Địa bàn vùng văn hóa châu thổ Nam Bộ hiện nay bao gồm lãnh thổ miền Đông Nam Bộ: các tỉnh Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Sài gòn; và miền Tây Nam Bộ: các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Minh Hải, cà Mau, Bạc Liêu. Với đề tài này, chúng tôi chỉ đi vào tìm hiểu văn hóa của Sài gòn – một thành phố trẻ, đầy năng động nằm giữa hai khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Có thể nói vùng văn hóa là một vùng lãnh thổ có những tương đồng về hoàn cảnh địa lý tự nhiên, môi trường sinh thái, là một vùng đất có quá trình lịch sử lâu dài, có những cộng đồng cư dân sinh sống khá lâu đời. Những cư dân này cho thấy có sự tương đồng về trình độ kinh tế – văn hóa – xã hội và giữa họ diễn ra sự giao lưu tiếp biến văn hóa lẫn nhau, tạo nên sắc thái đặc trưng chung cho vùng mà qua đó có thể phân biệt được vùng văn hóa này với vùng văn hóa khác. Đây chính là 5 tiêu chí cơ bản giúp chúng ta phân tích một vùng văn hóa.
Về vị trí địa lý:
Sài gòn có tọa độ địa lý 10038’ – 11010’ vĩ độ Bắc và 106022’ – 106045’ Kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh, Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang. Đây là trung tâm của khu vực Đông Nam Á, nằm giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống nam, từ Đông sang Tây và tính từ trung tâm thì thành phố cách bờ biển Đông 50km theo đường chim bay. Địa hình cao về phía Bắc – là vùng đồi, đồng bằng và thấp dần về phía Nam – Tây Nam. Độ cao trung bình so với mực nước biển là 6m.
Sài gòn có tổng diện tích tự nhiên là 2.985km2 , Dân số: 5630192 người (2004), tổ chức hành chính gồm 24 quận, huyện.
Đất đai Tp. Sài gòn do những lớp phù sa cũ và mới tạo nên, mang đặc tính chuyển tiếp giữa vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long với các vùng sinh thái khác nhau. Hệ thống sông rạch chằng chịt với chiều dài 7955km, chịu ảnh hưởng của bán nhật triều. Sài gòn nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, giàu ánh nắng, thuộc vùng không có bão.
Với vị trí thuận lợi như thế, Tp. Sài gòn một thời được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”, đã là trung tâm thương mại và là nơi hội tụ của nhiều dân tộc, là đầu mối giao thông nối liên lạc các tỉnh trong vùng và là cửa ngõ quốc tế.
Về Lịch sử lâu đời:
Sài gòn xưa được thành lập từ năm 1623, nhưng tới năm 1698 chúa Nguyễn mới cử Thống sóai Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam Kinh lý, lập phủ Gia Định và khai sinh ra Thành phố Sài gòn. Như vậy, tính đến nay (2006), Sài gòn có bề đày lịch sử hơn 300, đủ thời gian để các động thái thái văn hóa hình thành và phát triển.
Cư dân lâu đời:
Thành phần tộc người của cư dân Tp. Sài gòn rất phong phú. Bên cạnh người Kinh là đa số, ở thành phố có đại diện của 54 dân tộc anh em. Có hơn nửa triệu người Hoa, chiếm quá nửa tổng số người Hoa của Việt Nam. Người Hoa sống tập trung ở một số quận nội thành (5, 6, 8, 10…) nơi có gần 30 ngôi chùa Hoa tọa lạc, có những chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ XVIII.
Ngoài ra, còn có đông đảo người Khmer, người Chăm, người Tày, người Nùng, người Mường, người H’Mông, người Dao… từ miền Bắc nhập cư vào. Và người Eđê, người GiaRai, người Xơđăng, người CờHo, người BaNa, người Mạ, người Stiêng từ các tỉnh Tây Nguyên đến sinh sống ở thành phố.
Sự tương đồng kinh tế – văn hóa – xã hội:
Sài gòn là trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Trong nhiều năm qua, kinh tế trên địa bàn thành phố liên tục tăng trưởng về công nghiệp, dịch vụ – thương mại, nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản, cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư và nâng cấp. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì Sài gòn vẫn còn là thành phố nghèo, tồn tại nhiều bất cập.
Về công nghiệp: Tp. Sài gòn là trung tâm công nghiệp lớn nhất nước, xét về tỷ trọng giá trị sản lượng công nghiệp nước ta. Hiện tại, thành phố đã có 12 khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động: Tân Thuận, Linh Trung, Vĩnh Lộc… với sự đầu tư lớn về nguồn vốn và kỹ thuật trong và ngoài nước. Ngành may mặc và các ngành công nghiệp kỹ thuật cao như ôtô, kim khí điện máy, nhựa được đầu tư phát triển. Gần các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm… có bước phát triển đáng kể.
Về dịch vụ – thương mại: Do nằm ở vị trí lý tưởng và có được những lợi thế về đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, sân bay… Tp. Sài gòn là nơi phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ, du lịch. Thành phố quy tụ về trên 50 tổng công ty kinh doanh thương mại dịch vụ đa và chuyên ngành. Cho nên, Sài gòn được mệnh danh là “Thành phố chợ”. Hệ thống chợ khá hoàn chỉnh: chợ đầu mối, chợ buôn bán sỉ, chợ rau… và gần đây ra đời chợ ẩm thực. Hệ thống siêu thị ra đời sớm nhất, quy mô lớn nhất Việt Nam. Và nơi đây cũng đã hình thành các “phố chuyên doanh”.
Đây là nơi tập trung đông người nước ngoài và những người có thu nhập cao, nên số lượng hàng hóa bán ra và dịch vụ du lịch rất cao.
Hệ thống giao thông thuận lợi, là đầu mối cho các hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực thông qua môi giới, đại lý… Các ngành tài chính, ngân hàng, tín dụng của thành phố hoạt động rất sôi nổi, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngành bảo hiểm cũng đã và đang phát triển vững vàng, hoạt động có hiệu quả suốt hơn 10 năm nay.
Với lợi thế về vị trí địa lý và sự phát triển về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tạo cho thành phố có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch. Tại thành phố đã ra đời các công trình văn hóa thể thao – du lịch đặc sắc, có sức hấp dẫn người dân thành phố và du khách nước ngoài: Công viên văn hóa Suối Tiên, Đầm Sen, Công viên văn hóa Tao Đàn, Kỳ Hòa…
Về nông nghiệp: Đất ở thành phố bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Do đó, nông nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm GDP của thành phố năm 2002 chỉ có 1,7%.
Phương hướng phát triển của thành phố là đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, đồng thời tăng cường đầu tư phát triển xây dựng nông thôn mới, bố trí lại lao động nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm nhanh diện tích lúa năng suất thấp, tăng nhanh diện tích cây công nghiệp, cây ăn trái.
Về chăn nuôi, phát huy thế mạnh về nuôi bò sữa, heo, gia cầm…
Về lâm nghiệp, tiếp tục phát triển các mảng xanh với hệ thống sinh thái đa dạng sinh học bền vững, giữ chức năng phòng hộ môi trường, điều hòa mật độ cây xanh cho thành phố.
Về Thủy sản, hướng phát triển và tập trung đối với các ngành thủy sản thành phố là khai thác đánh bắt xa bờ, gắn khai thác với chế biến, phát triển nuôi tôm nước mặn và tôm càng xanh nước ngọt.
Đặc điểm văn hóa: Thành phố là nơi có tiềm năng văn hóa phong phú, đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi trong giao lưu, hội nhập với khu vực và thế giới.
Tại thành phố đã phát hiện và nghiên cứu xác định được 31 di tích khảo cổ học, hàng trăm ngôi chùa và đình được xây dựng trên địa bàn thành phố. Thành phố được mệnh danh là “Thành phố bảo tàng”, có nhiều nhà truyền thống của các quận, huyện, các đơn vị, các cơ quan. Nhiều thư viện, nhà hát, trung tâm văn hóa với trang thiết bị hiện đại, hệ thống báo chí và nhà xuất bản cũng đã xuất hiện sớm nhất ở thành phố; hệ thống đài phát thanh với nhiều chương trình bổ ích, là nơi hội tụ của nhiều tôn giáo thế giới: Công giáo, Phật giáo, Tin lành…
Ở đây có nhiều cơ sở đào tạo với các cấp học và ngành học, với nhiều loại hình đào tạo phong phú, cơ sở y tế được đầu tư nâng cấp, đào tạo đội ngũ y bác sĩ có tay nghề cao…
Ngoài ra, Sài gòn còn có nhiều loại hình sân khấu và văn hóa dân gian, người Việt: hát bội, đờn ca tài tử, kịch, ca nhạc, cải lương; người Khmer: Rò băm, dù kê, múa; người Hoa: Hí kịch.
Tổ chức xã hội: Là thành phố đông dân nhất nước, nơi quy tụ con người từ nhiều nơi trong cả nước. Là một thành phố trẻ nhưng văn hóa phong phú, đa dạng, tổ chức xã hội chưa ổn định. Đơn vị hành chính là cấp quận, huyện, phường, tổ dân phố. Đơn vị cư trú người Việt: quận, huyện, phường; người Hoa: hội đoàn; người Chăm: Plây.
Giao lưu tiếp biến văn hóa:
Với vị trí thuận lợi, là nơi tập trung của nhiều dân tộc anh em, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng góp phần tạo nên một nền văn hóa đa dạng. Đặc trưng văn hóa của vùng đất này là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống dân tộc với những nét văn hóa phương Bắc, phương Tây góp phần hình thành lối sống, tính cách con người Sài gòn. Đó là những con người thẳng thắn, bộc trực, phóng khoáng, có bản lĩnh, năng động, dám nghĩ, dám làm… hướng theo lối sống thực dụng.
Tp. Sài gòn – thành phố trẻ trung và hoạt động mới 300 năm tuổi, song trong lòng thành phố đã chứa đựng biết bao giá trị văn hóa nhân văn, văn hóa lịch sử được kết tinh và thăng trầm từ sự giao lưu của nhiều nền văn hóa khác trên nền tảng văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Đặc điểm văn hóa Sài gòn xưa và Tp. Sài gòn ngày nay là sự thể hiện khá độc đáo bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong bối cảnh lịch sử – không gian của khu vực phía Nam tổ quốc ta. Tuy nhiên, nó cũng chính là chứng nhân lịch sử của những thăng trầm thương đau.
Sài gòn – Tp. Sài gòn là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển, có nền văn hóa mang dấu ấn của người Việt Nam, Hoa, Chăm, Khmer, An… rồi Sài gòn trở thành một trong những trung tâm của cả nước, chịu những ảnh hưởng văn hóa Pháp, Mỹ qua các giai đoạn thăng trầm của đất nước. Thành Gia Định, Chợ Lớn, bưu điện, nhà hát lớn, đền thờ Đức Bà, Huyện Sỹ,… là những di sản thể hiện sự đa dạng về văn hóa. Tôn giáo, tín ngưỡng với nét sinh hoạt lễ hội văn hóa tâm linh truyền thống đã tạo nên tính thống nhất trong đa dạng văn hóa của mảnh đất Phương Nam này. Ví dụ:
– Người Chăm trước đây không có áo dài, nhưng do ảnh hưởng của người Kinh họ có áo dài xẻ tà và có mặc váy trắng.
– Trong tục lì xì Tết của người Hoa, người nào chưa lập gia đình thì không được lì xì. Người Việt ta cũng ảnh hưởng từ đó, nhưng ai lì xì cũng được tuỳ theo điều kiện kinh tế.
– Căn nhà ba gian, người Việt ảnh hưởng của người Hoa nhưng cách trang trí của người Việt thường đơn giản hơn, trước cửa không có câu đối liễn như người Hoa.
– Món canh chua, nước cốt dừa, người Việt cũng ảnh hưởng của người Khmer.
Trong ca dao cũng có sự khác nhau ở các vùng. Ơ Quảng Nam người ta hát rằng:
“Muốn đi cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo quê mình thiếu chi”.
Thì ở đây câu hát lại được “bẻ” lại và dường như chứa đựng cái gì chưa hoàn chỉnh và chưa ổn định:
“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo, gập ghình khó đi”.
Trong thời kì phong kiến, Việt Nam ảnh hưởng nho giáo Trung Hoa nhưng cũng không ít trường hợp Việt hóa diễn ra. Trịnh Hoài Đức đã viết:
“Man yên địa giác thiên trùng lộ
Việt khách thiên nhai nhất đoan hồng”.
(Một là chân trời thuyền khách Việt
Muôn trùng góc đất nẻo sương tan.)
Hay:
Chế lăng sơn thủy nhiêu yên chướng
Gia Định hương quan nhập mộng hồn.
(Chế Lăng, khói tỏa mờ sương núi
Gia Định hồn mơ mãi xóm làng.)
Tóm lại, nằm ở vị trí trung tâm giữa hai khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ nên Sài gòn có vai trò quan trọng với vùng văn hóa đồng bằng Nam Bộ cả về kinh tế, chính trị, văn hóa. Là một trung tâm văn hóa, Sài gòn tiêu biểu cho khuynh hướng cởi mở và tính năng động của một vùng văn hóa giàu sức trẻ vào bậc nhất ở nước ta. Với tốc độ đô thị hóa lớn nhất nước ta, đứng trên một góc nhìn chủ quan thì liệu trong quan hệ tình cảm của con người có thiên về lý nhiều hơn thiên về tình cảm hay không? Có lẽ chúng ta phải làm gì đó để trả lại cho Sài gòn xứng đáng với tên gọi, tâm vóc và vị trí của nó.
Sách tham khảo:
1. Tổng quan về ASEAN và tiềm năng Thành phố Hồ Chí Minh trong tiến trình hội nhập, Nxb Tổng hợp Tp.HCM.
2. Cơ sở văn hóa Việt Nam, Chu Xuân Diên, Nxb Đại học quốc gia Tp.HCM.
3. Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Công Bình – Nxb Tp.HCM