Kinh Phật Thuyết A Di Đà giảng thuật – phần 01

Tác giả: Thích Huyền Châu

KINH PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ GIẢNG THUẬT, PHẦN 01 – THÍCH HUYỀN CHÂU CHỦ GING

TỰA

Hy vọng tập sách nhỏ quý vị đang cầm trên tay là bài học cần thiết giúp hành giả tịnh độ trang bị cho mình thêm kiến thức cơ bản về pháp môn niệm Phật vãng sanh.

Hôm nay chúng tôi mạo muội giảng thuật bộ kinh này cũng chỉ hy vọng được làm người nhắc nhở những gì các bậc tiền bối đã dạy mà thôi. Mong rằng quý độc giả hữu duyên với pháp môn tịnh độ hãy phát tâm cẩn trọng đọc và chiêm nghiệm nghĩa lý kinh văn, như thế sẽ giúp ích cho quý vị rất nhiều trên con đường tu tập và giải thoát.

Để cho quý vị Phật tử tại gia hữu duyên với pháp môn Tịnh độ có thêm tư liệu tu học và dễ dàng nắm bắt ý thú kinh điển, chúng tôi chia nội dung giảng thuật thành hai chương:

Chương I: Giới thiệu tổng quát Kinh Phật Thuyết A Di Đà. Nội dung chương này được trình bày theo năm lớp huyền nghĩa mà các vị tổ sư tông Thiên thai đã sáng lập.

I- Giải thích danh tự: Tức là biết tên kinh mình đang học có nghĩa gì, cũng như biết tên một người bạn và hiểu rõ ý nghĩa của tên gọi ấy.

II- Hiển thể: Giống như sau khi biết tên, chúng ta phải biết hình dạng người ấy ra sao.

III- Minh tông: Giải thích tông chỉ và phương pháp tu hành, cũng như biết rõ về khả năng và nghề nghiệp của một người vậy.

IV- Lợi ích: Nêu rõ lợi ích của việc hành trì kinh này như thế nào?

V- Phán giáo: Tức là xác định giáo nghĩa kinh này nằm ở vị trí nào trong hệ thống kinh luật luận của Phật giáo. Ngoài ra, chương này còn giới thiệu khái lược về dịch giả.

Chương II: Biệt giải kinh văn. Chương này giải rõ văn nghĩa, ý thú nội dung Kinh Phật Thuyết A Di Đà.

Toàn bộ nội dung tập sách này, chúng tôi mạo muội đặt cho nó danh xưng: KINH PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ GIẢNG THUẬT. Rất mong quý vị xem đây là món quà pháp bảo của một tăng sỹ trẻ kính dâng lên quý vị xem xét. Nếu có điều sai sót, xin quý vị hoan hỷ chỉ dạy cho.

Sài gòn, ngày 15 tháng 7 năm 2009 – Phật lịch 2553

Thích Huyền Châu

Thầy Thích Huyền Châu, ảnh HN

CHƯƠNG I: GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT KINH PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ

I- Giải thích danh tự

Danh tự một quyển kinh gồm có hai phần: danh tự chung và danh tự riêng. Ở đây, chữ “kinh” được gọi là danh tự chung, vì quyển kinh nào cũng được gọi là kinh. Mỗi quyển kinh có tên gọi khác nhau, đó là danh tự riêng. Danh tự riêng ở đây chính là “Phật thuyết A Di Đà”.

Ai là người có đủ tư cách để nói kinh? Có năm hạng: Phật, đệ tử của Phật, chư thiên, tiên và hóa nhân (người do Phật hay chư thiên hóa hiện ra). Trong năm hạng này, chỉ có lời đức Phật nói ra thì nghiễm nhiên trở thành kinh điển, còn lời dạy của bốn hạng còn lại phải được sự ấn chứng của Phật, bấy giờ mới được gọi là kinh.

Kinh Phật Thuyết A Di Đà do chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra theo tinh thần “vô vấn tự thuyết”, tức không có ai hỏi, tự đức Phật nhận thấy lợi ích vô cùng của pháp môn này mà gọi bậc đại trí Xá Lợi Phất làm người đại diện lắng nghe. Đây còn là bản kinh được chọn làm thời khóa công phu chiều ở các chùa tại Việt Nam, điều đó cho chúng ta thấy giá trị lớn lao của nó như thế nào.

Danh tự kinh này có sáu chữ: Kinh Phật Thuyết A Di Ðà. Chúng ta hiểu thế nào về ý nghĩa sáu chữ này?  

Trước tiên, chúng ta tìm hiểu nghĩa của chữ “Phật”. Phật là gì? Nói một cách ngắn gọn, Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn, đầy đủ ba phương diện: tự giác, giác tha, và giác hạnh viên mãn.

Chúng ta tu hành bao lâu mới thành Phật? Phải mất ba A tăng kỳ kiếp, phát tâm Bồ tát thực hành Lục độ vạn hạnh, cứu độ hết thảy chúng sinh, nhân đó tích lũy công đức, thành tựu đại nguyện mới thành Phật.

Vậy chúng sinh và đức Phật khác nhau ở điểm nào? Đó chính là ngộ. Chúng sinh thì mê muội, đức Phật thì giác ngộ. Nếu chúng ta biết phát tâm tu tập thì sẽ thành Phật. Đức Phật Thích Ca là Phật đã thành, còn chúng ta là Phật sẽ thành.

Chữ “Thuyết” hiểu một cách đơn giản là giảng nói, ở đây chính là lời Phật giảng dạy. Để thành tựu việc giáo hóa chúng sinh một cách viên mãn, những gì đức Phật dạy luôn hội đủ bốn yếu tố gọi là “tứ tất đàn”:

1/ Thế giới tất đàn: Đức Phật phương tiện tùy thuận chúng sinh mà giảng nói bằng những hình ảnh gần gũi như: người, vật, núi, sông, mưa, nắng, v.v… để trình bày giáo nghĩa sao cho dễ hiểu.

2/ Vị nhân tất đàn: Đức Phật tùy theo căn cơ trình độ của chúng sinh mà giảng dạy các pháp môn tu phù hợp khiến họ dễ tiếp thu và mau chứng ngộ.

3/ Đối trị tất đàn: Đức Phật tùy vào chỗ mê lầm của chúng sinh mà nói những pháp đối trị, ví như vị lương y tùy bệnh mà cho thuốc.

4/ Đệ nhất nghĩa tất đàn: Khi thấy cơ duyên của chúng sinh đã thuần thục, Phật không dùng phép tương đối như trên nữa mà khai thị trung đạo, thuyết nghĩa thật tướng các pháp khiến chúng sinh sớm chứng nhập chân lý.    

Chữ “A Di Đà” là tiếng Ấn Ðộ, dịch sang Trung Hoa là Vô lượng thọ và Vô lượng quang.

Vô lượng thọ là gì? Như trong kinh ghi rõ: “Ðức Phật kia thành Phật đến nay đã mười kiếp”. Mười kiếp là có số rõ ràng, vậy tại sao lại nói là Vô lượng thọ? Bởi vì từ khi đức Phật A Di Đà tu thành Phật đến nay được mười kiếp, nhưng thọ mạng của Ngài chưa mãn. Vì ngài có công đức và phước đức vô lượng nên tuổi thọ của ngài cũng dài vô lượng.

Sao gọi là Vô lượng quang? Quang nghĩa là ánh sáng. Ánh sáng này chỉ cho hào quang của Phật chiếu sáng vô lượng cõi nước và cũng hàm ý trí tuệ Phật soi chiếu vô biên.

Còn chữ “Kinh” nghĩa là gì? Tiếng Phạn gọi là Tu-đa-la (Sutra), tiếng Trung Hoa gọi là “khế kinh”. Thế thì “khế kinh” nghĩa là gì? Chúng ta hiểu một cách vắn tắt:

“Thượng, khế chư Phật chi lý,

Hạ, khế chúng sinh chi cơ.”

(Trên, hợp giáo lý chư Phật,

Dưới, hợp căn cơ chúng sanh).

Phân tích rộng ra, chữ “kinh” có rất nhiều nghĩa. Nhưng ở đây có ba nghĩa căn bản:

1/ Kinh được hiểu theo nghĩa chữ “kính”, tức là “con đường” – con đường tu hành mong tìm sự giải thoát giác ngộ.

2/ Kinh được hiểu theo nghĩa “thằng mặc”, tức là “dây mực”. Giống như người thợ mộc, cần phải có dây mực để làm gỗ. Cũng vậy, kinh được ví như dây mực, giúp chúng ta phân biệt rõ đường chánh nẻo tà.

3/ Kinh được hiểu theo nghĩa “kết man”, tức là “tràng hoa”. Nghĩa là những lời dạy trong kinh giống như những đóa hoa được kết lại thành tràng, nếu thiếu một đóa hoa thì không thành tràng hoa; cũng vậy, kinh Phật dạy không thiếu và cũng không thừa một chữ.

Ngoài ra, chữ “kinh” còn bao hàm bốn nghĩa mở rộng nữa, đó là:

1/ Quán: tức là quán xuyên, xuyên suốt qua. Quán xuyên điều gì? Ở trong kinh, các đạo lý, ngữ nghĩa như có một sợi dây xuyên qua, không một chi tiết nào bị thiếu sót.

2/ Nhiếp: có nghĩa là thu hút, thâu về. Kinh giống như nam châm hút sắt, có sức thu hút những chúng sinh hữu duyên, tùy theo căn cơ mà mỗi chúng sinh đều có thể lãnh hội giá trị nhiệm mầu trong đó.

3/ Thường: tức là nghĩa lý ngôn thuyết trong kinh xưa nay không thay đổi.

4/ Pháp: tức pháp môn tu. Vì ba đời chư Phật, chư vị Bồ tát đều y theo kinh mà tu hành.

Trên đây là ý nghĩa của chữ “kinh”. Vậy danh tự một bộ kinh được đặt tên theo phương thức nào? Có thể nói, toàn bộ kinh Phật đều được đặt tên theo bảy cách mà người xưa thường gọi là “thất chủng lập đề” như sau:

1/ Đơn nhân lập đề, tức dùng tên người để đặt tên kinh. Ví dụ: Kinh Phật Thuyết A Di Đà. “Phật” và “A Di Đà” đều là người cho nên dùng tên người đặt cho tên kinh. 

2/ Đơn pháp lập đề, tức dùng pháp để đặt tên kinh. Ví dụ: Kinh Đại Bát Niết bàn. “Đại Bát Niết bàn” là pháp được dùng làm tên kinh. 

3/ Đơn dụ lập đề, tức dùng ví dụ để đặt tên kinh. Ví dụ: Kinh Phạm Võng thì “Phạm Võng” là tỷ dụ, ý nói bộ kinh này được ví như tràng phan lưới báu của vua trời Đại Phạm.

Ba cách 1, 2, và 3 chỉ đơn độc một yếu tố: nhân (người), hoặc pháp, hoặc dụ trong tiêu đề kinh, nên được gọi chung là “đơn tam lập đề.” 

4/ Nhân pháp lập đề, tức dùng cả người và pháp để đặt tên kinh. Ví dụ: Kinh Văn Thù Vấn Bát Nhã. “Văn Thù” là người, “Bát Nhã” là pháp. Đây là dùng tên người và tên pháp hợp lại thành tên kinh.

5/ Nhân dụ lập đề, tức là dùng tên người và ví dụ để đặt tên kinh. Ví dụ: Kinh Như Lai Sư Tử Hống. “Như Lai” là người, “Sư Tử Hống” là ví dụ; ý nói rằng khi Phật thuyết pháp thì âm thanh hùng tráng như tiếng gầm của sư tử.

6/ Pháp dụ lập đề, tức là dùng pháp và ví dụ để đặt tên kinh. Ví dụ như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa; “Diệu Pháp” là pháp, “Liên Hoa” là ví dụ.

Ba cách 4, 5, và 6 gọi là “phục tam lập đề” (ba loại lập đề kép). Đây là loại đề mục được thành lập bởi hai trong ba yếu tố: nhân, pháp, dụ.

7/ Cụ túc lập đề (một lập đề đầy đủ). Đây là một loại cụ túc, tức là cách đặt tên kinh dùng đủ cả ba yếu tố nhân, pháp và dụ. Ví dụ: Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, thì “Đại Phương Quảng” là pháp, “Phật” là người, “Hoa Nghiêm” là ví dụ. Bộ kinh này dùng hoa để tỷ dụ với cái nhân của thập độ vạn hạnh, lấy vạn thừa nhân hoa để trang nghiêm quả đức vô thượng. Vậy, Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm có đầy đủ cả nhân, pháp và tỷ dụ, nên thuộc loại “cụ túc lập đề.”

II- Hiển Thể

Kinh Phật Thuyết A Di Ðà lập thể nói về cảnh giới tự tánh Di Đà, tức là Di Đà tự tâm. Trong tâm mỗi chúng ta là một Di Đà thường hằng bất biến, nhưng vì ta bị trôi lăn trong sinh tử đến nay nên đà quên mất. Đức Phật A Di Đà muốn giáo hóa chúng sinh nên đã phát 48 đại nguyện, thiết lập cảnh giới Cực Lạc, làm phương tiện bất khả tư nghì để tiếp dẫn chúng sinh. Những điều này đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự nói ra chứ không ai cầu thỉnh hết.

Kinh này lấy thật tướng làm thể. Thật tướng ở đây chính là vô tướng nhưng không có chỗ nào là chẳng có tướng. Tự tánh Di Đà châu biến pháp giới. Do vì không tướng nên gọi là chơn không và chẳng chỗ nào không có tướng nên gọi là diệu hữu. Chơn không diệu hữu chính là thể tánh của kinh này vậy.

III- Minh Tông

Minh tông tức là làm sáng tỏ tông chỉ tu hành. Tông chỉ của pháp môn chính là vãng sinh thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà. Vậy muốn vãng sanh Cực Lạc, chúng ta cần hội đủ những điều kiện gì? Ấy chính là tín, nguyện và hạnh. Giải thích một cách ngắn gọn cho dễ nhớ:

1/ Tín là niềm tin.

2/ Nguyện là quyết lòng quyết tâm muốn thoát khỏi cõi Ta Bà khổ đau này mà cầu sinh về nước Cực Lạc.

3/ Hạnh là chấp trì, nhớ nghĩ danh hiệu Phật sao cho được “nhất tâm bất loạn”.

Ba yếu tố này như kiềng ba chân không thể thiếu một. Nó được ví như ba thứ tư lương của một người trước khi đi xa vậy. Giải thích rộng về ba điều này như thế nào?

1/ Tín: Tức là niềm tin chân chánh, tin bằng tấm lòng và sự hiểu biết của mình.

Đây là yếu tố rất quan trọng, vì nếu không có niềm tin, chúng ta sẽ không thành tựu được điều gì. Nếu không hiểu gì cả, nghe ai nói sao tin vậy, ấy chính là mê tín. Thế thì người tu theo Tịnh độ, chúng ta tin vào đâu và lấy gì làm cơ sở để giữ vững niềm tin?

Trước tiên, chúng ta có tin vào một thế giới Cực Lạc ở phương Tây hay không? Trả lời: Thế giới ấy là hoàn toàn có thật. Nó ở đâu? Trả lời: Nó ở trong tự tâm mỗi chúng ta. Vì sao vậy? Vì Cực Lạc lấy thật tướng làm thể, thật tướng tức không tướng, nhưng không chỗ nào không có tướng. Như Lai tạng tánh cũng chính là Chơn như thật tánh. Cho nên có thể nói cõi Cực Lạc ở trong tự tâm chúng ta chứ không cần tìm đâu xa hết. Giải thích nghe hơi khó hiểu, nhưng chúng ta cứ tạm ghi nhận như thế, từ từ đọc đến các phần sau sẽ hiểu rõ hơn.

Chúng ta tin vào đâu nữa? Đó là tin vào bản thân mình. Tin rằng mình hoàn toàn có đủ khả năng vãng sanh Tịnh độ. Vì theo lời Phật dạy: “Người nào vào lúc lâm chung, tâm không điên đảo, niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật thì sẽ được ngài tiếp dẫn về thế giới Cực Lạc”. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này, nếu hằng ngày siêng năng niệm Phật. Có người nói: “Con nghiệp dày phước mỏng, lỡ gây nhiều lỗi lầm nên không tu được”. Nói thế là không đúng! Vì “tu” theo nghĩa đơn giản nhất đó là sửa lỗi lầm do thân, miệng và ý nghĩ gây ra. Khi biết mình sai, biết mình nhiều lỗi, thì mình càng phải tinh tấn tu tập nhiều hơn, chứ không lý nào tự ti mặc cảm cho rằng mình nghiệp dày phước mỏng mà không chịu thay đổi cho tốt hơn hay sao?

Đặc biệt, chúng ta nên tin vào lời Phật dạy. Kinh Phật Thuyết A Di Đà này chính là lời đức Phật dạy cho bậc đại trí Xá Lợi Phất về cảnh giới Tây phương Cực Lạc và hạnh nguyện độ sinh của Phật A Di Đà. Cõi Cực Lạc này còn được đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu và khuyên vua cha Tịnh Phạn, cũng như di mẫu Ma ha Ba Xà Ba Đề phát nguyện sinh về đó.

Chúng ta còn phải tin vào nguyên lý nhân quả. Tin vào nhân duyên, căn lành của chúng ta với đức Phật đã có từ nhiều đời. Thật sự, nếu người nào không có duyên với Phật pháp thì nghe đến kinh này cũng như người câm điếc mà thôi. Bản thân họ nếu muốn cũng không thể niệm Phật được. Thế nên, ai trong chúng ta biết niệm Nam mô A Di Đà Phật, nên tự biết rằng mình đã có duyên với Phật nhiều đời nhiều kiếp rồi vậy. Đây chính là gieo nhân niệm Phật, gặt quả vãng sanh.

Ngoài ra để tường tận hơn, chúng ta còn nên tin vào sự và lý. Nghĩa này thế nào? Tin vào sự, tức là tin rằng nếu siêng năng niệm Phật thì đến phút lâm chung, đức Phật A Di Đà cùng với Thánh chúng sẽ tiếp dẫn chúng ta vãng sanh về nước của ngài. Còn tin vào lý là thế nào? Tức là tin rằng: Ai niệm Phật, người ấy sẽ thành Phật. Chúng sinh và tự tánh Di Đà là một. Phật và chúng sinh đồng một thể tánh giác ngộ, sáng suốt.

Lãnh hội được điều đó, chúng ta sẽ từng bước thấu rõ chân lý: sự vô ngại pháp giới, lý vô ngại pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới, sự sự vô ngại pháp giới và biết rằng Phật A Di Đà là Di Đà trong tâm chúng sinh, chúng sinh cũng là chúng sinh trong tâm Di Đà. Nhưng để hiển lộ tự tánh Di Đà thì phải niệm Nam mô A Di Đà Phật.

2/ Nguyện: Là lòng thiết tha phát nguyện của mình.

Đây là yếu tố quan trọng thứ hai. Tâm nguyện này cũng giống như người con lạc mẹ, sống bơ vơ lang thang đói rách, một lòng trông nhớ cầu mong mẹ đến dắt về với mái ấm gia đình. Thế nên, chúng ta niệm Phật mà không có tâm nguyện thiết tha cầu mong Phật A Di Đà phóng quang tiếp dẫn thì cũng khó vãng sanh Cực Lạc.

Vậy nguyện thế nào cho đúng cách? Thật ra không nhất thiết phải y theo một khuôn mẫu nào cả. Quý vị có thể tự đặt cho mình một câu nguyện ngắn gọn, miễn sao câu ấy có nội dung thành khẩn, nguyện cầu đến phút lâm chung, Phật A Di Đà và Thánh chúng đến tiếp dẫn là được. Ví dụ chúng ta có thể phát nguyện thế này: “Con tin thần lực nhiệm mầu của đức Phật A Di Đà, con giữ một lòng niệm danh hiệu Phật, con nguyện đời này sám hối bao nhiêu tội chướng do vô tình hay cố ý tạo ra, con nguyện đến khi lâm chung được đức Phật A Di Đà và Thánh chúng phóng quang tiếp dẫn con về Cực Lạc”.

Vì sao chúng ta nên phát nguyện sinh về Cực Lạc? Vì ý thức cuộc đời là bể khổ. Có những nỗi thống khổ không ai tránh khỏi như: sinh, lão, bịnh, tử… cái khổ này chồng lên cái khổ kia, nỗi khổ kia chưa dứt thì lại chịu thêm nỗi khổ khác tiếp tục đày đọa triền miên. Nước mắt khổ đau của chúng sinh còn nhiều hơn nước biển đại dương. Tất cả những nỗi khổ ấy đều bắt nguồn từ kiến chấp bởi tâm tham, sân, si, kiêu mạn và nghi ngờ gây ra; rồi tự ràng buộc mình trong những hoài niệm quá khứ, những vọng tưởng tương lai và những sai lầm trong hiện tại. Cho nên, hôm nay chúng ta thành tâm phát nguyện sinh về Cực Lạc, nương theo thần lực của đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí, tu tập giải thoát khổ đau trong sinh tử luân hồi.

3/ Hạnh: Tức là thực hành hay là lối sống.

Đây là yếu tố thứ ba, yếu tố quan trọng nhất trong pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Cũng như chúng ta tin rằng ăn thì no bụng và cầu mong có bữa ăn ngon, nhưng nếu quý vị không chịu ăn thì sẽ không bao giờ no bụng được. Ở đây có bốn cách thực hành, tùy theo căn cơ, trình độ và sở thích, chúng ta có thể chọn cho mình một phương pháp thích hợp. Hoặc là chúng ta có thể áp dụng hết bốn phương pháp này và vận dụng sao cho phù hợp hoàn cảnh, cũng như tâm trạng của mình trong lúc niệm. Vấn đề cần lưu ý ở đây là phải siêng năng niệm Phật, niệm liên tục mới có tác dụng. Niệm Phật cũng giống như người cọ cây lấy lửa, nếu cọ một lát rồi nghỉ thì không thể có lửa được, mà phải cọ liên tục, lửa mới phát sinh. Sau đây tôi xin giới thiệu bốn phương pháp niệm Phật:

Phương pháp thứ nhất: Trì danh niệm Phật

Đây là phương pháp được nhiều người biết đến. Trì tức là nắm giữ. Nắm giữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật trong tâm mình, đừng để quên mất. Hoặc niệm thầm, hoặc niệm thành tiếng trong những lúc đi, đứng, nằm, ngồi, cho đến khi ăn uống hay làm việc cũng niệm. Niệm liên tục như thế, lâu dần câu Nam mô A Di Đà Phật hình thành trong tâm như một dòng nước chảy mãi không gián đoạn.

Có người niệm Phật ngoài miệng thôi, còn trong tâm thì đang suy nghĩ chuyện này chuyện nọ, đủ thứ chuyện hết. Niệm như thế thì chẳng có tác dụng gì cả, đến khi gặp chuyện chẳng may thì liền nghĩ rằng Phật không gia hộ. Nghĩ thế rồi chán nản, bỏ chí tu hành.

Vậy thì khi niệm Phật, chúng ta phải niệm bằng cả lòng thành khẩn thiết tha, tiếng niệm Phật hòa với tâm niệm của mình trở thành một dòng chảy. Nếu lỡ bị phan duyên, nghĩa là vọng tưởng hết chuyện này đến chuyện kia, thì liền lập tức tập trung tư tưởng trở lại với câu niệm Phật. Không nên khó chịu khi mình bị phan duyên như thế. Chúng ta nên biết rằng phan duyên là bản chất cố hữu rất khó diệt trừ. Nếu chấm dứt phan duyên, diệt trừ vọng tưởng thì chúng ta đã thành Phật rồi, không cần phải tu nữa đâu. Nếu bị vọng tưởng quấy nhiễu nhiều quá, thì chúng ta niệm thành tiếng lớn, rồi tai mình lắng nghe tiếng của mình; làm như thế là cách dễ dàng nhất để chặn đứng tâm vọng tưởng.

Nếu muốn kiểm tra xem mỗi ngày sự tinh tấn đến đâu, quý vị có thể vừa niệm vừa lần chuỗi hạt. Hôm nay niệm được 10 tràng chuỗi 108 hạt, nếu ngày mai ít hơn thì tự biết mình thiếu sự tinh tấn và phải nên khắc phục.

Chúng ta đừng cho rằng phương pháp này dễ thực hành mà sinh tâm xem thường. Ngày xưa thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ niệm một tiếng Phật, từ trong miệng ngài hiện ra một hóa Phật. Điều này chỉ có những ai chứng ngũ nhãn lục thông mới thấy được mà thôi. Cho nên, công phu niệm Phật tuy đơn giản nhưng diệu dụng không thể nghĩ bàn.

Phương pháp thứ hai: Quán tưởng niệm Phật

Quán nghĩa là gì? Quán tức là dùng mắt nhìn, dùng tâm hình dung tưởng nhớ rõ ràng hình sắc trang nghiêm của đức Phật A Di Đà ở trong tâm. Chúng ta quán chiếu thấy đức Phật A Di Đà toàn thân sắc vàng rực rỡ, đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, hào quang phóng ra chiếu sáng mười phương, tướng lông trắng giữa chặng mày to lớn, mắt Phật trong xanh như bốn biển… Ở trong ánh sáng ấy lại có nhiều hóa Phật, Bồ tát… Quán như vậy liên tục, tâm chúng ta cũng sinh an lạc, và sự thành tựu giống như phương pháp trì danh.

Phương pháp thứ ba: Quán tượng niệm Phật

Quán tượng là gì? Quán tượng khác với quán tưởng. Quán tượng tức là mắt nhìn hình tượng Phật một cách chăm chú. Thực hành theo phương pháp này thì chúng ta thiết lập một bàn thờ Phật, cúng dường hương hoa, chọn một tượng Phật bằng gỗ, bằng đồng, bằng giấy, bằng xi măng sơn thiếp trang nghiêm, lòng mình cảm thấy yêu thích; rồi ngồi trước tượng trong tư thế kiết già, hay bán già, hít thở đều đặn, nhẹ nhàng, và nhìn tượng Phật. Nhìn với lòng thành kính thiết tha, cầu mong đức Phật từ bi, đến lúc lâm chung phóng quang tiếp dẫn chúng ta sinh về thế giới Cực Lạc.

Phương pháp thứ tư: Thật tướng niệm Phật

Đây là phương pháp rất khó thực hành. Thật tướng của Phật là vô tướng, cho nên thật tướng niệm Phật chính là niệm mà không niệm, không niệm mà niệm, niệm niệm miên mật ở cảnh giới nhất tâm bất loạn. Ấy gọi là niệm Phật tam muội.

Pháp sư Đàm Hư có dạy: “Người niệm Phật tinh tấn, một niệm Nam mô A Di Đà Phật sẽ làm cho sáu giác quan thanh tịnh”. Vì sao như vậy? Bởi vì: Thứ nhất, mắt thường nhìn Phật nên nhãn căn thanh tịnh. Thứ hai, tai nghe tiếng niệm của mình và của đại chúng nên nhĩ căn thanh tịnh. Thứ ba, mũi ngửi biết mùi thơm của trầm hương nên tỷ căn thanh tịnh. Thứ tư, lưỡi cử động để niệm Phật nên thiệt căn thanh tịnh. Thứ năm, thân ở trong đạo tràng mà lạy Phật nên thân căn thanh tịnh. Thứ sáu, trong khi niệm, lạy, tâm chúng ta thường tưởng nhớ đến Phật nên ý căn thanh tịnh.

IV- Lợi ích

Nhờ những nhân duyên như thế, nên người niệm Phật thành tựu công đức liền hóa sinh trong hoa sen mà trong kinh nói là sẽ sinh vào “Cửu phẩm liên hoa”. Có phải cửu phẩm liên hoa gọi là chín phẩm hoa sen hay không? Không phải như vậy đâu. Mỗi phẩm hoa sen đều có Thượng phẩm, Thượng trung phẩm, Thượng hạ phẩm, Trung thượng phẩm, Trung trung phẩm, Trung hạ phẩm, Hạ thượng phẩm, Hạ trung phẩm, Hạ hạ phẩm. Thế nên chín phẩm hoa sen, chúng ta phải hiểu là 9 x 9 = 81 phẩm mới đúng. Người nào hóa sinh vào 81 phẩm hoa sen này nhất định sẽ giải thoát luân hồi, thẳng tới niết bàn của Phật.

Tám mươi mốt phẩm hoa sen này ở trong ao Bát công đức. Sao gọi là ao Bát công đức? Chúng ta sẽ tìm hiểu sau. Hoa sen trong ao Bát công đức sẽ nở ra và lớn nhỏ tùy vào công phu của chúng ta. Nếu tinh tấn niệm Phật thì hoa sen lớn lên, nở to, nhưng nếu công phu chúng ta giảm sút thì nó nhỏ dần, còn không niệm nữa thì nó héo tàn mất.

Niệm Phật giống như đem hạt minh châu bỏ vào trong nước, sẽ làm cho nước trong lặng và yên tĩnh. Một khi hóa sinh vào Cửu phẩm liên hoa, liền thành tựu quả vị Bất thoái chuyển. Sao gọi là quả vị Bất thoái chuyển?

1/ Vị bất thoái: Tức là chúng ta hóa sinh trong hoa sen; một khi hoa sen nở thì liền nghe pháp, chứng vô sanh pháp nhẫn, không còn đọa lạc.

2/ Hạnh bất thoái: Tức là công phu tu tập ở cõi Cực Lạc không bị giảm sút. Từ lúc sinh về đó cho đến khi thành Phật, công phu không bị những chướng duyên làm chúng ta nản chí, biếng nhác việc niệm Phật.

3/ Niệm bất thoái: Tức là trong sáu thời chúng ta đều tinh tấn niệm Phật.

4/ Cứu cánh bất thoái: Tức là một khi hóa sinh vào chín phẩm hoa sen thì vĩnh viễn không còn bị đọa lạc, hay bị trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi nữa.

Thiết nghĩ trong đời mạt pháp này, chúng ta gặp pháp môn dễ tu mà thành tựu được công đức không thể nghĩ bàn như thế thì thật không có gì sánh bằng. Cho nên, kinh Đại Tập có nói: “Thời mạt pháp ức ức người tu hành nhưng hiếm có một người đắc đạo. Duy chỉ nương theo pháp môn niệm Phật mới dễ dàng vượt thoát sinh tử khổ đau”.

V- Phán giáo

Phán giáo tức là bình luận và xếp loại Kinh Phật Thuyết A Di Đà này thuộc về tạng nào trong tam tạng giáo điển. Chỉ trả lời một cách vắn tắt rằng kinh này thuộc tạng kinh trong ba tạng kinh, luật, luận; và căn cứ vào ba thừa Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát thì kinh này thuộc Bồ tát thừa.

Theo lời Phật dạy thì sau khi các kinh bị diệt mất hết, chỉ còn Kinh Phật Thuyết A Di Đà là bản kinh tồn tại lâu nhất ở thế gian này độ thoát vô số chúng sinh.

VI- Dịch Giả

Nguyên đức Phật thị hiện là người Ấn Độ, cho nên ngôn ngữ thuyết kinh cũng được dùng theo tiếng Ấn Độ. Sau khi bản kinh này được truyền sang Trung Quốc, vào đời Dao Tần, ngài Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch sang chữ Hán. Đây là một công đức rất lớn. Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên biết vài nét về cuộc đời vị cao tăng dịch kinh nổi tiếng này.

Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập sinh năm 344 mất năm 413. Cha ngài tên Cưu Ma La Viêm, là một học giả uyên thâm, người từ Thiên Trúc di cư sang nước Quy Từ. Ông được nhà vua nghe danh kính mộ tôn làm Quốc sư, rồi đem người em gái tên Kỳ Bà gả cho. Kết quả mối lương duyên ấy đã hạ sinh ra ngài La Thập.

Năm 7 tuổi, ngài La Thập xuất gia và được Pháp sư Tu Da Lợi Tô Ma, bậc tinh thông kinh điển đại thừa làm thầy. Từ đó ngài Cưu Ma La Thập theo thầy học đạo, nghiên cứu Trung Luận, Bách Luận… mỗi ngày đọc tụng rất nhiều kinh kệ, hễ đọc đâu thì nhớ đó không bao giờ quên. Do đó, các triết gia ngoại đạo và các đại luận sư thường đến biện luận cùng ngài. Nhưng ba mươi sáu bàng môn, bảy mươi hai tả đạo đều bị ngài chiết phục. Chẳng bao lâu thì tài đức của ngài vang dội đến Tây Vực, tiếng tăm dậy khắp cả Trung Quốc.

Đến đời Hậu Tần, niên hiệu Hoằng Thỉ thứ 3 (401), vua Tần là Diêu Hưng sai sứ nghinh đón ngài về kinh đô Trường An tôn làm Quốc sư, sắp xếp ở lầu Tây Minh và vườn Tiêu Dao để chuyên dịch kinh. Lúc bấy giờ chư tăng theo ngài học có đến 3.000 vị. Trong đó có những vị nổi tiếng như Đạo Sinh, Tăng Triệu, Đạo Dung, Tăng Duệ, Đạo Hằng, Tăng Ảnh, Tuệ Quán, Tuệ Nghiêm, là 8 vị tài năng xuất chúng.

Theo Cao Tăng Dị Truyện, ngài thị tịch vào niên đại Hoằng Thỉ thứ 15 (413) đời Hậu Tần, trụ thế 70 tuổi. Trước khi thị tịch, ngài vân tập đồ chúng, dặn dò và dạy rằng: “Sau khi tôi mệnh chung, hãy đem nhục thân của tôi hỏa thiêu. Nếu quả thật các kinh điển do tôi phiên dịch không có điều gì sai sót với lời Phật dạy thì lưỡi của tôi không bị cháy”. Quả nhiên, sau khi thiêu xong, người ta thấy lưỡi của ngài còn nguyên màu hồng tươi. Điều này chứng minh ngài dịch kinh thật chính xác.

Ở đây, để tiện việc giảng thuật, tôi cũng mạo muội tra cứu và dịch bản Kinh Phật Thuyết A Di Đà từ bản chữ Hán sang chữ Việt. Trong quá trình dịch, tôi có tham khảo các bản dịch của chư vị trưởng bối, nhưng chưa dám chắc đúng hoàn toàn với lời Phật ý tổ, nếu vị nào nhận thấy điều thiếu sót xin hãy chỉ giáo cho.

Thích Huyền Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *