Kinh Phật Thuyết A Di Đà giảng thuật – phần 08

Tác giả: Thích Huyền Châu

KINH PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ GIẢNG THUẬT, PHẦN 08 – THÍCH HUYỀN CHÂU CHỦ GING

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Bỉ Phật quốc độ vi phong suy động, chư bảo hàng thọ, cập bảo la võng, xuất vi diệu âm, thí như bá thiên chủng nhạc đồng thời câu tác, văn thị âm giả, tự nhiên giai sanh: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng chi tâm.

Dịch nghĩa:

Xá Lợi Phất! Cõi nước Phật kia, gió nhẹ lay động các hàng cây báu và lưới báu, phát ra âm thanh vi diệu, giống như trăm ngàn thứ âm nhạc đồng trỗi một lượt. Ai nghe tiếng này rồi, tự nhiên đều sinh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Giảng:

Ngoài Pháp âm vi diệu ngày đêm vang vọng như tiếng hải triều, ở thế giới Cực Lạc còn có gió nhẹ mát mẻ thường thổi qua làm lay động những hàng cây và lưới báu, phát ra âm thanh du dương thánh thót giống như trăm ngàn điệu nhạc hòa tấu, khiến cho ai nghe được tiếng ấy cũng đều sinh tâm hoan hỷ niệm: Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Pháp, Nam mô A Di Đà Tăng.

Qua ý nghĩa câu kinh trên, chúng ta thấy âm nhạc có sức chuyển hóa rất lớn. Nếu chúng ta biết phát huy một nền âm nhạc Phật giáo mạnh mẽ thì việc hoằng dương chánh pháp sẽ có hiệu quả rất tốt. Nền âm nhạc Phật giáo cổ truyền Việt Nam chúng ta hiện nay đang ở vào giai kỳ cổ kính. Phần nhiều là dùng âm nhạc để phục vụ xu hướng cầu nguyện hơn là giáo dục kẻ còn người mất. Nếu âm nhạc Phật giáo được cách tân đúng nghĩa, sáng tác những ca khúc thâm trầm thể hiện chiều sâu thiền định và giải thoát thì quí hóa biết bao. Thế nên, tôi hy vọng những người yêu âm nhạc hãy lưu ý vấn đề này.

Rõ ràng âm nhạc có sức tác động rất nhiều trong việc tịnh hóa tâm hồn chúng sinh, khiến người nghe sinh tâm hoan hỷ. Chính nhờ tâm hoan hỷ ấy, một câu niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng có sức lắng đọng sâu thẳm. Đây lại thêm một vấn đề để chúng ta lưu ý. Hằng ngày chúng ta bận rộn trăm công ngàn việc, tối đến niệm Phật cũng chỉ đủ làm cho tâm hồn lắng dịu, chứ thật sự chưa thể gọi là lắng sâu. Còn nếu với tâm phiền muộn, lo toan thì niệm Phật cũng để giải tỏa phần nào cái tâm lao nhọc ấy, chứ chưa thể gọi là niệm Phật cầu vãng sinh. Cho nên nói ngồi giữa thành thị náo nhiệt niệm Phật một trăm câu, không bằng niệm một câu Phật trong chốn thâm sơn cùng cốc. Thế nên người niệm Phật giữa cuộc đời náo nhiệt, tốt nhất nên thiết lập đạo tràng, cùng tu với đại chúng là vậy.

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Kỳ Phật quốc độ thành tựu như thị công đức trang nghiêm.

Dịch nghĩa:

Xá Lợi Phất! Cõi nước Phật kia thành tựu công đức trang nghiêm như thế.

Giảng:

Đây cũng là câu kinh kết thúc một khía cạnh mô tả cảnh giới nhiệm mầu ở Tây phương Cực Lạc. Chúng ta qua kinh văn tiếp theo.

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Ư nhữ ý vân hà? Bỉ Phật hà cố hiệu A Di Đà?

Dịch nghĩa:

Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao? Tại sao đức Phật kia có tên là A Di Đà?

Giảng:

Ở chương I, tôi đã giải thích qua ý nghĩa hồng danh A Di Đà rồi. Ở đây theo kinh văn, đức Phật Thích Ca hỏi Trưởng lão Xá Lợi Phất: “Tại sao đức Phật kia có tên là A Di Đà?” Tuy Phật hỏi như thế, nhưng ngài Xá Lợi Phất giữ sự im lặng. Vì sao thế? Phải chăng cảnh giới mầu nhiệm của đức Phật A Di Đà, dù một bậc đại trí thuộc hàng Thanh văn như ngài cũng không thể hình dung được? Thế mới hay cõi Cực Lạc quá ư tuyệt hảo, mầu nhiệm mà đức Phật Thích Ca đã thương xót chỉ dạy cho đệ tử của mình. Đức Phật liền nói tiếp:

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Bỉ Phật quang minh vô lượng, chiếu thập phương quốc, vô sở chướng ngại, thị cố hiệu vi A Di Đà.

Hựu Xá Lợi Phất! Bỉ Phật thọ mạng, cập kỳ nhân dân, vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp, cố danh A Di Đà.

Dịch nghĩa:

Xá Lợi Phất! Đức Phật kia có hào quang vô lượng, chiếu suốt mười phương cõi nước không bị chướng ngại, cho nên có tên là A Di Đà.

Lại này Xá Lợi Phất! Mạng sống của Phật kia và nhân dân của ngài dài vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp, cho nên có tên là A Di Đà.

Giảng:

Đức Thế Tôn trả lời câu hỏi trên bằng hai câu kinh. Hai câu nói lên hai điều bất khả tư nghì của đức Phật có hồng danh A Di Đà.

Câu thứ nhất giải thích rằng, đức Phật kia có hào quang vô lượng, không thể nào tính đếm mà biết được. Hào quang của Phật kia lại có khả năng chiếu suốt đến mười phương cõi nước không bị ngăn ngại. Ngay cả núi thiết vi u ám, hay địa ngục tối tăm, hào quang của ngài cũng chiếu tới. Chúng ta biết, ánh sáng mặt trời có khả năng chiếu sáng vô cùng, nhưng cũng chỉ giới hạn trong một mức nào đó thôi. Nếu chúng ta lặn sâu dưới đáy đại dương, ánh sáng mặt trời sẽ không thể chiếu tới được. Còn hào quang của Phật kia thì soi chiếu tất cả, không vật cản nào có thể ngăn ngại ánh hào quang của ngài. Mặt khác, ánh mặt trời chiếu tới đâu thì tạo ra sự nóng bức đến đó, còn hào quang của Phật soi sáng nơi nào thì nơi ấy trở nên huyền nhiệm, mát mẻ vô cùng. Do vì lẽ đó nên đức Phật kia có tôn hiệu là A Di Đà.

Còn câu kinh thứ hai có nghĩa thế nào? Trước tiên, chúng ta tìm hiểu danh từ chỉ thời gian “A tăng kỳ kiếp”. Từ Cổ Phật Thích Ca đến đức Bảo Tích Như Lai có bảy mươi lăm ngàn vị Phật ra đời, chúng ta gọi là A tăng kỳ kiếp thứ nhất. Từ đức Phật Bảo Tích đến đức Phật Nhiên Đăng có bảy mươi sáu ngàn Phật ra đời, chúng ta gọi là A tăng kỳ kiếp thứ hai. Rồi từ đức Phật Nhiên Đăng đến đức Thánh Quan Như Lai có bảy mươi bảy ngàn vị Phật ra đời, chúng ta gọi là A tăng kỳ kiếp thứ ba. Thời gian giữa mỗi vị Phật ra đời kéo dài hàng triệu năm.

Ngày xưa, đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi chưa thành đạo phải mất ba A tăng kỳ kiếp thực hành hạnh Bồ tát, thường hy sinh thân mạng để làm lợi ích hết thảy chúng sinh. Theo ước tính khoa học thì một đại kiếp (Đk) gồm có bốn trung kiếp (Tk), một trung kiếp có hai mươi tiểu kiếp (tk) và một tiểu kiếp là mười sáu triệu năm. Như vậy, số năm của một đại kiếp là:  Đk = 4 x 20 x 16,000,000 = 1,280,000,000 năm. Một trung kiếp là: Tk = 20 x 16,000,000 = 320,000,000 năm. Số năm của ba A tăng kỳ kiếp gồm một đại kiếp, một trung kiếp, và một tiểu kiếp, là: Đk + Tk + tk = 1,280,000,000 + 320,000,000 + 16,000,000 = 1,616,000,000 năm (một ngàn sáu trăm mười sáu triệu năm). Như vậy, ba A tăng kỳ kiếp là gồm khoảng thời gian lâu dài vô tận.

Vậy mà “mạng sống của Phật kia và nhân dân của ngài dài vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp”, khoảng thời gian lâu dài này chúng ta không thể nào hình dung, tính toán mà biết được. Và cũng chính vì thế nên ngài có hiệu A Di Đà.

Hai câu kinh trên đã giải thích rất rõ ràng ý nghĩa tôn hiệu A Di Đà. Nếu chúng ta được vãng sinh về thế giới này thì không có gì hạnh phúc hơn. Ở đời, không có sự bất hạnh nào bằng kiếp sống trong thế giới tối tăm, mù lòa; không có nỗi đau nào hơn khi phải đón nhận sinh ly tử biệt. Nhưng một khi vãng sinh Cực Lạc thì chúng ta được sống trong ánh hào quang chiếu dịu của Phật A Di Đà, được hạnh phúc tu tập trong niềm an lạc trường thọ và sức khỏe. Thật hạnh phúc thay!

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! A Di Đà Phật thành Phật dĩ lai ư kim thập kiếp.

Hựu Xá Lợi Phất! Bỉ Phật hữu vô lượng vô biên Thanh văn đệ tử, giai A la hán, phi thị toán số chi sở năng tri. Chư Bồ tát chúng, diệc phục như thị.

Dịch nghĩa:

Này Xá Lợi Phất! Phật A Di Đà thành Phật đến nay đã mười kiếp.

Lại này Xá Lợi Phất! Đức Phật kia có vô lượng vô biên chúng đệ tử Thanh văn đều là bậc A la hán, không thể tính đếm mà biết được. Các chúng Bồ tát cũng nhiều như thế.

Giảng:

Chữ “kiếp” tiếng Phạn là Kiếp ba (Kalpa) nghĩa là thời phận, tức việc phân chia ranh giới của thời gian. Thời gian ở đây được tính theo chu kỳ “thành, trụ, hoại, không” của thế giới. Kiếp “thành” là thời kỳ thế giới được thành lập. Kiếp “trụ” là sau khi thế giới đã thành hình và có các loài hữu tình chung sống ở đó. Kiếp “hoại” là giai đoạn thế giới bị hủy hoại. Và kiếp “không” là thời kỳ thế giới hoại diệt không còn lại gì cả. Mỗi thời kỳ như vậy kéo dài 20 tiểu kiếp.

Chữ “kiếp” trong kinh văn chúng ta nên hiểu là một đại kiếp, tức khoảng một ngàn hai trăm tám mươi triệu năm. Đức A Di Đà thành Phật đến nay đã mười kiếp. Nếu tính ra thì ngài từ khi thành Phật đến nay khoảng mười ngàn hai trăm tám mươi triệu năm. Con số này chúng ta nên hiểu theo một góc độ ước tính mà thôi. Đã trải qua mười kiếp rồi, đức Phật A Di Đà vẫn ngày đêm sáu thời thuyết pháp, phóng quang tiếp dẫn chúng sinh.

Đức Phật A Di Đà còn có vô lượng vô biên đệ tử thuộc hàng Thanh văn. Họ đều chứng quả A la hán, tức là quả vị ra khỏi kiếp sống sanh tử, không còn tái sinh trong lục đạo nữa. Họ đã giải thoát luân hồi. Số lượng này không thể tính đếm mà biết được. Còn các vị Bồ tát cũng đông vô lượng vô biên như thế. Đặc biệt, bên cạnh đức Phật A Di Đà có hai vị Bồ tát thượng thủ ấy là đức Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, thường xuyên thay Phật giáo hóa chúng sinh tu hành.

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Bỉ Phật quốc độ thành tựu như thị công đức trang nghiêm.

Dịch nghĩa:

Xá Lợi Phất! Cõi nước Phật kia thành tựu công đức trang nghiêm như thế.

Giảng:

Đức Phật A Di Đà, chư vị Bồ tát, các bậc Thanh văn A la hán ở thế giới Cực Lạc nhiều vô số kể. Kiếp sống ở đây có thọ mạng lâu dài vô lượng vô biên. Hào quang của Phật chiếu soi khắp mười phương các cõi. Tất cả sự thành tựu ấy đều là cảnh giới được thiết lập từ hạnh nguyện của Phật A Di Đà. Thật là cảnh giới trang nghiêm mầu nhiệm!

Kinh văn:

Hựu Xá Lợi Phất! Cực lạc quốc độ chúng sanh sanh giả, giai thị a bệ bạt trí, kỳ trung đa hữu nhất sanh bổ xứ, kỳ số thậm đa, phi thị toán số, sở năng tri chi, đản khả dĩ vô lượng vô biên A tăng kỳ thuyết.

Dịch nghĩa:

Lại này Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực lạc, chúng sinh vãng sanh về đó đều là bậc bất thoái chuyển. Trong đó có nhiều bậc nhất sinh bổ xứ, số ấy rất đông, đến nỗi chẳng thể tính đếm mà biết được, chỉ có thể dùng số vô lượng vô biên a tăng kỳ để nói.

Giảng:

Đoạn kinh chuyển tải giáo nghĩa nhiệm mầu, một cảnh giới siêu tuyệt mà chúng ta không thể nghĩ bàn được. Ở đây, đức Phật Thích Ca Mâu Ni khẳng định giá trị việc cầu sinh Tịnh độ. Nếu chúng ta làm nhiều việc phước thiện để cầu sinh lên các cõi trời thì cũng sẽ được như ý. Tuy nhiên, ở cõi trời có sung sướng bao nhiêu đi nữa, nhưng một khi hết phước thì vẫn phải rơi xuống làm người, làm ngạ quỷ, làm súc sinh… Nếu làm người mà chẳng biết tu hành, hằng ngày gây nhiều tội báo, bất hiếu với cha mẹ, phỉ báng Tam bảo, phá hoại sự hòa hợp của tăng chúng… thì phải đọa vào địa ngục mà thôi. Vì thế, chúng ta không nên cầu sinh lên các cõi trời để làm gì, vì nó vẫn còn nằm trong vòng sinh tử khổ đau. Chúng ta hãy phát tâm tinh tấn niệm Phật A Di Đà, cầu sinh Tịnh độ. Vì một khi vãng sanh về Cực Lạc thì liền thành tựu quả vị Bất thoái chuyển. Bất thoái chuyển có bốn nghĩa, chúng ta đã biết ở chương I rồi, tôi không nhắc lại nữa.

Trong những người thành tựu quả Bất thoái chuyển ấy, có rất nhiều bậc “nhất sinh bổ xứ”. Sao gọi là “nhất sinh bổ xứ”? Vì một lần vãng sanh Cực Lạc, mặc dù chưa chứng quả Thánh, nhưng vĩnh viễn không còn trôi lăn trong sinh tử nữa. Và cũng từ đó tu hành cho đến khi thành Phật mới thôi. Cho nên chúng ta có thể nói thế giới Cực Lạc là cõi “nhất sinh bổ xứ”. Một người vãng sanh là một người giải thoát. Trải qua mười kiếp đức Phật A Di Đà thành tựu đại nguyện đến nay, chúng sinh vãng sanh về đó và trở thành bậc “nhất sinh bổ xứ” nhiều vô số kể, chẳng thể hình dung được con số nhiều bao nhiêu, nên chỉ có thể nói là “vô lượng vô biên A tăng kỳ” mà thôi. Bởi vậy, chúng ta nên nhớ kỹ, hiểu rõ giá trị nhiệm mầu của đoạn kinh này để giữ vững niềm tin và hãy một lòng cầu sinh Cực Lạc.

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Chúng sanh văn giả, ưng đương phát nguyện, nguyện sanh bỉ quốc. Sở dĩ giả hà? Đắc dữ như thị chư thượng thiện nhân câu hội nhứt xứ.

Dịch nghĩa:

Xá Lợi Phất! Chúng sanh nghe được điều này, phải nên phát nguyện, nguyện sanh về nước kia. Tại sao thế? Vì được sống chung một chỗ với các bậc thượng thiện nhân.

Giảng:

Đức Phật Thích Ca dạy chúng ta khi nghe được điều này thì hãy nên phát nguyện sinh về thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà. Ngày xưa, đức Phật cũng khuyên vua cha Tịnh Phạn của mình niệm Phật cầu sinh Tịnh độ. Hôm nay chúng ta vâng lời thánh giáo, vậy hãy mau phát nguyện sinh về Cực Lạc. Vì sao chúng ta nên nguyện sinh Cực Lạc? “Vì được sống chung một chỗ với các bậc thượng thiện nhân”. Bậc thượng thiện nhân tức chỉ cho hàng Bồ tát, các vị A la hán. Đây là một yếu tố khá quan trọng, có ảnh hưởng nhất định đến đời sống tâm linh chúng ta.

Ông bà ta thường nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nếu gần gũi thầy xấu bạn ác thì chúng ta sẽ bị nhiễm thói hư tật xấu của họ. Người bạn xấu thường hay giả vờ thân thiện để lấy lòng chúng ta. Ấy là người đa ngôn xảo mép, trước mặt nịnh hót, sau lưng chê trách, và thích ăn tiêu xa xỉ. Chơi với bạn xấu như đi trong đêm sương, tuy không ướt áo nhưng thấm lạnh hồi nào không hay. Hãy thận trọng điều này, chớ có kiêu mạn nghĩ rằng mình thừa bản lĩnh, dư lập trường mà không lưu ý nhé!

Ngược lại, chúng ta nên thân cận thầy hiền bạn tốt, nên gần gũi các bậc thiện tri thức để học hỏi, tu sửa thân tâm. Người bạn tốt là người có cá tính chánh trực, biết khéo léo ngăn cản khi chúng ta làm điều sai quấy, biết lựa chỗ vắng người để giữ thể diện khi khuyên bảo, góp ý với chúng ta. Người bạn tốt luôn có lòng thương tưởng, che chở, hoan hỷ ủng hộ khi thấy chúng ta làm điều lợi ích, phước thiện. Người bạn tốt biết chia sẻ nỗi niềm khi chúng ta gặp cảnh khó khăn, luôn thể hiện lòng bao dung tha thứ khi chúng ta thất bại, không ích kỷ tỵ hiềm khi thấy bạn mình thành đạt. Còn người thầy tốt là người biết hướng dẫn chúng ta đi trên con đường chân chính, quy ngưỡng Tam bảo phát tâm vô thượng. Người thầy tốt luôn sẵn lòng chỉ vẽ điều hay lẽ phải, nhắc nhở học trò tinh tấn tu tập sao cho ngày một tiến bộ. Cho nên, thân cận thiện tri thức, gần gũi thầy hiền bạn tốt là một nhân lành đưa đến an lạc, chúng ta nên lưu ý vấn đề này.

Ở đây, khi vãng sinh chúng ta được ở chung một chỗ với các bậc thượng thiện nhân. Xung quanh chúng ta đều là những con người thánh thiện, đều là những bậc Bất thoái chuyển. Nhờ nhân duyên thù thắng này, chúng ta được sự dạy bảo và nhắc nhở cho nên tu tập nhanh chóng thành tựu đạo quả. Thật là diễm phúc khi được sống trong môi trường như thế!

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc.

Dịch nghĩa:

Này Xá Lợi Phất! Không nên cho rằng có chút ít nhân duyên phước đức căn lành mà sanh về nước kia được đâu.

Giảng:

Đây là một câu kinh cảnh tỉnh những người ỷ lại, vì cho rằng niệm Phật quá đơn giản nên dễ dàng được vãng sinh Tịnh độ, chẳng cần phải siêng niệm Phật. Chúng ta biết khi lâm chung, thân thể đau nhức như trăm ngàn mũi kim đâm vào. Cõi tử biệt mênh mông, một đi không trở lại. Còn những hoài bão chưa làm xong, trong tâm đầy những lo toan, thân quyến cốt nhục vĩnh viễn chia lìa. Nào tài sản, nào vợ con, nào danh vọng, nào nghiệp báo hiện về trong tâm thức… Có vô số nhân duyên khiến chúng ta phân tán tư tưởng, lúc lâm chung có người sợ hãi vì lúc sinh tiền gây nhiều oan khiên cho kẻ khác, có người tham luyến tiền của, danh vọng, ái tình… mà ra đi không đành. Cho nên lúc ấy một chữ Phật cũng không nhớ nổi, chứ đừng nói chi đến mười niệm A Di Đà. Chúng ta đừng nghĩ rằng chỉ niệm mỗi ngày vài tiếng Phật mà có thể vãng sinh. Vì thế, người có sự hiểu biết thì không đợi việc đến nơi mới lo nghĩ tới, mà ngay khi còn khỏe mạnh phải thể hiện trọn vẹn tín hạnh nguyện, gieo trồng đủ căn lành mới tin chắc vãng sanh Tịnh độ.

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn, văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhứt nhựt, nhược nhị nhựt, nhược tam nhựt, nhược tứ nhựt, nhược ngũ nhựt, nhược lục nhựt, nhược thất nhựt, nhứt tâm bất loạn. Kỳ nhơn lâm mạng chung thời, A Di Đà Phật dữ chư thánh chúng, hiện tại kỳ tiền, thị nhơn chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật Cực lạc quốc độ.

Xá Lợi Phất! Ngã kiến thị lợi, cố thuyết thử ngôn, nhược hữu chúng sanh văn thị thuyết giả, ưng đương phát nguyện, sanh bỉ quốc độ.

Dịch nghĩa:

Này Xá Lợi Phất! Nếu có hàng thiện nam thiện nữ nào nghe nói về Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu ngài, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn. Người ấy khi lâm chung thấy Phật A Di Đà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mặt. Khi chết, người ấy tâm không điên đảo, liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà.

Xá Lợi Phất! Ta thấy những điều lợi ấy nên nói như vậy, nếu có chúng sanh nào nghe lời nói đây, phải nên phát nguyện sanh về nước kia.

Giảng:

Kinh văn này đức Phật nói về điều kiện cần và đủ để một chúng sinh vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Chúng ta chia làm ba câu để dễ phân tích.

Câu thứ nhất: “Này Xá Lợi Phất! Nếu có hàng thiện nam thiện nữ nào nghe nói về Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu ngài, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn”. Chúng ta hiểu câu này thế nào?

Hàng thiện nam thiện nữ ở đây không nhất thiết phải là người Phật tử mà ấy là những con người lương thiện. Dù thiếu thời lỡ tạo ác nghiệp, nhưng biết sám hối cũng có thể gọi là người thiện. Anh đồ tể buông đao lập chí tu hành cũng là người phục thiện. Người lương thiện không làm những điều ác hãm hại chúng sinh, ngược lại còn biết làm việc lành giúp đỡ mọi người và biết giữ tâm hồn mình trong sạch nữa.

Những người như vậy khi nghe nói về sức chuyển hóa mầu nhiệm, sức diệu dụng thần kỳ của hồng danh Nam mô A Di Đà Phật mà phát tâm chấp trì danh hiệu Phật. “Chấp” tức là chấp thọ, “trì” tức là giữ gìn. “Chấp trì danh hiệu” tức là chấp thọ chắc chắn và nhớ niệm giữ gìn danh hiệu Phật ở mãi trong tâm. Khi đi đứng, lúc nằm ngồi không quên mất danh hiệu Phật. Chấp trì như thế hoặc là một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày cho đến bảy ngày, tức là không nhất thiết phải đủ bảy ngày. Chỉ cần một ngày rồi một ngày nữa cũng được, nhưng người ấy cứ niệm niệm như thế sao cho đến chỗ nhất tâm bất loạn. Niệm Phật đến chỗ nhất tâm bất loạn là một việc rất khó làm. Trong suốt thời gian ít nhất là một ngày, có thể ngồi bất động, có thể làm nhiều việc khác, nhưng tâm chúng ta niệm niệm không rời câu Nam mô A Di Đà Phật ấy gọi là nhất tâm. Bất loạn, tức là trong lúc niệm như thế hoàn toàn không có một vọng tưởng nổi lên xen vào, trong tâm cũng không có nghĩ ngợi bất cứ chuyện gì hết. Một dòng Nam mô A Di Đà Phật chảy mãi trong tâm không đứt đoạn, ấy gọi là nhất tâm bất loạn. Đây là cảnh giới niệm Phật tam muội.

Có người trong lúc đang nói chuyện, đang làm việc, tự nhiên nghe trong tâm mình niệm Phật. Ấy chính là biểu hiện của nhất tâm.

Câu thứ hai: “Người ấy khi lâm chung thấy Phật A Di Đà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mặt. Khi chết, người ấy tâm không điên đảo, liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà”.

Khi lâm chung, trong tâm chúng ta có ba biểu hiện cần phải ghi nhớ. Vì đó là cơ hội để chúng ta giải thoát:

Thứ nhất, vào lúc hơi thở vừa dứt hẳn, khí dương trên đầu đi xuống, khí âm dưới chân đi lên. Hai luồng chân khí ấy hợp lại thành nguyên khí hội tụ ở tim. Lúc ấy, người chết thấy một đạo ánh sáng gọi là Thường tịch quang pháp thân hiện ra rực rỡ và kéo dài độ chừng ba phút. Liền khi đó, chúng ta theo ánh sáng Pháp thân mà đi thì được giải thoát. Nếu tâm chúng ta còn lưu luyến thế gian thì bỏ mất cơ hội giải thoát thứ nhất.

Thứ hai, sau khi ánh sáng Thường tịch quang pháp thân mất đi, người chết rơi vào bóng tối mờ mịt, thời gian kéo dài mất tám giờ đồng hồ đến khi thần thức rời khỏi thể xác. Ngay lúc thần thức rời khỏi thể xác thì ánh sáng Pháp thân lần thứ hai hiện ra. Đây là cơ hội giải thoát lần thứ hai, chúng ta phải theo ánh sáng đi nhanh, đừng tham sân luyến chấp chuyện gì nữa hết. Nếu không thì mất cơ hội giải thoát lần thứ hai.

Thứ ba, thân trung ấm có mười bốn ngày sống trong Trung ấm pháp tính, lúc ấy có chư Phật và Thánh chúng phóng hào quang tiếp dẫn và sáu nẻo luân hồi hiện ra. Bấy giờ thân trung ấm nhận thấy các cõi trời, cõi người, cõi a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh luân phiên hiện ra hết cảnh giới này đến cảnh giới khác. Trong quá trình ấy, hào quang của Phật A Di Đà và Thánh chúng cũng luôn phóng tới tiếp dẫn, nếu người ấy biết niệm mười niệm Nam mô A Di Đà Phật thì liền được vãng sanh. Đây là cơ hội vãng sanh cuối cùng, nhất định không nên để mất.

Lưu ý, mỗi lần ánh sáng xuất hiện thì tội nghiệp trừ khử bớt đi, nếu không kịp thời nắm lấy cơ hội giải thoát này thì người chết lạc vào Trung giới, hóa thành hương linh mang thân trung ấm. Thân này có tuổi thọ chỉ có bảy ngày. Mỗi lần chết là mỗi lần thay đổi hành nghiệp. Sống chết bảy lần như thế là đến kỳ định nghiệp thọ sinh. Cho nên việc cầu siêu thất thất trai tuần trong bốn mươi chín ngày rất hữu ích. Thân này hoạt động nhanh chóng như tư tưởng, di chuyển tự do ra vào tất cả các nơi, chỉ trừ tử cung và tòa kim cang Phật. Tức là thân trung ấm khi lỡ chui vào tử cung thì bị tù hãm trong đó, muốn đi ra cũng không được nữa. Hoặc khi di chuyển may phước chạm vào tòa kim cang của Phật thì liền được giải thoát.

Do đó, thân bằng quyến thuộc hãy giúp người sắp mạng chung bằng cách hộ niệm. Từ lúc người thân sắp tắt thở cho đến tám giờ đồng hồ sau, nhất định chúng ta không nên làm gì cả ngoài việc tập trung quanh người ấy mà niệm Phật. Hàng thân quyến bấy giờ hãy nên kềm nén cơn đau buồn và lo chuyên tâm niệm Phật, chứ đừng khóc than vô ích. Vì làm như thế chỉ tăng thêm sự luyến chấp, người sắp chết ra đi không đành, ở lại không xong, chẳng có lợi ích chi cả. Lúc này chúng ta nên thỉnh một vị tăng chủ trì hộ niệm là tốt nhất.

Sau mười bốn ngày thì hương linh bắt đầu rơi vào Trung ấm tái sinh. Hương linh có thân cao ba trượng, sống trong cảnh tối tăm muôn phần khổ não lo toan như kẻ không nhà cửa, lang thang cơ nhỡ, lòng lúc nào cũng hướng về người thân mong họ làm chút ít việc thiện hồi hướng công đức.

Khi cha mẹ làm việc giao phối, có một ánh sáng nhỏ như đầu cây kim lóe lên, bấy giờ hương linh thấy thế khởi lòng dục chạy đến nhập thai. Luyến ái người mẹ sinh làm thân nam, yêu thích người cha sinh làm người nữ. Trước khi nhập thai, nếu là cõi trời thì thân trung ấm từ từ chuyển thành hình dạng thiên chúng rồi đầu thai. Cũng vậy, nếu có duyên với con người thì thân trung ấm cũng chuyển thành thân người trước khi nhập thai. Các cõi a tu la, địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh cũng tương tự như vậy.

Nói đến đây tôi nhớ đến một điều rất quan trọng đối với người trước phút lâm chung. Đức Phật A Di Đà lúc còn tu hành có phát bốn mươi tám lời nguyện. Trong ấy nguyện thứ mười tám có nội dung thế này: Khi tôi thành Phật, mười phương chúng sanh chí tâm tín ngưỡng, muốn sanh về cõi nước tôi, cho đến trong 10 niệm (lúc lâm chung), nếu chẳng được sanh về (trừ khi họ phạm tội ngũ nghịch, hủy báng Chánh pháp), tôi thề không chứng quả Chánh Giác”.  Căn cứ theo lời nguyện này thì trong lúc lâm chung, chúng ta chỉ cần ráng niệm đủ mười niệm Nam mô A Di Đà Phật sẽ được vãng sanh, trừ những người mắc phải tội giết cha, giết mẹ, giết bậc A la hán, làm cho thân Phật chảy máu, phá hoại sự hòa hợp của tăng chúng và hủy báng Tam bảo.

Trở lại kinh văn, người niệm Phật khi sắp lâm chung sẽ thấy Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí và chư Thánh chúng hiện ra trước mặt. Chúng ta đừng lo rằng ma có thể giả Phật. Vì hào quang, hình ảnh Phật A Di Đà và chư Thánh chúng không ma vương nào có thể giả được. Khi Phật hiện trước mặt, phóng quang tiếp dẫn, tâm chúng ta sẵn có nguyện tha thiết cầu sinh về Cực Lạc, lòng không đảo điên chuyện đời phù phiếm, nhất tâm niệm Phật thì liền được vãng sanh về thế giới của Phật A Di Đà, hóa thân một trong tám mươi mốt phẩm hoa sen, sống đời chân hạnh phúc.

Câu thứ ba: “Xá Lợi Phất! Ta thấy những điều lợi ấy nên nói như vậy, nếu có chúng sanh nào nghe lời nói đây, phải nên phát nguyện sanh về nước kia”.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một bậc nhất thiết trí có trí tuệ vô biên, sự hiểu biết của Phật hàng phàm phu chúng ta không thể nào hình dung được. Hôm nay đức Phật thấy những lợi ích không thể nghĩ bàn trong việc vãng sanh về thế giới của Phật A Di Đà, cho nên khuyên chúng ta phải nên phát nguyện cầu sinh Tịnh độ. Muốn vãng sanh thì phải hội đủ ba yếu tố: tín, nguyện và hạnh như đã trình bày trong phần Minh tông ở chương I.

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Như ngã kim giả, tán thán A Di Đà Phật, bất khả tư nghì công đức chi lợi.

Đông phương diệc hữu A Súc Bệ Phật, Tu Di Tướng Phật, Đại Tu Di Phật, Tu Di Quang Phật, Diệu Âm Phật, như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật, các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng, biến phú tam thiên đại thiên thế giới, thuyết thành thiệt ngôn: “Nhữ đẳng chúng sanh, đương tín thị xưng tán bất khả tư nghị công đức, nhứt thiết chư Phật sở hộ niệm kinh”.

Dịch nghĩa:

Xá lợi Phất! Như ta hôm nay ngợi khen công đức không thể nghĩ bàn của Phật A Di Đà.

Ở phương Đông cũng có Phật A Súc Bệ, Phật Tu Di Tướng, Phật Đại Tu Di, Phật tu Di Quang, Phật Diệu Âm; giống như vậy, hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy: “Chúng sinh các ngươi phải nên tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn và kinh được tất cả chư Phật hộ niệm này”.

Giảng:

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo với Trưởng lão Xá Lợi Phất rằng như hôm nay Ngài khen ngợi, tán thán công đức không thể nghĩ bàn của Phật A Di Đà thì ngay lúc này đây mười phương chư Phật cũng đồng nói lời khen ngợi như Ngài vậy. Sự khen ngợi công đức này, ở phương Đông điển hình có năm vị Phật:

Đức Phật A Súc Bệ: Đây là đức Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật, cũng gọi là Bất Động Phật, nghĩa là Pháp thân thường trú bất động. Đại ý tôn hiệu Phật này nói về trí Phật như như bất động, nhưng chiếu khắp thế gian. Ai niệm danh hiệu và cúng dường đức Phật này thì có nhiều sức khỏe và thân tướng đẹp đẽ.

Đức Phật Tu Di Tướng: Nghĩa là tướng Phật vi diệu như núi Tu Di. Núi Tu Di tiếng Trung Hoa dịch là núi Diệu Cao, là hòn núi lớn giữa biển, được làm bằng bốn báu. Cõi chúng ta sống ở bên hướng Nam chân núi này nên gọi là Nam Thiện Bộ Châu.

Đức Phật Đại Tu Di: Ý nói công đức của Phật cao lớn vời vợi như núi Đại Tu Di.

Đức Phật Tu Di Quang: Nghĩa là ánh sáng trí tuệ của Phật chiếu khắp vô biên cõi nước, rộng lớn như núi Tu Di vậy.

Đức Phật Diệu Âm: Âm thanh của đức Phật vô cùng vi diệu, hùng dũng như tiếng hải triều, mạnh mẽ như tiếng sư tử hống.

“Giống như vậy, hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài”. Tướng lưỡi rộng dài ở đây chúng ta nên hiểu là tướng của âm thanh, của lời nói. Tướng lưỡi rộng dài của con người được biểu hiện dưới dạng sóng vô tuyến. Nhấc máy điện thoại lên nói một câu, bên kia đại dương cũng nghe được, thậm chí trên mặt trăng cũng nhận được tín hiệu. Ai có tướng lưỡi rộng dài là được một trong ba mươi hai tướng tốt. Lưỡi của Phật le ra có thể chấm đến chân tóc trên trán. Điều này do nhân nói lời ngay thật, nói lời lời thanh tịnh nên hình thành quả như vậy. Ở đây, tướng lưỡi rộng dài của chư Phật là một dạng thần thông không thể nghĩ bàn, là tướng âm thanh vi diệu “trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới”.

Vô lượng chư Phật ở phương Đông hiện tướng lưỡi rộng dài cùng nói lời chân thật như nhau: “Chúng sinh các ngươi phải nên tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn”. Câu nói ấy như là một lời ấn chứng rằng nếu có chúng sinh nào tu niệm tinh tấn thì đến lúc lâm chung được chư Phật hộ niệm và chắc chắn đức Phật A Di Đà sẽ tiếp dẫn về thế giới Cực Lạc. Cho nên chúng ta hãy tin vào giáo nghĩa “kinh được tất cả chư Phật hộ niệm này”, y theo đó mà hành trì tất sẽ được lợi ích. Ở đây, Kinh Được Tất Cả Chư Phật Hộ Niệm cũng là tên gọi khác của Kinh Phật Thuyết A Di Đà. Đọc tên kinh thôi, chúng ta cũng đủ thấy giá trị nhiệm mầu của bản kinh này.

Thích Huyền Châu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *