Bản chất của tâm

Tác giả: Sogyal Rinpoche - Thích Nữ Trí Hải dịch

Vì bị nhốt kín trong cái lồng hạn hẹp tối tăm của bản ngã mà ta cho là cả vũ trụ, rất ít người trong chúng ta khởi sự ngay cả tưởng đến một chiều không gian khác của thực tại. Patrul Rinpoche kể cho chúng ta câu chuyện về một con ếch già suốt đời sống trong một cái giếng ẩm. Một ngày kia có con ếch từ ngoài biển vào thăm nó. Nó hỏi:

– Anh từ đâu đến?

– Từ biển.

– Biển của anh to bao nhiêu?

– To khổng lồ.

– Anh muốn nói là bằng cỡ chừng phần tư cái giếng của tôi đây chứ gì?

– Không, lớn hơn cơ.

– Lớn hơn à? Vậy thì bằng nửa cái giếng của tôi không?

– Không, lớn nữa kia.

– Thế… chẳng nhẽ lại bằng cả cái giếng của tôi à?

– Không thể so sánh được.

– Chuyện vô lí! Tôi phải đi xem tận mắt.

Chúng cùng đi. Khi con ếch ở giếng trông thấy đại dương, nó bị một cú sốc kinh hoàng tới nỗi nó nổ tung ra thành từng mảnh.

Phần lớn những kí ức tuổi thơ tôi về Tây Tạng đã phai nhòa, nhưng có hai thời điểm mà tôi không bao giờ quên, đó là khi thầy tôi, Jamyang Khyentse, khai thị cho tôi đi vào bản chất cốt tủy, uyên nguyên và sâu xa nhất của tâm tôi. Lúc đầu tôi cảm thấy dè dặt, không muốn tiết lộ những kinh nghiệm riêng tư này, vì ở Tây Tạng không bao giờ người ta làm chuyện đó, nhưng các học trò, bạn bè tôi tin rằng nếu tôi nói ra thì có thể giúp đỡ nhiều người và họ yêu cầu tôi, năn nỉ tôi viết về những kinh nghiệm ấy.

Lần đầu tiên nó xảy đến khi tôi khoảng sáu, bảy tuổi, trong căn phòng đặc biệt mà thầy tôi ở, trước một bức tranh lớn của tiền thân thầy là Jamyang Khyentse Wangpo. Đấy là một hình dáng oai vệ nghiêm trang, càng oai vệ trang nghiêm hơn khi ánh đèn bơ đặt trước bức tranh cứ chập chờn soi sáng gương mặt trên bức tranh ấy. Tôi chưa biết có chuyện gì xảy ra, thì thầy tôi đã làm một việc bất thường chưa từng có. Ngài thình lình ôm tôi và nhấc bổng lên. Đoạn ngài hôn tôi một cái vào một bên má. Trong một lúc lâu, tâm tôi hoàn toàn biến mất, tôi được bao phủ bởi một niềm yêu thương, tin tưởng, một năng lực phi thường.

Biến cố kế tiếp thì trang trọng hơn và xảy ra ở Lhodrak Kharchu trong một hang động mà Padmasambhava – bậc thánh vĩ đại và là cha đẻ của Phật giáo Tây Tạng – đã nhập thất thiền định. Chúng tôi đã dừng chân tại đấy, trên đường hành hương đến miền Nam. Lúc đó tôi chừng chín tuổi. Thầy tôi gọi tôi đến và bảo tôi ngồi trước mặt ông. Chỉ có hai thầy trò chúng tôi. Thầy tôi bảo:

– Bây giờ ta sẽ khai thị cho con về bản lai diện mục của tâm.

Cầm cái chuông và trống tay nhỏ lên, thầy triệu thỉnh tất cả những bậc thầy trong hệ truyền thừa, từ Phật nguyên thủy trở xuống đến bậc thầy của chính thầy. Rồi thầy bắt đầu khai thị. Bỗng chốc thầy ném vào mặt tôi một câu hỏi không thể trả lời:

– Tâm là gì?

Và thầy nhìn xoáy sâu vào mắt tôi. Tôi hoàn toàn kinh ngạc. Tâm tôi tan ra. Không còn ngôn từ, tên gọi, ý tưởng nào ở lại – không có tâm nào hết, quả thế.

Cái gì xảy ra trong giây phút đầy kinh ngạc ấy? Những ý niệm quá khứ đã chết, tương lai chưa đến; dòng tư tưởng của tôi bị cắt ngang đột ngột. Trong cú sốc đó, một khoảng trống mở ra, trong khoảng trống ấy chỉ có một giác tính thuần túy trực tiếp về hiện tại, một cái gì hoàn toàn vượt ngoài mọi bám víu chấp thủ. Giác tinh ấy đơn giản, sơ nguyên và căn bản. Tuy vậy, sự giản đơn thuần túy đó cũng tỏa đầy sự ấm áp của một niềm bi mẫn bao la.

Biết bao nhiêu điều tôi có thể nói về giây phút ấy! Thầy tôi rõ ràng đang đặt cho tôi một câu hỏi, nhưng tôi biết thầy không chờ đợi một câu trả lời. Tôi chưa kiếm tìm giải đáp thì đã thấy rằng không có giải đáp nào có thể tìm kiếm. Tôi ngồi thộn ra trong kinh ngạc, nhưng khi ấy một niềm tin vững chắc, sâu xa, sáng chói mà tôi chưa từng biết đến, đang dâng trào trong tôi.

Thầy tôi đã hỏi: “Tâm là gì?” và vào lúc ấy tôi tưởng chừng ai cũng biết rằng, không hề có chuyện hiện hữu một cái tâm nào cả, làm sao tôi có thể tìm ra. Vậy, dường như đi tìm tâm thực là phi lí.

Sự khai thị của thầy tôi đã gieo một hạt giống sâu xa trong tôi. Về sau tôi mới biết đây là phương pháp khai thị được dùng trong truyền thống chúng tôi. Tuy nhiên, vì lúc đó tôi không biết, mà những gì xảy ra có vẻ hoàn toàn bất ngờ, và do đó càng kinh hoàng mãnh liệt.

Trong truyền thống chúng tôi có “ba chân xác” cần hội đủ để khai thị bản tâm: sự làm phép của một bậc thầy chân xác, lòng sùng tín của một đệ tử chân xác, và tính chính thống trong phương pháp khai thị.

Tổng thống Mĩ không thể khai thị bản tâm cho bạn, và cha hay mẹ bạn cũng không thể làm việc đó. Một người có quyền thế đến bao nhiêu cũng không thể, hoặc họ có yêu mến bạn đến bao nhiêu cũng không thể. Việc khai thị chỉ có thể được thực hiện bởi một người đã hoàn toàn thực chứng, và có sự ban phép cũng như kinh nghiệm thuộc hệ phái truyền thừa.

Và bạn, người học trò, phải tìm ra và luôn hàm dưỡng cái tri kiến khoáng đạt thênh thang ấy; niềm hăng say, nhiệt tình và sự tôn trọng sẽ làm biến đổi cả bầu không khí trong tâm bạn, làm bạn sẵn sàng đón nhận sự khai thị. Đây là điều mà ta gọi là lòng sùng tín. Nếu không có lòng sùng tín thì thầy có khai thị, trò cũng không nhận ra. Sự khai thị bản tâm chỉ có thể thực hiện khi cả thầy lẫn trò cùng thể nhập cái kinh nghiệm ấy, chỉ trong sự giao cảm giữa tâm và trí ấy, người môn sinh mới trực ngộ được.

Phương pháp khai thị cũng vô cùng quan trọng. Chính phương pháp ấy đã được thử nghiệm qua hàng ngàn năm và đã giúp cho những bậc thầy trong quá khứ đạt đến thực chứng. Khi thầy tôi khai thị cho tôi một cách tự nhiên như thế, vào lúc tuổi tôi còn bé như thế, là thầy đã làm một việc hoàn toàn bất thường. Thông thường thì việc khai thị xảy ra muộn hơn nhiều, khi đệ tử đã trải qua những thực tập thiền định và thanh luyện tâm ý. Chính những việc làm này khiến cho tâm trí đệ tử thuần thục và có thể mở ra để đón nhận tri kiến trực tiếp về chân lí. Vào cái thời điểm đầy quyền năng của sự khai thị, bậc thầy có thể truyền cái tâm giác ngộ của mình vào trong tâm của người đệ tử bấy giờ đã chân xác sẵn sàng đón nhận. Bậc thầy làm cái việc khai thị cho trò thấy Phật thật sự là gì, nói cách khác là đánh thức trò thấy sự hiện diện sống động của tuệ giác nội tâm. Trong kinh nghiệm ấy thì Phật, bản tâm của người đệ tử, và tâm giác ngộ của bậc thầy tan hòa thành một. Khi ấy người học trò nhận ra, trong một niềm tri ân vô bờ bến, rằng không còn nghi ngờ gì nữa, giữa thầy và trò, giữa tâm giác ngộ của bậc thầy và bản tâm người đệ tử, không có và chưa bao giờ có sự ngăn cách nào cả.

Dudjom Rinpoche trong Bài ca Chứng đạo nổi tiếng của ngài đã viết:

Tuệ giác về cái bây giờ chính là Phật thật.

Trong tâm trạng cởi mở, hài lòng, tôi gặp Thầy trong tim tôi.

Khi ta nhận chân được rằng cái tâm bản nhiên bất tận đó chính là Thầy.

Thì không cần bám víu, chấp thủ, cầu khẩn, khóc than.

Chỉ cần an trú thoải mái trong trạng thái tự nhiên như nhiên ấy.

Là ta có được phước lạc của giải thoát.

Khi bạn đã nhận chân toàn triệt rằng tự tính của tâm bạn cũng giống như của thầy, thì từ đấy trở đi bạn và thầy không bao giờ ngăn cách, vì thầy là một với tâm bản nhiên của bạn. luôn luôn hiện tiền. Có lẽ bạn còn nhớ Lama Tseten khi sắp chết và được hỏi có muốn gọi bậc thầy đến bên giường không, ông đã trả lời:

– Với bậc thầy, không có cái gì gọi là ngăn cách.

Khi nào bạn thấy được như Lama Tseten rằng thầy và mình không từng xa nhau, thì một niềm tri ân vô bờ bến, một cảm thức úy phục và kính lễ nảy sinh trong bạn. Dudjom Rinpoche gọi đó là “sự kính lễ của tri kiến”. Đó là một niềm sùng kính tuôn phát tự nhiên do ngộ được cái tri kiến về bản tâm.

Đối với tôi, còn có nhiều lần nhập môn khác nữa: nhập môn về giáo lí và quán đảnh, và về sau tôi được sự khai thị của nhiều thầy khác. Sau khi Jamyang Khyentse viên tịch, Dudjom Rinpoche chăm sóc tôi, bảo bọc tôi trong tình thương mến của ngài, và tôi làm người thông dịch cho ngài trong nhiều năm. Việc này mở ra một giai đoạn mới trong đời tôi.

Dudjom Rinpoche là một trong những bậc thầy Mật tông nổi tiếng của Tây Tạng, một học giả, tác giả nổi tiếng. Thầy Jamyang Khyentse thường ca tụng Dudjom, nói ngài là một đại diện sống động của Padmasambhava trong thời đại này. Bởi thế, tôi rất kính trọng ngài, mặc dù chưa từng tiếp kiến, cũng chưa được nghe ngài giảng dạy. Một hôm, sau khi thầy tôi đã mất, vào năm tôi chừng hai mươi mấy tuổi, tôi đến viếng Dudjom Rinpoche tại nhà riêng của ngài ở Kalimpong, trên một ngọc đồi thuộc dãy núi Tuyết.

Khi tới nơi, tôi thấy một trong những đệ tử Mĩ đầu tiên của ngài đang thọ giáo. Bà ta đang khổ sở vì không có người nào biết đủ Anh ngữ để dịch những lời dạy về tự tánh của tâm. Khi thấy tôi đi vào, Dudjom Rinpoche nói:

– Ô, có con đây rồi. Tốt. Con có thể thông dịch giùm bà ấy không?

Thế là tôi ngồi xuống và khởi sự dịch. Ngay trong một thời giảng dạy chừng một tiếng đồng hồ, ngài đã cho một bài pháp tuyệt diệu, bao trùm tất cả mọi sự. Tôi xúc động và phấn chấn đến độ mắt tôi rớm lệ. Tôi nhận ra đây là điều mà Jamyang Khyentse muốn nói.

Ngay sau đó, tôi thỉnh cầu ngài chỉ giáo cho tôi. Tôi thường đến tư thất ngài mỗi chiều và ở đó vài giờ. Ngài có vóc người nhỏ thó, gương mặt đẹp, hiền từ, đôi bàn tay tuyệt vời và một dáng dấp mảnh mai gần như phụ nữ. Ngài để tóc dài, bới cao lên như một hành giả Du-già; mắt ngài luôn ánh lên một niềm thích thú huyền bí. Giọng nói của ngài dường như chính là tiếng nói của tâm đại bi, êm và hơi khàn. Ngài thường ngồi trên một ghế thấp trải thảm Tây Tạng, tôi ngồi dưới chân ngài. Tôi luôn nhớ lại hình ảnh ngài ngồi đó, bóng chiều chiếu qua khung cửa sổ sau lưng ngài.

Rồi một hôm, trong khi tôi đang thụ giáo và thực tập với ngài, tôi có một kinh nghiệm kì lạ thật. Mọi sự mà tôi đã từng nghe trong giáo lí Mật tông dường như đang xảy đến với tôi – tất cả những hiện tượng vật chất quanh chúng tôi đang tan biến – tôi sung sướng ấp úng:

– Thầy, thầy… nó đang xảy ra!

Tôi không bao giờ quên được vẻ bi mẫn trên gương mặt thầy, khi thầy cúi xuống vỗ về:

– Được, được. Đừng náo nức quá. Chung quy, điều ấy không tốt cũng không xấu…

Sự kinh ngạc và sung sướng bắt đầu cuốn tôi đi, nhưng Dudjom Rinpoche biết rằng mặc dù những thực chứng có thể là những cái mốc hữu ích trên bước đường tu thiền định, nhưng chúng cũng có thể là những cái bẫy nếu có sự bám víu xen vào. Ta cần phải vượt qua kinh nghiệm ấy để đi vào một nền tảng sâu xa, vững chắc hơn: những lời minh triết của thầy là để đưa tôi đến cái nền tảng ấy.

Dudjom Rinpoche còn giúp tôi thực chứng nhiều lần bản chất của tâm qua những lời dạy của thầy, chính những danh từ cũng đã nhen nhúm lên những tia sáng về kinh nghiệm thực. Trong nhiều năm, mỗi ngày ngài thường chỉ giáo cho tôi về bản tính tự nhiên của tâm mà người ta gọi là giáo lí “trực chỉ” (pointing-out instructinons). Mặc dù tôi đã thụ huấn tất cả những gì thiết yếu từ nơi thầy Jamyang tôi, nhưng đó chỉ như mới gieo hạt. Chính thầy Dudjom là người đã tưới tẩm chăm bón, làm cho nó đơm hoa. Và khi tôi khởi sự ra giảng dạy, thì chính tấm gương thầy Dudjom đã gợi cảm hứng cho tôi nhiều nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *