BỐ THÍ LÀM NỀN TẢNG HÌNH THÀNH VÀ ĐẨY MẠNH LỤC ĐỘ CỦA BẬC NHẤT SANH SỞ HỆ
Tâm thường vui bố thí
Công đức đầy đủ thành
Tại chúng không nghi nan
Cũng lại không sợ sệt
Người trí nên bố thí
Không có tâm luyến hối.
Trong cái se lạnh đầu đông của miền Trung, Bổn tự, bổn đạo chùa Bình Quang thật xúc động khi nhìn thấy những bà con, học sinh đang đợi những phần bánh mì chay. Những phần bánh mì đơn giản nhưng chứa nhiều sự hoan hỷ trong tinh thần “của cho không bằng cách cho”.
Nguyện đem quả phước lành bố thí này hướng đến quả vị Vô thượng Bồ đề, tất cả chúng sanh đều nguyện thành Phật.
Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm Chín nơi cư trú của chúng sanh, Đức Phật thuyết:
Một thời Đức Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ta sẽ nói về chín đức của nguyện bố thí, các thầy khéo suy nghĩ đó, Ta sẽ diễn bày nghĩa ấy.
Khi ấy các Tỳ-kheo vâng lãnh lời Phật dạy, Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Thế nào là chín đức của nguyện bố thí? Tỳ-kheo nên biết, đàn việt cúng thí thành tựu ba pháp, vật được thí cũng thành tựu ba pháp, người nhận vật thí cũng thành tựu ba pháp.
Thế nào là thí chủ đàn-việt thành tựu ba pháp? Ở đây, thí chủ đàn-việt được thành tựu lòng tin, thành tựu thệ nguyện, cũng không sát sanh. Ðó gọi là thí chủ đàn-việt thành tựu ba pháp.
Thế nào là vật được thí thành tựu ba pháp? Ở đây, vật thí thành tựu sắc, thành tựu hương, thành tựu vị. Ðó là vật thí thành tựu ba pháp.
Thế nào là người nhận thí thành tựu ba pháp? Ở đây, người được thí thành tựu giới, thành tựu chánh định, thành tựu trí tuệ. Ðó là người nhận thí thành tựu ba pháp.
Như thế, bố thí thành tựu chín pháp này, được quả báo lớn, đến chỗ cam-lồ, diệt tận. Phàm thí chủ muốn cầu được phước ấy thì nên tìm phương tiện thành tựu chín pháp. Như thế, các Tỳ-kheo nên học điều này!
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
Ban truyền thông CBQ, ngày 17/10/2024