Con người ta một khi sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già lão rồi mất đi, đó là qui luật tất yếu không ai có thể tránh khỏi. Nếu như con người ta vui mừng bao nhiêu trước sự ra đời của con trẻ – một thành viên mới, thì con người sẽ đau khổ biết bao trước sự ra đi vĩnh viễn của người thân. Ngay từ ngày xưa, người ta quan niệm con người cũng như con vật do tạo hóa sinh ra đều có hai phần – phần xác và phần hồn hay nói một cách khoa học hơn là trong con người có cái vật chất và cái tinh thần. Phần xác (vật chất) là phần cân đo bình phẩm đẹp xấu, còn phần hồn (tinh thần) thì trừu tượng không nắm bắt được; phần xác chỉ tồn tại một thời gian hạn hữu rồi cũng trả về cát bụi, nhưng phần hồn lại không chết, không mất đi mà về sống ở nơi khác, cõi khác. Cho nên sau khi chết đi chỉ có phần thể xác là hư nát còn linh hồn là bất tử.
Trong thế giới tâm linh của người Việt, quan niệm người sống ở thế giới dương (dương gian), người chết ở thế giới âm (âm phủ), thế giới dương như thế nào thì thế giới âm cũng như vậy. Do đó người ta thường có câu “trần sao âm vậy”. Nghĩa là con người khi còn sống có nhu cầu ăn, ở ra sao v.v… thì sau khi “về thế giới bên kia” cũng có nhu cầu như vậy, cũng phải ăn, ở như thế. Từ đó mà khi nguời xấu số vừa nằm xuống, thân nhân đã chia tiền, chia của, chia đồ vật cho vào cỗ quan, tẩm liệm mang theo. Có tộc người còn làm nhà ở (như nhà mồ cho người chết ở một số tộc người thiểu số ở nước ta). Những đồ vật này được chôn theo người chết với hy vọng người chết có cái mà ăn, mà tiêu trong những ngày bỡ ngỡ ban đầu ở thế giới mới. Những vật dụng này gọi là phẩm vật tùy táng.
Ở một số nước, người ta có một số tục dành cho người chết như sau: Người Hy Lạp có tập tục nhét một đồng bạc obol vào miệng người chết, coi đó là lộ phí cho người chết khi qua sông Styx. Người Triều Tiên thì bỏ tiền và gạo vào miệng người chết. Người Nhật cũng có tục đồng tiền lệ phí để đưa người chết sang thế giới bên kia, thể hiện trong tập quán chôn tiền cùng người chết; số lượng 3, 6, 7, hoặc 49 đồng, được bỏ vào chiếc túi và treo vào cổ người chết khi đặt họ vào quan tài. Những tiền này cũng được quan niệm là để người chết dùng trả lệ phí khi vượt dòng sông Zanzu đến quê hương của những người đã chết.
Ở Việt Nam cũng có tục này, khi làm lễ “phạm hàm” cho người vừa chết, thân chủ cũng bỏ gạo (nếp) và tiền vào miệng người chết, nhà giàu có khi dùng vàng hoặc ngọc trai. Tục này người ta cho là để tránh tà ma ác quỷ đến cướp đoạt đồ tùy tán hay tiễn vong hồn đi đầu thai nơi xa xôi; có người cho là để người chết có tiền lộ phí đi đò về nơi chín suối.
Nhờ lòng tin vào sự bất diệt của linh hồn và linh hồn chỉ là sự tiếp nối của con người sau khi chết đi ở một thế giới khác nên hình thành tục thờ cúng tổ tiên và thần thánh nói chung. Trong việc thờ cúng ấy thì cúng lễ là điều quan trọng. Cúng bằng cả thức ăn hoa quả “mùa nào thức ấy”, đồ chay, cỗ mặn, to nhỏ tùy trường hợp; cúng cả đồ mặc, đồ dùng làm bằng giấy, tre, nứa gọi là vàng mã, cùng với hoa, trầu, trà, rượu v.v…
Vậy tục cúng vàng mã có từ khi nào? Theo Phan Kế Bính “Tục cúng vàng mã do từ bên Tàu, đời xưa thường dùng đồ ngọc bạch để cúng tế. Đời sau dùng tiền để thay thế cho ngọc bạch. Đến đời Huyền Tôn nhà Đường thấy dùng tiền phí lắm mới truyền cho làm tiền giấy để thay cho tiền thực. Đời Ngũ Đại lại chế ra áo giấy, mũ giấy mà cung cấp quỷ thần”.
Sau này, Toan Ánh cũng khẳng định dân ta theo người Trung Hoa bắt chước tục đốt vàng mã và truyền tới nay. Khi gởi tiền của cho người quá cố dưới hình thức đồ vàng mã để vong hồn người chết nhận được, người ta làm như sau: Sau khi đồ vàng mã đã được đốt cháy hết (hoại vàng) không còn ngọn lửa, người ta lấy một chén rượu gạo hoặc chén nước cúng đổ quanh đống tro, có như vậy người chết mới nhận được và đồ mã mới trở thành đồ thật.
Ngoài ra niềm tin ấy bắt nguồn từ triết lý Âm Dương giao hòa, tương khắc tương sinh của tín ngưỡng nông nghiệp, tín nguỡng phồn thực. Ta thấy ở đây hai yếu tố nước và lửa. Ngọn lửa (hương khói) mang tính Dương. Nước (rượu) mang tính Âm. Nước tưới vào lửa tượng trương cho sự hòa quyện biểu thị cho Âm – Dương đối đãi, giao hòa, sự sống sẽ sinh sôi nảy nở.
Tục đốt mã hóa vàng đã trải qua quá trình lịch sử lâu dài, ăn sâu vào tiềm thức người dân. Hiện nay mục đích của việc đốt vàng mã không khác xưa là mấy. Tuy nhiên về đồ vàng mã thì trở nên đa dạng, phong phú hơn rất nhiều. Nếu như xưa kia những đồ vàng mã thường ít, đơn giản chỉ theo kiểu nâu sồng, phương tiện đi lại là ngựa, thuyền v.v… vẫn còn bày bán thì có thể nói trong cuộc sống ngày nay con người đang tiêu dùng thứ gì thì đồ mã có thứ đó. Như các loại tiền dollar, cả các dụng cụ đắc tiền: xe máy, ô tô đời mới, karaokê, dàn đĩa, compact, điện thoại, nhà cao tầng v.v… nghĩa là con cháu cố gắng để cho người thân dưới suối vàng không bị “lạc hậu” với cuộc sống mà con cháu được hưởng.
Có lẽ không một gia đình Việt Nam nào không thờ cúng tổ tiên ông bà mà bỏ được lễ giỗ. Giỗ thì phải có các lễ vật dâng lên thần thánh hoặc linh hồn tổ tiên, không mâm cao cỗ đầy thì có nén hương, lọ hoa, chén nước, và không thể thiếu được tục đốt vàng mã. Quả thực tiền bạc vật chất rồi cũng hết nhưng cái tình chữ tình thì còn lại mãi. Và như thế, những món quà từ vàng mã với hành động đốt (hóa vàng) có ý nghĩa lớn lao biết bao như lời nhắc nhở con cháu “uống nước nhớ nguồn”. Khi chén rượu tưới vào nhúm tro hồng kia là cả quá khứ lại về với hiện tại, ông bà tổ tiên lại về với con cháu, con cháu nhớ tưởng đến ông bà tổ tiên. Đại gia đình đoàn tụ trong một nếp nhà là điều kiện giúp con người hướng đến cái chân – thiện – mỹ. Lòng tin rằng ông bà tổ tiên luôn che chở, vẫn theo dõi bước đi trong cuộc sống con cháu đã có tác dụng lớn lao tới lối sống của họ, có tác dụng đoàn kết gia đình và xã hội, giúp họ vững tâm hơn hướng tới cái thiện, tránh xa cái ác. Điều này sẽ tốt biết bao nếu những người đã và sẽ đốt vàng mã hóa vàng cho tổ tiên ông bà cũng như cho những vong hồn uổng tử không nơi cu trú kia biết chăm sóc người thân, ngay cả khi họ còn sống, biết giúp đỡ những người chẳng may gặp hoạn nạn, tật nguyền, người gặp khó khăn sẽ giúp tăng thêm phẩm chất của việc đốt vàng mã. Một truyền thống đẹp bấy lâu nay mà người dân Việt Nam luôn đề cao.