Khói nước trăm thành: Thiện Tài đồng tử tham bái thiện tri thức thứ 01 đến 03

Tác giả: HT. Thích Kế Châu

LBBT: Hòa thượng Thích Kế Châu (1922 – 1996) tại Tổ đình Thập Tháp, Bình Định là một bậc cao tăng, suốt một đời chống gậy thiền giúp bao lớp người chuyển mê khai ngộ. Ngài là người uyên thâm kinh luật luận, bên cạnh đó còn là nhà thơ, nhà văn và võ thuật điêu luyện. Tác phẩm Khói Nước Trăm Thành được ngài dịch với những ngôn ngữ xúc tích, ý thơ xuất thần trong dòng chảy của thiền học.

Khói nước trăm thành nói việc tham bái 53 vị Thiện tri thức của Thiện Tài đồng tử. Việc này làm cho đồng tử nhập được pháp giới.

Pháp giới ở đây là pháp giới Hoa nghiêm. Pháp giới ấy có sự vô ngại, lý vô ngại, sự lý vô ngại, sự sự vô ngại. Nhưng sự sự vô ngại mới đích là pháp giới Hoa Nghiêm. Theo đó, tất cả các pháp, mỗi pháp là chân như, nên một là tất cả, tất cả là một, hổ tương nhiếp nhập, trùng trùng duyên khởi.

Trong nhận định rất tầm thường mà thôi, sự sự vô ngại như vậy làm cho ai cũng phải thấy sống là hổ tương: mình nhận ảnh hưởng của xã hội và phải có trách nhiệm với xã hội.

01 – ĐỨC VÂN TỲ-KHEO

Thiện Tài đồng tử thứ nhất đến nước Thắng Lạc lên núi Diệu Phong tham phỏng với ngài Đức Vân tỳ kheo. Tìm tòi bốn phía đến bảy bữa mới thấy ngài rảo bước kinh hành trên một ngọn đồi nhỏ. Bèn đảnh lễ hỏi phải pháp, nhập cảnh giới Phật, được nhớ nghĩ tất cả cảnh giới của chư Phật, trí huệ sáng suốt phổ kiến pháp môn chứng phát tâm trụ trong mười trụ Bồ tát (1)

Tán:

德雲長在妙高峰

行遶峰頭不定蹤

七日既云尋不見

一朝何故卻相逢

發心住處師緣合

普見門中佛境容

回首夕陽坡下望

白雲青嶂萬千重

Phiên âm:

Đức Vân thường tại Diệu Cao phong

Hành nhiễu phong đầu bất định tung

Thất nhật ký vân tầm bất kiến

Nhất triêu hà cố khước tương phùng

Phát tâm trụ xứ sư duyên hiệp

Phổ kiến môn trung Phật cảnh dung

Hồi thù tịch dương pha hạ vọng

Bạch vân thanh chướng vạn thiên trùng

Dịch nghĩa:

Đức Vân thường tại núi Tu Di

Dấn bước không chừng dạo đó đây

Bảy bữa đã đành không gặp mặt

Một mai sao lại được nhìn ngay

“Phát tâm chỗ đứng” duyên thầy hợp

“Phổ kiến cửa vào” cảnh Phật đầy

Xuống gọp quay đầu, chiều ngã bóng

Non xanh mây trắng vạn trùng bay.

02 – HẢI VÂN TỲ-KHEO

Thiện Tài đồng tử thứ hai đến nước Hải Môn tham phỏng với đức Hải Vân tỳ kheo. Trong mười hai năm Ngài quán biến hiện Phật một nghìn hai trăm tuổi, rờ đầu nói kinh, ghi nhớ thọ trì, bút chất đống cũng khó tả, được Phổ Nhãn pháp môn (2) chứng trị địa trụ Bồ tát.

Tán:

一入多門又到門

分明普眼照乾坤

十年觀海深深趣

千載聞經品品存

白浪涌花成異瑞

紅蓮現佛獨稱尊

須彌聚筆休云寫

萬頃滄波欲斷魂

Phiên âm:

Nhất nhập đa môn hựu đáo môn

Phân minh Phổ nhãn chiếu kiền khôn

Thập niên quán hải thâm thâm thú

Thiên tải văn kinh phẩm phẩm tồn

Bạch lãng dũng hoa thành dị thoại

Hồng liên hiện Phật độc xưng tôn

Tu Di tụ bút hưu vân tả

Vạn khoảnh thương ba dục đoạn hồn.

Dịch nghĩa:

Cữa cữa lần vào cữa rộng thênh

Kiền khôn mắt chiếu khắp phân minh

Mười năm quán biển sâu sâu thẳm

Nghìn thuở nghe kinh phẩm phẩm rành

Sóng trắng trổ hoa thành dị ứng

Sen hồng hiện Phật đấng tôn danh

Bút gom như núi thôi đừng tả

Nước biếc muôn khơi cũng giật mình.

03 – THIỆN TRỤ TỲ-KHEO

Thiện Tài đồng tử thứ ba đến làng Hải Ngạn ở bên đường núi Lăng Già tham phỏng với đức Thiện Trụ tỳ kheo. Ngài thường lui tới giữa hư không, hiện thần thông biến hóa rộng rãi, tay rờ mặt trời mặt trăng, thân tuông khói lửa, dạo khắp nước Phật, rải khắp hoa trời. Được cúng dường chư Phật khắp đều nhanh chóng, thành tựu chúng sanh vô ngại pháp môn, chứng Tu hành trụ Bồ Tát.

Tán:

迢迢一到海楞伽

遙望空中事可佳

念念遍遊諸佛剎

紛紛艷曳落天花

手摩日月三輪外

身出煙雲四面遮

若也更心生貴樂

禹門洪浪跳金蝸

Phiên âm:

Thiều thiều nhất đáo hải Lăng Già

Diêu vọng không trung sự khả gia

Niệm niệm biến du chư Phật sát

Phân phân diễm duệ lạc thiên hoa

Thủ ma nhật nguyệt tam luân ngoại

Thân xuất yên vân tứ diện già

Nhược dã cánh cầu sanh quí lạc

Vũ môn hồng lãng khiêu kim oa.

Dịch nghĩa:

Biển ngàn thẳm thẳm tới Lăng Già

Vọi ngắm từng không đẹp sáng lòa

Niệm niệm ưu du cùng Phật quốc

Rưng rưng diễm lệ ngát thiên hoa

Tay bưng nhật nguyệt ngoài ba cõi(3)

Thân tỏa yên vân rợp bốn bờ

Sanh quí trên kia cầu khoái lạc

Vũ môn sóng vọt cá vàng qua(4).

CHÚ THÍCH:

(1) Thập trụ: (thuật ngữ) Cũng kêu thập địa. Nghĩa là vào thẳng lý Bát nhã thì gọi là trụ. Trụ ở đó sanh ra công đức thì gọi là địa. Nghĩa là sau khi đã đủ lòng tin rồi, lại được tiến lên ở vào địa vị của chư Phật vậy. Thập trụ gồm:

a/ Thứ nhất là Phát tâm trụ: Nghĩa là do chân phương tiện phát khởi thập trụ tâm, lột vào cái công dụng của thập tín, để viên thành ngôi vị nhất tâm vậy.

b/ Thứ hai là Trị địa trụ: Nghĩa là sự trong sáng của tâm trí, ví như ngọc lưu ly hiện thấy tinh kim trong đó, dùng ngay diệu tâm trước để lý trị sửa chữa làm chỗ đất vậy.

c/ Thứ ba là Tu hành trụ: Nghĩa là lội qua và biết chỗ đất trước đều đã rõ ràng, nên đi dạo khắp mười phương mà không gì vướng mắc trở ngại vậy.

d/ Thứ tư là Sanh quý trụ: Nghĩa là với Phật đồng thọ khí phần của Phật, đây đó thần thông vào ngay hạt giống của Như lai vậy.

e/ Thứ năm là Phương tiện cụ túc: Nghĩa là vấn đề lợi mình lợi người, phương tiện đầy đủ, tướng mạo không chỗ nào thiếu vậy.

f/ Thứ sáu là Chánh Tâm trụ: Nghĩa là không những tướng mạo mà tâm tướng cũng đồng với chư Phật vậy.

g/ Thứ bảy là Bất thối trụ: Nghĩa là thân tâm hiệp thành ngày ngày càng tăng trưởng vậy.

h/ Thứ tám là Đồng chân trụ: Nghĩa là mười thân linh tướng của Phật nhất thời đầy đủ cả vậy.

k/ Thứ chín là Pháp vương tử trụ: Nghĩa là do phát tâm thứ nhất đến Sanh quý thứ tư, đều kêu “vào thánh thai” do thứ năm đến thứ tâm kêu là “nuôi lớn thánh thai”. Nhưng với thứ chín này thì hình tướng đầy đủ mà ra khỏi thai vậy.

i/ Thứ mười là Quán đảnh trụ: Nghĩa là Bồ-tát đã là Phật tử kham nổi Phật sự, thì đức Phật lấy nước trí rửa đầy cho, ví như sự thọ chức rửa đầy của con vua dòng Sát-lỵ vậy.

(2) Phổ Nhãn pháp môn: Các pháp trong pháp giới, một là đủ tất cả, phổ biến viên dung gọi là Phổ pháp. Thấy được phổ pháp đó thì gọi là Phổ Nhãn là một pháp môn của kinh Hoa Nghiêm thuyết trình. Như Từ nhãn đức Quán Thế Âm, xem thấy chúng sanh nên gọi là Quán Tự Tại.

(3) Tam luân – Tam luân thế giới: Từng tối hạ của thế giới này là phong luân, trên phong luân có thuỷ luân, trên thuỷ luân có kim luân, trên kim luận lại an trí chín núi tám biên để được cấu thành một thế giới, cho nên thế giới nầy kêu là tam luân thế giới.

(4) Vũ môn: là một khúc núi ở sông Trường Giang thuộc tỉnh Tứ Xuyên-Trung Quốc. Dưới chân núi có một cái vực rất sâu. Tương truyền cứ mùa thu đến nước lụt to, các đua nhau đến đó nhảy thi, con nào qua khỏi Vũ môn thì được hoá rồng. Vì thế trong sách Tàu có ghi “Vũ môn tam cấp lãng” Vũ môn ba bực sang.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *