Sự tùy thuận của Đại thừa

Tác giả: Hi

Đại thừa được hiểu theo hai phương diện. Về phương diện lịch sử, Đại thừa dựa trên nền tảng của Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Bộ phái để hình thành. Chúng ta thấy có sự khác biệt về mặt hình thức và tôn chỉ xiểng dương, nhưng nhìn chung các bộ phái của Phật giáo đều bắt nguồn từ một gốc. Đối với pháp này thì có nhỏ có lớn, vì sự thâm nhập pháp và truyền pháp có sai biệt nên sinh ra nhiều bộ phái như vậy. Tuy nhiên, về phương diện ý nghĩa, Đại thừa mang tính chất tròn đầy rộng lớn, giống như hư không bao phủ khắp tất cả, chúng sanh vô tận nên giáo pháp cũng vô biên, đại thừa dựa trên tính chất này mà hiển bày giáo nghĩa giúp cho kẻ mê được sớm giác ngộ.

Luận Đại thừa khởi tín của Bồ-tát Mã Minh đã đưa ra một ý nghĩa chơn thật triết lý hành động của Đại thừa: “Tổng quát để nói, Đại thừa có hai phương diện: Một là bản thân Đại thừa (pháp), hai là ý nghĩa của bản thân ấy (nghĩa). Gọi là bản thân Đại thừa chính là tâm chúng sanh, tâm ấy bao gồm tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, nên căn cứ tâm ấy mà biểu thị ý nghĩa Đại thừa, tại sao như vậy? Bởi vì, mặt chân như của tâm ấy là biểu thị cái thể Đại thừa; mặt sinh diệt của tâm ấy là biểu thị cái tự thể, tự tướng, tự dụng của Đại thừa. Gọi là ý nghĩa bản thân Đại thừa tức ba ý nghĩa trên: Một là thể đại, đó là ý nghĩa tất cả pháp chính là chân như bình đẳng, bất biến; hai là tướng đại, đó là ý nghĩa Như Lai tạng đầy đủ vô lượng tánh đức; ba là dụng đại, đó là ý nghĩa xuất phát toàn bộ nhân và quả thiện của thế gian và xuất thế gian. Tất cả chư Phật đã vận dụng và tất cả chư Bồ-tát đang vận dụng cái tâm này mà đạt quả vị Như Lai”.

Đại thừa hành động dựa trên nền tảng tâm thức của chúng sanh, các pháp do nhân duyên hợp và cũng do nhân duyên tan. Tâm thì không hạn lượng, cho nên Đại thừa cũng thực hành vô lượng công hạnh để giáo hóa chúng sanh. Tâm huân tập các pháp tịnh-nhiễm, mê-ngộ. Nếu tâm huân tập bất thiện pháp, chấp cảnh mê lầm thì những hành động đó sẽ tạo ra nghiệp trầm luân trong ba cõi. Nếu tâm huân tập thiện pháp, đối cảnh không nảy sinh phân biệt, biết tùy thuận trong mọi hoàn cảnh, thấu triệt quy luật tự nhiên, đoạn trừ nguyên nhân nội tại và làm lợi ích cho quần sanh, thì đây là con đường đưa đến Niết-bàn. Như vậy Đại thừa tượng trưng cho bản thể bất sinh diệt của tâm chúng sanh, cũng là mặt chân như của thực tại. Cho nên làm việc không thấy mình làm, tu không thấy mình tu, chứng không thấy mình chứng, tức khi đó chúng ta không còn cái gọi là ta, là của ta, là tự ngã của ta. Đó cũng là triết lý hành động của Đại thừa.

Một khi vắng bóng đối tượng và tự thể, thế gian sẽ hiện lên như nó đang là, tâm thức cũng chỉ nhận diện trực tiếp mà không còn phân biệt. “Lại nữa, này Mahamati, có một số Bà la môn và Sa môn nhận ra rằng, thế giới bên ngoài là do chính cái tâm biến hiện, chư vị thấy rằng thế giới ấy được thấy là do phân biệt và cái trí sai lầm đã được thực hiện từ vô thỉ. Chư vị biết rằng thế giới không có tự tính và chưa bao giờ được sinh ra, nó giống như một đám mây, một vòng tròn do thanh củi cháy mà có, như thành quách của Càn Thát Bà, như ảo tưởng, ảo ảnh của mặt trăng trong biển, như giấc mộng; rằng tâm trong tự nó không có cái gì để mà phân biệt nhân quả, để mà thuyết giảng về tưởng và về sở tướng rằng thân thể, tài sản, trú xứ đều là những đối tượng của A lại da, là cái thức trong tự nó,vượt lên cái nhị biên của chủ thể và đối tượng; rằng trạng thái vô tưởng là trạng thái đúng hợp với tỉnh giác của cái tâm thì không bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi như sinh, trụ, diệt” (Kinh Lăng-già).

“Thế gian ly sinh diệt. Du như hư không hoa. Trí bất đắc hữu vô. Nhi hưng đại bi tâm” (Kinh Lăng-già). Khi tâm thức ở trạng thái vô phân biệt, vượt ngoài nhị nguyên đối đãi, về sự hiện hữu và không hiện hữu, lìa khỏi các quan niệm. Bấy giờ chỉ còn lại thể như như bất động của tự tánh. Bất động, đây là địa thứ tám trong thập địa Bồ-tát, đầy đủ năng lực và trí tuệ để vượt qua cơn sóng của nghiệp và bề dày của tà kiến. Sự dao động trong tâm bắt đầu lắng yên dưới sự thấu triệt của trí tuệ, các hiện tượng nổi lên rồi diệt theo quy luật của nó.

Chư Phật tượng trưng cho sự giác ngộ, chúng sanh là biểu hiện của pháp giới duyên khởi. Phật và chúng sanh đồng một thể tánh, nếu phân biệt làm hai thì giống như lông rùa, sừng thỏ. Phật giáo chú trọng thực nghiệm, chứng đắc ngay ở hiện tại bằng sự chuyển hóa tâm. Sự chứng nghiệm cao nhất không phải nằm ở chỗ kiến giải được tất cả pháp, mà đó là sự thể nghiệm tất cả sự vật hiện tượng đều không có một ngã thể nhất định. Từ vô thỉ đến nay, chúng chưa từng được sinh ra, cũng chưa từng bị hoại diệt. Sự vận hành của chúng chỉ là một nguyên lý tự nhiên, hỗ tương nhau mà tồn tại, ngoài ra không có một sự kiện độc lập. Nhưng các sự vật hiện lên, được tiếp nhận bởi các giác quan, có khi ta cho rằng chúng thật sự hiện hữu, nhưng thực chất đó chỉ là một quy định tương đối của thế gian, sự cá biệt hóa để phân biệt các pháp. Nếu có riêng một pháp nào tồn tại độc lập thì điều đó đã chống trái lại quy luật tự nhiên, đi ngược lại chân lý mà nội tâm có thể thấu suốt.

“Chư Như Lai trong quá khứ là các bậc A la hán, bậc Toàn Giác cũng đã dùng chân lý này làm đề tài thuyết giảng tại thành Lăng già trên đỉnh núi Malaya, cái chân lý được thể chứng bằng trí tuệ siêu việt trong tự ngã thâm sâu, không thể thấy được đối với các triết gia (ngoại đạo) vẫn suy luận, không thể quan niệm được bằng cái trí thức của hàng Thanh Văn và Duyên giác” (Kinh Lăng-già). Chư Phật trong ba đời, đều vì một đại sự nhân duyên mà ra đời, đó là giúp chúng sanh ngộ nhập tri kiến Như Lai. Các pháp hỗ tương, làm điều kiện cho nhau, quả vị Phật cũng do nhân duyên mà có. Chúng sanh nương vào tuệ giác mà đoạn trừ khổ đau. Một khi, tâm niệm vẫn còn những mập mờ của kiến chấp, những vọng động của thế giới não phiền, những trở ngại của tiến trình chuyển hóa, sự yếu mềm trong chí nguyện từ bi, thì tâm niệm ta mãi chỉ ở trong chỗ chơi vơi, không một nơi nương tựa. Nếu có một nơi nương tựa thì há chăng ta đang bám víu vào một nhành cây trên một vách núi sâu thẳm. Sự thể nghiệm thực tính các pháp sẽ giúp ta có nơi nương tựa vững chắc. Nương tựa vào chính mình đừng nương tựa vào gì khác, nương tựa vào pháp để thể nghiệm sự vô ngã thâm sâu bằng một trí tuệ siêu việt.

Theo tinh thần Phật giáo Đại thừa, Bồ-tát là bậc nhất trong hàng đệ tử Phật, là người kề cận với Phật, tương lai kế thừa ngôi nhà Phật pháp. Tuy là ở dưới Phật một bậc, nhưng vì phiền não vi tế vẫn còn chưa sạch, cần phải trải qua một quá trình dài nữa mới rốt ráo. “Trong Phật pháp có hai loại: Một là bí mật, hai là hiển thị. Trong hiển thị, thì Phật, Bích Chi Phật, A-la-hán đều là phước điền; vì đã sạch hết phiền não không còn thừa. Trong bí mật thì nói các Bồ-tát được Vô sanh pháp nhẫn, phiền não đã dứt, đủ sáu thần thông, làm lợi ích chúng sanh. Lại nữa, Bồ-tát dùng phương tiện lực thị hiện vào năm đường, thọ năm dục lạc, để dẫn đạo chúng sanh (Luận đại trí độ). Một hành giả phát nguyện tu tập vì lợi ích của số đông, vì hạnh phúc của chư thiên và loài người, mà nỗ lực gột rửa thân tâm, phát nguyện dẫn đường cho kẻ mê, thì người đó đang trên lộ trình của Bồ-tát hạnh. Ứng thân vào từng hoàn cảnh, quốc độ để giáo hóa, sử dụng nhiều phương tiện thiện xảo để dẫn dắt chúng sanh vào con đường giác ngộ.

Hành động của Đại thừa dựa trên nền tảng của Bồ-tát hạnh. Để trở thành một vị Bồ-tát bất thoái, hành giả cần phải từng bước thực hành từ các giai vị thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng và thập địa. Khi tu tập từng giai vị, hành giả sẽ cảm nhận được bản tâm ngày một vững chãi. Cho đến giai vị thập địa, hành giả đã trở thành một vị Bồ-tát thực thụ. Hoan hỷ địa là địa vị rất vui mừng khi Bồ-tát đã chứng được Phật tánh, giác ngộ được hai mặt của thực tại là nhân không và pháp không, làm lợi ích cho chúng sanh. Ly cấu địa là địa vị đã thoát ly hẳn bụi nhơ của phiền não ô nhiễm, giữ tâm bồ đề hoàn toàn thanh tịnh. Phát quang địa, sinh khởi nhờ đại thiền định, phát sinh trí tuệ sáng suốt nhiệm mầu vô biên. Diễm huệ địa, Bồ-tát ở địa này được phát sinh lửa trí tuệ, tức là trí tuệ tăng thêm sáng suốt và phát huy cho đến khi nào lửa trí tuệ đó thiêu đốt sạch gốc rễ phiền não của vô lượng kiếp ở trong tâm bồ đề. Nan thắng địa là địa vị rất khó vượt qua, Bồ-tát ở trong địa vị này đã thành công được những điều khó vượt qua; hai trí tuệ thuộc chân đế và tục đế hoàn toàn trái ngược nhau, thế nhưng Bồ-tát đã hòa hợp hai mặt của chân lý thành một thể, cho nên nói là Nan thắng địa.

Hiện tiền địa là địa vị hiện ra trước mặt có thể nhìn thấy được, Bồ-tát giữ vững trí tuệ hữu phân biệt để soi sáng và làm phát khởi trí tuệ vô phân biệt của Phật, hiển hiện một cách rõ ràng, không còn che lấp nào. Viễn hành địa, ở địa vị này Bồ-tát đã thâm nhập vào một cảnh giới rất huyền diệu, sâu xa, khó thấy khó biết; đạt đến vô tướng, thoát ra ngoài pháp thế gian và xuất thế gian, nghĩa là không còn ràng buộc bởi những hình thức công dụng cũng như thực tại, trước những hình tướng tu hành nào nữa. Bất động địa, nghĩa là không còn thoái chuyển, chuyển động; Bồ-tát ở địa vị này vận dụng trí tuệ vô phân biệt một cách rốt ráo nên không bị lay chuyển bởi những phiền não vi tế, không bị biến động theo những hình tướng, công dụng của thế gian. Thiện huệ địa, ở địa này Bồ-tát phát khởi trí tuệ một cách linh hoạt khéo léo, vi diệu, tự tại nên thành tựu được bốn biện tài vô ngại để độ chúng sanh; Bồ-tát không còn bị vấp ngã, cũng chẳng bị phiền não làm động, như như một thể vắng lặng, độ thoát chúng sanh làm hạnh nguyện rốt ráo. Pháp vân địa, Bồ-tát thành tựu tất cả sở nguyện, trải thân độ khắp tất cả chúng sanh, như mây pháp che khắp tất cả muôn loài; chứng được Pháp thân thanh tịnh và dùng đại trí kết hợp vô lượng công đức để làm lợi lạc chúng sanh. Tất cả những giai vị mà Bồ-tát phát nguyện tu tập đều xuất phát từ hạnh nguyện giác ngộ cho tự thân và giác ngộ cho tha nhân, cùng nhau tiến thẳng đến quả vị Phật Như Lai.

Như vậy, Bồ-tát không mang tính lý thuyết trừu tượng mà hiện diện ngay trong đời sống của chúng ta. Đời sống phạm hạnh sẽ nuôi lớn lý tưởng Bồ-tát. Sự nỗ lực của tự thân theo chánh pháp là phương pháp hữu hiệu nhất thoát khỏi vòng sanh khởi luân hồi.

Phật học Trí Diệu, HVPGVN-HCM, ngày 21/10/2022.
Hiền Ấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *