Kinh Phật Thuyết A Di Đà giảng thuật – phần 07

Tác giả: Thích Huyền Châu

KINH PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ GIẢNG THUẬT, PHẦN 07 – THÍCH HUYỀN CHÂU CHỦ GING

Kinh văn:

Hựu Xá Lợi Phất! Cực Lạc quốc độ, thất trùng lan thuẫn, thất trùng la võng, thất trùng hàng thọ, giai thị tứ bảo, châu tráp vi nhiễu, thị cố bỉ quốc, danh vi Cực Lạc.

Dịch nghĩa:

Lại này Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc có bảy lớp lan thuẫn, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây, đều làm bằng bốn thứ báu vây quanh giáp vòng, cho nên nước ấy tên là Cực Lạc.

Giảng:

Câu kinh này, đức Phật giải thích một khía cạnh khác về danh xưng, tại sao nước ấy tên là Cực Lạc. Ở đây, chúng ta hiểu bảy lớp lan thuẫn, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây và bốn thứ báu có ý nghĩa tượng trưng thế nào?

Bảy lớp lan thuẫn

“Lan” là cây ngang, “thuẫn” là cây dọc. Hình ảnh này giống như hàng rào có nhiều cây ngang, cây dọc. Thế nên bảy lớp lan thuẫn chính là ý nghĩa tượng trưng của giới. Giới chính là hàng rào ngăn cản, không cho chúng ta đi vào con đường nguy hiểm. Tính chất của giới là ngăn cản điều ác, ngừa những hành động sai quấy, hướng chúng ta đến với thiện ích và tâm trí thanh tịnh.

Người Phật tử thọ giới cấm của Phật, chính là tự nguyện dứt trừ những suy nghĩ và hành động sai quấy của mình. Cho nên, phát tâm thọ giới không phải là chúng ta đi vào con đường mất tự do, mà chính là cơ hội để tự hoàn thiện nhân cách của mình. Năm giới của người Phật tử tại gia là yếu tố căn bản để xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Bảy lớp lưới giăng

Bảy lớp lưới giăng tượng trưng cho định. Vì tâm chúng ta thường bị vọng tưởng lăn tăn suốt ngày, cho nên tập thiền định để nó không bị vọng tưởng, phiền não chi phối nữa. Định ở đây là định vào đâu? Định vào câu Nam mô A Di Đà Phật. Khi chúng ta đi vào sức định này cho đến nhất tâm thì mọi nghiệp chướng đều bị phá hết. Người có sức định thì ngoại cảnh không thể lay chuyển được. Một khi tâm không chạy theo ngoại cảnh thì ngoại cảnh sẽ trở lại quy phục tâm.

Nhìn lại, tâm trí chúng ta quả thật rất dễ bị vọng động. Hằng ngày chúng ta vọng động rất nhiều. Vọng động về ăn ngon, ngủ kỹ; thấy người khác có chiếc xe, mình cũng muốn làm sao để được như họ; nhìn người ta thành công, đôi khi mình sinh lòng ganh tỵ. Suốt ngày chúng ta luôn sống với hỷ, nộ, ái, ố mà không biết chán mỏi. Tâm vọng động cứ chạy theo những thứ ham muốn, suy nghĩ vô bổ như vậy thật chẳng có ích gì cả.

Ở thế giới Cực Lạc có bảy lớp lưới giăng như lưới trời Phạm thiên do thần lực của Phật A Di Đà gia bị để chúng sinh cõi ấy không bị vọng tâm quấy nhiễu mà luôn sống trong an lạc.

Bảy lớp hàng cây

Cây thì luôn hướng lên, vượt lên để đón ánh sáng mặt trời. Cho nên bảy lớp hàng cây ở đây tượng trưng cho trí tuệ. Trí tuệ luôn có tính hướng lên đón nhận ánh sáng chân lý. Trong cuộc sống, ai có nhiều trí tuệ, người ấy đứng ở vị trí cao. Con người hơn kém nhau ở trí tuệ sâu cạn và đức độ hậu bạc. Người không có trí tuệ giống như đám cỏ thấp lại còn bị bụi đường bao phủ thật đáng thương. Vậy nên, ai muốn có trí tuệ chân chính thì phải siêng năng học hỏi và thực hành Phật pháp.

Bốn thứ báu

Bốn thứ báu tượng trưng cho đặc tính niết bàn: thường, lạc, ngã, tịnh.

1/ Thường: nghĩa là thường hằng bất biến, luôn tồn tại và không thay đổi.

2/ Lạc: tức là niềm an lạc, hạnh phúc.

3/ Ngã: cõi Cực Lạc có tám thứ đại tự tại ngã, còn gọi là ngã đức. Tám đại tự tại ngã ấy là gì? Một, từ một thân hiện vô lượng thân. Hai, từ một thân nhỏ như vi trần hiện khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Ba, thân to lớn nhưng nhẹ nhàng và có thể đi thật xa. Bốn, có thể hiện ra vô lượng chủng loài chúng sinh cùng ở một chỗ. Năm, các căn hỗ dụng: mắt có thể nghe, tai có thể ăn, v.v… Sáu, thành tựu tất cả pháp mà không chấp vào pháp cho nên gọi là không trí cũng không đắc. Bảy, thành tựu biện tài vô ngại nên với Phật pháp, chỉ cần một chữ giảng hoài không hết. Tám, thân biến khắp cõi nước nhiều như vi trần.

4/ Tịnh: tức là thanh tịnh, trong sạch.

Tóm lại, bảy lớp lan thuẫn, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây tượng trưng cho giới, định, tuệ. Đây là ba môn học vô lậu, giúp chúng ta thành tựu giác ngộ. Bốn thứ báu vây quanh giáp vòng ở cõi Cực Lạc là tượng trưng cho cảnh giới niết bàn của một đức Phật. Vì có đủ những thánh đức viên dung vô ngại này, cho nên nước ấy tên là Cực Lạc.

Kinh văn:

Hựu Xá Lợi Phất! Cực lạc quốc độ, hữu thất bảo trì, bát công đức thủy, sung mãn kỳ trung, trì để thuần dĩ kim sa bố địa. Tứ biên giai đạo, kim ngân, lưu ly, pha lê hiệp thành, thượng hữu lâu các, diệc dĩ kim, ngân, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não nhi nghiêm sức chi.

Dịch nghĩa:

Lại này Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc có ao bảy báu, nước tám công đức tràn đầy trong đó. Đáy ao toàn trải cát bằng vàng làm đất. Thềm đường bốn phía làm bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê; trên thềm đường có lầu các cũng dùng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não để trang sức.

Giảng:

Ở đây đức Phật giới thiệu cho chúng ta cảnh trí trang nghiêm vi diệu của ao bảy báu có nước Bát công đức. Đây là một cảnh giới bất khả tư nghì mà ở cõi người không thể tìm đâu ra được. Ở thế giới chúng ta cũng có ao, nhưng chỉ có ao bùn đất, ao làm bằng xi măng, chưa thấy ai dùng bảy thứ báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu và mã não để làm vật liệu xây dựng. Ở dưới đáy ao còn trải cát bằng vàng nữa. Trong ao thì nước Bát công đức tràn đầy. Chất nước này cũng là một điều bất khả tư nghì. Vì nó có tám đặc tính:

1/ Ấm mát: người tắm trong ao, muốn ấm thì ấm và muốn mát thì mát.

2/ Sạch sẽ: nước càng tắm rửa càng sạch sẽ, giống như nước sữa vừa trơn láng, vừa thoải mái.

3/ Ngon ngọt: không cần uống, chỉ cần rửa trên thân cũng cảm thấy ngọt lịm.

4/ Mềm nhẹ: nước ở cõi Ta Bà thì một lít cân nặng một kilogram. Còn nước Bát công đức thì mềm và nhẹ lạ kỳ.

5/ Nhuận trạch: nhuận là nhuần thấm, trạch là sáng mướt. Tắm nước này làm cho làn da mượt mà và có thể phát sáng.

6/ An hòa: khi tắm xong, thân thể tự nhiên an ổn, không bị lửa vô minh, phiền não quấy nhiễu. Do nước có tính chất an hòa nên làm cho tâm tư dễ chịu, thông thoáng.

7/ Trừ đói khát: chỉ cần tắm trong đó thôi, chúng ta cũng hết đói, hết khát.

8/ Nuôi lớn các căn: tức là nếu uống nước này thì các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý) liền được thanh tịnh, ác nghiệp tiêu trừ, người mù được sáng mắt, tai điếc được nghe trở lại, miệng ăn cái gì cũng ngon, thân thể không còn bệnh tật và mệt mỏi nữa.

Chúng sinh một khi được vãng sinh về cõi Cực Lạc thì được tắm trong ao Bát công đức này, thật là một niềm vui và hạnh phúc không có gì sánh bằng.

Thềm đường ở bốn phía ao Bát công đức được làm bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê. Bên thềm đường ấy có vô số lầu gác cũng làm bằng bảy thứ báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Đức Phật A Di Đà phóng quang, hào quang phản chiếu với bảy báu tạo nên màu sắc lung linh huyền ảo. Thật là cảnh giới trang nghiêm, nguy nga tráng lệ. Tất cả đều nhờ vạn đức trang nghiêm của Phật A Di Đà biến hóa ra.

Kinh văn:

Trì trung liên hoa, đại như xa luân, thanh sắc thanh quang, huỳnh sắc huỳnh quang, xích sắc xích quang, bạch sắc bạch quang, vi diệu hương kiết.

Dịch nghĩa:

Hoa sen trong ao lớn như bánh xe, hoa màu xanh có ánh sáng xanh, hoa màu vàng có ánh sáng vàng, hoa màu đỏ có ánh sáng đỏ, hoa màu trắng có ánh sáng trắng, tỏa hương thơm ngát vi diệu.

Giảng:

Ở trong ao Bát công đức ấy có vô lượng hoa sen. Hoa sen không phải bé tí như hoa sen ở cõi chúng ta, mà nó to lớn như bánh xe của Chuyển Luân Thánh Vương, có đường kính bằng một do tuần. Một tiểu do tuần bằng bốn mươi dặm, một trung do tuần bằng sáu mươi dặm, một đại do tuần bằng tám mươi dặm. Và một do tuần ở đây là một đại do tuần, tức tám mươi dặm, bằng khoảng 130 km. Như thế chúng ta có thể hình dung hoa sen trong ao Bát công đức to lớn đến mức nào. Hoa sen to lớn như thế thì tất nhiên ao Bát công đức cũng phải tương xứng. Như vậy, tuy gọi là “ao” nhưng chúng ta nên hiểu nó rộng lớn gấp trăm ngàn lần biển cả đại dương ở thế giới này.

Một khi chúng ta được vãng sanh, tức là hóa sinh trong hoa sen này, hoa sen ấy là căn nhà thật sự của chúng ta. Khi hoa sen nở thì liền gặp Phật, Bồ tát, các vị A La Hán giảng thuyết giáo nghĩa thượng thừa, chúng ta nghe, tu tập dần dần chứng quả Vô sanh pháp nhẫn, tức là quả vị Phật. Hoa sen ở Cực Lạc có bốn màu xanh, đỏ, vàng, trắng. Hoa màu nào thì phát ra ánh sáng màu đó. Ánh sáng hoa sen, ánh sáng bảy báu hòa quyện trong ánh hào quang của Phật A Di Đà tạo nên thế giới huyền diệu vô cùng.

Yếu tố ánh sáng và nước có tác động rất lớn đến tâm thức chúng sinh. Thế giới này cơ bản được tạo thành từ ánh sáng. Ở trong một căn phòng có màu sơn nóng rực, ánh sáng cũng chói chang, sẽ làm tâm chúng ta rất dễ bực bội. Nếu biết tạo môi trường ánh sáng nhẹ nhàng, mát mẻ thì tâm chúng ta cũng dễ an ổn, nhẹ nhàng. Đối với nước cũng thế, chu kỳ nhật nguyệt có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Mỗi tháng vào những độ trăng tròn và trăng khuyết, khi thủy triều dâng lên, lượng nước trong cơ thể chúng ta cũng dâng lên theo, nên nó có ảnh hưởng nhất định đến não bộ. Do vậy, những ngày đó chúng ta nên ăn chay, hay ăn ít hơn một chút cho tâm hồn an ổn và bảo đảm được sức khỏe. Có lẽ vì căn cơ chúng sinh như thế nên đức Phật A Di Đà hóa hiện cảnh giới Cực Lạc có ao nước Bát công đức và ánh sáng nhiều màu sắc lung linh để chúng sinh ưa thích tu hành.

Ngoài ra, bốn loại hoa sen còn có ý nghĩa tượng trưng cho ba pháp môn, chúng ta có thể hiểu tóm tắt như sau:

1- Tứ niệm xứ: Tức là chúng ta nên ý thức sâu sắc và đừng bao giờ quên bốn lĩnh vực:

Thứ nhất: quán thân bất tịnh, tức là biết rõ thân chúng ta không được thanh tịnh, mà dơ bẩn như túi da chứa đựng không biết bao nhiêu chất hôi thối. Mỗi chất từ cơ thể chúng ta tiết ra thật là tanh hôi dơ bẩn. Lấy câu niệm Phật để giữ gìn mỗi động tác, khiến cho thân đi trong câu niệm Phật, đứng trong câu niệm Phật, nằm trong câu niệm Phật, ngồi trong câu niệm Phật. Niệm Phật một câu chúng ta nhận ra rằng thân này là bất tịnh; từ đó chúng ta càng thấy rõ thân mình chẳng có gì đáng ưa thích. Ngược lại, lòng chúng ta cầu mong đạt được thân kim cương bất hoại, hóa sanh từ ao sen thất bảo, đầy đủ cả ba mươi hai tướng tốt, trong sạch thanh tịnh của bậc thánh ở cõi Cực Lạc. Quán sát nhận hiểu được như vậy, câu niệm Phật của ta mới nhanh chóng phát sinh định lực.

Thứ hai: quán tâm vô thường, tức là nhận thức tâm chúng ta luôn bị vọng tưởng chi phối, dời đổi liên tục không bao giờ yên. Nay chúng ta muốn dừng lại cái tâm lăng xăng để trở về chân tâm thường hằng thì phải dùng câu niệm Phật để nhiếp phục những giao động của vọng tâm. Câu niệm Phật giống như viên minh châu định thủy, một khi bỏ vào trong nước thì những thứ cặn bã sẽ lắng xuống. Cũng vậy, khi chí tâm niệm Phật, chúng ta làm cho vọng tâm ngừng lại và tâm Phật sẽ được sinh trưởng. Như thế, quán tâm vô thường để dứt trừ chấp, quay về với bản tâm chân thật bằng sự nhiếp niệm vào hồng danh Phật A Di Đà.

Thứ ba: quán pháp vô ngã, tức là thấy rõ thế giới ngoại cảnh, cho đến những sản phẩm tưởng tượng đều không có cái gì tồn tại vĩnh viễn, tìm sâu trong đó không có một thực thể tồn tại độc lập. Theo Luận Đại Trí Độ thì “các pháp từ nhân duyên sinh, không có bản tánh, không có tự tánh nên rốt ráo là không. Đã rốt ráo là không, thì các căn bản từ xưa đến nay là không, đó chẳng phải Phật làm ra, cũng chẳng phải người khác làm.” Một khi nhận ra nguyên lý các pháp là giả huyễn, chúng ta sẽ không còn mắc kẹt trong giận hờn, đau khổ, tham luyến nữa. Ngược lại, tâm chúng ta xem tất cả các pháp chỉ là phương tiện giúp mình thành tựu cứu cánh niết bàn. Với công phu thật tướng niệm Phật, chúng ta dễ dàng thể nhập pháp tướng vô ngã.

Thứ tư: quán thọ thị khổ, tức là luôn nhớ rằng bất kỳ một sự thọ nhận dưới bất cứ một hình thức nào cũng là cái nhân đưa đến đau khổ, tái sinh. Tâm chúng ta có nhiều tham muốn, nhiều mong cầu thọ nhận tình cảm, vật chất cũng như người mang gánh nặng trên vai. Vậy thì muốn tu nhanh kết quả, chúng ta phải bỏ gánh nặng xuống. Như trong Kinh Tương Ưng Bộ III, Phẩm Gánh Nặng, đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, thế nào gọi là đặt gánh nặng xuống? Đây là sự ly tham, đoạn diệt ái một cách hoàn toàn, sự từ bỏ, sự xả ly, sự giải thoát, sự không chấp thủ. Này các Tỳ Kheo, đây gọi là đặt gánh nặng xuống”. Do đó, quán thọ thị khổ là phương pháp giúp chúng ta thức tỉnh tham muốn, là làm vơi đi gánh nặng khổ đau. Ở đây, một câu niệm Phật lại là hành trang thay thế tất cả để chúng ta hướng về một thế giới thanh tịnh, trang nghiêm hơn.

2- Tứ chánh cần: Đây là bốn điều siêng năng chân chính trong quá trình tu tập.

Thứ nhất: tinh tấn chặn đứng những điều ác chưa phát sinh, những suy nghĩ hãm hại người khác, những ý muốn tham lam, sân hận có sẵn trong chúng ta. Nếu chúng ta tinh tấn niệm Phật thì những ý nghĩ ấy không thể phát sinh thành hành động. Cho nên nói tinh tấn chính là dứt trừ những điều ác chưa phát sinh.

Thứ nhì: tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sinh. Chúng ta vì tham lam, nóng giận lỡ tạo nghiệp ác, làm việc sai quấy thì phải sám hối. Trong Kinh Tâm Địa Quán, Phật dạy: “Nếu như pháp mà sám hối thì tất cả phiền não thảy đều tiêu trừ”. Nên nhớ là sám hối, chứ không phải hối hận quá mức đến nỗi suốt ngày sống trong dằn vặt đau khổ. Sau đó dùng một câu niệm Phật, siêng năng gột rửa thì tâm mình được thanh tịnh.

Thứ ba: tinh tấn làm cho những điều lành chưa sinh, được phát sinh. Một khi tinh tấn niệm Phật thì tâm chúng ta thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là cơ sở phát sinh những ý nghĩ tốt, lợi lạc mọi người. Một câu niệm Phật thì phát sinh một suy nghĩ thiện; hai câu niệm Phật thì hai ý nghĩ thiện được phát sinh. Cứ như thế tinh tấn niệm Phật thì tâm chúng ta dần dần sinh thêm nhiều thiện pháp.

Thứ tư: tinh tấn làm tăng trưởng những điều lành đã phát sinh. Ví dụ: chúng ta phát tâm bố thí, giúp đỡ người nghèo, nhưng lười biếng không làm việc thì lấy gì để bố thí? Như thế đủ thấy rằng, một ý nghĩ hay, một tấm lòng tốt chỉ có giá trị khi nào chúng ta siêng năng hành động lấy nó. Và một việc thiện khi đã phát sinh rồi thì nhờ vào sự siêng năng này làm cho nó được tăng trưởng hơn.

Như thế, Tứ chánh cần là bốn yếu tố dẫn đường cho chúng ta nhận thức thiện ác trong đời sống. Với việc thiện, dù là việc nhỏ nhất chúng ta cũng nên làm bằng hết khả năng của mình. Còn với việc ác, cho dù nó rất nhỏ nhưng có chết đi nữa, nhất định chúng ta cũng không làm. Tinh tấn niệm Phật thì sẽ thành Phật.

3- Tứ như ý túc: Tứ như ý túc là bốn phép thiền định. Nói rõ hơn đó là bốn phương tiện giúp chúng ta thành tựu các tam ma địa (chánh định), vì thế nên nó cũng gọi là định pháp. Chữ “như ý” nghĩa là được như ý mình muốn. Chữ  “túc” ở đây có nghĩa là nương tựa, đầy đủ. Như vậy, Tứ như ý túc có nghĩa là bốn phép làm nơi nương tựa cho các công đức thiền định, thần thông được thành tựu mỹ mãn như ý muốn của mình. Bởi lý do ấy, nên nó cũng gọi là Tứ thần túc.

Bốn định ấy là:

Dục Như ý túc

Tinh tấn Như ý túc

Nhất tâm Như ý túc

Quán Như ý túc.

Thế nào gọi là Dục Như ý túc? Tức là sức mạnh của lòng thiết tha, mong muốn, tâm nguyện. Nhờ vào sức mạnh này chúng ta có đủ lòng kiên trì vượt qua mọi khó khăn để thành tựu sở nguyện của mình. Nếu không có tâm nguyện thiết tha mong cầu vãng sinh Cực Lạc thì khó lòng siêng năng niệm Phật. Cho nên, nhờ vào lòng thiết tha này, chúng ta có sức mạnh như ý.

Thế nào gọi là Tinh tấn Như ý túc? Nếu chúng ta có những ý nghĩ thánh thiện mà không nỗ lực thực hiện thì cũng bằng không. Do vậy, siêng năng là điều kiện không thể thiếu trong quá trình tu tập. Chính nhờ sự siêng năng này, chúng ta mới thành tựu được công đức. Nếu có tâm nguyện vãng sanh Tịnh độ mà không siêng niệm Phật thì cũng giống như người muốn no mà không chịu ăn vậy.

Sao gọi là Nhất tâm Như ý túc? Đây chính là sức mạnh của của sự tập trung tư tưởng. Đức Phật dạy trong Kinh Di Giáo: chú tâm vào một chỗ, không việc gì không thành (Chú tâm nhất xứ vô sự bất biện). Nếu chúng ta siêng niệm Phật, niệm liên tục như một dòng nước chảy thì vọng tâm sẽ không khởi lên được và từ từ đạt được nhất tâm. Như thế, việc vãng sanh Tây phương Cực Lạc thật là dễ dàng. Ấy chính là diệu dụng của sự nhất tâm như ý.

Còn Quán Như ý túc nghĩa là gì? Quán là dùng trí tuệ quán sát tư duy phương pháp mình đang tu, giống như việc chúng ta tụng kinh hằng ngày vậy. Nhờ đó mà thông suốt lời Phật dạy, trí thanh tịnh phát sinh, thành tựu được nguyên lý tự tánh Di Đà châu biến pháp giới. Anh niệm Phật, tôi niệm Phật, nơi nơi đều là Cực Lạc, vạn pháp vốn tĩnh lặng hiển bày cùng khắp. Nhờ Quán Như ý túc mà thể nhập thật nghĩa các pháp trong vũ trụ một cách như thật.

Tùy vào căn cơ của mình, chúng ta hãy tự chọn một trong ba pháp môn trên để tu tập thì công hạnh cũng được thành tựu viên mãn. Ở đây một câu Nam mô A Di Đà Phật thâu nhiếp vạn pháp môn. Cho nên, chỉ cần niệm Phật thôi, chúng ta cũng thành tựu công đức trang nghiêm. Hương đức hạnh của người ấy như hoa sen tỏa hương thơm ngát vi diệu.

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Cực Lạc quốc độ thành tựu như thị công đức trang nghiêm.

Dịch nghĩa:

Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc, thành tựu công đức trang nghiêm như thế.

Giảng:

Đây là câu kinh kết thúc một ý, một khía cạnh mầu nghiệm ở Cực Lạc mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giới thiệu cho chúng ta. Giờ chúng ta nghe đức Phật dạy tiếp.

Kinh văn:

Hựu Xá Lợi Phất! Bỉ Phật quốc độ, thường tác thiên nhạc, huỳnh kim vi địa, trú dạ lục thời, vũ thiên mạn đà la hoa, kỳ độ chúng sanh thường dĩ thanh đán, các dĩ y kích, thạnh chung diệu hoa cúng dường tha phương, thập vạn ức Phật, tức dĩ thực thời hoàn đáo bổn quốc, phạn thực kinh hành.

Dịch nghĩa:

Lại này Xá Lợi Phất! Cõi nước Phật kia, thường trỗi nhạc trời, vàng ròng làm đất, ngày đêm sáu thời, trời mưa hoa Mạn đà la. Chúng sinh ở cõi ấy, cứ mỗi buổi sáng, thường dùng túi vải, đựng các hoa đẹp, đem cúng dường mười vạn ức Phật ở các phương khác, vừa đến giờ ăn trưa liền trở về nước mình, ăn cơm xong đi kinh hành.

Giảng:

Đoạn kinh này đức Phật Thích Ca giới thiệu thêm quang cảnh và vài nét sinh hoạt hằng ngày của chúng sinh ở thế giới Cực Lạc. Ở cõi ấy thường trỗi nhạc trời. Nhạc trời có âm thanh rất là vi diệu. Trong các loại nhạc trời thì nhạc trời Càn Thát Bà có âm thanh hay nhất.

Có một lần tôn giả Xá Lợi Phất đang ở trong thiền định, Càn Thát Bà trỗi nhạc, ngài liền đứng lên và nhảy theo điệu nhạc. Chúng đệ tử Phật không hiểu vì nhân duyên gì mà một vị đại trí đang ở trong thiền định lại bị chi phối bởi tiếng nhạc như vậy. Đức Phật cho biết ở tiền kiếp xa xôi, tôn giả Xá Lợi Phất là một nhạc công rất giỏi. Do đó, hiện tại khi ở trong thiền định, tất cả những âm thanh của thế gian không thể đi vào tâm ngài được, nhưng tiếng đàn Càn Thát Bà có ảnh hưởng lớn đến tập khí nhạc công nên làm cho tôn giả có biểu hiện như thế. Qua mẫu chuyện đó, chúng ta đủ hình dung nhạc trời có âm thanh rất vi diệu mà chắc hẳn rằng những loại âm nhạc ở thế gian này không thể sánh bằng.

Ở cõi Cực Lạc thường trỗi nhạc trời du dương thanh thoát, ai nghe cũng sinh tâm hoan hỷ. Mặt đất cõi ấy làm bằng vàng ròng óng ánh. Ở cõi đó, ngày đêm sáu thời, tức là sáng trưa chiều tối, giữa khuya và sáng sớm trên trời thường mưa xuống hoa Mạn đà la. Mạn đà la là một loại Tư ý hóa, tức là tùy tâm chúng sinh muốn như thế nào thì nó như thế đó. Muốn nó màu xanh thì nó màu xanh, muốn hoa nở theo hình dáng nào thì nó nở theo hình dáng đó. Rồi cứ mỗi sớm mai, chúng sinh ở đây dùng túi gấm đựng các hoa đẹp, đem cúng dường mười vạn ức đức Phật ở những thế giới khác. Tuy quãng đường xa xôi như vậy, nhưng nhờ vào thần lực của Phật A Di Đà, họ đi chỉ trong một buổi sáng mà thôi. Nghĩ lại thế giới chúng ta quả là thiếu phước, muốn đến chùa dâng cúng hương hoa cho Phật phải mất nhiều thời gian. Ở cõi Cực Lạc, dân chúng sau khi đi cúng dường hoa cho Phật ở khắp mười phương, đến giờ ăn trưa, họ liền trở về thế giới Cực Lạc của mình, cùng nhau ăn uống xong rồi đi kinh hành. Quả thật, chúng sinh ở thế giới chúng ta thật là khổ nhọc vì chuyện ăn uống. Có người phải lo toan vất vả lam lũ cả đời cũng không đủ ăn. Còn ở thế giới Cực Lạc không cần phải làm gì cả, nhưng vẫn có đủ thực phẩm ngon lành. Nếu không thích ăn, chỉ cần uống nước Bát công đức cũng đủ no khỏe rồi. Tất cả điều nhiệm mầu ở trên đều nhờ thần lực của Phật A Di Đà mà có diệu dụng như thế.

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Cực Lạc quốc độ thành tựu như thị công đức trang nghiêm.

Dịch nghĩa:

Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc, thành tựu công đức trang nghiêm như thế.

Giảng:

Đây cũng là câu kinh kết thúc một ý, một khía cạnh khác mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giới thiệu, chúng ta hãy ghi nhớ thọ trì. Giờ chúng ta qua một khía cạnh thật là hy hữu khác nữa.

Kinh văn:

Phục thứ Xá Lợi Phất! Bỉ quốc thường hữu chủng chủng kỳ diệu, tạp sắc chi điểu: bạch hạc, khổng tước, anh võ, xá lợi, ca lăng tần già, cộng mạng chi điểu, thị chư chúng điểu, trú dạ lục thời, xuất hòa nhã âm, kỳ âm diễn xướng: Ngũ căn, Ngũ Lực, Thất bồ đề phần, Bát thánh đạo phần, như thị đẳng pháp, kỳ độ chúng sanh văn thị âm dĩ, giai tất niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Dịch nghĩa:

Lại nữa Xá Lợi Phất! Cõi nước kia thường có các loài chim màu sắc kỳ diệu, như: bạch hạc, khổng tước, anh võ, xá lợi, ca lăng tần già, cộng mạng. Những giống chim này ngày đêm sáu thời hót lên tiếng hòa nhã. Tiếng ấy diễn xướng: Năm căn, Năm lực, Bảy bồ đề phần, Tám thánh đạo phần. Các pháp như thế ấy, chúng sanh ở nước kia nghe âm thanh này rồi, thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Giảng:

Đoạn kinh này đức Phật Thích Ca cho chúng ta biết về các loài chim ở thế giới Cực Lạc và khi chúng hót lên âm thanh mầu nhiệm có sức chuyển hóa người nghe thế nào. Những giống chim điển hình được đức Phật giới thiệu ở đây như:

– Chim bạch hạc, khổng tước: loài chim này có màu sắc sặc sỡ như chim phượng hoàng.

– Chim anh võ: đây là loài chim biết nói tiếng người. Giống như chim sáo, chim nhồng thường hay học nói theo tiếng con người.

– Chim thu lợi: thu lợi hay thu lộ cũng như nhau. Loài chim này có mắt đẹp như hồ nước mùa thu.

– Chim ca lăng tần già, còn có tên gọi khác là “hảo thanh điểu”. Khi vừa nảy mỏ, nó đã biết hót. Tiếng hót của nó rất hay. Trong kinh thường nhắc đến tiếng nói của Phật thanh thoát như tiếng chim ca lăng tần già.

– Chim cộng mạng: Đây là loài chim có hai đầu. Do tham đắm dục lạc nên thức khác mà báo đồng. Ở thế giới chúng ta có chim uyên ương, loài chim tượng trưng cho tình yêu chung thủy, nhưng nó chỉ có một cánh mà thôi. Mỗi khi muốn bay đi, hai con trống và mái phải lại gần để móc cánh vào nhau, như thế đủ hai cánh mới bay đi được.

Những thứ chim này ngày đêm sáu thời hót lên tiếng hòa nhã. Tiếng ấy diễn xướng pháp âm khiến ai nghe cũng sinh tâm hoan hỷ ưa thích. Pháp âm diễn xướng về điều gì?

Năm căn: tức là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn. Năm căn biểu thị cho hạt giống bồ đề, có thể khiến cho tâm bồ đề tăng trưởng.

1/ Tín căn: người niệm Phật phải xem đây là điều kiện tiên quyết. Bởi niệm Phật có nhất tâm hay không là do ở niềm tin xác đáng. Hôm nay chúng ta đã tin lời Phật Thích Ca dạy bảo thì cũng nên tin Phật A Di Đà và lời nguyện tiếp dẫn của ngài. Người niệm Phật tin được như thế, dẫn đến sự trì niệm thâm sâu hơn.

2 Tấn căn: Bản tính siêng năng ai cũng có. Chúng ta muốn niệm Phật được nhất tâm thì phải luôn luôn tinh tấn, mỗi câu niệm kết nối nhau như dòng nước chảy không đứt đoạn. Niệm được như thế mới là tinh tấn tu pháp môn niệm Phật.

3/ Niệm căn: Khả năng nhớ nghĩ. Tức là trong tâm niệm luôn nhớ về đức Phật. Muốn dừng vọng tưởng khổ đau thì phải niệm Phật. Người niệm Phật sẽ được chư Phật gia hộ. Cho nên trong Kinh Niết Bàn, Phật dạy: “Nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ thường hay chí tâm chuyên niệm Phật, hoặc ở núi rừng, hoặc ở thôn xóm, hoặc ngày hoặc đêm, hoặc ngồi hoặc nằm, các đức Phật Thế Tôn thường thấy người này như trước mặt”.

4/ Định căn: Tức là sức tập trung. Người niệm Phật chuyên tâm vào hồng danh Phật cũng sẽ được chánh định không khác gì thiền quán. Bởi vì lìa tán loạn, an trú vào một danh hiệu Phật thì sẽ đạt đến thanh tịnh, tức là được chánh định. Thế nên nói niệm Phật, niệm như dòng nước chảy, niệm đến nhất tâm bất loạn đó là hành thiền.

5/ Tuệ căn: Tuệ căn là căn tánh trí tuệ tinh khiết, sáng suốt trong đó không có sự phân biệt mê lầm vọng động. Vì thế với tuệ căn sáng suốt ta có thể thực hành quán sát nhận chân ra mọi việc thật giả thế nào.

Người niệm Phật cũng cần có trí tuệ sáng suốt, biết vận dụng pháp môn sao cho hợp lý với hoàn cảnh sống thực tế và tâm trạng buồn vui. Đi, đứng, nằm, ngồi, mỗi lúc mỗi nơi tinh tấn nhưng không làm ảnh hưởng đến người khác và cuộc sống gia đình.

Năm lực: tức khi năm căn tăng trưởng tạo thành một sức mạnh gọi là năm lực. Năm căn được ví như năm ngón tay, còn năm lực là sức mạnh của năm ngón tay.

1/ Niệm Phật với tín lực: Nhờ niềm tin chân chính nên tâm người niệm Phật sẽ tạo ra sức mạnh kiên cố, tin sâu vào pháp môn mình đã chọn. Chứ không phải hôm nay chúng ta niệm Phật, ngày mai thấy người ta trì chú linh nghiệm thì chạy theo họ.

2/ Niệm Phật với tấn lực: Nhờ sức mạnh của sự tinh tấn, chúng ta vượt qua mọi khó khăn, mệt mỏi để niệm Phật đạt đến chỗ nhất tâm.

3/ Niệm Phật với niệm lực: Năng lực ghi nhớ hồng danh A Di Đà Phật khắc sâu tâm trí. Như thế đến lúc lâm chung nhất định được vãng sanh Tịnh độ.

4/ Niệm Phật với định lực: Nhờ vào định lực, người niệm Phật không còn bị ngoại cảnh kéo lôi, do vậy danh hiệu Phật được nhiếp niệm dễ dàng.

5/ Niệm Phật với tuệ lực: Trí tuệ có sức mạnh soi chiếu vô minh phiền não. Nhờ vào trí tuệ, người niệm Phật thấu rõ tự tánh Di Đà châu biến pháp giới, thành tựu niệm Phật tam muội.

Bảy bồ đề phần: Đây là bảy phần tánh giác đưa chúng ta đến quả vị Phật.

1/ Trạch pháp bồ đề phần: Trạch pháp là sự lựa chọn một phương pháp tu hành đúng với lẽ đạo, hợp chân lý. Nhưng theo tôi nghĩ, chúng ta lựa chọn pháp môn nào cho phù hợp với chính mình là quan trọng nhất. Ở đây, niệm Phật có bốn cách như đã giới thiệu phần trước, chúng ta hãy lựa chọn phương pháp nào phù hợp với sở thích của mình. Như thế, niệm Phật mới nhanh có hiệu quả tốt.

2/ Tinh tấn bồ đề phần: Muốn thành công bất kỳ một việc gì, nếu không tinh tấn thực hành thì cũng chỉ là lý thuyết suông, vô bổ mà thôi. Cho nên người niệm Phật phải hiểu tinh tấn là hàng đầu, tinh tấn niệm Phật nhanh chóng đạt đến chỗ nhất tâm bất loạn.

3/ Hỷ bồ đề phần: Tức là hoan hỷ với niềm vui thiện ích, hướng tới giải thoát. Niệm Phật với lòng hoan hỷ thì càng niệm càng thích thú. Ngược lại, niệm Phật mà trong lòng còn nhiều oán hận, buồn phiền thì khó mà thành tựu được nhất tâm.

4/ Khinh an: “Khinh” là nhẹ nhàng, “an” là an ổn. Nhờ sự tinh tấn tu tập nên thân tâm được thanh tịnh; do đó người tu hành cảm thấy nhẹ nhàng, khoan khoái, khinh an, như đã trút được gánh nặng dục vọng, lo toan mê mờ. 

5/ Niệm: nghĩa là thường ghi nhớ chánh pháp để thực hành. Ở đây với pháp môn niệm Phật, chúng ta nên ý thức rõ từng giây phút tâm nguyện cầu sinh Cực Lạc của mình để đừng buông lung, biếng nhác.

6/ Định bồ đề phần: Tức là thiền định, sức tập trung tư tưởng vào một chỗ. Chúng ta nhờ chuyên chú tâm mình vào câu niệm Phật nên tạo ra sức mạnh, phát sinh trí tuệ, đoạn trừ phiền não, thành tựu công đức tu tập.

7/ Xả bồ đề phần: Nghĩa là buông bỏ. Buông bỏ điều gì? Bỏ đi những chấp trước trong lòng, để cho tâm hồn mình nhẹ nhàng an ổn. Nếu ôm mãi oán hờn, hơn thua, được mất thì không thể niệm Phật thành công được. Thậm chí sự tinh tấn niệm Phật một ngày bao nhiêu xâu chuỗi, tụng bao nhiêu bộ kinh, làm bao nhiêu việc tốt, chúng ta cũng phải buông bỏ luôn. Được như thế, người niệm Phật nhanh chóng giải thoát khổ đau, nhanh chóng thành tựu nhất tâm bất loạn.

Tóm lại, chúng ta siêng năng tu bảy pháp bồ đề phần nầy, chắc chắn sẽ được bốn kết quả quý báu:  Một, tất cả pháp ác đều bị tiêu trừ.  Hai, tất cả pháp lành càng ngày càng tăng trưởng. Ba, vì thường tu thiện, đoạn ác, nên tâm luôn luôn an lạc, không bị đau khổ quấy nhiễu. Bốn, trong tương lai sẽ chứng thành Phật quả. 

Tám thánh đạo phần: Đây là con đường với tám điều chân chánh giúp chúng ta thành tựu quả vị thánh.

1/ Chánh kiến: Chánh kiến nghĩa là thấy một cách chính xác, cho đến biết rõ trong tâm mình hiện lên những suy nghĩ hợp hay không hợp với chân lý. Nếu sự thấy biết sai lầm, không có cơ sở thì gọi là tà kiến, mê tín.

Người có chánh kiến không khư khư cố chấp sự hiểu biết của mình và từ chối tất cả những ý kiến của người khác. Chúng ta đừng nghĩ rằng điều gì hợp với suy nghĩ của mình là đúng, còn trái với mình là sai. Vì vấn đề sai đúng còn tùy vào nhiều khía cạnh, hoàn cảnh, thời gian… Chánh kiến là yếu tố rất cần thiết trong quá trình tu tập. Kinh Trung Bộ I, phẩm Chánh Tri Kiến, đức Phật dạy: “Này chư Hiền, vị Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối sẽ thành tựu diệu pháp này”. Với người niệm Phật thì chánh kiến cần phải sáng tỏ. Đừng thấy người tu gặp nhiều tai nạn mà chúng ta nhận thức sai lời dạy nhân quả của Phật. Bằng niềm tin và sự hiểu biết đúng pháp môn mình đã học, chúng ta thấy mình phù hợp với pháp môn niệm Phật A Di Đà thì hãy kiên trì niệm Phật, dù gặp mọi hoàn cảnh khó khăn cũng không thối chí.

2/ Chánh tư duy: Tư duy tức là sự suy xét, suy tư, suy niệm. Chánh tư duy là suy nghĩ về thiện pháp, về chân lý lẽ đạo. Còn những suy nghĩ xằng bậy, xấu ác, không hợp lẽ đạo gọi là tà tư duy. Người học đạo giải thoát cần có chánh tư duy mới thấy rõ được bản thể của các pháp là vô ngã, vạn vật là vô thường, và vô minh, ái dục là đầu mối của sinh tử.

Niệm Phật với chánh tư duy là nhận ra Cực Lạc tại tâm, tìm Phật ở trong lòng mình. Niệm Phật tinh tấn sẽ được vãng sanh Cực Lạc.

3/ Chánh ngữ: Chánh ngữ là lời nói chân chính, lời nói đúng với sự thật, đúng chân lý. Ngược lại thì là lời nói dối trá, lời nói thô ác, nói lưỡi hai chiều, nói lời phù phiếm để hãm hại người khác. Chánh ngữ luôn luôn mang tính xây dựng, hài hòa dễ nghe và luôn đi đôi với hành động.

Người niệm Phật thì phải càng giữ gìn lời nói của mình. Việc đáng nói thì nói, nếu không thì hãy nên im lặng niệm Phật. Trong Kinh Đại Bảo Tích, Phật dạy: “Xưng niệm nam mô Phật, khẩu nghiệp sạch không. Khẩu nghiệp như thế gọi là cầm cây đuốc lớn chiếu sáng phá tan phiền não”. Một khi phiền não bị phá tan thì chúng ta sống trong Cực Lạc tại thế.

4/ Chánh nghiệp: Chánh nghiệp tức là hành động xuất phát từ thân khẩu ý đem lại an lạc, giải thoát cho bản thân và chúng sinh.

Thế cho nên phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến hậu quả của nó. Có người sống không biết sợ là gì, cứ nghĩ chết thì hết, cho nên suốt đời mưu toan tranh đoạt. Dân gian Việt Nam có câu: “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”. Kẻ gieo gió ắt phải gặp bão. Quả báo thiện ác như bóng theo hình. Nhân quả ba đời tuần hoàn không mất. Thế nên người niệm Phật chúng ta hãy thận trọng trong hành động của mình.

Ở đây, thành tâm niệm Phật, thân khẩu ý chúng ta không tạo ra nghiệp xấu ác. Cho nên khi sống thân tâm nhẹ nhàng, lúc mãn phần chắc chắn sinh về Cực Lạc. 

5/ Chánh mạng: Nuôi sống thân mạng mình bằng nghề nghiệp lành mạnh chân chánh.

Chúng ta phát tâm tu tập, nguyện noi gương thánh hiền sống đời từ bi trí tuệ thì hãy nên chọn nghề nào không tổn hại chúng sinh để làm việc. Nhất là nghề nghiệp có tính sát hại thân mạng chúng sinh thì nên thay đổi nghề khác. Và nên phát tâm ăn chay nữa, mới gọi là tinh tấn tu trong lối sống chánh mạng.

Ngược lại với chánh mạng là tà mạng. Tà mạng có nhiều cách biểu hiện như: hiện tướng khác thường như mình chứng quả thánh để thu hút cái nhìn người khác, hoặc tự mình kể công lập chùa, nuôi trẻ mồ côi, hoặc hành nghề bói toán, hoặc lớn tiếng ra oai để tạo sự chú ý, hoặc yêu sách người khác cúng dường, v.v… cũng đều gọi là lối sống tà mạng.

Người niệm Phật tôn trọng tánh linh của tất cả chúng sinh, cho nên luôn tôn trọng lối sống chánh mạng.

6/ Chánh tinh tấn: Chánh tức là chân chánh. Tinh tức là tinh cần, siêng năng. Tấn tức là tiến tới. Chánh tinh tấn tức là siêng năng liên tục tiến tới trong những hành động phù hợp với chánh pháp.

Ví dụ: Hôm nay chúng ta niệm 1000 danh hiệu Phật, ngày mai niệm nhiều hơn thì gọi là chánh tinh tấn. Còn hôm nay niệm 1000 danh hiệu Phật mà ngày mai niệm ít hơn, hay vì mệt mỏi không niệm nữa thì không phải chánh tinh tấn.

Ở đời có nhiều điều nghịch lý. Rõ ràng siêng năng tu tập sẽ giải thoát khổ đau, nhưng chúng ta lại không muốn tu. Ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật được vài mươi phút thì sinh tâm mệt mỏi, cảm thấy thời gian niệm như thế đã quá nhiều. Còn khi ngồi xem phim, xem bóng đá, tán gẫu với bà hàng xóm thì dù cả ngày cũng không biết mệt. Rõ ràng ai trong chúng ta cũng muốn có hạnh phúc, và chỉ có tu tập đến khi ra khỏi sinh tử thì mới có hạnh phúc vĩnh hằng nhưng lại không tinh tấn. Ngược lại, chúng ta chỉ thích lao nhọc cả đời vì chút hạnh phúc mong manh.

Nếu biết sợ đau khổ do chìm đắm trong sinh tử, chúng ta hãy phát tâm tinh tấn niệm Phật. Niệm sao cho niệm niệm bất thối, niệm niệm quy nhất về tâm, gội sạch hết thảy phiền não, thì tâm niệm bây giờ gọi là niệm Phật chánh tinh tấn.

7/ Chánh niệm: Nhớ nghĩ trí tuệ vô lậu, ghi nhớ những gì hợp với lời Phật dạy, nhất định không để tâm nhiễm ô khởi lên. Ngược lại, chấp trước những vọng tưởng, nhớ nghĩ những điều xấu ác thì gọi là tà niệm.

Chánh niệm lại có hai phần: Chánh ức niệm và Chánh quán niệm. Chánh ức niệm tức là nhớ lại những gì sai quấy để thành tâm sám hối; nhất là ghi nhớ tứ trọng ân: ân Phật, ân cha mẹ, ân thầy bạn, ân tổ quốc. Chánh quán niệm tức là thực hành quán sát các pháp sinh diệt đúng với nguyên lý như thật. Qua đó, tri nhận bản chất mọi vật vô thường, chỉ có niết bàn (thường, lạc, ngã, tịnh) mới là vĩnh cửu.

Tập sống với chánh niệm, tức là chúng ta ý thức rõ hết thảy những gì xảy ra ở trước mắt và những diễn khởi trong nội tâm. Bất kỳ một ý nghĩ nào hiện lên trong tâm thức, chúng ta cũng phải biết rõ ràng. Từ đó, nhận thấy suy nghĩ hợp chánh pháp, chúng ta ghi nhận, còn những mống tâm bất thiện chúng ta tinh tấn loại trừ. Ở đây, niệm Phật là chánh niệm, niệm chúng sinh là tà niệm.

8/ Chánh định: Tức là sức tập trung tư tưởng. Nếu hiểu theo nghĩa sâu hơn thì chánh định là một dạng tam muội của chư Phật. Muốn thành tựu chánh định, chúng ta phải dùng trí tuệ vô lậu để tu tập.

Nếu phát biểu trước chỗ đông người mà sợ hãi, thì phải biết mình thiếu định lực. Nếu sợ ma, sợ chết thì đó cũng là thiếu định lực. Muốn có định lực thì hãy niệm Phật. Niệm đến mức thuần thục thì chánh định tự nhiên xuất hiện.

Như vậy, kinh văn đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng nói cho chúng ta biết ở thế giới Cực Lạc phương Tây có nhiều loài chim với sắc lông kỳ diệu. Chúng bay nhảy giữa không gian vàng chói bởi hào quang của Phật A Di Đà hòa quyện với ánh sáng thất bảo và lầu các trang nghiêm. Những loài chim ấy hót lên pháp âm vi diệu, diễn xướng giáo nghĩa Năm căn, Năm lực, Bảy bồ đề phần và Tám thánh đạo phần. Đây chính là giáo nghĩa tối quan trọng trong phần Đạo đế mà đức Phật Thích Ca đã dạy trong bài pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, giúp cho năm anh em Kiều Trần Như chứng quả A La Hán. Khi chúng sinh ở thế giới Cực Lạc nghe được những pháp âm như thế, tâm họ rất hoan hỷ. Họ khởi tâm niệm Nam mô A Di Đa Phật, Nam mô A Di Đà Pháp, Nam mô A Di Đà Tăng.

Ở đoạn kinh trước chúng ta đã nghe đức Phật Thích Ca giới thiệu thế giới Cực Lạc không có khổ não, chúng sinh cõi ấy chỉ hưởng toàn điều vui. Nhưng tại sao kinh văn ở đây lại nói có các loài chim hót lên pháp âm nhiệm mầu như vậy? Tuy nó đẹp và hót hay thế nào đi nữa nhưng vẫn là súc sinh. Mà đã là súc sinh, tất nhiên phải do nghiệp báo nặng nề mới thọ sinh vào loài ấy. Vấn đề này nên hiểu thế nào? Chúng ta hãy nghe đức Phật Thích Ca dạy tiếp:

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Nhữ vật vị thử điểu, thiệt thị tội báo sở sanh. Sở dĩ giả hà? Bỉ Phật quốc độ, vô tam ác đạo.

Xá Lợi Phất! Kỳ Phật quốc độ thượng vô ác đạo chi danh, hà huống hữu thiệt, thị chư chúng điểu, giai thị A Di Đà Phật, dục linh pháp âm tuyên lưu biến hóa sở tác.

Dịch nghĩa:

Xá Lợi Phất! Ông chớ cho rằng loài chim ấy là thật do tội báo sinh ra. Tại sao thế? Vì cõi nước Phật kia không có ba đường ác.

Xá Lợi Phất! Cõi nước của Phật kia còn không có tên ác đạo, huống chi là có thật. Các loài chim ấy đều là do Phật A Di Đà muốn cho pháp âm truyền khắp mà biến hóa ra.

Giảng:

Đọc qua hai câu kinh trên, những hoài nghi đã được giải tỏa. Phật bảo Trưởng lão Xá Lợi Phất: “Ông chớ cho rằng loài chim ấy là thật do tội báo sinh ra”. Thông thường thì chúng sinh do vì gây nhân ngu si, tham lam, nặng ái dục nên bị thọ báo, đọa vào loài súc sinh. Một khi thọ lấy thân súc sinh thì phải chịu nhiều đau khổ. Vì thế, chúng ta đừng nghĩ rằng những loài chim ở Cực Lạc cũng là kết quả thọ báo như vậy. Tại sao? Bởi vì ở Cực Lạc không có ba đường xấu ác: địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Nếu như ở cõi đó có ba đường ác thì tất nhiên không thể gọi là thế giới Cực Lạc nữa.

Phật dạy như thế rồi, nhưng còn sợ tâm chúng sinh đời sau khởi niệm hoài nghi mất phần công đức nên Phật khẳng định thêm một lần nữa: “Cõi nước của Phật kia còn không có tên ác đạo, huống chi là có thật”. Tức là chúng sinh ở đó không bao giờ nghe đến những danh từ “địa ngục”, “ngạ quỷ” và “súc sinh”. Ngay cả danh từ thôi mà tai của họ còn chưa nghe tới huống chi điều ấy là có thật. Như vậy, những loài chim ấy tại sao lại có ở cõi Cực Lạc? Bởi vì “Phật A Di Đà muốn cho pháp âm truyền khắp mà biến hóa ra”. Nghĩa là vì muốn pháp âm truyền rộng khắp nơi, ở chỗ nào cũng có tiếng Pháp nhắc nhở chúng ta tỉnh giác tu tập. Giáo nghĩa này rất hay, nếu chúng ta ít nhìn tượng Phật, ít nghe tiếng Pháp, không nhìn thấy Tăng thì cũng khó phát tâm tinh tấn. Ngược lại, hằng ngày chúng ta thường nghe niệm Phật, tụng kinh, nghe giáo lý từ băng đĩa, hay đi chùa lễ Phật… thì tâm chúng ta cũng được nhắc nhở, cảnh tỉnh thường xuyên. Hơn nữa, tâm chúng sinh ưa thích cảnh đẹp, ưa thích muôn thú, hiếu kỳ với những gì lạ tai lạ mắt, cho nên Phật hóa hiện ra cảnh giới nhiệm mầu như thế.

Đây chính là diệu dụng thần lực của Phật A Di Đà biến hóa ra cảnh giới như vậy để khuyến hóa, tỉnh giác chúng sinh ở cõi Cực Lạc.

Thích Huyền Châu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *