Lịch sử danh lam Tổ đình Thập Tháp, Bình Định

Tác giả: HT. Thích Kế Châu

Nhân ngày kỵ nhật thường niên đức Trưởng lão Hòa thượng thượng KHÔNG hạ TÍN hiệu KẾ CHÂU viên tịch vào ngày mùng 4 tháng Chạp âm lịch hàng năm.

Để tưởng nhớ đức Bổn sư bậc Cao tăng đạo hạnh con (Nguyễn Phúc Trường, tự Nam Thiên, pháp danh Như Viên) mạo muội sao chép lại tác phẩm “LỊCH SỬ DANH LAM THẬP THÁP từ cuốn ĐẶC SAN PHẬT ĐẢN 2511 do đức Tôn sư dày công biên soạn từ khi mới tiếp nhận Trú trì Tổ đình Thập Tháp và đã đăng trên cuốn đặc san dịp kỷ niệm Đại tường đức Hòa thượng húy thượng Không hạ Hoa hiệu Huệ Chiếu.

Cuốn lịch sử này tuy chưa được đầy đủ nhưng đó là một sự cố gắng của đức Tôn sư và cuốn lịch sử này cũng làm tiền đề cho sự khảo cứu của các thế hệ sau về Tổ đình Thập Tháp và rộng đường cho các nhà nghiên cứu tham khảo. Con xin sao chép y như trong sách đã in cách nhấn chữ theo ngữ pháp của ngươi xưa.

Nam mô Lâm tế chánh tông tứ thập nhứt thế, sắc tứ Thập Tháp tổ đình đường thượng, húy thượng Không hạ Tín tự Giải Thâm hiệu Kế Châu, Nguyễn công đại lão Hòa thượng liên tòa.

Tôn dung đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Kế Châu, ảnh Thập Tháp

LỊCH SỬ DANH LAM THẬP THÁP

THÍCH KẾ CHÂU

Sát cạnh bờ thành “Đồ Bàn” phía Bắc, một khu đồi mang tên “Long Bích” tượng hình rồng đang trườn mình đi tới như thế tiến-thủ oai hùng. Con suối “Bàn Khê” phát xuất từ nguồn “La Vĩ” chảy dài, bọc quanh khu đồi lướt qua trước mặt rồi xuôi thẳng về đông.

Từ xưa những ai đã đi trên đường quốc lộ số 1 ngang qua làng Thuận Chánh, trông lên phía mặt trời lặn chừng hơn 100 thước đều thấy một tòa “cổ sát” ngự trên lưng đồi, ẩn ước trong vòm cổ thụ, hướng mặt xuống phía Đông Nam. Đó chính là ngôi chùa “Thập Tháp Di Đà” mà nền Phật giáo Việt Nam chép lên hàng đầu lịch sử.

Ta cũng cần nên tìm sâu cái tên: THẬP THÁP DI ĐÀ từ đâu và vì sao xuất hiện.

Di Đà là danh hiệu của đức Phật, quang minh vô lượng, thọ mạng vô biên. Ngài làm Giáo chủ ở cõi Tây phương cực lạc. Từ vô lượng kiếp đến nay Ngài đã tiếp dẫn và cứu vớt vô số chúng sanh thoát vòng luân hồi khổ thống. Ngôi chùa được mang danh hiệu Di Đà cũng chỉ vì ý nghĩa cao cả đó. Như thế đủ chứng minh lòng cao vọng vô biên của sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, trước khi khai sáng một ngôi chùa người đầu tiên đã mang trọn khối tình thương vì nhân loại.

Vườn tháp tại Tổ đình Thập Tháp, Bình Định – ảnh Chánh Đẳng

Thập Tháp là mười ngôi Tháp Chàm. Cũng trên khu đồi nầy phía sau lưng chùa có mười ngôi Tháp Chàm vươn cao chất ngất, trông như một bức tranh tuyệt tác in rõ lên nền trời xanh. Ta còn nhớ rõ trong lịch sử khai quốc ngày xưa thì vùng nầy thuộc Chiêm quốc của giống Hời. Nên bây giờ ta vẫn thấy rãi rác khắp nơi trên những ngọn núi đỉnh đồi còn sừng sựng những tháp Chàm cổ kính có vẻ như thách thức với mưa nắng phong sương.

Nhưng ngày tháng thì cứ trôi đi, trôi đi với dòng thời gian bất tận. Mười ngọn tháp kia cũng bị chi phối bởi luật hủy hoại vô thường, nên đã đổ gãy điêu tàn.

Những mặc khách tao nhân hay những triết gia ôm sẵn một tâm hồn cao khiết, khi ngang qua hoặc dừng lại trước cảnh sơn thủy hữu tình, thường muốn tìm hiểu hoặc ghi chép những gì di sử của thời xưa hay để nhắc nhở truyền thống của một dân tộc hùng cường.

Long vị chư vị Tổ sư tại Tổ đình Thập Tháp, Bình Định – ảnh Chánh Đẳng 

Cùng tâm trạng đó nên khi Tổ sư SIÊU BẠCH – NGUYÊN THIỀU trác tích tại đây dựng lên ngôi chùa, Ngài nhơn tích nầy và ý nghĩa của hai chữ Di Đà mà đặt tên cho chùa nầy là “THẬP THÁP DI ĐÀ”.

Ta tưởng cũng hiểu thêm về lịch sử Chiêm Thành để di tích Thập Tháp càng được rõ ràng phong phú.

Năm 137 dương lịch, nước Chiêm dựng thành Đồ Bàn. Đương thời vua Chiêm là Chế Củ, Chế Mân, Chế Bồng Nga… đều là những nhân vật tên tuổi lẫy lừng. Không những dựng thành đóng đô mà thôi những vua ấy đã dựng Tháp Miếu thờ tự rất nhiều ở khắp trong xứ. Ngay trong thành nội ta còn thấy tòa tháp Cánh Tiên đồ sộ sát bên đền thờ Hậu quân Võ Tánh ngày nay. Dồm qua phía Đông Bắc tại làng Phú Thành có hòn tháp Vàng (Tourd’er) mà tục gọi là tháp Phốc Lốc (Phước Lộc sơn). Về hướng Đông Nam có tháp Bạc (Tourd’argent tục gọi là tháp Bánh Ít) gần sát Tu viện Nguyên Thiều hiện giờ. Đặc biệt là trên khu đồi Long Bích nầy vua Chiêm dựng lên mười tháp cùng một lúc với khi xây thành đóng đô. Cho nên khi lập chùa Thập Tháp thì mười tháp ấy vẫn còn.

Cứ theo dã sử thì vào khoảng 1778 quân Tây Sơn đánh thành cự với Hậu quân Võ Tánh. Võ Tánh thất thủ, Nhạc Huệ ngang tàng, đập thành phá tháp tơi bời. Có lẽ Nhạc – Huệ biết có gì đặc biệt quan trọng của giống Hời còn tích tụ tại chỗ mười tháp nên cố tình phá hủy.

Theo truyền thuyết thì từ trước xa xưa có một thầy tướng địa rất tài khi du tầm sơn thủy ngang qua khu đồi nầy nói rằng: Về địa lý thiên nhiên cũng như địa lý nhân văn thì chính khu đồi nầy là chỗ phát sanh anh khí, nghĩa là sau nầy thành Đồ Bàn sẽ còn vua chúa và ngôi chùa Thập Tháp đời đời xuất tích những bậc cao Tăng anh hùng. Vì thế nên Nhạc Huệ cố tâm phá hoại dấu vết anh linh để ngôi vị của mình khỏi phải nghi ngờ lỏng lẻo. Cũng chính vì thế nên khi Nhạc – Huệ mở trận công thành phá tháp, tên đạn xuyên lạc vào chùa hiện nay cũng còn dấu tích.

Sau giấc mộng binh lửa thương tang, tất cả cảnh vật đều thay hình theo giòng chuyển biến. Thành xiêu tháp đổ, người vắng mồ hoang. Nhưng ngôi chùa Thập Tháp ở đấy vẫn luôn đứng vững. Đó cũng là nhờ đức hòa của Tổ sư Siêu Bạch-Nguyên Thiều và chư vị danh Tăng tu hành đắc đạo đứng ra sáng lập ngôi chùa nầy.   

***

Tổ sư hiệu THỌ TÔN húy NGUYÊN THIỀU Hòa thượng, cũng có hiệu HOÁN BÍCH húy SIÊU BẠCH, người họ Tạ quê ở làng Trình Hương huyện Triều Châu tỉnh Quảng Đông đời nhà Thanh, Trung Quốc. Thuở 10 tuổi Ngài xuất gia nhập đạo tại chùa Báo Tự, thọ giới với ngài Bổn Khao-Khoán Viên hòa thượng bên Tàu. Sau nhiều năm tu tập công hạnh viên toàn, chí muốn vân du hóa đạo.

Niên hiệu Cảnh Trị năm thứ ba đời Lê Huyền Tôn, tức năm Ất Tỵ thứ 17 đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1665) ở Việt Nam ta, Ngài liền băng ngàn vượt biển, trước tiên đến xứ Qui Ninh (Qui Nhơn bây giờ) rồi lần hồi dạo đến khu đồi Long Bích. Ngài xem đây là một cảnh u thâm trinh tịnh với núi sông hùng vĩ vui tươi. Ngài mới yên lòng trải “pháp tọa bồ đoàn” treo gậy rửa chân rồi xếp gót “kiết già” để tâm hồn sau bao tháng ngày bôn ba dong rủi được tiêu dao trong thế giới “thiền định nhiệm màu”.

Rồi từ thiền định ra, Ngài thong dong đắp y bưng bình bát đi khắp quanh vùng để giáo hóa khất thực. Không bao lâu dân chúng tứ phương quy ngưỡng đông đảo. Dân gian thuở bấy giờ cũng như suốt trong quá khứ đều sống trong thời đại ban khai, nên chưa bao giờ được trực tiếp ảnh hưởng với tư tưởng siêu việt của đạo Từ bi. Nên từ khi họ được mục kích hình ảnh xuất thế và tiếng pháp âm vi diệu từ trong thân tâm của vị cao Tăng siêu phàm phát ra. Như nóng bức được tắm giòng nước mát, tăm tối được lội trong bầu ánh sáng, họ liền hân hoan đón nhận đạo vàng “ngàn năm một thuở” đã đến với họ.

Tổ sư Nguyên Thiều vốn sẵn chí “độ sanh”, nhân lúc cơ duyên tốt đẹp và đã chín mùi, nhứt quyết đứng lên sáng lập “Đạo trường”. Danh lam Thập Tháp từ đấy mọc lên giữa cánh rừng u nhã.

Ngôi chùa được tạo dựng chính vào năm thứ tư niên hiệu Chánh Hòa nhà Lê (1680), triều vua Lê Hiển Tôn sắc tứ “THẬP THÁP DI ĐÀ TỰ”.

Tổ đường Tổ đình Thập Tháp, Bình Định – ảnh Chánh Đẳng

Sau lâu vào triều nhà Nguyễn vua Minh Mạng năm thứ nhứt, ngài Trụ trì chùa Thiên Mụ ở Thừa Thiên hiệu là Mật Hoằng hòa thượng làm lại tấm bản dài 5 thước tây, ngang một thước tây, bốn phía chạm rồng sơn thếp, trong khắc 7 chữ “Sắc Tứ Thập Tháp Di Đà Tự” màu lục nền vàng để cúng cho chùa Thập Tháp. Hiện giờ treo ở trước mặt Chánh điện.

Đời Lê, Quốc vương Từ Tế Đạo Nhơn (biệt hiệu của Nguyễn Phúc Khoát) lại có ngự đề câu đối sơn son thếp vàng để thờ Phật:

“Phật tánh viên minh, trạm nhược hư không, mạc năng trác kỳ biến tế”.

“Pháp thân vô tướng, hạo như cảo nhựt, thục cảm nghĩa kỳ cao minh”.

Xin tạm dịch:

“Phật tánh viên dung, vắng lặng như không gian, thấu suốt thời gian không giới hạn”.

“Pháp thân vô tướng, chói lòa như mặt nhựt, bao trùm cao lộng tỏa quang minh”.

Trải qua thời gian, ngôi chùa Thập Tháp đã trở nên vĩ đại qui mô. Ngài Nguyên Thiều đối với bên ngoài thì việc giáo hóa ngày thêm rộng rãi, bên trong thì việc tiếp Tăng độ chúng thì cũng đông nhiều.

Ngài xét trong Tăng chúng tử đệ đã có người đủ khả năng thay thế Ngài gánh vát Tổ đạo. Ngài Minh Giác-Kỳ Phương là đệ tử thượng thủ của Tổ sư, được Tổ sư trao cho trách vụ thừa kế phát huy tại Thập Tháp. Rồi Tổ sư “phi tích” đến xứ Phú Xuân (tỉnh Thừa Thiên bây giờ) tại cửa Thuận Hóa lập chùa Hà Trung. Sau lên Xuân kinh dưới chân núi Ngự Bình lập chùa Quốc Ân và dựng tháp Phổ Đồng. Ngày nay hai chùa nầy vẫn được phát triển rực rỡ.

Tổ sư Nguyên Thiều lại phụng mạng đức Anh Tôn (Nguyễn Phúc Trăng, 1687-1691) trở về Trung Quốc tìm mời các danh Tăng. Ngài mời được Thạch Liêm hòa thượng và nhiều danh Tăng khác cùng nhiều kinh điển pháp khí đem về. Chúa Nguyễn liền sắc mở đàn truyền giới rất long trọng tại chùa Thiên Mụ.

Sau chúa Nguyễn lại sắc ban chức Trụ trì cho Ngài tại chùa Hà Trung. Tổ sư Nguyên Thiều thọ được 81 tuổi 63 Hạ lạp. Một hôm nhằm vào tuần trăng tròn ngày 19 tháng 10 năm Bảo Thái thứ 10 đời nhà Lê, Ngài tự xét sứ mệnh của Ngài đã mãn, thân tứ đại đã đến lúc nhường chỗ cho vô thường. Ngài liền quy tập đồ chúng khắp nơi về tại chùa Quốc Ân dặn dò cặn kẽ. Đoạn Ngài ngồi thẳng trên “Pháp tọa” đọc hai bài kệ ngộ đạo cuối cùng và truyền y bát rồi vui vẻ mỉm cười viên tịch.

Đồ chúng xúm nhau làm tháp Hóa môn rồi đưa di hài của Tổ sư vào nơi an dưỡng. Hiện nay tháp Hóa môn của Ngài ở trên khu đồi Quang Đảng bên chùa Trúc Lâm làng Dương Xuân Thượng tại đất Thần kinh. Bài kệ ngộ đạo của Tổ sư cũng được đồ chúng khắc bia tôn thờ ngay trước ngôi Bảo tháp.

Ta cũng nên lục lại bài kệ ấy để mọi người cảm nghe khi con chim nhạn bay qua đầm lạnh, dấu vết tuy chẳng còn mà ấn tượng lại in sâu trong vực thẳm long người muôn thuở:

“Tịch tịch cảnh vô ảnh

Minh minh châu bất dung

Đường đường vật phi vật

Liêu liêu không vật không”.

Đại ý bài kệ nầy Ngài muốn khai thị cho đồ chúng biết: Thể pháp thân thanh tịnh sáng suốt trong sạch như tấm gương không bụi nhớp, như ngọc minh châu chói ngời bóng sáng, tuy hiện tiền sự sự vật vật sai khác, nhưng đều là thể pháp thân biểu hiện: Thể pháp thân thường vắng lặng mà không phải là không tức lý “chơn không diệu hữu.”

Lại nữa vua Hiển Tôn Hoàng đế ban thụy hiệu “HẠNH ĐOAN THIỀN SƯ” và có làm bài minh khắc vào bia đá để tán thán đạo đức của Ngài:

“Ưu ưu Bát-nhã

Đường đường phạm thất

Thủy nguyệt ưu du

Giới trì chiến lật

Trạm tịch cô kiên

Trát lập khả tất

Quán thân bổn không

Hoằng pháp lợi vật

Biến phú từ vân

Phổ chiếu huệ nhựt

Chiêm chi nghiêm chi

Thái sơn ngật ngật.”

Đại ý bài nầy nói Tổ sư Nguyên Thiều là bậc Thánh Tăng, là hiện thân của trí huệ trang nghiêm thanh tịnh. Sự xuất hiện của Ngài ưu du tự tại như làng trăng nước. Giới đức vững vàng chắc chắn, bởi vì quán thân giả tạm vô thường nên hằng thuyết pháp lợi chúng, như mây từ che phủ, mặt trời trí huệ soi khắp nhân gian. Ngài đồ sộ như núi Thái Sơn vươn cao chất ngất.

Tóm lại, Tổ sư Nguyên Thiều đúng theo “Lịch truyện Tổ đồ” thì Ngài là đời thứ 60, còn đứng theo phái “Lâm Tế chánh thống” thì Ngài là đời thứ 33 mà truyền phái Lâm tế ở xứ Trung kỳ thì Ngài là vị Tổ sư đầu tiên vậy.

***

Kể từ khi Tổ sư Nguyên Thiều rời Bình Định ra tỉnh Thừa Thiên rồi làm Trụ trì tại đó thì tại chùa Thập Tháp được ngài Kỳ Phương thừa kế duy trì. Nhưng rất tiếc từ ngài Kỳ Phương trở xuống đến nay thì sử liệu của chùa cũng như các vị Trụ trì thừa kế kém phần phong phú. Có lẽ vì thời gian quá lâu nên bị thất lạc. Vậy ở đây ta chỉ sơ lược vài nét đại cương chính xác tiểu sử của các Tổ sư kế truyền để ta thấy rõ vai trò truyền đạo, ảnh hưởng thế nào đối với nền Phật giáo xứ sở xưa nay mà thôi.

Ngài Kỳ Phương hòa thượng pháp danh Minh Giác giòng Lâm Tế đời thứ 34, là đệ tử cao túc của Tổ sư Nguyên Thiều. Ngài lãnh trọng trách duy trì tại Thập Tháp do Tổ sư giao phó, Ngài có công xiểng dương giáo lý ngày được thịnh hành. Đạo đức của Ngài đâu đâu cũng đều quy ngưỡng, bởi vậy khắp nơi trong tỉnh ngoài tỉnh đều đến thỉnh cầu Ngài đứng ra sáng lập chùa chiền. Như chùa Thiên Đức thuộc xã Phước Hưng, Tuy Phước; chùa Phổ Quang thuộc xã Phước Thuận, Tuy Phước, chùa Thắng Quang thuộc xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, chùa Thanh Sơn thuộc xã Ân Tín, huyện Hoài Ân và còn nhiều chùa khác nữa, đều do Ngài Kỳ Phương khai sơn sáng tạo cả. Do đó ảnh hưởng Phật giáo đương thời vang dội trong dân gian rất là sâu rộng.

Thời gian hoằng đạo khá lâu, Ngài Kỳ Phương đã trở thành niên cao lạp trưởng mà đồ chúng của Ngài lại đông đảo thành đạt vững vàng, nên Ngài lựa chọn một vị cao đồ để truyền y bát thừa kế thay Ngài, vun bồi Tổ nghiệp nơi đây.

Sau khi Ngài Kỳ Phương nhập tịch, Ngài LIỄU TRIỆT được lên thừa vị. Tháp Ngài hiện xây ở trước mặt chùa về phía bên tả.

Tổ đình Thập Tháp, Bình Định – ảnh Chánh Đẳng

Ngài LIỄU TRIỆT hòa thượng pháp danh THẬT KIẾN dòng Lâm Tế đời thứ 35, là một bậc thượng căn thượng trí, thâm nhập đạo mầu, tu hành chứng ngộ. Vì thế ảnh hưởng và di tích đời Ngài lại càng vang lừng, lưu hương mãi cho đến bây giờ.

Tương truyền rằng: Trong lúc tu hành, xung quanh có một nguồn dư luận gì không hay xảy đến giữa cuộc đời Ngài. Nhưng với Ngài thì thản nhiên không cần biện bạch mà Ngài chỉ thề cho đồ chúng hay rằng: Nếu ta không tạo điều gì xấu ác thì sau khi ta viên tịch, tháp của ta luôn luôn tinh bạch. Điều nầy đã chứng minh một cách quá rõ ràng là hiện nay tháp Ngài trắng phau như tuyết mặc cho mưa nắng phong sương không sao hoen ố được.

Ngài Liễu Triệt viên tịch truyền xuống đệ tử là Ngài HẠO-NHIÊN.

***

Ngài HẠO NHIÊN hòa thượng pháp danh TẾ ĐOAN giòng Lâm Tế đời thứ 36. Ngài là người chí hướng cao xa, như chim bằng vĩ đại một khi cất cánh đã vượt cao chín vạn dặm ngoài cõi thanh không. Bởi thế từ khi Ngài xuất gia cho đến khi được lên thừa kế địa vị Tổ sư ở chốn đại Già lam Thập Tháp, Ngài kiên trì giới luật, dốc chí giữ gìn gia phong tổ đạo, mặc dầu đời người trải qua mấy lần biển dâu kinh khủng. Nhất là dưới thời Nhạc-Huệ, một chế độ đập đổ cả thảy những gì dấu tích lịch sử của thời xưa, một chế độ còn muốn san bằng Phật giáo là di sản tinh thần quý báu nhất của cả dân tộc. Nên khi Nhạc-Huệ đánh thành Đồ Bàn còn phá phách chùa Thập Tháp rất nhiều. Tương truyền chùa Thâp Tháp có một quả hồng chung rất lớn ước chừng hai tấn nặng. Quân của Nhạc-Huệ đã khiêng đi để đúc súng đạn. Nhưng chuông ấy không thế phá được phải lại bỏ xuống vực sâu. Hiện giờ tại cầu Bến Gỗ thuộc đường Hỏa Xa cách Thập Tháp chừng hơn hai cây số về phía Tây, quả chuông nầy còn ở dưới nước. Kẻ chài lưới thường lặng xuống đụng thấy quai chuông. Nhưng vì vực nầy quá sâu và thiếu phương tiện, nên từ ấy đến nay không ai tìm cách lấy lên được.

Đương thời Ngài Hạo Nhiên ở vào tình trạng khó khăn: Một mặc giữ vững chùa chiền, mặt khác phải đối phó với sự xâm phạm phá phách của quân Nhạc-Huệ. Rút cuộc chùa chiền vẫn được huy hoàng tráng lệ. Công đức Ngài thật là vô lượng vô biên.

Ngài Hạo Nhiên thị tịch, tháp Ngài hiện ở vườn chùa. Đệ tử Ngài là Ngài Huệ Nhựt được lên kế vị (theo Thượng tọa Mật Thể trong quyển Việt Nam Phật Giáo Sử Lược thì bản Tông đồ thế thứ không có nói về đời 36 của Ngài Hạo Nhiên rồi sau truyền xuống Pháp đệ cũng đời 36 là Ngài HỮU PHỈ pháp danh Tế Trí). Nhưng theo chỗ khảo cứu của tác giả bài nầy thì tại Tổ đình có thờ long vị của Ngài Hữu Phỉ-Tế Trí đời thứ 36.

Cứ như thông lệ và quy củ thiền môn thì vị nào được lên kế vị mới có long vị thờ và mới liệt vào Tông đồ chánh-thống. Vậy chắc lẽ sau Ngài Hạo Nhiên-Tế Đoan thì em đồng sư là Ngài Hữu Phỉ-Tế Trí lên thay. Cũng như ta sẽ thấy sau đây đời thứ 38 một cặp anh em: Hưng Long và Nhựt Chánh, đời thứ 40 một cặp anh em: Vạn Thành và Phước Huệ đều thay nhau truyền kế.

Vì vậy nên phải ghi rõ thêm vào đây để ta hiểu thêm sự phức tạp của mỗi đời truyền hạ.

***

Ngài Huệ Nhựt hòa thượng pháp danh Liễu Tri, giòng Lâm Tế đời thứ 37. Ngài là bậc đạo cao đức trọng, lòng từ bi rộng lớn không lường. Ngài hóa độ cho hàng Tăng chúng rất đông. Ngài trùng kiến điện cát lâu đài rất là to tác. Đúc tượng Phật, Bồ tát thêm nhiều. Ngài làm cho thanh danh ngôi chùa ngày càng rực rỡ vang khắp trong ngoài.

Sau đời Ngài Huệ Nhựt thì đệ tử là Ngài Hưng Long thay thế.

***

Ngài Hưng Long hòa thượng pháp danh Đạt Lượng, giòng Lâm Tế đời thứ 38. Ngài là người thông minh đĩnh ngộ, khí tượng siêu quần. Khi Ngài trụ trì ngôi Tổ đình Thập Tháp đã có nhiều đời lịch sử vẻ vang, Ngài còn nghĩ việc duy trì trường cửu hơn nữa. Nên Ngài đặt vấn đề: ‟Dĩ nông vi thuyền” làm trọng tâm hoạt động. Nghĩa là muốn tiếp độ Tăng chúng, đào tạo những bậc xuất gia thật học chân tu thì phải có kế hoạch đảm bảo thường xuyên, chứ không nên ngồi hưởng của Thí chủ một cách suông đuổng qua ngày. Vì thế Ngài đã khai khẩn và mua chát một số ruộng đất có hàng trăm mẫu để Tăng chúng tự lực cánh sinh.

Bây giờ ta xét thấy tất cả văn khế giấy tờ giấy tờ ruộng đất, hết 70% đều do tên Ngài đứng nghiệp chủ.

Như vậy, ta biết công trình của Ngài Hưng Long đối với chùa Thập Tháp quả là to tác. Ngài được nhà vua hồi ấy khâm ban đao điệp.

Ngài Hưng Long viên tịch Ngài Nhựt Chánh lên thay. Tháp Ngài Hưng Long ở sau chùa phía tả.

***

Xét qua thế thứ thì Ngài NHỰT CHÁNH pháp danh ĐẠT THUYÊN cũng đời thứ 38, đồng một chữ pháp danh với Ngài Hưng Long như thế thì hai Ngài cùng hàng đời thứ 38 của giòng kệ Nguyên Thiều truyền xuống. Do đó ta biết Ngài Nhựt Chánh là pháp đệ anh em đồng sư với Ngài Hưng Long chứ không phải đệ tử.

Ngài Nhựt Chánh kế vị là vì trong thử đời môn đồ Thập Tháp tuyển trạch người người xứng đức. Và có lẽ đệ tử Ngài Hưng Long rất hiếm và nếu có thì cũng chưa thành nhân về hai mặt đời cũng như đạo.

Ngài Nhựt Chánh quả là bậc nhiều công trong việc phát huy Phật pháp, Ngài khêu sáng lên ngọn đèn ‟nhãn tạng” của liệt Tổ, nối nắm đại nghiệp của Thuyền môn. Suốt khoản đời Ngài tuy mặt hình thức không tăng tiến gì mấy, nhưng về mặt tinh thần Ngài đã ‟buông mùi hương đạo lý” cho hậu thế. Ngài cũng được nhà vua hồi đó khâm ban đao điệp.

Ngài viên tịch truyền vị lại cho Ngài Minh Lý hòa thượng. Tháp Ngài cũng dựng thờ ở tại vườn chùa.

***

Ngài MINH LÝ họ Trần pháp danh NGỘ THIỆU, Ngài là đệ tử của Tổ Hưng Long hòa thượng. Cho nên theo thế thứ là Ngài đời thứ 39 kể theo giòng kệ Nguyên Thiều.

Ngài Minh Lý hòa thượng là vị Cao tăng đường đường đạo hạnh khả ái. Ngài ra công tu bổ chùa chiền, kiến thiết thêm lầu đài điện lạc, khai thác thêm ruộng đất. Đặc biệt là Ngài đã thuê thợ chạm ở thường xuyên trong chùa để trổ thêm những pho tượng 18 vị A La Hán, một tượng Kiên Lao, một tượng Hộ Pháp, một tượng A Nan, một tượng Ca Diếp. Mỗi một pho tượng dưới chân có đề Trụ trì Minh Lý cung tạo mà ngày nay ai vào lễ Phật trong chùa đều thấy cả.

Điều đáng ca tụng nhất, là giữa khoảng đời Ngài nhằm một năm hạn hán và mất mùa, dân chúng đói khát. Ngài đưa ra một số bạc và một số lúa gạo rất nhiều để giúp Triều đình đương thời cứu trợ trong vùng thoát cơn tai biến. Vì thế màu thu năm thứ 33 vua Tự Đức thưởng Tứ nghĩa cử cao cả của Ngài bằng một tấm bảng sơn son thếp vàng trong đề bốn chữ ‟THƯỞNG TỨ HẢO NGHĨA”. Nhà vua lại khâm ban kim bài, thưởng thọ đao điệp nữa. Bây giờ cũng còn lưu giữ tại chùa.

Năm Giáp Tuất, Ngài tạo một tấm bản chép bài kệ Tông phái của Tổ Nguyên Thiều:

Tổ Đạo Giới Định Tông                  

Phương Quảng Chứng Viên Thông

Hành Siêu Minh Thiệt Tế

Liễu Đạt Ngộ Chơn Không.

Như Nhật Quang Thường Chiếu    

Phổ Châu Lợi Ích Đồng

Tín Hương Sanh Phước Huệ

Tương Kế Chấn Từ Phong.

Về hệ thống tương truyền thì cứ nhìn theo thứ tự mỗi chữ của bài kệ nầy mà truyền xuống. Như Tổ sư Nguyên Thiều pháp danh chữ SIÊU (Siêu Bạch) xuống mãi tới Ngài Minh Lý pháp danh chữ NGỘ (Ngộ Thiệu) như thế sự truyền thừa rất rõ ràng và quy củ.

Ba năm sau Ngài lại nhờ cư sĩ Tòng Khê-Dương Thanh Tu làm bài minh lược tự lịch sử Tổ đình Thập Tháp và các vị Tổ sư thuộc thống hệ truyền kệ tại đây. Rồi Ngài thuê thợ chạm vào bia đá, gắn vào hành lang hậu điện và có ghi rõ: Tòng Khê tiên soạn, Minh Lý hòa thượng tạo vào đời vua Tự Đức năm thứ 29 ngày tháng tốt (1875) tức là mùa thu năm Bính Tý.

Tháp Ngài hiện dựng thờ ở góc phía Bắc của chùa. Có bia đá của người đời sau tạc ghi công đức của Ngài, có đề bài thi nguyên văn như dưới:

‟Không môn tiệm nhập tự đồng chân,

Cung chúc Phật tiền niệm niệm thân.

Cần tác phước điền thành Pháp khí,

Thiệu long thánh chủng diệu tinh thần.

Phật gia dĩ cụ từ tâm hảo,

Quốc sủng thêm đề tánh tự tân.

Tối ái tây cù minh chích lý,

Bi minh công đức ức niên xuân.”

Kẻ viết bài lịch sử nầy xin tạm dịch ra sau:

‟Từ thuở nhi đồng đã xuất gia,

Dâng tròn tâm niệm trước đài hoa.

Gắng công vun đắp nền Tăng bảo,

Dốc chí truyền gieo giống Phật Đà.

Lòng sẵn từ bi ngời đức độ,

Nước đề tên tuổi nét ân ba.

Quảy cao ‟chiếc dép” về Tây Trúc,

Bia tạc nghìn thu chữ chẳng nhòa.”

Minh Lý hòa thượng viên tịch truyền xuống cho đệ tử là Ngài Vạn Thành hòa thượng.

Tôn tượng Thập bát La hán tại Tổ đình Thập Tháp, Bình Định – ảnh Chánh Đẳng

Ngài VẠN THÀNH hòa thượng pháp danh CHƠN CHÂU đời thứ 40. Được biết Ngài Vạn Thành từ nhỏ đầu sư với Ngài Minh Lý mà cũng là cháu kêu Ngài Minh Lý bằng bác ruột.

Ngài Vạn Thành bẩm chất thông minh nên Phật học uyên thâm, nho học quảng bác. Bởi vậy khi Ngài lên kế vị Thập Tháp, Ngài đã gây được ảnh hưởng văn học vang rộng trong làng cổ nho đương thời. Các vị túc nho quanh vùng thường đến vấn đạo với Ngài. Một hôm nào đó các vị thiển nho từng nghe danh Ngài mà chưa quen biết tìm đến mục đích thăm dò thử sức. Khi gặp được mặt Ngài các vị tỏ ý xem thường, nên Ngài đã ứng khẩu đọc hai câu: ‟Khù khì thi cú vô nhơn thức, lểnh mểnh tương lai vấn tú tài”.

Cái ngữ khí nhanh nhẹn mà vừa trào lộng khiến các vị ấy rất lấy làm hổ thẹn và tỏ lòng kính phục. Câu chuyện tuy đơn giản nhưng cũng đã trở thành giai thoại trong cuộc đời văn học của Ngài.

Lại nữa, Ngài tướng mạo cao sang đẹp đẽ, âm thanh lảnh lót như giọng chuông ngân. Mỗi khi đăng đàn thuyết pháp hay chẩn tế thì giống như một vị Bồ tát xuất trần, khiến ai nấy tấp nập đến quan chiêm vô kể.

Niên hiệu Tự Đức năm thứ 5 (1893) Ngài đã đúc lại một quả hồng chung cân nặng một tấn. Chuông nầy là để thay thế cho quả chuông trước mà Nhạc-Huệ đã khiêng như ta đã thấy nói ở trước.

Ngài Vạn Thành là bậc tài ba lỗi lạc, hạnh giải song toàn. Nhà vua nghe danh sanh lòng kính phục nên đã sắc tặng Tăng cang khâm ban đao điệp cho Ngài. Và tháng 2 năm Thành Thái thứ 3 sắc phong cho Ngài một tấm hoành sơn son thếp vàng trong đề bốn chữ ‟Hảo Nghĩa Khả Phong” sau khi Ngài đứng ra chẩn cứu dân gian đói rét bởi một mùa cơ cẩn gây nên.

Rất tiếc đoạn đường hành đạo của Ngài quá ngắn, Ngài đã vội vàng quay gót trở về thế giới liên bang.

Hiện có tháp thờ Ngài tại Già lam Thập Tháp phía sau tháp Ngài Hưng Long.

Vì thế khi Ngài viên tịch, hàng đệ tử chưa có người thừa kế, Ngài Phước Huệ hòa thượng pháp danh Chơn Luận cũng đời thứ 40 là anh em đồng sư của Ngài Vạn Thành được mời lên kế vị.

Phương trượng Tổ đình Thập Tháp, Bình Định – ảnh Chánh Đẳng

Ngài PHƯỚC HUỆ với pháp danh CHƠN LUẬN, nguyên sơ hành đạo tại Tổ đình Thập Tháp. Trong lúc Ngài Vạn Thành làm Trụ trì, thì Ngài xuất chúng ra làm Trụ trì ở chùa Phổ Quang xã Phước Thuận, quận Tuy Phước bây giờ. Chùa nầy cũng do Tổ Kỳ Phương Thập Tháp khai sơn. Sau Ngài Vạn Thành tịch môn phái Thập Tháp triệu Ngài rời khỏi chùa Phổ Quang để về làm Trụ trì Thập Tháp. Ngài Phước Huệ thuộc về bậc lợi căn thượng trí, cường ký đa văn, diệu nhập Phật tạng. Về mặt thế trí Ngài còn làu thông Nho Lão, kỳ thư ngoại truyện chư tử bách gia, một phen qua mắt Ngài đều thuộc lòng nguyên vẹn. Các danh sĩ khắp xứ, các quan lại địa phương nghe danh đều tìm đến giao du đàm đạo. Mỗi khi có ai nêu ra học thuyết Khổng Lão, hay điển chương nào thì Ngài bắt đầu dẫn chứng và đọc một hồi liền năm bảy trang sách ấy. Còn về kinh Phật Ngài lại càng thâm đạt bội phần. Bởi thế ai nấy cũng đều kính phục.

Trong số giao du có quan Đại học sĩ Nguyễn Khoa Toàn người ở Huế thường hay đến học đạo với Ngài và ông cũng thường dùng văn chương thi thoại để ca tụng Ngài. Rất tiếc những tài liệu nầy lâu năm thất lạc, không rảnh tìm tòi ghi chép đầy đủ được. Ông Nguyễn Khoa Toàn chỉ thường tôn xưng Ngài bằng câu: ‟Con ngựa câu ngàn dặm trong Phật pháp” (Phật pháp thiên lý câu).

Ở Bình Định lại có quan đại thần Lãnh Tri phủ An Nhơn Võ Khắc Triển tiến sĩ xuất thần thường hay lui tới nhất. Có lúc ông lưu trú vài ba đêm ngày. Thỉnh thoảng vào những đêm xuân trăng trong gió mát, hai người thường đàm thuyên, ngâm thi đọc sách thâu đêm. Tăng chúng hoặc có ai gặp duyên may mắn được gặp trường hợp đẹp đẽ nầy chắc không ai không nhớ Phật Ấn và Đông Pha của nghìn đời về trước. Tiến sĩ Võ Khắc Triển ngày càng sinh lòng kính ngưỡng nên ông đã vì Ngài viết bài chí Thập Tháp, trong đó nặng phần chỉ riêng đời Ngài Phước Huệ. Hiện nay bài chí còn lưu truyền tại chùa Thập Tháp với bốn bức gỗ sơn son thếp vàng.

Trong thuyền môn Ngài là bậc nghĩa học diệu nhập Phật thừa. Triều vua Thành Thái cho đến Hoàng thái hậu bách quan Đại thần vì lòng mộ đạo nên đã vời Ngài vào cung thuyết pháp, giảng dạy kinh luân. Cho đến đời vua Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại, Ngài luôn luôn được mời giảng ở Hoàng cung. Ngài cũng được nhà vua sắc tặng Tăng cang, khâm ban kim bài, thưởng tứ đao điệp.

Ngài còn mở trường Phật học tại chùa Thập Tháp rồi xuống Long Khánh, Qui Nhơn. Sau lại ra tại chùa Trúc Lâm rồi dời qua chùa Tây Thiên (Thừa Thiên) để dạy kinh giảng luận cho Tăng chúng. Các Tăng sĩ khắp Trung Nam Bắc đều dồn về tham học. Hiện nay hầu hết các bậc Hòa thượng, Thượng tọa khắp Trung Nam đang phục vụ Giáo hội bây giờ đều đã thọ ơn pháp nhũ của Ngài hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.

Về phương diện thì tại Tổ đình Thập Tháp Ngài đã cất một phương trượng nguy nga. Ngài Trụ trì chùa Linh Sơn có cúng tấm biển ‟Y BÁT TRÙNG QUANG”, hiện nay treo trước Phương trượng. Vào năm Giáp Tý, Ngài xây ngôi Tam quan trước chùa. Ngài Bích Liên Trí Hải Hòa thượng có đề câu đối ở hai trụ ngõ:

‟Nguyệt hạ bất xao kim tỏa đoạn,

Sơn tiền chỉ nhậm bạch vân phong”

Xin dịch:

‟Trời xanh bát ngát mây vươn núi,

Hồ biếc êm đềm nước động trăng”. (Kế Châu)

Ngài lại còn khai sơn ngôi chùa Phước Long ở xã Bình Phú, quận Bình Khê (Phú Phong) hiện nay đệ tử của Ngài làm Trụ trì tại đó.

Về phương diện giáo dục thì Ngài đã là nguồn pháp vũ vô biên, lâm ly thấm nhuần trong rừng tòng Tăng giới. Ngài có đề một bài ‟tân ngữ” trong quyển Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Thượng tọa Thích Mật Thể người học trò nhiều năm theo học với Ngài.

Nói tóm lại đời Ngài Phước Huệ đã làm cho Tổ đạo rạng rỡ thêm nhiều. Ngài điểm thêm trang sử của Tổ đình Thập Tháp những nét vàng chói lọi.

Sự nghiệp hoằng pháp của Ngài đã đem lại nguồn lợi ích và ảnh hưởng to lớn nhất trong thời cận đại.

Tháng Giêng năm Ất Dậu (1945) Ngài vui vẻ giả từ cõi tục trước khi tiếng súng của quân Nhật đánh Pháp chiếm lấy Đông Dương bùng nổ.

Ngài Bích Liên-Trí Hải hòa thượng người tham học với Ngài có đề bốn câu thơ tại tháp của Ngài:

‟Nguy nhiên nhất cao tháp,

Độc tọa cổ bàn đông.

Ngoại thị hữu vi tướng,

Trung tàng vô tướng ông.”

Kẻ viết bài nầy xin tạm dịch:

‟Đồ bàn thành cũ về đông,

Một tòa bảo tháp thẳng xông giữa trời.

Hữu hình hữu hoại đổi dời,

Chơn không diệu thể sáng ngời bên trong.”

Các Hòa thượng danh đức trong tỉnh còn nhờ Ngài Trí Hải hòa thượng đặt và tự tay viết một câu đối để tán than Ngài Phước Huệ cũng xin lục ra đây:

‟Dữ tôn ấn thuyền tâm, đại hải thuyền châu, thân lâm cô nguyệt,

Vị nhân bồi Phật chủng, tịnh bình cam lộ, bảo địa kim hoa.”

Kẻ viết bài nầy xin tạm dịch:

‟Với tổ ấn in tạc lòng thuyền, ngọc châu biển cả long lanh, sáng chói rừng sâu vầng nguyệt bạch,

Vì nhân sinh vun trồng giống Phật, cam lộ tịnh bình mát dịu, ngạt ngào cõi báu đóa sen vàng.”

Hơn 30 năm Trụ trì tại Tổ đình Thập Tháp, Ngài Phước Huệ viên tịch, truyền xuống đệ tử là Ngài Huệ Chiếu hòa thượng thay vị thừa tự.

Ngài HUỆ CHIẾU hòa thượng họ Từ pháp danh KHÔNG HOA Lâm Tế đời thứ 41. Người làng Trường Định, xã Bình An, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định.

Năm lên 12 tuổi cha mẹ dắt xuống chùa Thập Tháp cho xuất gia đầu sư với Ngài Phước Huệ. Ngài hành đạo một thời gian vừa được thông thạo, khi lên 15 tuổi được Bổn sư cho theo hầu hạ bên cạnh để truyền dạy những gì bí yếu của đạo mầu. Bởi thế tình sư và tử rất tương đắc, nồng nàn, thắm thiết. Cho nên khi Bổn sư Ngài tại thế cũng như khi qua đời Ngài phụng sự rất mực chí hiếu.

Năm 22 tuổi Ngài thọ Đại giới lên bực Đại sư. Năm 25 tuổi Ngài được bầu làm chức Thủ khố, quản lý cả thảy tài sản của chùa cũng vào năm ấy, Ngài Phước Huệ vì bận việc hoằng pháp dạy dỗ ở các nơi, nên Ngài Huệ Chiếu được Bổn sư giao chức vụ thủ chúng, trông nom sắp xếp toàn cả chúng Tăng tại chùa. Thế là từ đó Ngài đem hết tâm lực của mình để gánh vác Phật sự. Ngài chăm lo trùng tu ốc vũ, sửa sang tháp miếu của các vị Tổ sư. Ngài tu hành ngày một thắng tấn, công quả ngày thêm nặng dày. Do đó phước đức tăng trưởng thanh danh lan rộng, uy tín trong ngoài.

Năm Ngài chừng 35 tuổi thấy Ngài là người có thể thừa đương sự nghiệp Tổ đình, Bổn sư Ngài liền vân tập Tăng chúng để bầu Ngài lên làm Thủ tọa. Đồng thời nhà vua cũng sắc tứ Trụ trì cho Ngài từ đây.

Suốt thời gian 13 năm tròn, Ngài thay thế Bổn sư ra công dìu dắt đào tạo lớp Tăng chúng hậu lai, duy trì và bồi đắp Tổ đạo càng vững bền thạnh đạt.

Năm 48 tuổi, Bổn sư Ngài viên tịch, Ngài được chính thức lên kế vị tại Tổ đình.

Năm nầy là năm Ất Dậu (1945), Nhật bại trận ở Đông Dương, mặt trận Việt Minh khởi nghĩa cướp lấy chủ quyền. Rồi sau đó đất nước lâm vào hoàn cảnh điêu linh khói lửa của thực dân Pháp muốn tái chiếm Đông Dương lần nữa.

Do vì như vậy chùa chiền bị hư nát. Nhân vật tài lực của chùa cũng bị động viên trưng dụng cho cuộc kháng chiến của toàn dân suốt 9 năm gian khổ. Ngài Huệ Chiếu phải tự mình canh tác ruộng đất xung quanh chùa để đắp đổi qua cảnh trước cảnh đao binh ly loạn.

Nhưng không vì thời cuộc mà Phật giáo ở Bình Định hồi đó vẫn được tiếp mối sinh hoạt mạnh mẽ. Ngài Huệ Chiếu là người đứng đầu lãnh đạo phong trào Phật giáo phục hưng trong thời buổi tai biến nầy. Về mặt ứng dụng bên ngoài Ngài là một “hoa sen trong biển lửa”. Về mặt đức hòa bên trong, Ngài là bậc “voi rồng trong rừng thiêng” Ngài đã thổi vào Phật giáo đương thời một luồng sinh khí dồi dào để đủ sức chịu đựng trước cảnh dầu sôi lửa bỏng với những thách thức ghê gớm của ma vương ngoại đạo. Hạnh nguyện công lao của Ngài rất độ cao dày, nên Sơn môn Tăng chúng lúc bấy giờ không ai không khuynh tâm cảm đức. Vì thế nên năm 1952 lúc nầy Ngài được 56 tuổi, Phật giáo và Tăng chúng trong tỉnh tổ chức Giới đàn tại chùa Thiên Bình xã Nhơn Phong, quận An Nhơn rồi đến Thập Tháp cung nghinh Ngài về đó làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới, hầu trong ngày mai có một số đông Tăng chúng nối nắm sự nghiệp của cha ông mà duy trì Phật pháp.

Năm 1954 tiếng súng ngừng nổ. Đất nước bừng mắt dưới ánh sáng thanh bình. Phật giáo tỉnh dậy sau cơn ác mộng kinh hoàng. Hòa thượng Huệ Chiếu lại bắt đầu kiện toàn và xây dựng Tổ đình sau 9 năm tan nát.

Năm 1956 Ngài mở cuộc đại vận động trùng tu Thập Tháp với sự hợp tác đông đảo của chư Sơn và Môn phái. Đến năm 1957 khánh thành. Rồi từ đó trong vòng 5 năm trở lui thì Ngài lại phải tu bổ các nhà Đông, Tây Tổ đình, tháp miếu, v.v… mặt khác lại bắt đầu gầy dựng một số chúng điệu để gánh vác Phật pháp tương lai.

Đến năm 1963 Phật giáo lại phải bước vào mùa Phán nạn. Chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm lại là chế độ kỳ thị Tôn giáo quá ác độc phũ phàng. Phật giáo khắp nước đã vùng lên chống đối, phải hy sinh bằng nước mắt, bằng máu, bằng xương. Phật giáo Bình Định dưới sự lãnh đạo của Ngài Huệ Chiếu cũng phải đổi lấy giá rất cao trong công cuộc bảo vệ đạo pháp.

Thoát cơn vũ bão hãi hùng, Ngài Huệ Chiếu trở về Tổ đình với chiếc thân hao mòn vì niên kỷ.

Thời gian thấm thoát trôi qua, vào cuối Thu năm 1965 ngày 11 tháng 9 năm Ất Tỵ lúc giờ Sửu, Ngài Huệ Chiếu vui vẻ im lặng ra đi về miền cực lạc để lại gánh nặng Phật pháp và Tổ đình cho hàng con em đứng ra đảm nhận hiện nay. Tháp Ngài được xây giữa tháp Ngài Minh Lý và Ngài Phước Huệ.

Ngài thọ được 68 tuổi tròn. Đồ chúng của Ngài có trên hằng vạn, Đức độ của Ngài vang bóng một thời. Ngài khai sáng được 4 ngôi chùa: Tiên Phong ở xã Phùng Thiện, Pháp Tràng ở xã Vĩnh Quang, Đại Viên ở xã Bình Phú, 3 chùa nầy ở quận Bình Khê, chùa Ngưỡng Quang ở xã Đập Đá, quận An Nhơn. Đặc biệt là trùng kiến lại ngôi chùa Phước Long của Bổn sư Ngài sáng lập vì trước đó cuộc kháng Pháp đã hủy hoại hoàn toàn. Ngài lại trùng tu nhiều chùa: Phước Sơn, Tân An, v.v…

***

Hơn 300 năm về trước xứ sở và dân tộc ta đang ở trong thời kỳ khai hóa nên từ tư tưởng, phong tục luân lý, học thuật, tôn giáo, v.v… còn là con đường mịt mù tăm tối. Chùa Thập Tháp dựng lên hẳn đã đem lại cho ta một tôn giáo từ bi được thiết lập trên nền tảng luân lý đạo đức, rèn luyện dân ta thấm nhuần tạo một cuộc đời an lạc hạnh phúc.

Rồi cũng từ 300 năm trở lại đây, chùa Thập Tháp dựng lên và dần dần phát triển to lớn thêm mãi. Phát triển để đóng vai trò tung giống Bồ đề gieo vào ruộng phước làm cho dân ta có được một nền phong hóa tốt đẹp đáng kính đáng thờ mà nghìn đời cũng như bây giờ, khắp trên thế giới năm châu ai cũng nghiêng lòng ca tụng. Ca tụng một dân tộc Việt Nam có nhiều diễm phúc đã sớm thừa hưởng kho tàng chơn lý của đấng Giác ngộ di truyền không những thế thôi, chùa Thập Tháp đã xuất sanh không biết bao nhiêu bậc Thượng sĩ xuất trần, qua nhiều thế hệ để đồi họ buông vãi tính thương cho cuộc thế, đem lại nguồn vĩ đại nhất cho người đời. Thế nên lịch sử của chùa Thập Tháp quả thật vô cùng trọng hệ đáng được ghi vào dòng đầu của lịch sử Phật giáo nước nhà.

Nét vàng rực rỡ chói chang nhất là khi ta nhìn vào những lớp người truyền thống thừa đương, mỗi mỗi đều cho ta thấy hình ảnh đặc biệt: Người lập đức, kẻ lập công, người lại lập ngôn. Ba yếu tố ấy đã đúc xây nền lịch sử Tổ đình Thập Tháp thật huy hoàng lẫm liệt.

Đến đây, ta cũng cần ghi lại bài thơ của cư sĩ Tòng Khê đã khắc trong bia đá do Ngài Minh Lý hòa thượng tạo như đã nói ở trước, để ta tóm tắt vai trò quan trọng của lịch sử Tổ đình:

“Thập Tháp âm sum nhứt cảnh huyền

Nguy nga phạm vũ yết trung thiên

Lâu đài tự cổ lưu Tam bảo

Y bát nhi kim diễn cửu triền.”

Xin tạm dịch:

Thập Tháp trang nghiêm cảnh nhiệm mầu

Vườn cao in đậm giữa trời sâu

Lầu đài Tam bảo lưu muôn thuở

Y bát trao truyền chín lớp san. (Kế Châu)

Tôn dung đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Kế Châu

Khi qua hết dòng lịch sử, Kế Châu tôi ngồi trầm ngâm ôn dò trở lại, tự nhiên cảm thấy mình quá nhỏ bé đối với cơ nghệp hùng vĩ của Tổ đình.

Bởi vì qua bao nhiêu công trình và hạnh nguyện rộng lớn của những bậc Cao tăng, những người đã làm nên lịch sử Phật giáo và Tổ đình vô cùng rực rỡ, mà với mình thì phải làm gì đây? Làm lịch sử Phật giáo tương lai, làm lịch sử Tổ đình hiện tại, tiếp nối con đường đầy hoa thênh thang thăm thẳm cho bao nhiêu thế hệ nhân sinh trong tương lai tìm về đất Phật… tất cả vấn đề trọng đại mà mình thử đặt ra trước mặt, đó không phải là to tác lắm sao.

Nghĩ đến đó tôi thấy mình đang bước theo dấu “chân hậu trần” của quá khứ rất là thiếu sút, thì làm sao không cảm thấy mình bé bỏng!

Viết giòng tâm sự chân thành nầy mục đích dâng lên Phật-Tổ, nguyện cầu từ bi thương xót, gia hộ cho chúng con làm tròn sứ mệnh, hầu đền đáp bốn ơn cao dày trong cuộc đời hành đạo của chúng con./.

Viết tại Thập Tháp, ngày Rằm tháng 02 năm Đinh Mùi.

Tỳ kheo THÍCH KẾ CHÂU

Sài Gòn mùa thu năm Quý Mão (2023).

Nguyễn Phúc Trường tự Nam Thiên pháp danh Như Viên

Kính sao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *