Đã ba năm bỏ triều cống lại còn cho quân quấy nhiễu phên dậu phương Nam. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông bèn thân chinh cầm quân thảo phạt Chiêm Thành, việc triều chính ỷ cho Nguyên Phi.
Đã ba tháng ròng rã mà không hạ được thành, vua buồn bực trong lòng lắm, đứng ngồi không yên có ý muốn lui binh. Chế Củ biết quân Đại Việt nản lòng nên càng giữ thế thủ không ra đánh nhau, chiêu dụ quân binh:
Chúng ta có thành luỹ vững vàng, quân Nam đã suy kiệt rồi, cứ giữ vững thế này thì chúng phải rút lui thôi. Kẻ nào tự tiện xuất quân sẽ dùng quân lệnh nghiêm trị!
Thánh Tông không biết làm sao đành hạ lệnh lui binh, khi quân kéo về đến châu Cư Liên thì gặp sứ giả mang tấu chương từ Thăng Long đến. Vua bèn mở ra xem thì thấy tâu rằng:
“… Nguyên Phi hết lòng phò vua, giữ an nội chính từ trong cung cho đến ngoại triều, vỗ an đảng nghịch, huấn tập cung nhân đều rất thuận thảo, trên dưới một lòng quy phục. Nguyên Phi ngày đêm cầu Phật, Bồ tát gia hộ hoàng thượng chinh phục Chiêm Thành xong đặng khải hoàn…”
Đọc xong tấu chương Thánh Tông ngồi thừ ra một lát rồi đứng lên cảm thán:
Nguyên Phi là đàn bà mà xử việc nước giỏi như vậy, lẽ nào ta thân nam nhi mà để thua đàn bà sao?
Nói xong hiệu triệu ba quân, cho người tuyên đọc tấu chương rồi đốc thúc quay trở laị quyết hạ thành cho bằng được. Lòng ba quân cũng hứng khởi và phấn chấn lên vì thẹn thua chí đàn bà. Chế Củ không ngờ quân Nam quay trở laị bất thần không kịp chấn chỉnh quân nên thành bị hạ dễ dàng.
Thánh Tông bắt sống ba vạn tù binh và cả toàn gia Chế Củ mang về Thăng Long. Vua chia tù binh cho các Vương và quan trong triều. Ngài Lý Tăng Lục cũng đươc cấp nô bộc từ số tù nhân này.
Ngài Tăng Lục này uyên bác văn chương, thâm sâu Phật pháp và còn là một tay thi bá có tiếng của kinh thành. Một hôm ngài viết một đoản khúc thiền thi:
Bách niên nhất sát na
Bá tánh tại Sa Bà
Vạn pháp ư nhất niệm
Tâm động nhập Phật – Ma.
Bài thơ còn dở dang ngài để đấy đi vào nội có việc đến khi về thì thấy ai sửa câu cuối thành:
“Tâm lưu xuất Phật – Ma”.
Bèn cả giận quát: Kẻ nào cả gan dám sửa thơ của ta?
Đám nô bộc sợ xanh mặt, riêng có một gã trung niên quỳ xuống thưa:
Thưa chủ nhân kẻ nô bộc này có tội, vì thấy ngài viết câu cuối không hợp lẽ. Phật hay Ma cũng từ một tâm mà ra, không từ ngoài vào! Vì vậy dám mạo phạm sửa lại, mong chủ nhân lượng thứ.
Ngài Tăng Lục hết sức ngạc nhiên: Ngươi cũng biết chữ, biết Phật pháp sao?
Y laị đáp: Thưa chủ nhân, nô bộc tôi cũng biết chút chút.
Tăng Tục Lục laị gạn hỏi và đưa ra nhiều thử thách nhưng y đều đáp rành mạch trôi chảy. Cuối cùng y thú nhận rằng:
Tôi vốn là người phương Bắc, thọ giáo thầy ở Triết Giang được ban cho pháp danh Thảo Đường. Mấy năm trước sang Chiêm Thành hoằng pháp, rồi binh đao loạn lạc nên bị bắt làm tù binh cùng với quân Chiêm chứ thật tôi không phải người Chiêm.
Ngài Tăng Lục lập tức cho thay áo quần, tắm gội rồi bảo:
Ngày mai tôi sẽ đưa ông vào triều ra mắt hoàng thượng.
Y quỳ tạ ơn, vị Tăng Lục đỡ y dậy bảo:
Chúng tôi đều là người mộ Phật, việc ông bị bắt làm tù binh là ngoài ý muốn. Tôi hy vọng hoàng thượng sẽ lưu dụng ông.
Hôm sau Tăng Lục dẫn y vào triều kiến vua:
Tâu bệ hạ: Nhân trước kia bệ hạ ban cho một số nô bộc không ngờ trong ấy lại có một kẻ vốn là Tăng nhân từ phương Bắc. Y kiến thức uyên bác, tinh thông Phật điển, thi tứ phong lưu… Quả thật là ngọc lẫn trong cát đá. Nay thần dẫn y vào mong bệ hạ thẩm tra lưu dụng kẻo phí uổng người tài.
Thánh Tông cũng ngạc nhiên không kém bèn vời y lên thềm rồi tra hỏi y. Y đáp rất thành thực lại thể hiện kiến văn tuyệt vời của mình. Vua thử vấn pháp thì y đáp như lý như pháp. Thánh Tông vô cùng hoan hỷ sanh lòng yêu mến.
Vua nói: Trẫm thật không ngờ ngài lẫn trong đám nô bộc, âu cũng là nhân duyên gì đây. Trẫm trị quốc thương dân như con đẻ. Trẫm một lòng mộ đạo, hộ pháp, hộ tăng. Hôm nay ngài lại đến đây, trẫm xin bái ngài làm thầy mong ngài đừng từ chối.
Sự thể chuyển biến nhanh và phi thường quá làm vị Tăng Lục cùng triều thần ngạc nhiên cao độ, niềm vui, niềm hân hoan dâng cao khiến cả triều thần tung hô và đồng thanh quỳ bái tạ.
Vua cho người đưa ngài Thảo Đường ra ở chùa Khai Quốc (nay là chùa Trấn Quốc), một ngôi chùa quan trọng hàng đầu thành Thăng Long. Hôm sau vua đến dâng lễ bái sư và phong ngài Thảo Đường là Quốc sư. Thăng Long vốn có dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông, giờ laị có thêm một phái mới nữa là Thảo Đường.
Ngài và dòng thiền mà ngài hoằng dương vốn rất bác học, chuyên dùng thi kệ, văn chương để hoằng hoá; vì vậy đã thu hút rất nhiều người vốn là tinh hoa của thành Thăng Long gia nhập và cũng ảnh hưởng nhiều đến hai phái thiền vốn có trước kia.
Có lần nhân ngày xuân rỗi việc Thánh Tông bảo các quan: “Năm xưa trẫm thân chinh phạt Chiêm Thành, bắt Chế Củ làm tù binh, sau y dâng ba châu chuộc tội. Được đất, mở cõi về Nam cũng là lợi lớn nhưng cái lợi lớn vô cùng mà trẫm có được ấy là Quốc sư. Ngài về Đại Việt với đạo hạnh trong sáng, Phật điển uyên thâm, văn chương trác tuyệt. Đây là cái phúc của nước nhà vậy!”
(Tiểu Lục Thần Phong)