Phác họa “Chân Như duyên khởi” Chân Như duyên khởi là một “học thuyết” có mặt trong hầu hết các tông phái Đại thừa như Không tông (Trung Quán, Trung Đạo), Duy Thức tông, Hoa Nghiêm tông, Thiên Thai tông, Mật tông… Sở dĩ chúng ta dùng chữ “học thuyết”, như một lý thuyết triết học, vì khi chỉ nghiên cứu trên bình diện tư tưởng và khái niệm – và đó là việc chúng ta đang làm – thì nó là một học thuyết (chân lý tương đối, tục đế). Còn ngày nào chúng ta thật sự thể nghiệm được Chân Như thì đó không còn là một học thuyết, một ngón tay chỉ mặt trăng, mà đó chính là chân lý tuyệt đối, chân đế, là chính mặt trăng.
Chân Như (tathata) là gì? Định nghĩa tổng quát, Chân Như là thực tại “bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm”, nghĩa là thực tại nguyên sơ và tối hậu từ đó tất cả mọi thế giới hiện tượng sinh ra. Chỉ lấy một số từ ngữ trong Luận Đại Thừa Khởi Tín thì Chân Như là: Tâm Chân Như (đối lại với tâm sinh diệt), Pháp tánh Chân Như, Như Lai tạng, Nhất Tâm, Thể Đại tổng tướng của Nhất Pháp giới, tánh Không, Pháp thân, Bản giác, Cứu cánh giác, cái gương như hư không, tánh giác, Tâm, Pháp giới tánh, Phật thể…
Chúng ta có thể định nghĩa khái quát Chân Như duyên khởi như sau: Tất cả những gì chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ (nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, sắc thanh hương vị xúc pháp) đều sinh ra, duyên khởi từ Chân Như, hiện hữu trong Chân Như và diệt mất trong Chân Như. Nói cách khác, tất cả mọi hiện tượng mà chúng ta kinh nghiệm đều là Chân Như.
Chân Như duyên khởi được nói rộng và sâu trong kinh Hoa Nghiêm và kinh Pháp Hoa. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Ba cõi chỉ là Nhất tâm” (phẩm Thập Địa). Kinh Pháp Hoa thì hai phẩm Như Lai thần lực và Như Lai thọ lượng (nằm trong phần Bổn môn theo phân tích của Đại sư Trí Khải) nói một cách trực tiếp và sâu xa về Chân Như duyên khởi.
Kinh Lăng Già nói:
Như Lai tạng là nhân của thiện và bất thiện, từ nó tất cả mọi hình thức đời sống được khởi sinh. Giống như một diễn viên mặc lấy các hình tướng khác nhau, trong đó không có cái ta và cái của ta. Do không biết điều này nên ba duyên hòa hợp làm phương tiện mà sinh khởi. Ngoại đạo không biết nên chấp là có một tác giả, có một nguyên nhân. Vì tập khí xấu và hư vọng đã huân tập từ vô thủy nên gọi là Tàng thức (A lại da thức), chúng chuyển biến cùng với bảy thức và vô minh căn bản xông ướp, như một đại dương có sóng sinh mãi chẳng dứt.
Nếu lìa lỗi lầm do không thấy vô thường, lìa khỏi chấp ngã thì (đại dương) Như Lai tạng không dơ uế và rốt ráo thanh tịnh trong bản tánh của nó.
“Đại Bồ tát muốn tiến bộ đến rốt ráo thì phải thanh tịnh Như Lai tạng đang còn là thức A lại da này. Nếu không có thức tàng A lại da này, ắt không có sinh diệt… Này Đại Huệ, cảnh giới của Như Lai tạng vốn là thanh tịnh, nhưng người chưa giác ngộ thì bị khách trần nhiễm ô che đậy nên vẫn thấy chẳng thanh tịnh”. (quyển 8).
Kinh Thắng Man nói:
“Sanh tử y trên Như Lai tạng… Có Như Lai tạng cho nên có sinh tử, đó gọi là người trí nói. Sinh và tử, hai pháp này tức là Như Lai tạng. Do lời nói thế gian nên nói có sinh tử, chứ chẳng phải Như Lai tạng có sinh có tử. Như Lai tạng vốn lìa ngoài tướng hữu vi. Như Lai tạng vốn thường trụ, bất biến, cho nên Như Lai tạng là nền tảng y cứ, là cái duy trì, là cái kiến lập”(Phẩm Tự Tánh thanh tịnh).
Tất cả tướng đều là tánh, tất cả sóng đều là đại dương thanh tịnh bất động, tất cả hiện hữu đều là Như Lai tạng. Kinh Đại Bát Nhã, phẩm Đẳng Học nói: “Tất cả pháp bổn tánh thanh tịnh. Ở trong các pháp đó, nếu Bồ tát tâm thông đạt chẳng mê mờ, đó chính là Trí huệ Ba la mật”.
Kinh Lăng Nghiêm, quyển IV, nói:
“Như Lai tạng không phải là tâm, không phải là đất nước lửa gió, không phải là nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, không phải là sắc thanh hương vị xúc pháp, không phải nhãn thức giới cho đến không phải ý thức giới, không phải là minh hay vô minh, không phải hết minh hay hết vô minh. Như vậy cho đến không phải là lão tử, không phải hết lão tử, không phải là khổ tập diệt đạo, không phải trí, không phải đắc, không phải là bố thí trì giới nhẫn nhục thiền định trí tuệ, không phải là Ba la mật đa, như vậy cho đến không phải là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, không phải Đại Niết bàn, không phải Thường Lạc Ngã Tịnh. Tất cả đều chẳng phải, chẳng phải là pháp thế gian hay xuất thế gian”.
“Như Lai tạng tức là tâm, tức là Không, tức là đất nước lửa gió, tức là nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, tức là sắc thanh hương vị xúc pháp, tức là nhãn giới cho đến tức là ý thức giới, tức là minh tức là vô minh, tức là minh và vô minh tận. Như thế cho đến tức là lão tử, tức là lão tử tận, tức là Khổ Tập Diệt Đạo, tức là Trí, tức là Đắc, tức là bố thí trì giới nhẫn nhục thiền định trí tuệ, tức là Ba la mật đa, như thế cho đến tức là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, tức là Đại Niết bàn, tức là Thường Lạc Ngã Tịnh. Tất cả đều tức là, tức là pháp thế gian và xuất thế gian.
Như Lai tạng lìa ‘tức là’, lìa ‘chẳng phải’, cũng ‘tức là’, cũng ‘chẳng phải’.
Tóm lại, Chân Như duyên khởi hay Như Lai tạng duyên khởi hay Pháp giới duyên khởi là Chân Không Diệu Hữu. Hay nói theo thuật ngữ của Luận Đại Thừa Khởi Tín, Chân Như duyên khởi là Không Như Lai tạng (Chân không) và Bất Không Như Lai tạng (Diệu hữu).
Nói theo ngôn ngữ bình thường thì Chân Như là cái dung chứa mọi mâu thuẫn, đối nghịch: có và không, động và tĩnh, một và nhiều, như thật và như huyễn, tướng và vô tướng… đồng thời vẫn thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi chúng.
Có điều Chân Như duyên khởi hay Chân Không Diệu Hữu phải được thực hành để thể nghiệm. Nếu không, nó chỉ là một thứ triết học tư biện bàn luận suông thay vì là một ngón tay chỉ mặt trăng, một dấu hiệu chỉ đường nhằm đạt đến thực tại tối hậu. Nếu chỉ là một loại triết học, nghĩa là dựa trên và làm việc với những khái niệm, thì với Phật giáo, nó không tránh khỏi rơi vào hý luận, rơi vào vòng lẩn quẩn của ý thức hữu hạn và sinh diệt. Kinh Lăng Già nói: “Cái sinh diệt kia là thức, cái chẳng sinh diệt là trí. Cái bị các tướng ràng buộc ngăn ngại là thức. Cái không bị ràng buộc ngăn ngại là trí… Đại Huệ! Ta nói rằng thức vọng tưởng diệt thì gọi là Niết bàn” (Niết bàn là một tên gọi khác của Chân Như).
Đưa vào trong đời sống thực tế
Chân Như là tất cả đời sống, vậy thì ứng dụng của Chân Như duyên khởi có mặt trong mọi lãnh vực của đời sống. Ở đây chúng ta chỉ nhìn sơ lược trong vài lãnh vực.
Mặc dù con đường của con người là để đạt đến chân lý tuyệt đối, đạt đến trí chẳng sinh chẳng diệt, nhưng ở bước khởi đầu và trên đường đi, chúng ta vẫn cần sử dụng cái thức sinh diệt nghĩa là chân lý tương đối. Nói cách khác, chúng ta chưa chứng thực được Chân Như duyên khởi thì chúng ta hãy sống với nó trên bình diện ý thức, bình diện tư tưởng, bình diện con đường đang đi nhưng định hướng đúng. Nhân là một ý thức tương đối nhưng tiến hành đúng, thì quả sẽ là một trí huệ chẳng sinh chẳng diệt thấu đạt Chân Như.
Chúng ta hãy xét Chân Như duyên khởi trong so sánh với một vài triết học khác để thấy sự ích lợi có tính thực dụng của nó trong đời sống. Thực dụng ở đây là hiểu theo nghĩa cao cấp và đẹp đẽ của từ này. Triết học thực dụng hay triết học thực tiễn do Charles S.Peirce (1839-1914), William James (1840-1910) và John Dewey (1850-1954), cả ba đều là người Mỹ chủ xướng và khai triển. Triết học thực dụng khi xét giá trị của một loại triết học thì dựa trên kết quả thực tiễn tác động vào đời sống của nó. Chẳng hạn, tiểu luận Khái niệm triết học và hiệu quả thực tế (1898) của James là một thí dụ.
Ở đây, chúng ta sẽ xét hiệu quả của học thuyết Chân Như duyên khởi trong ba chủ đề: Thời gian và lịch sử; Sự vật, thiên nhiên và con người; Các ngành nghiên cứu học thuật.
-Thời gian và lịch sử: Với Chân Như duyên khởi, vũ trụ này duyên khởi từ Chân Như theo nghiệp của tất cả chúng sinh, sinh từ Chân Như, kiến lập và hiện hữu trong/bằng Chân Như, diệt mất trong Chân Như. Vũ trụ chính là biến tướng của Chân Như theo nghiệp của từng giống loài. Vũ trụ của con người là Chân Như được biến hiện qua nghiệp thân khẩu ý của con người.
Chân Như, với tư cách là thực tại đầu tiên và cuối cùng, vừa siêu việt khỏi vũ trụ vừa nội tại trong vũ trụ. Nói theo cách nói logic bất nhị của Đại thừa, siêu việt tính của Chân Như chính là nội tại tính của nó.
Như thế, vũ trụ và thế giới này, dù bị “biến kế sở chấp” cách nào vẫn ẩn chứa “khuôn mặt thật” của con người, vẫn là quê hương đích thực của con người. Chính nơi sự biểu lộ thành hình tướng vũ trụ của Chân Như mà con người trong sự phát triển tiến hóa của nó có thể nhận ra Chân Như vào bất cứ không gian nào thời gian nào. Chính nơi thế giới đa dạng này con người sẽ nhìn thấy khuôn mặt thật của mọi sự là Chân Như. Con người không lạc lõng trong một vũ trụ vô tri giác, xa lạ, không có chút gì thiêng liêng. Trái lại, nó lạc lõng bởi vì nó không nhận ra khuôn mặt thật và thiêng liêng (siêu việt) của nó và của thế giới là gì. Nó chưa từng lìa khỏi quê hương cõi tịnh của nó. Sự cứu độ, sự giải thoát luôn luôn ở trong tầm tay nó, hay nói đúng hơn, nằm trong chính nó, khi nó tịnh hóa con mắt nó, khi chuyển được thức thành trí, chuyển được cái thấy có sinh tử sinh diệt thành cái thấy Niết bàn Chân Như không sinh không diệt.
Thế nên, với Phật giáo, thực tại tối hậu là cái có mặt ở tại đây và bây giờ. Tất cả mọi con đường, mọi pháp môn của Phật giáo, dù bề ngoài có vẻ khác nhau thế nào, đều quy về cái có mặt tại đây và bây giờ này.
Trong khi đó, thần học Tây phương quan niệm thực tại tối hậu là một Thượng đế có nhân cách như con người và vũ trụ được Thượng đế tạo ra từ hư không, ex nihilo. Thượng đế như là nguyên nhân đầu tiên, động cơ đầu tiên tạo ra vũ trụ, nhưng Thượng đế ở ngoài vũ trụ, không ở trong vũ trụ. Với con người cũng thế, Thượng đế tạo ra con người, dù có “theo hình ảnh của Ngài”, nhưng ở ngoài con người. Vũ trụ và con người ở ngoài Thượng đế, thế nên để đến với thực tại tối hậu là Thượng đế, con người phải đi qua một vũ trụ vô tri vô giác xa lạ và đi qua cả số phận của chính con người cũng xa lạ không kém. Con người cũng không thể bằng nỗ lực của mình để gặp gỡ thực tại tối hậu, mà mọi sự đều do “ý muốn của Thượng đế”. Những câu hỏi tiếp tục gây lúng túng cho các nhà thần học: Nếu Thượng đế tốt lành sáng tạo ra vũ trụ, tại sao có sự xấu ác trong vũ trụ ấy?…
Lịch sử theo quan niệm Tây phương có tính cách tuyến tính mà phải ở cuối đường của lịch sử nhân loại mới gặp lại Thượng đế trong sự phán xét cuối cùng, đó cũng là ngày tận thế. Như thế lịch sử chỉ là một sự chờ đợi sự chấm dứt của chính mình để được tái lập lại trong “trời mới và đất mới” với những con người còn sống sót vì “đã được chọn lựa”. Lịch sử là lịch sử của sự vắng bóng thực tại tối hậu, vì thực tại tối hậu thì ở ngoài lịch sử, ở ngoài số phận con người.
Quan niệm lịch sử tuyến tính này ảnh hưởng đến những triết gia lớn như Hégel (1770-1831). Với Hegel, mặc dù Tinh Thần thế giới nội tại trong thế giới, nhưng con người không thể trực tiếp đạt đến Tinh Thần thế giới (cái tuyệt đối) mà phải chờ “Tinh Thần thế giới” thực hiện quá trình vận động biện chứng của mình qua vũ trụ để đi tới sự hoàn thiện cuối cùng của “Tinh Thần thế giới” đó, thì lúc ấy con người mới được hoàn thiện.
Sự tách biệt của thế giới, lịch sử và con người với thực tại tối hậu là cái tạo ra bi kịch Tây phương. Thế kỷ XIX, Nietzsche nói: Thượng đế đã chết. Nếu Thượng đế ở ngoài con người và vũ trụ thì Thượng đế có thể chết thật. Nhưng Thượng đế ở trong con người (Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh) và ở trong vũ trụ thì Thượng đế làm sao chết được khi còn có con người. Những tác phẩm trong thế kỷ XX, mà đầu đề đã nói lên bi kịch đứt rách giữa Thượng đế và con người trong vũ trụ: Đi tìm thời gian đã mất (Marcel Proust), Lưu đày và Quê nhà, Con người nổi loạn, Kẻ xa lạ, Huyền thoại Sisyphe (Albert Camus), Trong khi chờ Thượng đế (Samuel Beckett), Thời đại hoài nghi (Nathalie Sarraute)…
Lịch sử Tây phương là một lịch sử theo đường thẳng, tuyến tính, có tính cách mạt thế luận, và lịch sử ấy không có thực tại tối hậu ở bên trong nó. Nó chỉ gặp lại cái thực tại tối hậu ấy ở cuối đường, nghĩa là khi lịch sử đã chấm dứt. Đó là một lịch sử đi tìm thực tại tối hậu ở cuối đường nhưng tự thân lịch sử thì không có thực tại tối hậu ấy: lịch sử thì vô nghĩa.
Nhận định của J.P. Sartre nêu lên tình cảnh ấy thật rõ ràng: “Hầu hết các nhà văn lớn hiện đại, Proust, Joyce, Dos Passos, Faulkner… mỗi người theo cách riêng của mình, đều cố tìm cách hủy hoại thời gian. Một số tước đi quá khứ và tương lai, để rút thời gian lại trong ý thức thuần túy của giây lát. Chưa bao giờ rõ như thế ở thế kỷ XX, những đột biến và sụp đổ nhanh chóng của tiến trình lịch sử lại khiến con người nhận rõ như vậy về “tính phi lý của thời gian”, “sự thiếu vắng của tương lai”. Vì vậy, khi “một ký ức chỉ còn làm ngưng lại những ngẫu nhiên và những vòng quay lại vĩnh cửu của một cuộc đời trong một thời điểm duy nhất”, thì điều đó không có gì lạ, bởi vì, “giây lát, đó chính là sự bao trùm tương hỗ và đối lập của cái trước bởi cái sau”. Sartre, Saint Genêt, Comédien et martyr, 1952, trích dẫn từ Lịch sử văn học Pháp thế kỷ XX, Đặng Thị Hạnh chủ biên, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội 2005.
Lịch sử Tây phương là lịch sử của loài người bị đuổi khỏi vườn Địa Đàng, một cuộc lưu đày vào trần thế không có cơ hội để tự phục hồi. Đó là lịch sử của một cuộc mất mát thực tại tối hậu mà chỉ có cái chết của chính lịch sử mới cứu chuộc được.
Ẩn dụ “Đứa con hoang đàng trở về với cha” trong Kinh Thánh và ẩn dụ “Đứa con khốn cùng trở về với cha” trong kinh Pháp Hoa khá giống nhau trong việc nói lên thân phận con người. Nhưng rất khác nhau về cách giải quyết, nhìn trong toàn cảnh hai nền văn hóa.
Lịch sử, theo Đông phương, nhất là theo Phật giáo, luôn luôn là cơ hội cho con người, chính là sự cứu độ cho con người, bởi vì lịch sử là sự khai triển của Chân Như theo khuynh hướng nghiệp của con người. Lịch sử không là sự che giấu hay ẩn mặt. Khi được hỏi thế nào là thực tại tối hậu, Thiền sư Vô Ngôn Thông, sơ Tổ của một dòng thiền Việt Nam, trả lời: “Không từng che giấu”, và “Ở khắp mọi chỗ”.
Con người luôn luôn có cơ hội gặp gỡ, tìm thấy thực tại tối hậu ở bất cứ thời điểm nào của thời gian và không gian, nghĩa là ở bất cứ thời gian không gian nào của lịch sử. Tất cả mọi tông phái Phật giáo đều đồng ý con người có thể gặp gỡ, hiểu biết, tỏ ngộ, thể nhập thực tại tối hậu ấy ngay tại đây và bây giờ. Với Phật giáo, thời gian không gian không chỉ là tương đối mà thậm chí là không thực, do đó mới có giải thoát được. Tâm điểm, cứu cánh của lịch sử Tây phương là ở phía trước, ở chỗ tận cùng (téléologie, viễn đích luận hay cứu cánh luận). Tâm điểm, cứu cánh của lịch sử Đông phương là ở tại đây và bây giờ. Chỉ cần tâm con người đủ sáng suốt, đủ trong sạch để biết thấy, biết nghe, biết ngửi, biết nếm, biết xúc chạm và biết suy nghĩ.
Sự vật, thiên nhiên và con người
Nghiệp chướng hay lỗi lầm của con người là sự phân biệt và tách lìa giữa chủ thể và khách thể, kể cả khách thể siêu việt là thực tại tối hậu. Một trong những vấn đề giải quyết của kinh Lăng Nghiêm là tại sao có thân tâm này và thế giới ngoài kia, làm sao để lấp được hố ngăn cách ấy. Có lẽ đó là sự khổ đau đầu tiên và căn bản của mọi thứ khổ đau của con người.
Văn hóa Tây phương khởi nguồn từ Hy Lạp và kinh Cựu Ước. Sách Sáng Thế Ký nói: “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sinh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy thống trị loài cá biển, loài chim trời, tất cả mọi sinh vật trên mặt đất” (Sáng Thế Ky 1, 28).
Khi Adam và Eva đã phạm tội vì ăn trái cấm “biết điều thiện và điều ác”, “Đức Chúa Trời phán cùng người nữ rằng: Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn khi sinh con, sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi”. (3, 16). Rồi phán với Adam: “Đất sẽ sinh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi đất ngươi sẽ trở về bụi đất” (3, 18, 19).
Thiên nhiên với Cựu Ước luôn luôn là cái gì gây khổ đau cho con người. Và chống đối, chiến thắng thiên nhiên hẳn là chống đối và chiến thắng khổ đau. Tương quan giữa con người và thiên nhiên là một tương quan bạo động, thù địch và chiến đấu. Thiên nhiên là một lời nguyền rủa cho số phận con người.
Ngày nay với khoa học kỹ thuật, con người đã giải được lời nguyền đó, nhưng cùng với điều này, thiên nhiên hấp hối, trái đất hấp hối. Chúng ta đang mất một người bạn đồng hành, thậm chí người anh cả vì thiên nhiên có trước chúng ta, và cái chết của trái đất cũng là cái chết của chúng ta.
Từ hai nguồn Hy Lạp và Cựu Ước cho đến Descartes và các triết gia hiện đại vẫn chưa giải quyết được sự tách biệt giữa chủ thể và đối tượng. Khoa học kỹ thuật lại đào sâu thêm hố tách biệt ấy bằng cách làm ông chủ khai thác bóc lột thiên nhiên để thỏa mãn những tham vọng không bờ bến. Đẩy sự sống của thiên nhiên vào hàng vật chất vô tri, hiếu chiến với thiên nhiên, từ đó hiếu chiến với con người, với người khác, chỉ là một bước ngắn. Đó là tính cách của văn hóa Tây phương. Đông phương thì ngược lại, luôn luôn tìm cách hòa hoãn, thuận hòa với thiên nhiên. Chỉ mới khoảng vài thập niên gần đây, trước nguy cơ trái đất bị kiệt quệ và hư hoại, kéo theo cái chết sắp tới của con người, Tây phương mới nói đến môi trường sinh thái, thiên nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên.
Lịch sử con người, theo Tây phương, là lịch sử của con người bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng, và người ta đi tìm thiên đường đã mất ấy bằng cách đào xới, chế tạo, xây dựng nên một Thiên Đường vật chất mới bằng nguyên liệu của trái đất này. Trong khi đó, Chúa Jésus đã nói: “Thiên Đường chỉ có trong lòng người”.
Ảo tưởng lớn nhất của văn minh Tây phương là nghĩ rằng con người sẽ có hạnh phúc, sẽ bình an, sẽ xây dựng được một cơ đồ hạnh phúc và bình an bằng cách chẳng đếm xỉa gì thiên nhiên, chẳng đếm xỉa gì con người (bóc lột và chiến tranh, chủ nghĩa thực dân các loại…), và quan trọng nhất là chẳng đếm xỉa gì đến con người thật bên trong của mình. Ảo tưởng có thể đi tìm một Thiên Đường bên ngoài mình, một Thiên Đường có thể xây dựng được bằng cách thống trị thiên nhiên, thống trị người khác và che lấp con người sâu xa bên trong của mình, ảo tưởng đó càng lúc càng cho thấy những hậu quả nhãn tiền của nó. Cần nhấn mạnh, chúng ta nói, không nên tiến bộ bằng ảo tưởng, bằng cách đặt những tiền đề sai, chứ không nói, không nên tiến bộ về vật chất.
Trong khi đó, Đông phương nói: “Tâm bình thì thế giới bình”, “Tâm dẫn đầu tất cả các pháp”. Diễn dịch theo lối tầm thường của chúng ta: Nếu tâm mà đúng, tốt và đẹp thì mọi sự, thế giới tự nhiên và thế giới do chúng ta tạo ra, sẽ đúng, tốt và đẹp. Dĩ nhiên hậu quả là không có khổ đau. Chẳng có ai tạo ra tội lỗi nguyên thủy – như Adam và Eva – cho chúng ta cả. Chúng ta phải chịu trách nhiệm với sự sai lầm vẫn đang diễn ra của chính mình. Đó là cái nhìn sai lầm và hành động sai lầm của chúng ta ngay lúc này về thiên nhiên, về con người, và về thực tại tối hậu.
Với Đông phương mà nòng cốt ‘triết học’ của nó là Chân Như duyên khởi, thì thiên nhiên và người khác không phải là đối tượng, đối thủ để hàng phục, gây chiến và thống trị trên con đường tiến hóa của mình. Mỗi sự vật trong thiên nhiên là một Chân Như duyên khởi. Mỗi con người là một Chân Như duyên khởi. Chúng ta, thiên nhiên và người khác đồng một tánh Không, đồng tánh Chân Như. Nếu có khác biệt về cấp độ thì đó là sự khác biệt do cấp độ nhận biết nhiều hay ít, có ý thức hay vô thức bản năng về tính chất đồng nhất này mà thôi. Đây mới là cái biết đem lại bình an và hạnh phúc cho mọi loài hiện hữu.
Nếu chúng ta thể nghiệm được sự bình đẳng tự bản chất này (Bình đẳng tánh trí), thì đó là hạnh phúc, hạnh phúc cứu cánh, vì chấm dứt mọi xung đột, tham lam, giận ghét, chiến tranh.
Phật giáo bao gồm nhiều con đường, nhiều lối đi nhằm chấm dứt vô minh (cái thấy chia tách và cắt đứt chủ thể và khách thể, từ đây mà có căn bệnh cô đơn của thời hiện đại). Khi vô minh tiêu tan tới đâu thì thực tại Chân Như hiển lộ tới đó. Vô minh là ảo tưởng thâm căn cố đế cho rằng có những vực thẳm tách biệt chúng ta với thiên nhiên, với người khác và với thực tại tối hậu. Tách biệt với thiên nhiên, với người khác, với thực tại tối hậu cũng chính là tách biệt với chính mình. Sự tha hóa của chúng ta vẫn tiếp diễn, khổ đau của chúng ta vẫn tiếp diễn. Hai thái độ căn bản gây tác hại cho chính chúng ta là tham lam và giận ghét – tham không được thì giận ghét – đều sinh ra từ sự tách biệt này. Những vực thẳm tách biệt làm cội gốc cho mọi khổ đau này, như ta đã biết, mọi khoa học, mọi kỹ thuật, triết học, văn học, chính trị, kinh tế và tổ chức xã hội đều bất lực trong việc lấp đầy, xóa tan chúng, nếu không nói là càng đào sâu rộng thêm, khi không có chánh kiến. Chính vì thế mà bất chấp bao nhiêu phát triển trong mọi lĩnh vực, Phật giáo vẫn tồn tại như một phương thuốc chữa mọi căn bệnh. Trong văn học Phật giáo vẫn tuyên xưng Đức Phật là bậc “Đại y vương” là vì thế.
Bằng Chân Như duyên khởi, chúng ta trả lại tính thiêng liêng (Chân Như), tính siêu việt, tính bất khả tư nghì cho thế giới, thiên nhiên và con người, trong đó có chúng ta. Thấy mọi cái đều thiêng liêng trong Chân Như có nghĩa là chúng ta đã thiêng liêng hóa cuộc đời của mình, trả cho chúng ta về với chính chúng ta, một cái chính mình thiêng liêng và siêu việt. Ẩn dụ viên đá triết học (của Tây phương) và cây gậy (của Đông phương) biến tất cả vũ trụ thành vàng ròng có ý nghĩa như vậy.
Để kết thúc đoạn này chúng ta trích hai câu kệ của Thiền sư Thiền Lão (thế kỷ XI) trả lời vua Lý Thái Tông:
Trúc biếc hoa vàng phi ngoại cảnh
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.
Đây là cái thấy của những con người thực sự thấy biết (Chánh tri kiến). Như Thiền sư Mã Tổ: “Nếu lập pháp giới thì thảy đều là pháp giới. Nếu lập Chân Như thì thảy đều là Chân Như”. Hay như Thiền sư Hoàng Bá: “Tánh tướng không khác nhau” ; “Tâm cảnh nhất như”.
Thấy được như thế thì làm gì có chuyện trái đất này bị hư hoại, bị tàn phá vì lòng tham? Làm gì có chuyện đồ vật càng ngày càng chết đi nhanh hơn vì chủ nghĩa tiêu thụ?
Các ngành học của con người
Khi nói Chân Như là thật tướng và thật tánh của tất cả mọi hiện tượng, chúng ta thấy ngay rằng Chân Như là mục đích của mọi môn học, mọi ngành nghiên cứu, tìm tòi, vì tất cả mọi ngành đều nhắm đến thể, tướng, dụng của một đối tượng nghiên cứu nào đó.
Với Phật giáo, mọi ngành học thuật nghiên cứu đều nằm trong vòng chân lý tương đối vì chúng y cứ vào lý tính hữu hạn của con người. Chẳng hạn theo Kant, lý tính không thể thấu hiểu được, nắm bắt được “vật tự nó”, nghĩa là thực tại tối hậu, thực tại như chính nó. Lý tính chỉ hiểu được thế giới hiện tượng (phénomène) còn cái bản thể (noumène) thì không thể. Sau này, với Sartre, hữu thể tự thân, hữu thể tự nó (l’en-soi) cũng là sự bất lực lớn nhất của ý thức con người (le pour-soi). Các nhà triết học về khoa học như Wittgeinstein, Thomas Kuhn, Karl Popper… đã cho chúng ta thấy những giới hạn của khoa học, nghĩa là giới hạn của lý tính. Trên thực tế việc không thể hợp nhất thuyết tương đối và vật lý lượng tử dù chỉ trên phương diện lý thuyết toán học trải qua gần một thế kỷ đã cho thấy điều đó.
Chỉ có ở cấp độ vượt khỏi lý tính, ở cấp độ mà chúng ta thường gọi là tâm linh hay trí huệ thì tâm thức mới bắt đầu chứng nghiệm được chân lý tuyệt đối (thật tánh và thật tướng). Nói vượt khỏi lý tính, nói là tâm linh vì không thể định lượng và định tính theo khoa học, theo luận lý được. Chỉ có cấp độ tâm linh hay trí huệ mới nhận biết và thấu hiểu tâm linh hay trí huệ. Bởi thế những người thực hành tâm linh và có những kết quả tâm linh trong văn hóa Tây phương vẫn gọi là những nhà thần bí (mystique). Chẳng hạn, năng lực của “giới” và cái chúng ta gọi là “giới thể” (và thiền định, thiền quán, bồ đề tâm, hồi hướng…) thì không thể đo bằng máy móc hay quan sát nào được. Thậm chí tâm lý học chiều sâu (phân tâm học) cũng chẳng thể nào mò ra “một tâm thức sạch phiền não” là như thế nào, vì phân tâm học chỉ khảo sát về tâm – mà lại là tâm thô – thì làm sao có thể biết trạng thái không có tâm (vô tâm) là thế nào. Với tâm không có phiền não, tâm không có tư tưởng (tâm vô niệm), phân tâm học đã mất đối tượng khảo sát của nó, nghĩa là nó trở nên vô hiệu.
Lý tưởng của Phật giáo cũng như của Đông phương và Tây phương là chân lý tương đối, quy ước có thể tiếp cận và phản ánh một phần nào chân lý tuyệt đối, tối hậu. Sự nối kết được chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối, sự nối kết được Đời và Đạo là mục tiêu của Phật giáo Đại thừa. Và nhìn chung, đó cũng là con đường giải thoát và giác ngộ của toàn bộ Phật giáo.
Hiện nay, lý tưởng của mỗi môn học là thể hiện được, phản ảnh được một góc nhỏ của bức ảnh toàn đồ (hologramme, bức ảnh chụp giao thoa bằng tia laser, mỗi phần nhỏ của nó khi rọi ra đều cho hình ảnh của toàn bộ bức ảnh) của toàn bộ vũ trụ. Nhà vật lý vĩ đại Einstein đã từng mơ ước một tương quan như vậy giữa khoa học và Phật giáo: “Tôn giáo của tương lai phải là một tôn giáo vũ trụ. Tôn giáo đó phải vượt khỏi một Thượng đế có nhân cách và tránh khỏi những giáo điều và thần học. Bao trùm cả lĩnh vực tự nhiên và tâm linh, nó phải đặt nền trên một cảm thức tôn giáo phát sinh từ kinh nghiệm về tự nhiên và về tâm linh như một nhất thể đầy ý nghĩa. Đạo Phật trả lời được cho sự mô tả này. Nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu được với những nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó sẽ là đạo Phật”.
Mối liên hệ lý tưởng của các khoa học với nhau và với cái “tôn giáo vũ trụ” này là mỗi phần tử (mỗi môn học) đều “vô ngại, tương dung tương nhập” với nhau và “vô ngại, tương dung tương nhập” với tôn giáo vũ trụ. Cái nhìn “vô ngại của mọi phần tử với nhau đồng thời vô ngại với cái Toàn thể”, đó là cái nhìn, quan điểm và cũng là chỗ rốt ráo của kinh Hoa Nghiêm.
Với Đông Á, các học thuật hầu như gắn liền và quy chiếu về thực tại tối hậu (theo quan niệm của họ). Chẳng hạn hầu hết mọi ngành học đều có chữ đạo (y đạo, võ đạo, họa đạo, nhân đạo, thiên đạo, địa đạo…) và quy chiếu về Thái cực hay Đạo. Các nhà Lý học Trung Hoa thế kỷ XI và XII cũng biện luận về cái lý (cái Đạo) trong sự vật và cuộc sống. Tiếc rằng họ nhiều tư biện, nhưng thiếu những tiến bộ của khoa học và thiếu một trí huệ bao quát như Phật giáo. Gần đây, trong đường hướng đó, nhà vật lý lý thuyết Fritjof Capra viết cuốn Đạo của Vật ly, The Tao of Physics (1974) nói về những tương đồng của vật lý học hiện đại và Đạo học Đông phương.
Với Tây phương, các môn học phần nhiều gắn với tiếp vĩ ngữ “logie”: ontologie (hữu thể học), phénoménologie (hiện tượng luận), sociologie (xã hội học), psychologie (tâm lý học)… Tiếp vĩ ngữ logie này bắt nguồn từ chữ Logos của Hy Lạp, có nghĩa là Nguyên lý vũ trụ, nói theo Đông Á là Đạo, và nâng cao lên nữa là Chân Như. Như thế, sociologie có thể dịch là “đạo của xã hội”, psychologie là “đạo của tâm lý”…
Cái học của Đông và Tây đều muốn tìm đến thực tại tối hậu là Đạo hoặc Logos. Sự đồng quy về Chân Như, như là thực tại tối hậu, là cái chung cho cả hai nền văn minh Đông phương và Tây phương. Chẳng hạn, nghệ thuật Phật giáo tìm cách biểu hiện cái Chân Như trên mặt hình tướng. Nghệ thuật của Đông phương và Tây phương cũng tìm cách biểu hiện cái thực tại tối hậu ấy theo phong cách của từng nền văn minh, từng dân tộc.
Kết luận
Trong một viễn cảnh như vậy, các khoa học (chân lý tương đối, tục đế) và Chân Như duyên khởi (chân lý tuyệt đối, chân đế) không chướng ngại nhau mà bổ túc cho nhau, soi sáng lẫn nhau. Chẳng hạn trong vật lý học hiện đại, không có một hạt cơ bản nào, không có một hệ thống nào là độc lập, tồn tại riêng biệt, mà chúng “tương tác” lẫn nhau, cùng “duyên khởi” với nhau, thậm chí “vô ngại, tương dung tương nhập” với nhau.
Cho nên Phật giáo không chống đối khoa học, không ngăn ngại khoa học, với tư cách là cái học, sự nghiên cứu của lý trí con người. Trái lại, một điều dễ thấy là mọi khoa học càng phát triển sâu rộng bằng lý trí và thiện tâm thì những chân lý của Phật giáo càng được sáng tỏ. Và có thể, như mong ước của Einstein, những chân lý tuyệt đối của Phật giáo soi sáng cho những con đường của những chân lý tương đối, cho những paradigm (hệ hình, mẫu hình, chữ của Thomas Kuhn, 1962) của khoa học. Cho đến lúc những chân lý tương đối là sự phản ánh của chân lý tuyệt đối, là một với chân lý tuyệt đối: “Sắc tức thị Không…”.
Con người luôn luôn tìm kiếm hạnh phúc, hạnh phúc càng trường cửu càng tốt. Nhưng nó vẫn chạm mặt với khổ đau vì nó đã không biết thiết lập những nguyên nhân cho hạnh phúc, mà ngược lại, luôn mãi gieo trồng hạt giống khổ đau. Những khổ đau, những ách nạn từ cá nhân cho đến xã hội ở khắp thế giới chứng tỏ sự sai lầm trong tư duy và trong hành động của chúng ta là thế nào.
Mơ ước ngàn đời của con người là làm thế nào nối kết được cuộc đời mình với thực tại tối hậu, với cái tuyệt đối; nối kết được sự nghiệp của mình nghĩa là tư duy sáng tạo và hành động của mình với thực tại tối hậu. Làm sao nối kết được Đời với Đạo, đó là vấn đề, thậm chí vấn đề duy nhất. Ở đây, vắn tắt qua vài điều ở trên, chúng ta thấy Chân Như duyên khởi thực hiện được ước mong đó: Đạo đến với Đời. Đời nối kết với Đạo, qua Con người.
Con người có thể tìm hiểu, học hỏi, bắt chước (chữ “pháp” của Lão Tử, trong câu: “Người bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời, Trời bắt chước Đạo, Đạo bắt chước Tự nhiên”) Chân Như qua mọi biểu lộ của nó: trong mọi ngành hoạt động của con người, khoa học, chính trị, kinh tế, xã hội v.v… Vì bằng con mắt trong sạch, con người có thể thấy được phản ánh của Chân Như trong thế giới hình tướng, cho đến thấy trực tiếp được nó. Như kinh Bát Nhã nói thấy sắc (hiện tượng) tức là thấy tánh Không (bản thể). Đó là cái gọi là sự học (suốt đời) của Đông phương.
Với sự học Chân Như cả về mặt hình tướng lẫn thể tánh, mặt hiện tượng lẫn bản thể như vậy, con người sẽ hiểu biết, tương ưng và thể nhập Chân Như. Đây là sứ mạng thiêng liêng của con người, số phận thiêng liêng của con người, nối kết được Đời với Đạo, thế giới hình tướng biểu lộ với thể tánh không hình tướng không biểu lộ, nối kết sinh tử với Niết bàn, nối kết ngọn với gốc, nối kết sự ra đi với trở về, nối kết thời gian với cái không có thời gian, cái hữu hạn với cái vô hạn.
Qua vài điều ở trên, chúng ta thấy sự kiến lập một nền văn minh Phật giáo là có thể.