Thời bây giờ, người học Phật cần phải có chánh kiến. Có chánh kiến rồi thì sinh tử không còn động được tới mình nữa, lúc ấy ở và đi đều tự do, không cần đi tìm cái siêu việt mà cái siêu việt tự tìm tới mình. Này các bạn tu (đạo lưu), các vị cổ đức ngày xưa vị nào cũng đều có hiến tặng con đường thoát cho người, còn chỗ chỉ dạy của ông thầy tu núi này chỉ là khuyên các vị đừng có để cho người ta làm mê hoặc. Sử dụng được lời khuyên này thì hãy sử dụng liền, đừng có chần chừ nghi hoặc. Người tu học thời nay nếu không thành đạt được, đó là vì sao? Đó là vì họ không có đức tự tin. Bởi vì quý vị không đủ đức tự tin cho nên quý vị cứ bận rộn (gấp gáp) chạy theo hàng vạn thứ hoàn cảnh bên ngoài rồi bị các hoàn cảnh ấy xoay chuyển làm mất hết tự do. Nếu quý vị ngừng được những tư tưởng chạy đuổi tìm cầu ấy lại thì quý vị sẽ thấy giữa quý vị và Tổ Phật không có gì khác nhau. Quý vị có muốn biết Tổ Phật là ai không? Tổ Phật chính là quý vị đang đứng trước mặt tôi mà nghe pháp đấy. Kẻ tu hành mà không có đủ đức tự tin thì cứ hướng ra ngoài mà rong ruổi tìm cầu. Dù mà tìm được một cái gì thì cái ấy cũng chỉ là những hình thái đẹp đẽ của văn tự mà không phải là cái năng lượng tuệ giác sống động của Tổ sư. Chư vị thiền đức ơi, đừng có lầm! Trong giây phút hiện tại này mà quý vị không gặp gỡ được Tổ Bụt thì trong ngàn vạn kiếp sau quý vị sẽ phải luân hồi trong ba cõi, cứ tiếp tục chạy theo để nắm bắt những cảnh huống dễ chịu để rồi sẽ liên tiếp sinh vào trong bụng trâu lừa.
Này các bạn tu, theo cái thấy của ông thầy tu núi là tôi đây thì quý vị có khác gì đức Thích Ca đâu? Ngày hôm nay, trong mọi sinh hoạt thường nhật của chúng ta, quý vị còn cảm thấy thiếu thốn điều gì? Có lúc nào mà sáu đạo thần quang của quý vị ngừng chiếu tỏa? Ai mà thấy được như thế thì sẽ suốt đời là một kẻ vô sự.
Này các vị đại đức, ba cõi không an, giống như nhà lửa, nơi đó không phải là chỗ cư trú lâu dài của quý vị. Quỷ vô thường mỗi phút giây đều ra tay sát hại, không phân biệt già trẻ, quý tiện. Nếu quý vị muốn không khác với Tổ Phật thì đừng hướng ngoại tìm cầu. Mỗi tâm niệm mà phát ra được ánh sáng thanh tịnh, đó là pháp thân Bụt đang ở ngay trong nhà của quý vị; ánh sáng vô phân biệt phát ra từ tâm niệm của quý vị chính là báo thân Bụt đang ở ngay trong nhà của quý vị; ánh sáng vô phân biệt phát ra từ mỗi tâm niệm của quý vị chính là hóa thân Bụt đang ở ngay trong nhà của quý vị. Ba Thân ấy không là gì khác ngoài quý vị đang đứng trước mặt tôi nghe pháp. Cái công dụng (mầu nhiệm) này chỉ có thể có được khi quý vị không hướng ngoại truy cầu. Nương tựa vào các nhà nghiên cứu và chú giải kinh luận người ta đi tìm Ba Thân như những tiêu chuẩn tuyệt đối. Theo tôi thì không phải như thế. Ba Thân ấy chỉ là danh ngôn, và cũng chỉ là ba cái nương tựa vào nhau mà có. Các vị cổ đức đã nói: ‘Thân là dựa vào ý nghĩa mà thành lập, độ là dựa vào bản thể mà luận.’ Vậy thì thân của pháp tánh và độ của pháp tánh thật ra (rõ ràng) chỉ là quang ảnh.
Này các vị đại đức, các vị nên biết rằng cái con người đang cầm nắm và đùa giỡn được với quang ảnh đó là nguồn gốc của chư Bụt. Đối với kẻ ấy, chỗ nào cũng là nhà để trở về (nơi nào cũng là quê hương trở về của người tu tập). Sắc thân tứ đại của quý vị không biết nói pháp nghe pháp, tỳ vị gan mật không biết nói pháp nghe pháp, hư không không biết nói pháp nghe pháp… vậy thì cái gì biết nói pháp nghe pháp? Đó là cái sáng rỡ rõ ràng không chút mảy may hình tướng trước mặt quý vị đấy. Chính cái đó biết nói pháp nghe pháp. Nếu thấy được như thế thì quý vị sẽ không khác gì với Tổ với Bụt. Chỉ có một điều là giữ nó cho miên mật, đừng để cho nó bị gián đoạn, mắt chạm đến đâu là thấy được đến đấy.
Chỉ vì tình thức phát sinh nên trí tuệ ngăn cách, cũng vì tri giác biến đổi cho nên chân thể bị biến hình, vì thế mới có luân hồi trong ba cõi, chịu đựng mọi thứ khổ đau. Theo cái thấy của tôi, thì không có gì là không thâm diệu, không có gì là không giải thoát.
Này các bạn tu, tâm pháp không hình tướng, thông suốt mười phương, nơi mắt gọi là cái thấy, nơi tai gọi là cái nghe, nơi mũi gọi là cái ngửi, nơi miệng gọi là đàm luận, nơi tay gọi là cầm nắm, nơi chân gọi là cái chạy nhảy, tất cả chỉ từ một cái tinh minh (shining) chia ra thành sáu hòa hợp. Chỗ nào tâm ý không còn phát sinh thì chỗ ấy cũng là giải thoát. Tôi nói như thế nghĩa là sao? Chỉ vì mọi thứ tìm cầu của quý vị chưa chấm dứt cho nên quý vị mới bị lọt vào những cái bẫy của cổ nhân bày ra.
Này các bạn tu, hãy thử sử dụng cái thấy của tôi xem. Hãy chặt đứt hết những cái đầu của mọi báo thân và hóa thân của Bụt. Hãy thấy rằng các bậc Bồ-tát trong mười địa chỉ là những người làm công, các vị Đẳng Giác và Diệu Giác đều là những tên tù đang mang gông cùm, các vị La-hán, Bích-chi đều như những cái hố xí, Bồ Đề và Niết Bàn đều như những cái cọc buộc lừa. Tại sao? Chỉ vì các vị không thông đạt được cái Không của ba a tăng kỳ kiếp cho nên quý vị mới gặp phải những chướng ngại (mà quý vị đang có). Nếu là một người tu chân chính thì quý vị sẽ không như thế. Chỉ nên tùy duyên giúp làm tiêu nghiệp cũ, cứ thanh thản mặc áo, cần đi thì đi, cần ngồi thì ngồi, đừng có một khoảnh khắc nào mong cầu quả vị Bụt.
Tại sao? Người xưa nói: ‘Nếu muốn tìm Bụt bằng cách lao tác, thì Bụt sẽ trở thành điềm báo trước của sinh tử.’
Này các vị đại đức! Thì giờ quý báu, quý vị hãy ngừng lại cái tâm bôn ba chạy sang nhà láng giềng để học thiền học đạo, tìm câu tìm chữ, cầu Tổ cầu Bụt, cầu thiện tri thức. Đừng lầm lạc như thế. Này các bạn tu, các vị chỉ có một cha một mẹ, vậy thì còn đi tìm gì nữa? Các vị hãy tự nhìn lại đi! Cổ nhân nói: ‘Diễn Nhã Đạt Đa (Yajnadatta) tưởng đã mất đầu, nhưng khi cái tâm đi tìm cầu ngưng lại là chàng đạt tới vô sự (sans affaires) ngay.’
Các vị đại đức, các vị hãy sống cuộc đời của chính mình một cách rất bình thường, đừng làm dáng làm điệu. Có một bọn đầu hói không phân biệt được thế nào là tốt xấu, nói rằng mình thấy thần thấy quỷ, chỉ Đông vẽ Tây, cầu mưa cầu tạnh, bọn này quyết chắc sẽ phải trả nợ đã vay, và sẽ có ngày trước mặt Diêm Vương nuốt hòn sắt nóng. Con cái nhà lành có thể bị bọn dã hồ tinh mị này mê hoặc, một ngày nào đó bọn ấy cũng sẽ phải trả nợ tiền cơm tiền gạo, không tránh thoát được đâu.’
(Trích: Lâm Tế Ngữ Lục – Dạy chúng)
THÍCH NHẤT HẠNH dịch