– KHAI MẠC NGÀY HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG
– PHÁT HỌC BỔNG KHUYẾN HỌC
– QUÝ PHẬT TỬ LẮNG NGHE PHÁP THOẠI
– LỄ CÚNG DƯỜNG TRAI TĂNG
– VIẾNG THĂM TRÚ XỨ CHƯ PHÁP LỮ ĐỒNG HỌC HIỆN ĐANG HÀNH ĐẠO TẠI ĐẤT BÌNH ĐỊNH
Ngày 28 – 29/9/2024, Phật lịch 2568 trong không khí hân hoan nơi miền Đất Võ, chư tôn đức cựu sinh viên khoa triết đã quang lâm về chùa Phước Long (Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định) nơi tổ chức LỄ HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG LẦN THỨ 13 của khoa triết do chư pháp lữ đơn vị Bình Định đăng cai.
Nhân ngày gặp mặt truyền thống của khoa, chư tôn đức cựu sinh viên đã trao tặng 20 suất học bổng cho học sinh tại huyện nhà. Thay mặt các cháu được nhận học bổng, chúng con kính tri ân quý thầy cô đã khích lệ và động viên, kính chúc quý thầy cô Phật sự viên mãn.
Cúng dường là pháp tối thượng để thành tựu phước lành trong hiện đời và mai sau. Nhìn thấy sự hoà hợp và phát triển của chư Tăng Ni khoa triết, tứ chúng chùa Phước Long vô cùng xúc động và dâng trọn tấm chân tình để nguyện cầu Phật pháp xương minh, Tăng già không phân nam bắc.
Lời Đức Phật dạy:
Một thời, đức Phật trú trong rừng Di-hầu tại Tỳ-xá-ly cùng năm trăm Tỳ-kheo. Bấy giờ, Đại tướng Sư Tử đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, Phật bảo Sư Tử:
Thế nào, trong nhà ông thường có bố thí không?
Sư Tử bạch Phật:
Con thường ở ngoài bốn cửa thành và trong thành phố, tùy thời mà bố thí không cho thiếu sót. Ai cần ăn, cung cấp thức ăn. Y phục, hương hoa, xe ngựa, toạ cụ, tùy theo chỗ cần dùng của họ, con đều khiến cung cấp cho họ.
Phật bảo Sư Tử :
Lành thay, lành thay, ông có thể bố thí mà không ôm lòng tưởng tiếc. Đàn-việt thí chủ tuỳ thời bố thí có năm công đức. Những gì là năm?
– Lúc đó, đàn việt thí chủ được tiếng đồn vang khắp, mọi người khen ngợi rằng: ‘Tại thôn làng kia có đàn-việt thí chủ thường ưa tiếp đón sa-môn, bà-la-môn, tùy theo nhu cầu mà cung cấp, không để thiếu sót. Này Sư Tử, đó gọi là công đức thứ nhất mà đàn-việt thí chủ thu được.
– Lại nữa, này Sư Tử, khi đàn-việt thí chủ đến trong chúng sa-môn, sát-lợi, bà-la-môn, trưởng giả, trong ôm lòng hổ thẹn, cũng không có điều sợ hãi. Giống như sư tử, vua loài thú, ở giữa bầy nai, không hề sợ nạn. Này Sư Tử, đó gọi là công đức thứ hai mà đàn-việt thí chủ thu được.
– Lại nữa, này Sư Tử, đàn-việt thí chủ được mọi người kính ngưỡng, người thấy vui mừng như con thấy cha, ngắm nhìn không chán. Này Sư Tử, đó gọi là phước đức thứ ba mà đàn-việt thí chủ thu được.
– Lại nữa, này Sư Tử, đàn-việt thí chủ sau khi mạng chung sẽ sinh hai nơi: Hoặc sinh lên trời, hoặc sinh trong loài người. Ở trời được trời kính trọng; ở người được người tôn quí. Này Sư Tử, đó gọi là phước đức thứ tư mà đàn-việt thí chủ thu được.
– Lại nữa, này Sư Tử, đàn-việt thí chủ, trí huệ xa vời vượt lên mọi người, hiện thân diện tận lậu, không tái sinh đời sau. Này Sư Tử, đó gọi là phước đức thứ năm mà đàn-việt thí chủ thu được.
Phàm người bố thí có năm đức, thường đi theo bên mình.
(Kinh Tăng Nhất A Hàm, Năm pháp, Kinh Thiện Tụ, Bài kinh số 10).
Ban truyền thông CPL, ngày 3/10/2024