Giá trị thiền Vipassana (minh sát) trong cuộc sống

Tác giả: Hiền Lai

Thế giới đang phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực trong cuộc sống, nhưng đó chỉ là sự phát triển của vật chất, về mặc tinh thần càng trở nên tệ hại hơn. Hiện nay, con người chịu nhiều khủng hoảng, áp lực về tinh thần, ngày càng có thêm nhiều vấn đề nảy sinh gây bức bách và khó tìm ra hướng giải quyết, và đặc biệt trong hoàn cảnh toàn cầu đang đối diện với đại dịch Covid 19, và những biến thể mới vô cùng khó điều trị.

Trong những phương pháp để giúp con cân bằng đời sống vật chất và tinh thần, thiền đang là phương pháp được nhiều người trên thế giới quan tâm và tìm học để cải thiện đời sống tinh thần của bản thân, đức Phật dạy rõ bốn phép tư duy quán sát để con người thấu hiểu chân lý, thấu hiểu được bản chất của cuộc đời.

Thiền trong Phật giáo có rất nhiều loại nhưng người viết chỉ nói về thiền Vipassana. Đức Phật đã dạy:

“Này các Tỳ kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ đau, thành tựu chánh trí, giác ngộ Niết-bàn. Đó là bốn niệm xứ”.

Vì vậy, những ai muốn chấm dứt khổ đau, sanh tử luân hồi thì cần phải tu tập bốn niệm xứ để thành tựu chánh trí, giác ngộ Niết-bàn.

Thiền Vipassana còn được gọi là thiền minh sát, Vipassana nghĩa là quán sát sự vật bằng nhiều cách để thấy được bản chất thật của pháp. Thiền minh sát được tu tập nhằm mục tiêu loại trừ mọi uế trược, não phiền trong tâm.

Đức Phật tại Việt Nam, ảnh St

Thực hành thiền minh sát giúp hành giả đạt nhiều lợi ích trong thực tại như mạnh mẽ đối mặt trước trở ngại xảy ra ở đời, nhìn sự vật đúng với thật tướng của nó, đời sống yên bình. Đức Phật thường dạy đệ tử thực tập theo để đạt quả vị Thánh. Người thực hành thiền minh sát phải nương theo lời dạy đức Phật dạy trong kinh Đại Niệm Xứ.

Trong bài kinh này, đức Phật đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Tứ Niệm Xứ trong tu tập hướng đến giác ngộ, đó là con đường duy nhất đưa đến giải thoát, an vui. Tứ Niệm Xứ gồm thân, thọ, tâm, pháp mà hành giả thực hành thiền minh sát chọn làm đối tượng quán sát.

Bốn lĩnh vực quán niệm được đức Phật chỉ dạy rõ trong kinh và thiền minh sát sẽ nương vào đây tu tập.

– Quán thân niệm xứ,

– Quán thọ niệm xứ,

– Quán tâm niệm xứ,

– Quán pháp niệm xứ.

Trước tiên, hành giả phải chọn một nơi yên tĩnh, ngồi trong tư thế thẳng lưng và đặt tâm tỉnh giác ở nơi mặt của mình. Hành giả bắt đầu chú tâm vào từng hơi thở vào, hơi thở ra từ mũi của mình; khi thở vào (ra) hơi dài, vị ấy biết rõ ta thở vào (ra) dài; khi thở vào (ra) ngắn, vị ấy biết rõ ta thở vào (ra) ngắn. Cứ như vậy, vị ấy chánh niệm nhận biết một cách rõ ràng trong từng hơi thở vào (ra) dài, ngắn khác nhau của mình.

Hơi thở là đối tượng để ta quán chiếu, khi tuệ tri thấu rõ làm trí tuệ phát sinh khiến ta hiểu được bản chất của sự sanh và sự diệt của các sắc pháp thực tại như sự liên tục sanh và diệt của hơi thở vào, hơi thở ra. Ta quan sát hơi thở vào ra từ mũi mà không tác động vào sự thở.

Sau khi làm chủ hơi thở được chánh niệm nơi mũi, hành giả xoay tâm vào cảm nhận khắp thân và giữ chánh niệm trong mỗi hơi thở vào ra, rồi theo trình tự quán đến oai nghi, ba mươi hai uế trược của bản thân mình, niệm tứ đại, và cuối cùng là niệm tưởng tử thi. Với việc thực hành như vậy, hành giả không nương tựa hay chấp trước vào bất cứ thứ gì trên thế gian, đó chính là quán thân trên thân.

Thứ đến, chúng ta tiếp tục quán chiếu và làm chủ các cảm thọ của chính bản thân mình. Trong mười hai nhân duyên, thọ sinh khởi do có xúc, tức do các căn duyên với những đối tượng làm sanh ra cảm thọ. Cảm thọ được đức Phật nói đến gồm ba loại: Lạc thọ, khổ thọ, xả thọ (cảm thọ không khổ, không lạc), chúng ta phải thật bình thản tiếp nhận những cảm thọ đang phát sinh, và trụ nơi hơi thở để ko có tác động phản ứng lại với cảm thọ vừa phát ra mà chỉ có ý thức ghi nhận mà thôi. Trong Kinh Trường Bộ 2, Kinh Đại Niệm Xứ, đức Phật dạy:

“Tỳ-kheo khi cảm giác lạc thọ, biết rằng: Tôi cảm giác lạc thọ; khi cảm giác khổ thọ, biết rằng: Tôi cảm giác khổ thọ; khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, biết rằng: Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ; như vậy, vị ấy quán thọ trên các cảm thọ trên các nội thọ, ngoại thọ. Hay sống quán tánh sanh khởi trên các thọ; hay sống quán tánh diệt tận trên các thọ, ‘có thọ đây’, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hi vọng hướng đến chánh trí chánh niệm, và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời. Này các Tỳ-kheo, như vậy các Tỳ-kheo sống quán thọ trên các thọ.”

Rồi theo trình tự tiếp tục quán chiếu lạc thọ, khổ thọ, và xả thọ. Đó đều là những cảm thọ thường xuyên xảy ra trong tâm, mọi người thường tìm cầu lạc thọ và chạy trốn khổ thọ, nhưng lại không để ý đến thọ xả khiến tâm cũng như bản thân ta bị chi phối bởi các cảm thọ đó, thực hành quán xét các cảm thọ đó rõ ràng để làm chủ được tâm ý của bản thân gọi là quán thọ trên các thọ.

Người mới thực tập thiền minh sát tâm ý của hành giả có nhiều loạn động, nhiều ý nghĩ trong đời sống khởi lên khiến tâm khó chú tâm vào các đối tượng quán niệm. Nếu nỗ lực duy trì thực tập thì các vọng tưởng dần dần tan biến, một ý niệm sinh khởi ta biết nó đang hiện hữu, ý thức sự có mặt của nó, quan sát sự sinh diệt của nó và để nó tự tan biến mà không suy đoán, phân tích về nó. Từ đó, định lực dần phát triển trong tâm và trí tuệ cũng được bồi dưỡng.

Tâm thức ta có muôn ngàn vạn trạng những ý niệm khởi sanh trong từng sát na, mỗi khi ý niệm đó khởi sanh ta chỉ cần quán chiếu có tâm đó ở đây chứ không có ta trong tâm thức. Quán như vậy để biết cái gì đến đi, chuyển biến bên trong tâm, rõ biết sự vô thường trong từng ý niệm hiện hành nơi tâm. Nhờ thực tập đúng hành giả sẽ chặt đứt sợi dây sanh tử luân hồi, tiến đến chứng đắc Thánh quả trong tương lai, đây gọi là quán tâm trong tâm.

Cuối cùng là hành giả thực tập quán pháp trên pháp theo trình tự năm triền cái (tham dục, sân hận, hôn trầm – thụy miên, trạo hối và nghi hối), năm pháp này làm chướng ngại sự tu tập thiền định không cho ta thấy bản chất thực của pháp; tiếp đến là quán ngũ uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, và thức uẩn), vì năm uẩn là nguyên nhân ngăn che thực tánh của các pháp khiến hành giả không liễu ngộ được và bị chấp thủ.

Chúng ta khách quan mà quan sát ngũ uẩn, ta thấu rõ bản chất vô thường, vô ngã của ngũ uẩn để không chấp vào chúng. Sau khi quán sát rõ ràng về ngũ uẩn rồi hành giả tiếp tục quán chiếu sáu nội ngoại xứ, là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; và sáu ngoại xứ gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

– Mắt và sắc;

– Tai và âm thanh;

– Mũi và mùi;

– Lưỡi và vị;

– Thân và xúc;

– Ý và pháp.

Khi mắt nhìn thấy sự vật là do bởi có mắt và có sự vật, có sự tiếp xúc của mắt với sự vật nên ta có sự thấy biết của mắt (tưởng) và nhận thức phân biệt về sự vật (thức). Tiếp theo, là quán về thất giác chi, và cuối cùng là quán về tứ diệu đế; đây gọi là quán pháp trên phá.

Đối với các đối tượng về thân, thọ, tâm, và pháp thực hành quán chiếu trong thiền minh sát theo kinh Đại Niệm Xứ, hành giả chọn một đối tượng nhất định để quán chiếu tu tập. Nhưng trong tất cả các đối tượng cơ bản nhất là phải giữ tâm an trú trong hơi thở ra – vào, phải biết rõ như thật về bốn chân lý này như thế chúng ta sẽ có một tâm trạng, cũng như thể chất rất tốt trong mùa đại dịch Covid-19 này.

Những lời dạy của đức Phật trong kinh Đại Niệm Xứ đã chỉ cho nhân loại pháp môn tu tập thiền quán đưa đến quân bình giữa đời sống tinh thần và vật chất; giúp phá bỏ chấp thủ đối với các pháp ở đời, tìm ra lối thoát cho muôn loài khỏi những khổ đau bức bách.

Thiền minh sát tu tập dựa vào kinh Đại Niệm Xứ, lấy hơi thở làm đối tượng duy trì trong từng giây phút và chánh niệm thường hiện hữu để nhận biết sự sanh diệt của các pháp vận hành ở tâm. Thiền minh sát rất linh hoạt trong cách thực tập, ta có thể hành thiền trong bốn oai nghi mà không cố định tư thế khi tu tập và các đối tượng quán chiếu xuất hiện có mặt ở mọi nơi trong đời sống. Vì thế, đây là pháp môn rất phù hợp cho mọi người trong mọi hoàn cảnh, môi trường sinh hoạt khác nhau, vì vậy tu tập bốn pháp quán niệm tức là sống có ý thức chánh niệm đối với thân và tâm. Hành trì bốn pháp quán niệm giúp chúng ta thấy rõ bản chất thực của thân ngũ uẩn và sự vật hiện tượng nó là ‘như vậy’ tức thấy tánh duyên sinh, vô thường và vô ngã.

Phật học Trí Diệu, Phước Long tự, ngày 2/9/2021, Phật lịch 2565
Hiền Lai 
(Viết tại HVPGVN, TP.HCM)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *