LBBT: Tổ CHƠN CHÂU – VẠN THÀNH (1865 – 1905) trụ trì Tổ đình Thập Tháp, Bình Đinh đời thứ 11. Ngài là bậc thạch trụ tòng lâm, với thể chất từ bi, ngài đã cứu giúp bá tánh lê dân trong những đợt thiên tai hạn hán và bão lụt. Bên cạnh, ngài còn là chỗ nương tựa tinh thần vững chắn cho quần chúng nên được nhà vua Thành Thái sắc phong Tăng cang và cấp giới đao cùng độ điệp với mỹ hiệu “Hảo Nghĩa Khả Phong”.
Hòa thượng Vạn Thành họ Trần tên Kỳ, sanh ngày 20 tháng 2 năm Ất Sửu (1865), quê quán làng Thuận Chánh. Hòa thượng là cháu gọi Hòa thượng Minh Lý bằng bác ruột, thuở nhỏ xuất gia tại chùa Thập Tháp làm đệ tử của Hòa thượng Ngộ Thiệu – Minh Lý, được pháp danh là Chơn Châu tự Thiện Thuật hiệu Vạn Thành, Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 40.
Hòa thượng Chơn Châu – Vạn Thành là người dung mạo khôi ngô đa văn túc trí, thâm ngộ Phật pháp bác lãm thế nho, tuy tuổi còn nhỏ mà vang danh khắp nơi, khiến cho ai nấy cũng kính nể. Một hôm, có một nhà Nho nghe danh Hòa thượng muốn đến thử tài, hiểu ý, Hòa thượng liền ứng khẩu đọc hai câu thơ Nôm như sau:
“Khù khì thi cú vô nhân thức
Lễnh mễnh tương lai vấn tú tài”.
Lời thơ bình dị, nhưng trào lộng thâm thúy, khiến cho nhà Nho kia không dám xem thường, tỏ lòng kính phục.
Năm Kỷ Sửu (1889), Hòa thượng Ngộ Thiệu – Minh Lý viên tịch, Hòa thượng Chơn Châu – Vạn Thành được thừa kế trú trì Tổ đình Thập Tháp. Nối tiếp chí hướng và đạo hạnh của Bổn sư, Hòa thượng hết lòng cứu giúp bá tánh lê dân trong những đợt thiên tai hạn hán và bão lụt. Vì lòng nhân nghĩa và đạo hạnh cao quí như vậy nên tháng 2 năm 1891, Hòa thượng được vua Thành Thái sắc phong Tăng cang và cấp giới đao cùng độ điệp. Hiện giờ tại ngôi Giảng đường còn treo một bức hoành đề bốn chữ 好 義 可 風 “Hảo Nghĩa Khả Phong” sơn son thếp vàng của vua Thành Thái năm thứ 3 ban thưởng cho Hòa thượng.
Năm Quý Tỵ (1893), Tăng cang Vạn Thành lại đứng ra đúc tạo một cổ Đại Hồng Chung mới, nặng đến một ngàn cân. Đại hồng chung nầy thay thế cho cổ hồng chung cũ mà quân lính Tây Sơn đã khiêng đi và thả rơi xuống vực Bến Gỗ, một cầu hỏa-xa cách chùa khoảng 5km về hướng Bắc.
Đến ngày 28 tháng 4 năm Ất Tỵ (1905), Tăng cang Chơn Châu – Vạn Thành viên tịch, đồ chúng lập tháp thờ phía sau chùa. Long vị thờ tại Tổ đường ghi rằng: “Sắc tứ thập Tháp Di Đà tự, sắc thọ Tăng cang khâm ban Đao Điệp, Lâm Tế Chánh Phổ tứ thập thế, húy thượng Chơn hạ Châu tự Thiện Thuật hiệu Vạn Thành giác linh”.
Trong thời gian trú trì Tổ đình Thập Tháp, Tăng cang Vạn Thành có các đệ tử xuất gia như sau:
– Hòa Thượng Không Mật – Đức Khiêm, về sau được Quốc sư Phước Huệ cử đến trú trì chùa Linh Am tại thị trấn Bình Định. Ngôi chùa nầy về sau được Hòa thượng Không Hoa – Huệ Chiếu đổi tên thành chùa Giác Hoàng. Hòa thượng Không Mật – Đức Khiêm có vị đệ tử là Hòa thượng Như Nam – Thiện Niệm hiệu Phước Hải, về sau được cử đến trú trì chùa Giác Nguyên tại Trường Cửu, nay dời về xã Nhơn Tân huyện An Nhơn tỉnh Bình Định. Chùa Giác Nguyên hiện nay có Hòa thượng Như Đạo – Viên Đạt, đệ tử của Hòa thượng Không Tín – Kế Châu đương nhiệm trú trì. Hòa thượng vừa đứng ra trùng tu tái thiết làm cho chùa Giác Nguyên trở thành một ngôi phạm vũ trang nghiêm.
– Hòa thượng Không Giải – Trí Dụng, về sau được cử sang trú trì chùa Tân An tại cạnh phía bắc suối Bàn Khê, gần bên Tổ đình Thập Tháp.
– Hòa thượng Không Huyền – Diệu Nghĩa hiệu Định Hương, được Bổn sư giao chức vụ thư ký tại Tổ đình Thập Tháp.
Được biết trong khoảng thời gian trú trì Tổ đình Thập Tháp, Tăng cang Chơn Châu – Vạn Thành có một thời gian vắng mặt khá lâu và được một vị sư huynh là Hòa thượng Chơn Phổ – Vạn Niên đứng ra nhận trách nhiệm Giám tự để trông coi chùa viện. Hiện long vị Hòa thượng Vạn Niên thờ tại Tổ đường, ghi rằng:
“Sắc tứ Thập Tháp tự, giám tự húy Chơn Phổ hiệu Vạn Niên đại sư giác linh chi vị”.
(Trích: Chùa Thập Tháp Di Đà và Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch).