Nuôi dưỡng tự thân

Tác giả: Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Tiếp xúc với đau khổ giúp nuôi dưỡng tâm từ bi và nhận diện hạnh phúc khi hạnh phúc có mặt. Nếu không tiếp xúc được với đau khổ thì không biết hạnh phúc đích thực là gì. Vậy thì sự thực tập của chúng ta là tiếp xúc với đau khổ. Nhưng khả năng của mỗi chúng ta có giới hạn. Chúng ta không thể làm quá sức mình. Vì vậy cho nên phải biết tự chăm sóc. Nếu lắng nghe quá nhiều nỗi khổ, niềm đau, giận hờn, bực bội của người khác thì sẽ bị ảnh hưởng không tốt, vì ta chỉ tiếp xúc với khổ đau mà không có cơ hội tiếp xúc với những yếu tố tích cực. Như thế sẽ mất thăng bằng. Vậy thì trong cuộc sống hằng ngày ta phải thực tập như thế nào để có thể tiếp xúc với những gì tươi mát như trời xanh, mây trắng, chim hót, em bé, bất cứ gì có thể đem lại tươi mát, chữa trị và nuôi dưỡng ở trong ta và chung quanh ta.

Đôi khi ta bơ vơ lạc hướng trong đau khổ, lo âu. Hãy để cho bạn bè cứu giúp ta. Họ có thể nói, “Này bạn, mời  bạn nhìn bầu trời sáng nay. Tuy sương mù nhưng cảnh đẹp biết bao! Thiên đường ở ngay đây. Sao không trở về với hiện tại để thưởng thức cảnh đẹp trước mắt?” Bạn có tăng thân bao quanh, có sư anh, sư chị, có những người có khả năng sống hạnh phúc bao quanh. Tăng thân cứu bạn, giúp bạn tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc đời. Đây là thực tập nuôi dưỡng, một thực tập rất quan trọng.

Chúng ta phải sống sâu sắc mỗi ngày trong vui vẻ, bình an, trong tình thương, bởi vì thời gian qua mau. Mỗi buổi sáng tôi thắp một nén hương, dâng lên Bụt và tự hứa rằng tôi sẽ sống sâu sắc từng giây, từng phút trong ngày. Chính nhờ thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm mà tôi có thể tận hưởng từng giây, từng phút trong cuộc sống hằng ngày. Hơi thở chánh niệm và bước chân chánh niệm là hai người bạn giúp tôi an trú trong hiện tại, ngay bây giờ và ở đây, để có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm sẵn đó của cuộc đời.

Chúng ta cần tiếp nhận sự nuôi dưỡng tươi mát. Nghe chuông là một thực tập nuôi dưỡng và dễ chịu. Tại Làng Mai, mỗi khi có tiếng điện thoại, hay tiếng chuông chúng tôi có cơ hội dừng lại, ngưng làm việc, ngưng nói năng, ngưng suy nghĩ. Đây là những tiếng chuông chánh niệm. Khi nghe chuông ta thư giãn thân tâm và trở về với hơi thở. Chúng ta ý thức rằng mình đang còn sống và có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm sẵn có đó cho ta. Chúng ta dừng lại một cách tự nhiên, trong niềm vui, không quan trọng, không gò ép. Thở vào, thở ra ba lần trong niềm vui vì biết là ta đang còn sống. Khi dừng lại, ta phục hồi bình an trong ta và ta có tự do. Công việc ta đang làm trở nên vui thích hơn, bạn bè chung quanh ta trở nên  có thật hơn.

Phép thực tập dừng lại và theo dõi hơi thở theo tiếng chuông là một ví dụ về phương pháp thực tập giúp ta tiếp xúc với gì tươi đẹp, nuôi dưỡng trong cuộc sống hằng ngày. Ta có thể thực tập một mình nhưng nếu có tăng thân thì sự thực tập sẽ dễ hơn. Tăng thân luôn luôn có đó. Mỗi khi ta bị chìm đắm trong đau khổ thì tăng thân có thể cứu ta và giúp ta trở về tiếp xúc với những yếu tố tích cực của cuộc đời.

Sự thực tập là biết rõ giới hạn của sức mình. Mặc dầu bạn là một giáo thọ có khả năng lắng nghe đau khổ của người khác nhưng bạn cũng phải tự biết giới  hạn của sức mình. Bạn cần phải đi thiền hành, cần phải thưởng thức một tách trà. Bạn cần được gần gũi với những người có hạnh phúc để được nuôi dưỡng. Để lắng nghe được người khác đồng thời bạn phải tự chăm sóc. Một mặt mỗi ngày bạn cần được nuôi dưỡng bởi những gì lành mạnh, tươi mát. Một mặt bạn phải thực tập nuôi dưỡng tâm từ bi. Có thế bạn mới có đủ hành trang trong sứ mạng lắng nghe người khác. Bạn phải là một Bậc Đại Nhân, nghĩa là một người tràn đầy hạnh phúc cho nên có khả năng cứu độ chúng sanh đau khổ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *