Tướng chủng tánh của Bồ-tát là sáu ba-la-mật

Tác giả: Tôn giả Tối Thắng Tử Đẳng

Sáu Ba-la-mật là tướng chủng tánh của Bồ-tát, khiến cho các chúng sinh biết đó là Bồ-tát. Những gì là sáu? Là từ Bố thí Ba-la-mật cho đến Trí tuệ Ba-la-mật.

Bố thí Ba-la-mật gọi là tướng chủng tánh của Bồ-tát:

Nghĩa là Bồ tát tánh vốn tự ưa thích bố thí, đối với người thọ nhận thì đem vật bố thí, bố thí bình đẳng không mệt mỏi, đối với các tài vật hoặc nhiều hoặc ít, tâm luôn bình đẳng bố thí, hoan hỷ không hối hận. Nếu không bố thí thì tâm thường hổ thẹn, luôn luôn vì người khác khen ngợi công đức, bố thí khuyến khích người khác thực hành bố thí. Thấy có người bố thí thì tâm thường tùy hỷ, đối với các bậc kỳ túc tôn trọng là ruộng phước phải nên cúng dường thì rời bỏ chỗ ngồi mà cung kính dâng cúng. Nếu có người hỏi việc đời nầy đời sau thì cứ như pháp thảy đều vì họ mà giảng nói. Nếu có người sợ hãi về các nạn giặc như vua chúa, nước, lửa, tri thức ác, thì tùy theo sức mình có thể ban cho họ sự vô úy, thọ nhận người gởi tài vật không để sai trái, với người thiếu nợ trọn không cầm cố, anh em phân chia tiền của bình đẳng như một (không hai), đối với của báu mà người sinh yêu đắm, thì dạy bảo họ lìa tham, đã dạy bảo người xa lìa, huống gì là tự mình tham đắm. Tánh ưa tài vật tốt đẹp thì hãy xả bỏ sự thọ dụng, ưa tu nghiệp thù thắng thì quả báo lợi ích rộng nhiều. Đối với tất cả sự vui chơi như tửu, sắc, ca múa, các thứ biến hiện, luôn sinh hổ thẹn, nhanh chóng xa lìa. Được của cải châu báu lớn còn không tham đắm huống gì là lợi nhỏ như thế. Cho nên gọi là Đàn (bố thí) Ba-la-mật là tướng chủng tánh của Bồ-tát.

TVNTrang

Thi (Giới) Ba-la-mật gọi là tướng chủng tánh của Bồ-tát:

Nghĩa là tánh nghiệp thân, khẩu, ý của Bồ-tát vốn tự dịu dàng, không tăng hành ác, không ưa sát sinh, giả sử tạo nghiệp ác thì tâm sinh hổ thẹn, nhanh chóng hối trừ không cho tăng trưởng, không dùng đao gậy khủng bố chúng sinh, thể tánh hiền hòa nhân hậu thường ôm lòng từ ái, cung kính các bậc tôn trưởng, đón tiếp cúng dường, khéo biết căn cơ thích hợp để tạo phương tiện thiện xảo, khéo tùy thuận lòng người, nói năng thường nở nụ cười, nét mặt vui tươi nhìn thẳng, ý trước là thăm hỏi, biết ân và báo đáp ân, chỗ cầu ngay thẳng, không giả dối quanh co, thọ tài vật như pháp, không làm phi pháp, tánh thường hoan hỷ, ưa tu các phước đức, thấy người tu phước còn đem thân giúp đỡ, huống là lại tự làm. Nếu có chúng sinh cùng nhau tàn hại, đánh trói, chê bai, mắng trách, có vô lượng các khổ như vậy, Bồ-tát hoặc thấy hoặc nghe thì tâm thường thương xót. Chú trọng đời nầy làm thiện để đời sau được vui. Đối với tội nhỏ tâm luôn sợ hãi, huống gì là các ác lớn mà không sợ hãi, cẩn thận. Hoặc thấy người làm ruộng, buôn bán, chăn thả súc vật, tính toán sổ sách, hoặc thấy nhóm người họp nhau tranh cãi, cầu tài, trông coi việc bố thí, hội họp việc hôn nhân. Như thế, tất cả những việc như pháp thảy đều đồng sự cùng làm. Đối với sự tranh cãi, gây gổ, khủng bố nhau, hoặc là mình hoặc là người cũng đều vô nghĩa, vô ích, tất cả những việc như thế không nên đồng sự. Thường khéo ngăn cấm mười nẻo bất thiện. Nếu bị người khác khiến phải thuận theo giáo huấn của họ, mình phải nên đi hỏi ý kiến của những bậc minh triết. Đối với các sự nghiệp phải phế bỏ mình thành tựu người thường, ôm lòng thương xót bùi ngùi chớ không sân hại, giả sử tạm thời dấy khởi tầm, liền tìm cách diệt trừ. Luôn tu lời chân thật, không dối gạt chúng sinh, không ly gián người thân của họ và nói lời vô nghĩa, lời nói thường dịu dàng không thô ác, đối với người giúp việc cho mình còn không nói lời thô ác, huống gì là người khác. Đối với các công đức tâm thường ưa thích. Thấy người tu hành thì tùy hỷ khen ngợi là thiện (tốt). Hết thảy đồng như vậy, gọi là Thi-la Ba-la-mật nơi tướng chủng tánh của Bồ-tát.

Sằn-đề (Nhẫn nhục) Ba-la-mật gọi là tướng chủng tánh của Bồ tát:

Nghĩa là Bồ-tát tự tánh vốn tự hòa dịu, nếu gặp người khác không đem lại việc lợi ích, cũng không khởi tâm giận hại, không trở lại báo thù. Nếu người hối hận đến xin lỗi, liền nhận sự  sám hối của họ, không ôm lòng kết hận, lại không nhớ tưởng điều khác lạ, sánh đồng như thế, gọi là Sằn-đề Ba-la-mật nơi tướng chủng tánh của Bồ-tát.

Tỳ-lê-da (Tinh tấn) Ba-la-mật gọi là tướng chủng tánh của Bồ-tát:

Nghĩa là Bồ-tát tánh vốn tự tinh tấn, đêm ngủ sớm dậy, không thích thói quen tham đắm sự ngủ nghỉ, phàm làm việc gì cũng tinh tấn, không buông bỏ, luôn khéo suy nghĩ, phải đạt được rốt ráo, vừa mới lập nghiệp phải chắc chắn vững bền, việc nếu chưa thành tựu trọn không bỏ dở, đối với đệ nhất nghĩa tâm không thối mất, không tự khinh, nói không thể hoàn thành, đối với việc đã nhận làm phải mạnh mẽ gánh vác, hòa nhập vào đại chúng, phá dẹp luận tà. Khéo léo đáp trả tất cả câu hỏi khó. Các việc khổ khác đều có thể nhẫn nhục, sức phương tiện lớn trọn không lo ngại hối hận, huống gì là việc nhỏ. Hết thảy đồng như vậy, gọi là Tỳ-lê-da Ba-la-mật nơi tướng chủng tánh của Bồ-tát.

Thiền Ba-la-mật được gọi là tướng chủng tánh của Bồ-tát:

Nghĩa là Bồ-tát đối với pháp, đối với nghĩa, tánh khéo suy lường, không có các loạn tưởng, dẫu có thấy hoặc có nghe núi cao rừng rậm, cũng lìa các rối loạn mà thuận theo sự yên lặng, liền sinh ý niệm: Đây là chỗ an vui, là chỗ xa lìa, tìm đến chỗ kia, sự tu tập sẽ chuyên cần. Tánh Bồ-tát là phiền não mỏng, ấm cái đều nhỏ nhẹ, xa lìa chỗ suy nghĩ lợi mình, không bị phiền não nhiễu loạn do biết rõ cái ác, hoặc khi tạm khởi thì liền tìm cách diệt trừ, đối với chỗ oán ghét đều khởi tâm từ, huống gì là đối với người. Hoặc thấy hoặc nghe chúng sinh chịu khổ liền khởi tâm bi, tùy theo phương tiện cứu giúp khiến họ được lìa khổ, tánh ưa đem lợi ích an vui cho chúng sinh. Hoặc có bà con vì tiền tài của cải mà sát hại, hoặc trói đuổi đi để chiếm lấy, những nạn như vậy đều có thể an nhẫn, có thể nhanh chóng thọ trì nghĩa sâu xa của các pháp. Niệm lực thành tựu, chỗ thọ nhận chỉ chuyên vào chân đế. Từ lâu xa tu gì đều có thể ghi nhớ, cũng khiến cho người khác nhớ nghĩ không quên, hết thảy đồng như vậy, gọi là Thiền Ba-la-mật nơi tướng chủng tánh của Bồ-tát.

Trí tuệ (Bát nhã) Ba-la-mật được gọi là tướng chủng tánh của Bồ tát:

Nghĩa là Bồ-tát đối với tất cả minh xứ, tất cả trí xứ đều sinh trí tuệ thành tựu, không ngu tối chậm chạp, không nhỏ nhen, không ngu si, các chỗ buông lung đều có thể suy lường, đó gọi là Bát-nhã Ba-la-mật nơi tướng chủng tánh của Bồ-tát.

Đó là tướng thô nơi chủng tánh của Bồ-tát. Tôi đã lược nói, các nghĩa thật khác, chỉ có Phật Thế Tôn mới có thể biết chắc chắn. Bồ tát chủng tánh đầy đủ tánh như vậy, ấy là công đức, nghĩa là thành tựu pháp bạch tịnh chân thật. Cho nên gọi là nan đắc, gọi là đặc biệt, gọi là không thể nghĩ bàn, gọi là bất động, gọi là vô thượng, gọi là trú xứ của Như-lai, tương ưng với chánh nhân.

(Kinh Bồ tát Địa Trì, quyển 01, phẩm 1: Chủng tánh của xứ phương tiện đầu tiên, Tác giả: Tối Thắng Tử Đẳng tạo. Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam Tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm. Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *