Giữa các bộ phái Phật giáo, bên cạnh những tương đồng thì vẫn có những khác nhau về giáo thuyết cũng như phương pháp và lộ trình tu tập. Trong khi Thượng tọa bộ chấp nhận có bốn giai đoạn chứng đắc Thánh quả, đó là Dự lưu (sotapatti), Nhất lai (sakadagami), Bất lai (anagami), A-la-hán (arahantta), thì Phật giáo Đại thừa quan niệm có mười cấp độ tu chứng (Thập địa Bồ-tát, Bodhisattvabhumi) trong lộ trình phát triển tâm linh. Một vị Bồ-tát cần phải lấy “Thập độ ba-la-mật”2 để diệt trừ “thập chướng”3 qua đó có thể đạt được giải thoát như Phật.
Giai đoạn tiền Thập địa (Bhumi)
Tiền Thập địa là giai đoạn trước khi hành giả bước vào cảnh giới Bồ-tát sơ địa. Nó rất cần thiết và cũng là điều kiện để hành giả từ địa vị “phàm phu”4 bước đến địa vị của bậc Thánh. Điều đầu tiên là phát khởi niềm tin kiên cố, và nhờ niềm tin kiên cố ấy mà hành giả phát nguyện thọ giữ giới pháp, nhờ giới thanh tịnh nên hành giả ấy phát tâm Bồ-đề, sau đó bước vào thực hành các “địa”. “Một chúng sinh phát tín nguyện (adhimukti) trải qua nhiều kiếp, làm rất nhiều công đức tràn đầy như nước biển đại dương, đã được thanh tịnh nhờ giữ Bồ-tát giới”.5 Trước địa thứ nhất gọi là “Niệm hành địa” (adhimukticarya bhumi), khi lời nguyện của hành giả an trú vĩnh viễn trong nội tâm, vị ấy được xem có Bồ-đề tâm, trở thành một vị Thánh (sơ Bồ-tát), danh từ chuyên môn gọi là Bổn tánh hành, được chia làm hai loại: Tánh trú và Niệm hành trú.
1- Tánh trú (gotravihara)
Tự tánh thuộc về một quý tộc chúng sinh, đầy đủ đức tính và mục đính cao đẹp. Vị này làm những hạnh lành một cách tự nhiên, không cần ai khuyên nhủ, với lòng từ ái sáng suốt, đầy đủ chủng tử về Phật pháp, và không làm bất kỳ điều ác nào. Khi ở giai đoạn này, vị ấy thường làm những việc sáng suốt, xa rời các pháp bất thiện. Theo Thượng toạ bộ, giai đoạn này tương đồng với tiền Dự lưu; vị hành giả tập hợp các thiện căn6 cần thiết để từ địa vị phàm phu bước lên bậc Thánh.
2- Niệm hành trú (adhimukticaryavihara)
Niệm hành trú là những sự cố gắng đầu tiên của một vị Bồ-tát phát tâm Bồ-đề. Hành giả khi làm xong bổn phận này thì chuẩn bị bước lên địa thứ nhất là Hoan hỷ địa. Hành giả ở Niệm hành trú còn hạn chế rất nhiều, như chưa vượt qua được nỗi sợ hãi bị phỉ báng, chết, ác thú, đại chúng chỉ trích, v.v… Với Trạch lực, cố gắng làm nhiều thiện sự lợi ích cho hữu tình chúng sinh bằng phát khởi lòng từ bi. Kinh nói về Tiền thập địa như sau:
“…Nếu chúng sinh huân tập đầy căn lành, tu tập các hạnh thiện, giỏi tập hợp pháp trợ đạo, cúng dường các Đức Phật, tu tập các pháp Bạch tịnh thì được sự hộ trì của Thiện tri thức, vào được tâm sâu rộng, tin ưa đại pháp, lòng luôn hướng về đại bi, thích cầu trí tuệ của chư Phật. Chúng sinh như vậy thì mới có thể phát tâm Vô thượng Bồ-đề, được Nhất thiết chủng trí…”7
Kinh Hoa nghiêm đề cập đến 50 giai vị tu tập mà hành giả cần đạt đến, bao gồm: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng và Thập địa. Tất cả đều theo thứ lớp, trong đó phân chia Thập tín thuộc về thứ bậc Nhập môn; còn Thập trụ, Thập hạnh và Thập hồi hướng thuộc về thứ bậc Tam hiền, và Thập địa thuộc về thứ bậc của Bồ-tát Thánh nhân. Ở đây xin được trình bày vắn tắt về Thập địa.
Những giai đoạn tu chứng Thập địa Bồ-tát
1- Hoan hỷ địa (pramudita Bhumi)
Hành giả do hoàn hoàn thiện 40 giai vị đầu nên ở quả vị này Bồ-tát đạt được sự an lạc thanh tịnh, sau khi đã đoạn trừ kiến hoặc và đã chứng đắc nhân không, pháp không. Bồ-tát trải qua con đường tu tập phần lớn thông qua thực hành pháp bố thí ba-la-mật để đưa tâm thoát khỏi sự sợ hãi, khiếp nhược ngay cả nếu phải hy sinh đầu, mắt, chân, tay hay những bộ phận thân thể khác của mình, mục đích vì lợi ích của chúng sinh hữu tình. Kinh dạy:
“Tâm đó lấy đại bi làm đầu, trí tuệ tăng lên, làm phương tiện giúp đỡ, trực tâm và thâm tâm hoàn hảo, lượng đồng với Phật lực, quyết định trọn vẹn chúng sinh lực và Phật lực. Hướng đến trí vô ngại, thuận theo trí tự nhiên, có thể nhận lấy tất cả Phật pháp, dùng trí tuệ giáo hóa rộng lớn như pháp giới, rốt ráo như hư không đến tận đời vị lai. Bồ-tát phát tâm như vậy tức thời vượt qua khỏi địa vị phàm phu, nhập vào quả vị Bồ-tát, sinh ra trong nhà của Đức Phật, dòng họ tôn quý, không thể chê trách hiềm nghi, vượt qua tất cả đạo thế gian, vào đạo xuất thế gian, ở trong pháp Bồ-tát, thuộc hàng những Bồ-tát, bình đẳng vào trong chủng tánh Như Lai ba đời, nhất định rốt ráo Vô thượng Bồ-đề. Bồ-tát trụ ở pháp như vậy thì gọi là trụ ở địa Hoan hỷ bằng pháp bất động”.8
Tâm ấy lấy đại bi làm đầu, ở đây có 9 thứ:
1) Lớn về tăng thượng (khổ càng vi tế thì trí càng sinh khởi phát triển),
2) Lớn về thâu tóm rộng khắp (cứu khổ chúng sinh theo phương tiện thiện xảo),
3) Lớn về sự tinh thần (luôn tạo lợi ích cho muôn loài chúng sinh với tâm từ bi phát triển),
4) Lớn về vô lượng (thâu giữ vô lượng diệu lực của Như Lai),
5) Lớn về quyết định (quyết định thượng diệu tin nơi trí sâu xa nơi sự đối trị thù thắng),
6) Lớn về tùy thuận (tùy thuận nơi chánh giác Bồ-đề),
7) Lớn về chánh thọ (có khả năng nhận lấy Chánh pháp thù thắng để chỉ dạy cho chúng sanh),
8) Lớn về chỗ vi diệu tột bậc (tức là thâu nhận các công đức thù thắng vi diệu),
9) Lớn về sự an trú cùng tận (tức là đạt được vô lượng quả yêu thích là nhân đạt đến cảnh giới Niết-bàn).
Khi tâm vượt qua hạng phàm phu thì bước vào quả vị Bồ-tát. Trong kinh nói có tám thứ để vượt qua: “Vượt qua nơi nhập vị, nơi nhà, nơi chủng tánh, nơi đạo, nơi thể của pháp, nơi chốn, nơi nghiệp, nơi tất định”.9 Người đạt được địa Hoan hỷ sẽ phát vô lượng Đại nguyện, có thể bỏ cả của cải, vợ con, những vật thế gian và xuất thế gian (bố thí ba-la-mật) và thành tựu mười thiện tánh: “tín, bi, từ, xả, nhẫn chịu khổ cực, tinh thông luận bộ, thế gian trí, khiêm nhường, tàm quý, kiên trì và khả năng đảnh lễ Như Lai”.10
2- Vô cấu địa (vimala bhumi)
Một vị Bồ-tát sau khi thực hành địa thứ nhất, muốn chứng đạt địa thứ hai thì cần phải tu tập thêm giới thanh tịnh. Kinh dạy có hai thứ thanh tịnh: thanh tịnh phát khởi và thanh thịnh tự thể.
Thanh tịnh phát khởi:
“Đại Bồ-tát đã đầy đủ Địa thứ nhất, muốn được Địa thứ hai thì phải sinh ra mười Trực tâm. Những gì là mười?
1. Tâm chánh trực,
2. Tâm mềm diệu,
3. Tâm thuận hợp,
4. Tâm chẳng phóng dật,
5. Tâm tịch diệt,
6. Tâm chân thật,
7. Tâm chẳng xen tạp,
8. Tâm không tham tiếc,
9. Tâm thắng,
10. Tâm lớn”.11
Ở đây vì “giới” thanh tịnh cho nên thành tựu được “giới tánh” của tâm chánh trực. Từ đó tùy theo nơi tạo tác mà có chín loại tâm chánh trực khác nhau. Bồ-tát khi thanh tịnh mười thiện nghiệp thì nghĩ rằng mọi chúng sanh đau khổ vì không tránh được mười nghiệp bất thiện.
Thanh tịnh tự thể được chia làm ba:
– Giới thanh tịnh do xa lìa, tức là xa lìa mười đạo nghiệp bất thiện “sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ…”.12 Mười con đường bất thiện này đưa đến khổ lớn. Bồ-tát lìa bỏ và dạy chúng sanh phải lìa bỏ chúng.
– Giới thanh tịnh do giữ pháp thiện. Ở đây Bồ-tát tu tập tất cả pháp thiện ấy, thành tựu pháp thiện ấy mà chỉ dạy cho chúng sinh, và Bồ-tát đã xa lìa không còn nhân điên đảo.
– Giới thanh tịnh do đem lại lợi ích cho chúng sinh, tức là giới phát triển dựa nơi tâm đại bi làm lợi ích cho chúng sinh, gồm có 5 thứ: “trí, nguyện, tu hành, tích tập, tích tập quả”.13
3- Phát quang địa (prabhakari bhumi)
“Những Đại Bồ-tát thanh tịnh Địa thứ hai rồi, muốn được Địa thứ ba thì phải dùng mười thâm tâm. Những gì là mười?
1. Tâm tịnh, 2. Tâm dũng mãnh, 3. Tâm chán, 4. Tâm ly dục, 5. Tâm không thoát, 6. Tâm bền vững, 7. Tâm minh tịnh, 8. Tâm không đủ, 9. Tâm thắng, 10. Tâm lớn.
Bồ-tát do mười tâm đó mà được vào Địa thứ ba. Bồ-tát trụ ở sáng suốt có thể quan sát tất cả pháp hữu vi đúng như thật tướng. Đó là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, hư hoại, chẳng lâu, chẳng thể tin tưởng, chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng từ đời trước đến, chẳng đi về đời sau, chẳng trụ ở hiện tại”.14
Một vị Bồ-tát sau khi thành tựu địa thứ hai thì hướng mười tâm niệm sâu xa hơn để đi vào địa thứ ba. Bồ-tát chứng được: sự vật là vô thường, khổ đau, sinh diệt trong từng sát-na, từ vô thủy đến vô chung đều bị vô minh chi phối. Bồ-tát tu tập bốn vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), chứng các thắng tri (tương đồng với các chứng đắc ở Tứ thiền, chẳng hạn như: “thần túc thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thiên nhãn thông”.15
Trong bốn nhiếp pháp, vị này hết sức thực hành pháp “lợi hành”; trong mười ba-la-mật vị này tu hạnh “nhẫn nhục ba-la-mật”. Hành giả đoạn trừ tâm tham, sân, si; thực hành nhẫn nhục, không trạo cử, không thích thú, không chán nản, không tham lợi những việc mình làm, không lừa dối, không bí mật che giấu.
4- Diệm huệ địa (arcismati bhumi)
“Những Đại Bồ-tát tịnh Địa thứ ba rồi, muốn được Địa thứ tư phải dùng mười pháp môn. Những gì là mười?
1. Quan sát chúng sinh giới,
2. Quan sát pháp giới,
3. Quan sát thế giới,
4. Quan sát hư không giới,
5. Quan sát thức giới,
6. Quan sát Dục giới,
7. Quan sát Sắc giới,
8. Quan sát Vô sắc giới,
9. Quan sát Thắng tín giải giới,
10. Quan sát Đại tâm giới.
Bồ-tát nhờ mười pháp môn minh mà được vào Địa thứ tư”.16
Khi trụ địa này vị Bồ-tát được xem là vào nhà Như Lai, thành tựu mười pháp trí bên trong. Kinh dạy:
“1. Tâm chẳng thoái chuyển,
2. Ở trong Tam bảo được lòng chẳng mất, sự thanh tịnh rốt ráo,
3. Tu tập quán sinh diệt,
4. Tu tập các pháp xưa nay chẳng sinh,
5. Thường tu tập sự thành hoại của thế gian,
6. Tu tập nghiệp nhân duyên nên có sinh,
7. Tu tập phân biệt sự sai khác của môn sinh tử Niết-bàn,
8. Tu tập nghiệp chúng sinh chẳng diệt,
9. Tu tập đời trước, đời sau sai biệt,
10. Tu tập hiện tại thường tiêu diệt chẳng trụ”.17
Vị Bồ-tát này thực hành bốn nhiếp pháp cố gắng tạo nhiều công đức hơn nữa, không làm các ác hạnh, thực hành các thần túc, “năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám thánh đạo”;18 thực hành “Đồng sự nhiếp” trong bốn nhiếp pháp, tinh tấn nhiều hơn, phát triển sâu rộng hơn các địa trước. Bồ-tát thường thực hành hạnh “tinh tấn ba-la-mật” mà thành tựu được đạo quả.
5- Cực nan thắng địa (sudurjaya bhumi)
Khi từ địa thứ tư lên địa thứ năm Bồ-tát tu tập thanh tịnh bình đẳng tâm nguyện. Kinh dạy: “Đại Bồ-tát đã đầy đủ Địa thứ tư, muốn được Địa thứ năm thì phải dùng mười tâm bình đẳng. Những gì là mười tâm bình đẳng?
1. Pháp Phật quá khứ,
2. Pháp Phật vị lai,
3. Pháp Phật hiện tại,
4. Giới tịnh,
5. Tâm tịnh,
6. Trừ kiến nghi hối tịnh,
7. Đạo phi đạo tịnh,
8. Hành trí kiến tịnh,
9. Các pháp Bồ-đề phần chuyển thắng tịnh,
10. Giáo hóa chúng sinh tịnh.
Bồ-tát nhờ mười tâm bình đẳng đó mà được vào Địa thứ năm. Bồ-tát trụ ở địa Nan thắng thì khéo tu pháp Bồ-đề, thâm tâm thanh tịnh, cầu chuyển thắng đạo thì có thể đắc được Phật quả”.19
Ở địa này, Bồ-tát liên tục thực hành các trợ pháp khác, một pháp thanh tịnh chứng đắc thì tất cả pháp cũng được chứng đắc. Bồ-tát thực hành thấu rõ pháp Tứ đế qua thiền định ba-la-mật, hiểu rõ pháp hữu vi là vô ngã không có thật. Nhờ vào thanh tịnh trí, Bồ-tát ở địa này không bị hoang mang, làm cho mình và chúng sinh đều được hoan hỷ. Bồ-tát ở địa vị này thành tựu do thực hành Tứ nhiếp pháp và thiền định ba-la-mật.20
6- Hiện tiền địa (abhimukhi bhumi)
“Đại Bồ-tát đã đủ năm Địa, muốn vào Địa thứ sáu, phải dùng mười pháp bình đẳng. Những gì là mười?
1. Do vô tánh nên tất cả pháp bình đẳng,
2. Do vô tướng nên tất cả pháp bình đẳng,
3. Do vô sinh nên tất cả pháp bình đẳng,
4. Do vô diệt nên tất cả pháp bình đẳng,
5. Do xưa nay thanh tịnh nên tất cả pháp bình đẳng,
6. Do không hý luận nên tất cả pháp bình đẳng,
7. Do chẳng lấy chẳng bỏ nên tất cả pháp bình đẳng,
8. Do xa lìa nên tất cả pháp bình đẳng,
9. Do như huyễn, mộng, bóng dáng, tiếng vang, trăng trong nước nên tất cả pháp bình đẳng,
10. Do có không chẳng phải hai nên tất cả pháp bình đẳng.
Bồ-tát do mười pháp bình đẳng này mà được vào Địa thứ sáu”.21
Địa thứ sáu này lấy “trí tuệ ba-la-mật” làm pháp môn hành trì, vì nặng lòng yêu thương với tất cả chúng sinh nên Bồ-tát nỗ lực hành trì đưa đến chứng ngộ tự tánh các pháp (không tánh).
Chúng sinh đau khổ là do vô minh, bởi vô minh nên có hành, từ hành phát sinh thức, câu hữu với bốn thủ uẩn từ ấy danh sắc được sinh ra và dẫn dắt chúng sanh đến khổ uẩn: “Do tâm hữu lậu, hữu thủ nên sinh ra thân sinh tử. Nghĩa là, nghiệp chính là đất, thức là hạt giống, vô minh che lấp, nước ái thấm nhuần, tâm ngã tưới đủ thứ các tà kiến, khiến cho tăng trưởng sinh ra mầm danh sắc. Nhân danh sắc nên sinh ra các căn. Các căn hợp lại nên có xúc. Từ xúc sinh ra thọ. Do thọ nên sinh ra ái. Ái tăng trưởng nên có thủ. Thủ làm nhân duyên nên có hữu. Từ hữu sinh ra thân năm ấm gọi là sinh. Năm ấm suy tàn gọi là già. Năm ấm diệt gọi là chết. Do nhân duyên già chết mà có ưu bi, khổ não, các sự khổ tụ tập. Đó là mười hai nhân duyên”.22
Bồ-tát hiểu rằng chúng sinh đau khổ là do họ tự tạo chứ không ai gây tạo cho họ. Với cái thấy đó, Bồ-tát biết được tam giới đều là do “thức” biến hiện. Ở địa này Bồ-tát đã thoát khỏi vọng tưởng về “thiền, đối tượng của thiền, giải thoát, lực, thắng trí, phiền não và khổ đau”.23
7- Viễn hành địa (durangama bhumi)
Khi thành tựu các công đức trí tuệ của Bồ-tát đạo, hành giả bắt đầu bước vào con đường mới cao thượng hơn, tức là mười phương tiện diệu hạnh, bao gồm:
“1. Khéo tu Không, Vô tướng, Vô nguyện mà vận dụng lòng từ bi,
2. Ở trong chúng sinh theo pháp bình đẳng của chư Phật mà chẳng bỏ sự cúng dường chư Phật,
3. Thường ưa tư duy cửa không mà tu tập phước đức tư lương,
4. Xa lìa ba cõi mà trang nghiêm cho ba đời,
5. Rốt ráo tịch diệt các lửa phiền não, nhưng vì chúng sinh phát sinh pháp diệt lửa phiền não tham, sân, si,
6. Thuận theo các pháp như huyễn, như mộng, như trăng trong nước chẳng hai tướng mà phát sinh phân biệt đủ các loại phiền não và chẳng mất quả báo của nghiệp,
7. Biết tất cả nước Phật rỗng không như hư không đều là tướng ly mà phát sinh hạnh làm tịnh Phật quốc,
8. Biết tất cả Pháp thân Phật không có thân mà phát sinh sắc thân ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp để tự trang nghiêm,
9. Biết âm thanh chư Phật chẳng thể nói, tướng tịch diệt mà tùy theo tất cả phát sinh đủ chủng loại âm thanh trang nghiêm,
10. Biết hết chư Phật, ở trong một niệm, thông đạt cả ba đời mà biết tất cả tướng, các thứ thời, các thứ kiếp được Vô thượng Bồ-đề, tùy theo sự tin hiểu của chúng sinh mà nói như vậy. Đây gọi là tuệ từ phương tiện phát sinh mười diệu hạnh”.24
Ở địa này Bồ-tát thành tựu mọi ba-la-mật, bốn nhiếp pháp, tứ đức xứ và 37 phẩm bồ-đề phần, thành tựu thân, khẩu nghiệp thanh tịnh v.v… Mọi thành tựu đó là do thực hành phương tiện thiện xảo của pháp ba-la-mật mà được thành tựu.
8- Bất động địa (acala bhumi)
Sau khi thành tựu bảy địa, Bồ-tát làm cho đạo thanh tịnh, chất chứa nhiều công đức, phát vô số đại nguyện, an trú vào bốn gia trì lực. Bồ-tát hiểu được mọi pháp là bất sinh, bất diệt, bất tăng, bất giảm, tự tánh không thật có, chủng thủ bổn mạt đều giống nhau. Bồ-tát vượt qua mọi biến kế sở chấp do tâm và thức tạo, an trú vào “Vô sinh pháp nhẫn”25.
Kinh viết: “Các pháp xưa nay không sinh, không khởi, không tướng, không thành, không hoại, không đến, không đi, không đầu, không giữa, không cuối; vào trí của Như Lai. Tất cả tâm, ý, thức, nhớ tưởng, phân biệt không chỗ tham trước, tất cả các pháp như tánh hư không. Đó gọi là Bồ-tát được Vô sinh pháp nhẫn, vào Địa thứ tám. Vào địa Bất động thì gọi là Bồ-tát thâm hạnh. Tất cả thế gian chẳng thể đo lường được hạnh đó. Nó lìa tất cả các tướng, lìa tất cả các tưởng, tất cả tham trước”.26
Vị Bồ-tát ở địa này biết được khi nào thế giới này hình thành và hủy hoại, biết được từng chi tiết lớn, nhỏ của tứ đại của tất cả các loài chúng sinh và nghiệp quả của chúng: “Tại đạo Bồ-tát, tư duy thế lực trí tuệ của chư Phật mà biết thế giới sinh, thế giới diệt, thế giới thành, thế giới hoại. Biết do nhân duyên nghiệp gì gom lại nên thế giới thành, biết do nhân duyên nghiệp gì diệt nên thế giới hoại. Bồ-tát đó biết tánh đất, nước, lửa, gió, tướng nhỏ, tướng vừa, tướng vô lượng, tướng khác nhau, tướng vi trần nhỏ, biết tướng khác nhau của vi trần. Sự sai khác của vi trần có trong một thế giới, Bồ-tát đều có thể biết hết. Biết bảo vật nhiều như ngần ấy vi trần, thân chúng sinh nhiều như ngần ấy vi trần, biết sự sai biệt về vi trần của vạn vật trong thế giới. Phân biệt chúng sinh thân lớn thân nhỏ do bao nhiêu vi trần thành, thân địa ngục, thân ngạ quỷ, thân súc sinh do bao nhiêu vi trần thành, thân A-tu-la, thân trời do bao nhiêu vi trần thành… Bồ-tát đều biết rõ hết”.27
Bên cạnh đó, Bồ-tát phát triển 10 tự tại (tuổi thọ, tâm trí, tài vật, nghiệp, sinh, giải thoát, nguyện, thần thông, pháp và trí). Bồ-tát ở địa này chứng được vô lượng, vô biên, vô tỷ trí tuệ. Hạnh nghiệp bao giờ cũng trong sạch, do vậy nên gọi địa này là “Bất động”. Bồ-tát này không thể thoái lui nữa và trở thành một đơn vị của nhà Như Lai, gia tộc Đức Phật, luôn luôn được chư Thiên, Kim Cang thần cận hầu hạ.
9- Thiện tuệ địa (sadhumati bhumi)
Sau khi thành tựu và phát triển vô lượng trí, tổng trì, thiền định, thượng trí, hiểu biết chi li về thế giới và các vô sở úy của chư Đức Phật, Bồ-tát biết đúng đắn về pháp thiện, bất thiện, vô ký, thanh tịnh hay không thanh tịnh, thế tục hay siêu việt, tưởng hay không tưởng, định pháp hay bất định pháp, hữu vi hay vô vi v.v… Bấy giờ Bồ-tát đạt đến địa thứ chín, gần với ngôi vị Phật. Bồ-tát được Tam muội Ly cấu: “Lại nữa, họ còn vào được các Tam muội Nhập pháp giới sai biệt, Tam muội Trang nghiêm đạo tràng, Tam muội Vũ nhất thiết thế gian hoa quan, Tam muội Hải tạng, Tam muội Hải ấn, Tam muội Hư không quản, Tam muội Quán sát nhất thiết pháp tánh, Tam muội Tùy nhất thiết chúng sinh tâm hành, Tam muội Như thật tri nhất thiết pháp, Tam muội Đắc Như Lai trí tín… Trăm vạn a-tăng-kỳ Tam muội như vậy đều hiện ra”.28
Ở địa này Bồ-tát vẫn tu tập trên con đường tiến triển tâm linh, lấy hạnh “Lực ba-la-mật” hóa độ tất cả chúng sinh.
10- Pháp vân địa (dharmamegha bhumi)
Khi biết rõ sự sinh diệt của các pháp, có thể làm vô lượng công hạnh khó làm, thêm lớn vô lượng trí huệ công đức, chứng nhập trí tuệ quảng đại của chư Phật, được trăm ngàn đại tam muội, Bồ-tát trở thành Đức Như Lai đầy đủ “Nhất thiết trí”: “Bồ-tát trụ ở địa Pháp vân thì biết đúng như thật. Sự tập khởi của Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, biết đúng như thật. Thế gian tánh, chúng sinh tánh, thức tánh, hữu vi tánh, vô vi tánh, hư không tánh, pháp tánh, Niết-bàn tánh, tà kiến chư phiền não tánh, biết đúng như thật. Sự tập khởi của các pháp thế gian thành hoại, Thanh văn đạo, Bích chi Phật đạo, Bồ-tát đạo, mười Lực, bốn Điều không sợ, mười tám pháp Bất cộng, Sắc thân, Pháp thân của chư Phật, Nhất thiết trí, đắc Phật đạo chuyển pháp luân, thị hiện diệt độ tập…
Nói tóm lại, Bồ-tát đó biết đúng như sự thật vì tập khởi mà có tất cả pháp sai biệt”.29
Bồ-tát điêu luyện trong vô số thiền định, nhờ vậy mà một đóa sen huy hoàng to lớn hiện ra. Bồ-tát thấy mình ngồi trên đài sen ấy với hào quang chói sáng và nhập nhất thể trí tri, xung quanh có vô số Bồ-tát, các vị ở trong chín địa trước bao quanh và hướng nhìn mình. Khi Bồ-tát ngồi trên hoa sen, hào quang từ các Đức Như Lai chiếu đến tấn phong vị Bồ-tát này thành Chánh đẳng giác (Samyaksambudha). Vì đầy đủ nhất thiết trí như vậy nên địa này gọi là Quán đảnh địa (Abhisekabhumi).
Kết luận
Vì phát đại nguyện sâu rộng, nguyện kết thiện duyên với hết thảy Phật pháp, tu tập đầy đủ 37 phẩm Bồ-đề, cùng với “mười nguyện bất khả tận”, nên Bồ-tát an trụ vào địa thứ nhất (Hoan hỷ địa). Nhờ nghiêm trì tịnh giới, tinh tấn hành đạo, trừ tâm cấu uế, phát sanh “mười tâm thù thắng”, Bồ-tát an trụ địa thứ hai (Ly cấu địa). Nhờ nguyện chuyển tiếp tăng trưởng, thấy được minh pháp, sự thực hành viên mãn “mười tâm vi diệu”, Bồ-tát an trụ vào địa thứ ba (Phát quang địa).
Do phát nguyện lực sâu rộng, đủ công năng thể nhập vào đạo, vận dụng nhu nhuyến “mười loại pháp minh” và đắc “mười chủng trí” nên Bồ-tát an trụ vào địa thứ tư (Diệm huệ địa). Nhờ tùy vào Chánh pháp mà thuận hành theo pháp thế gian, vận dụng nhu nhuyến “mười tâm bình đẳng”, Bồ-tát an trụ vào địa thứ năm (Nan thắng địa). Nhập vào pháp môn sâu xa, với sự vận dụng nhu nhuyến “mười pháp bình đẳng và quán chiếu 12 nhân duyên”, Bồ-tát an trụ vào địa thứ sáu (Hiện tiền địa). Sinh khởi hết thảy pháp Phật, vận dụng “tuệ phương tiện để khởi mười diệu hạnh”, Bồ-tát an trụ trong địa thứ bảy (Viễn hành địa).
Bồ-tát khi thể nhập vào địa này thì có được các trí tuệ sâu rộng, chứng đắc đạo quả; và nhờ năng lực thiền định sâu xa kiên cố, trong mỗi niệm đều tinh tấn hành Thập độ ba-la-mật, Tứ nhiếp pháp, 37 phẩm Bồ-đề, Tam giải thoát môn, cho nên Bồ-tát đắc được mười pháp tự tại, khi ấy thì đệ Bát địa (Bất động địa) tự nhiên được thành tựu. Tới đây tâm Bồ-tát không còn bị thoái lui, chỉ còn công hạnh đầy đủ hướng đến quả vị Phật, (tức thập địa).
Đây là lộ trình tu tập của một hành giả theo Đại thừa Phật giáo, đưa chúng sinh từ địa vị phàm phu hướng đến Phật quả giải thoát.
* Chú thích:
(1) Học viên Cao học, khoá 2
(2) Biến hành độ, Tối thắng độ, Thắng lưu độ, Vô nhiếp thụ độ, Loại vô biệt độ, Vô nhiễm tịnh độ, Pháp vô biệt độ, Bất tăng giảm độ, Trí tự tại độ và Nghiệp tự tại độ.
(3) 1. Dị sanh tánh chướng là chướng ngại vì tưởng rằng những cái không thật là thật, 2. Tà hạnh chướng, 3. Ám độn chướng, 4. Vi tế hiện hành phiền não chướng, 5. Hạ thừa Niết-bàn chướng, 6. Thô tướng hiện hành chướng, 7. Tế tướng hiện hành chướng, 8. Vô tướng gia hành chướng, 9. Lợi tha bất dục hành chướng, 10. Chư pháp vị đắc tự tại chướng.
(4) Được định nghĩa trong Majjhima Nikaya: “Một vị còn bị mê lầm chi phối, tưởng rằng có ngã và ngã sở và tưởng rằng mình có sắc, thọ, tưởng.v.v. Vì không biết Chánh pháp nên vị này khởi lên tham ái với các sự vật cần phải tránh xa do vậy tạo ra, tăng tưởng các lậu hoặc về dục, hữu, và vô minh”. Bậc Thánh thì ngược lại.
(5) Thích Minh Châu dịch, Đại thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.266.
(6)“Đức Thế Tôn, buổi sáng sớm nhìn xung quanh thế giới và thấy thiện căn người ấy…”,được tìm thấy rất nhiều trong Majjhima Nikaya, Thích Minh Châu Việt dịch.
(7) Sa-môn Thích Tịnh Hạnh, kinh Đại Phương quảng Phật Hoa nghiêm, quyển 23 – phẩm 22: “Mười địa”, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, tr.730.
(8) Sđd., Sa-môn Thích Tịnh Hạnh, tr.731.
(9) Vansubandhu, Luận kinh thập địa, Nguyên Huệ dịch. NXB.Phương Đông, 2011, tr.87, 88.
(10) Sđd., Thích Minh Châu dịch, tr.279.
(11) Sđd., Sa-môn Thích Tịnh Hạnh, tr.747.
(12) Sđd., tr.747,748.
(13) Sđd., tr.749.
(14) Sđd., Sa-môn Thích Tịnh Hạnh, tr.757.
(15) Sđd., Thích Minh Châu dịch, tr.286.
(16) Sđd., Sa-môn Thích Tịnh Hạnh, tr.768.
(17) Sđd., tr.768.
(18) Sđd., tr.769, 770.
(19) Sđd., tr.778.
(20) Sđd., Thích Minh Châu dịch, tr.291.
(21) Sđd., Sa-môn Thích Tịnh Hạnh, tr.790.
(22) Sđd., tr.790.
(23) Sđd., Thích Minh Châu dịch, tr.294.
(24) Sđd., Sa-môn Thích Tịnh Hạnh, tr.802.
(25) Sđd., Thích Minh Châu dịch, tr.299.
(26) Sđd., Sa-môn Thích Tịnh Hạnh, tr.816.
(27)Sđd., tr.818.
(28) Sđd., Sa-môn Thích Tịnh Hạnh,tr.847.
(29) Sđd., tr.850.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1- Thích Minh Châu dịch, Đại thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2015.
2- Sa-môn Thích Tịnh Hạnh, Kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm, quyển 23, NXB.Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000.
3- Vansubandhu, Luận kinh thập địa, Nguyên Huệ dịch, NXB.Phương Đông, TP.HCM, 2011.
4- Pháp Xứng, Luận Đại thừa tập Bồ-tát học, Nguyên Hồng dịch. NXB.Phương Đông, TP.HCM, 2011.