Làm việc như thế nào mới tốt?

Tác giả: Quang Hải - Hiền Tuệ

Khi làm việc chúng trong chùa (chấp tác), chúng ta cần cùng nhau chung sức làm, không được có người nói ngoài miệng, sai khiến kẻ khác làm đó là thái độ cần tránh. Hãy dùng lời từ tốn, ôn hòa mà giải thích cặn kẽ công việc, cách làm, cho người nghe hiểu rõ ràng.

Khi các sư huynh, sư đệ cùng làm việc chung thì cần phải dựa vào tinh thần Phật Pháp, tinh thần Lục Hòa trong Phật giáo. Đừng nên lớn tiếng ra lệnh, sai cái này, chỉ cái nọ… như là cha sai con, chủ sai tớ; những việc làm đó là cách làm của người thế tục, không tốt cho người xuất gia.

“Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”. Khi làm việc, nếu chúng ta được Tăng sai làm công việc thì phải nỗ lực làm cho thật tốt, đừng sợ mích lòng, đừng vì tình cảm cá nhân riêng tư mà có sự phân biệt. Hễ điều gì cần nói thì phải nên nói ra, để tránh mắc cái lỗi trồng nhân sai lầm rồi gặt quả sai.

Trong lúc làm việc chúng, chắc chắn không sao tránh khỏi các sai lầm và mắc lòng, khi được thầy giao phó những công việc bất kể là vừa ý hay không vừa lòng thì đừng có đùng đẩy trách nhiệm “hiệu ư nhan sắc” thể hiện sự không hài lòng ra mặt, mà chúng ta cần nên vui vẻ tiếp nhận, đừng nên nổi nóng. Có như thế thì đầu óc mới sáng suốt, an tịnh.

Tu là sửa đổi, học hỏi. Học hỏi những cái gì? Đó là học những điều tốt, vứt bỏ những điều xấu. Trong lòng thấu suốt rõ ràng, cứ theo đây để tu hạnh Nhẫn nhục Ba la mật.

Đảnh lễ Hòa thượng Long Sơn, Nha Trang, ảnh Hải Lan.

Đã là người xuất gia thì “Phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân”. Người xuất gia tâm hình dị tục, phải khác đời, khác người thường, phải có một phong thái ung dung, tự tại. Các bậc trượng phu cổ kim đương thời ngày xưa như Kinh Kha, Tào Tháo, Lưu Bị, Quan Vũ, v.v… họ là những người đời mà khí chất anh hùng ngút trời, phong thái ung dung thanh thãn. Chúng ta là người tu, Thích tử Như Lai, nắm giữ mạng mạch Phật Pháp mà lại không có những điều đó thật đáng hổ thẹn. Khi tu hành, đừng hỏi là “đúng” hay là “sai”, cũng đừng quan tâm “có lý” hay là “vô lý” mà phải nhìn các pháp vận hành đúng theo duyên khởi, vô ngã và nhìn rõ được thật tính của chúng, đó mới là sự khác biệt của người tu.

Chúng ta cần phải nỗ lực ứng dụng lời Phật dạy, cần phải có hạnh nguyện. Nguyện ở đây là gì? Nguyện ở đây không phải là “tôi muốn như thế này, thế nọ”; khi bạn tu mà vẫn còn mong muốn thì bạn vẫn còn chấp vào cái “ngã” cái “tôi”. Nguyện cần phải được phát một cách tự nhiên, và phải vì lợi ích cho chúng sanh.

Người xuất gia cần phải noi gương học theo hạnh nguyện của chư vị Bồ Tát Phổ Hiền, Văn Thù, Quán Âm, Địa Tạng và học theo sự xả thân để giữ gìn mạng mạch Phật Pháp của chư vị Tổ sư. Có như vậy, việc công phu tu tập của chúng ta mới có kết quả, và đạt thành tựu “trên đền bốn ân, dưới cứu khổ và đường”.

Chúng ta là hàng hậu học, nghiệp dày, phước mỏng; nhưng may thay lại có duyên lành gặp được Phật Pháp, gặp được Tăng và có duyên cắt tóc xuất gia. Trong tiến trình tu tập, ắt sẽ luôn gặp các chướng ngại, khi có vấn đề khó khắn thì chúng ta nên liền y áo và một lòng tham vấn Thầy Tổ để được chỉ dạy.

Sống trong Tăng chúng, nhưng chúng ta là phàm phu chắc chắn sẽ không thoát khỏi vụn vờ. Nếu thầy có sai bảo làm việc gì thì chớ nên tranh cãi, cứ thuận theo ý thầy mà làm, tự nhiên chúng ta sẽ thể hội được chân lý của chuyện này. Việc gì không rành rẽ rõ ràng, vẫn có thầy đứng đằng sau nâng đễ, đừng bao giờ vì sợ hãi, sợ mất mặt, mà làm càn, để rồi sai lại thêm sai.

Mục đích việc tu cốt để trau dồi phước – trí, là tiêu trừ nghiệp chướng của chính mình. Đừng nên có sự phân chia ranh giới giữa mình và người quá rõ rệt (đây là việc “của tôi”, kia là việc “của anh”) điều này không đúng tinh thần lục hòa trong nhà Phật. Hễ người nào không làm, ta chớ nên nổi nóng sẽ dễ làm mất công đức của ta tích tụ, mà hãy nên vui vẻ làm thay cho người ấy. Hãy luôn luôn có lòng từ bi. Và phàm làm việc gì chớ suy tính tới lợi riêng tư cho bản thân mình. Hễ thấy việc gì làm của huynh đệ chưa xong chưa tốt, thì chúng ta hãy tới cùng chia sẻ công việc, đó cũng là một cách thực tập nuôi dưỡng mảnh đất tâm rộng lượng.

Làm việc, đãi lao chấp tác việc chúng cũng là một cách để tiêu trừ nghiệp chướng của chính chúng ta, chứ không phải làm giùm ai khác cả, làm việc bằng một tinh thần tự nguyện thì trí tuệ sẽ được phát triển. Mọi việc làm công quả ở chùa hoàn toàn là “vô điều kiện”, tất cả xuất phát từ tâm phụng sự; do đó khi làm thì chớ oán than và trách móc. Việc của mình thì mình nên cố gắng làm cho xong, đừng sai người khác, khiến họ khó chịu làm mình tổn phước và họ mắc nghiệp. Đừng chấp trước gì cả, mỗi người một duyên nghiệp, một phước lực khác nhau và mọi chuyện phải tùy duyên.

Khi bị lầm lỗi, bị thầy quở trách thì chúng ta đừng nên có thái độ khó chịu, bực bội, sanh phiền não. Việc làm như vậy sẽ vô tình khiến mất đi hạnh khiêm cung và sự cầu tiến, ngược lại chúng ta hãy luôn vui vẻ tiếp nhân lời chỉ bảo, khuyên dạy. Đừng có bao giờ ương ngạnh, bất phục, rồi lập bè lập phái, níu kéo chia rẽ tín đồ. Việc làm này không đúng với tinh thần lục hòa của nhà Phật, làm mất hòa hiệp Tăng, mất đi bản thể thanh tịnh của Tăng.

Người tu hành là cần phải có tâm thẳng thắn. Những lúc nghe lời khó nghe, là những lúc đang thử thách xem thử ta có tu hay không. Do đó, việc tu hành quý trọng nhất là ở trực tâm, tâm thẳng thắn, phải có tinh thần nghĩa trượng “bỉ khí trượng phu, ngã diệc nhĩ, bất ưng tự khinh nhi khoái thất”, nếu ta làm được như vậy, chúng ta sẽ luôn thấy tự tại trong mọi hoàn cảnh.

Nếu bản thân tu chỉ biết thụ hưởng, tham ăn, tham ngủ, tự cao, ngã mạn… không làm tròn bổn phận của mình, thì khi phước báo cạn hết, nghiệp chướng ập tới, tự nhiên bạn sẽ không thể ở trong ngôi nhà Phật Pháp, không thể bơi lội trong biển cả pháp tánh chơn như.

Phật học Trí Diệu, Phước Long Tự, Phật lịch 2565, ngày 22.10.2021.

Quang Hải – Hiền Tuệ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *