức (nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân). Bởi đức Di Lặc có một kiếp Ngài chuyên tu về Duy thức quán, tức quán các thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt-na thức và a-lại-da-thức. Mà năm cái thức hiện ra bên ngoài bằng mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân cảm xúc. Thường thường con người hay sống với năm cái cảm xúc bên ngoài đó. Nhưng con mắt tiếp xúc có khi lành khi dữ, lỗ tai tiếp xúc có khi lành khi dữ. Người mà có tâm bất chính, tham lam thì con mắt nhìn cái gì cũng láo liên, muốn nó thuộc về mình. Người có tâm sân giận khi tiếp xúc với bên ngoài, hễ ghét ai thì con mắt trợn trừng dễ sợ lắm. Trái lại đức Di Lặc đã điều khiển được ngũ thức nên không còn mang cái tướng tham lam, sân hận, ích kỷ nên đã trở thành ngũ thức hiện lượng mà trên tượng đức Di Lặc đã biểu trưng cho 5 đưa trẻ ngây ngô hồn nhiên, tượng trưng cho ngũ thức đã được hàng phục rồi. Còn chúng ta, con mắt chưa chế phục được cho nên có cái gì gợi lòng tham thì nhìn ngay, điều gì đáng ghét thì con mắt lại nhìn chỗ khác; nghe tiếng gì đáng ưa thì lỗ tai chú ý, tiếng gì đáng ghét thì lỗ tai quặp xuống. Cho nên nhiều người nói: Nhìn thấy con mắt mà biết anh ấy có cái tâm thật hay không thật, nhìn đôi mắt anh ấy mà biết anh ấy hiền lành hay ác độc. Lý do đơn giản, sở dĩ con mắt chưa hiền lành được là vì con mắt đó còn có tâm tham, sân, si, mạn, nghi, phiền não, cho nên con mắt nó phải làm theo sự điều khiển của tâm.
Đức Di Lặc đã điều khiển được tâm cho nên nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân ở nơi Ngài trở thành thanh tịnh, trở thành hiện lượng, trở thành trực giác, trung thực không có ô nhiễm, không có phiền não, tiêu biểu cho 5 đứa con nít ở nơi Ngài: Ngây ngô rất dễ thương. Vậy thì bây giờ chúng ta phải luyện tập để cho lỗ tai, con mắt khi người khác nhìn vào cho dễ thương như 5 đứa con nít đó. Muốn được như thế chúng ta phải tu tập và hi vọng một ngày không xa chúng ta cũng sẽ có 5 em bé dễ thương ấy leo trên bụng, trên lưng, trên vai, trên cổ của chúng ta.
Đức Di Lặc đã điều phục được tâm không còn tham, sân, si. Ngũ thức tiêu biểu cho 5 đứa con nít dễ thương đó là nhãn, nhỉ, ti, thiệt, thân. Ngài đã dứt trừ hết tham, sân, si… cho nên được miệng cười hoan hỉ. Nếu tâm còn tham thì khó hoan hỉ lắm.
Muốn được hoan hỉ như vậy thì phải tu hành, điều khiển chế phục được lòng tham, lòng sân, lòng si, ngã mạn, cống cao, ích kỷ của mình. Khi tâm càng vô ngã, không chấp ngã chừng nào thì bấy giờ phiền não mới tiêu tan, hoan hỉ mới bộc lộ ra chừng đó. Khi ấy chúng ta mới gần gũi được hạnh hoan hỉ của đức Di Lặc và mới sống được trong cái đời sống hoan hỉ của đức Di Lặc.