Cách nuôi dưỡng tâm xuất gia khi gặp chướng nạn

Tác giả: HT. Thích Thái Hoà

Có nhiều vị xuất gia trẻ đã hỏi tôi, làm thế nào để vượt qua những nhu cầu thấp kém của đời thường và đi trọn vẹn con đường của mình đã chọn? Tôi đã trả lời cho họ rằng, ý thức xuất gia chưa bao giờ bỏ tôi để đi.

Người xuất gia mà ý thức xuất gia vắng mặt, thì thế nào họ cũng gặp tai nạn và rủi ro trong đời tu của họ.

Ta xuất gia không từ một thế lực nào, mà từ ý thức trong sáng của ta. Vì vậy, ngay đó ta đã có sự tự do và hạnh phúc, chứ không phải đợi đến khi thọ đầy đủ giới pháp và có danh tiếng ở trong giáo hội và ở ngoài đời.

Đồng chơn nhập đạo tại chùa Phước Long, Tây Sơn, Bình Định

Có những vị xuất gia có danh tiếng trong giáo hội và ở ngoài đời, nhưng chưa hẳn họ đã có tự do và hạnh phúc.

Hạnh phúc của người xuất gia không phải là danh tiếng mà được sống một cách trọn vẹn cả thân và tâm ở trong đời sống xuất gia ấy.

Và sự tự do của người xuất gia không phải là những loại tự do thuộc về ý thức chính trị mà ý thức giác ngộ.

Ý thức được thế gian vô thường, nên không khởi tâm bám lấy bất cứ những gì đang hiện hữu ở trong sự vô thường ấy.

Ý thức được mọi tham dục là tai họa, nên không chạy theo chúng.

Ý thức được sự nghiệp của người xuất gia là trí tuệ, chứ không phải là những thứ danh vọng và tài sản thế gian, nên ngày đêm thực hành giới định tuệ không biết mỏi mệt.

Ý thức được những biếng nhác đối với sự học tập kinh, luật, luận, tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật, ngồi thiền và làm những công việc lợi ích, đem lại an lạc cho nhiều người là không phải đời sống của người xuất gia.

Ý thức được rằng, vô minh làm cho ta mê muội, phiền não trói ta vào trong đời sống khổ đau, nên nỗ lực tu học chuyển hóa vô minh và cắt đứt phiền não.

Ý thức được rằng, giận hờn và trách móc người khác, chỉ tạo ra thêm những rối rắm và khổ đau cho chính mình, nên luôn luôn thực hành hạnh từ bi và hỷ xả.

Ý thức được rằng, giới định tuệ là tài sản quý báu nhất của người xuất gia, nên đi đâu cũng mang theo, sống với ai cũng sẵn sàng chia sẻ không lẫn tiếc.

Ý thức được rằng, tâm lớn của người xuất gia là tâm bồ đề; nguyện lớn của người xuất gia là nguyện không hưởng thụ hạnh phúc cá nhân, mà nguyện tu tập là vì lợi ích cho mọi người, và mọi loài; và hạnh lớn của người xuất gia là thực hành hết thảy thiện sự với tâm không nhân ngã.

Nếu những ý thức ấy, luôn luôn được thắp sáng trong đời sống của người xuất gia, thì người xuất gia không bị đời đồng hóa mà trái lại, họ có khả năng chuyển hóa được những nhu cầu thấp kém của con người trong cuộc sống đời thường. Hạnh phúc của đời sống xuất gia đã đến với tôi từ những ý thức ấy.

Vậy, từ những ý thức ấy, tôi xin chia sẻ với những người bạn trẻ xuất gia!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *