Văn hóa đảm bảo đời sống

Tác giả: Thích Huyền Châu

Văn hóa đảm bảo đời sống (lifesustaining culture) do Viện sĩ hàn lâm Dân tộc học E.S.Markarian người Cộng hòa Ác Mê Nhi giới thiệu, gồm ba lĩnh vực: Ẩm thực – Trang phục – Nhà ở như là ba nhu cầu sớm nhất, bức bách nhất của con người.

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu khái quát hệ thống lý thuyết về trang phục và nhà ở – những yêu cầu cần phải có của một người bước đầu nghiên cứu văn hóa đảm bảo đời sống. Qua đó phát họa kiến thức thành ý tưởng thực tiễn để trình bày cho phần ứng dụng hai chuyên đề: Trang phục và Nhà ở.

1- Lịch sử và chức năng trang phục

Trang phục thời cổ sơ – ý nghĩa ban đầu và mục đích sử dụng của trang phục

Bởi đứng trước những nguy hiểm của thần quyền tạo hóa, nên con người có những khái niện ban đầu về trang phục là nhằm động cơ tránh khỏi ma thuật. Mục đích sử dụng trang phục còn do sự thúc đẩy của lòng khiêm tốn; để tránh ảnh hưởng của thời tiết, tránh sâu bọ, côn trùng hoặc do sự phù phiếm…

Một số đồ trang sức đã được con người sử dụng trước khi dùng quần áo như vỏ sò cow rie, những vòng đeo cổ với răng dã thú, sơn hoặc xăm lên da…

Ngoài ra, sự trang điểm cũng là đặc tính thể hiện tư duy văn hóa để phân biệt con người với loài vật. Trang phục còn biểu thị lòng kiêu hãnh, quyến rũ người khác phái, biểu hiện tư cách thành viên trong bộ tộc, đe dọa kẻ thù…

Các kiểu màu sắc đầu tiên được con người dùng nhiều là màu đỏ (màu máu, màu của cuộc sống); màu vàng, màu tím đỏ… (màu nguyên sắc).

Ý nghĩa ban đầu của trang phục nam giới và nữ giới

– Trang phục nam giới: Thể hiện nguyên lý hệ thống thứ bậc, biểu tượng của cấp bậc, tầng lớp, giai cấp… được chi phối bởi nguyên tắc trật tự xã hội.

– Trang phục nữ giới: Ngoài mục đích bảo vệ cơ thể, trang phục nữ giới còn thể hiện nguyên lý làm đẹp, lôi cuốn người khác phái. Ở điểm này, chúng ta thấy tùy theo mỗi dân tộc mà có những quan niệm thẩm mỹ khác nhau, và thậm chí ngay trên cùng một lãnh thổ, tâm lý trang phục của mỗi tộc người cũng khác nhau.

Trong lịch sử trang phục, len và sợi cây lanh được người ta tìm thấy vào thời kỳ thời kỳ đồ đá (Neolithique). Thời kỳ này đã bắt đầu có thuốc nhuộm bằng thực vật, được sử dụng để nhuộm những mảnh vải. Sau đó người ta tìm những vỏ cây đập dập mềm ra để làm đồ che thân và sau nữa là dùng da thú đem phơi khô để làm trang phục. Người ta không có dao nên họ phải dùng miệng để cạp, nhai những miếng thịt dính trong da, đem phơi khô cho đỡ hôi, rồi quấn vào người làm trang phục che thân.

Chức năng của trang phục

Trang phục là một trong 3 dạng thức (nhà ở, trang phục, ẩm thực) của văn hóa bảo đảm đời sống.

– Chức năng phản ánh sự thích nghi của con người với hệ sinh thái: Để phù hợp với hệ sinh thái tại chỗ thì trang phục phải thích nghi với “địa văn hóa”, tức là sản phẩm hình thành trang phục là sản phẩm từ “địa văn hóa”. Ví dụ: Vật liệu để dệt vải cũng là sản phẩm của môi trường tại chỗ. Những vật liệu nhuộm của “địa văn hóa” luôn thể hiện sự phù hợp với môi trường sinh thái tại chỗ. Ví dụ: Ở xứ nóng thì chất liệu trang phục thường dùng là tơ tằm, sợi lanh.

– Chức năng giao tiếp xã hội: Trang phục thể hiện giới tính, lứa tuổi; sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Y phục có thể phân biệt đẳng cấp, vai trò, địa vị xã hội. Thời trang trở thành dấu hiệu phân chia địa vị xã hội giữa kẻ giàu, người nghèo, giữa người tự do và người nô lệ.
– Chức năng thể hiện sự khác nhau về tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán: Trong tín ngưỡng thờ mẫu, ngày trước, có một khăn phủ diện màu đỏ. Ngày nay, Tứ phủ được biểu hiện qua các màu: Phủ thiên: đỏ; Phủ thoải: trắng; Phủ thượng ngàn: xanh;  Phủ địa: vàng.
– Trang phục, kiểu cách cắt thể hiện chức năng phản ánh trình độ phát triển kinh tế, tâm lý dân tộc, quan niệm thẩm mỹ: Trang phục thể hiện và khái quát hoàn cảnh xã hội, cũng như tư tưởng văn hóa của một thời kỳ lịch sử nhất định. Sự ra đời và phát triển của tramg phục và chức năng của nó có mối quan hệ mật thiết với kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, phong tục tập quán… Cho nên, chức năng của trang phục là nguồn liệu để chúng ta tìm hiểu lịch sử, văn hóa quốc gia đó. Trang phục đảm bảo nhu cầu đời sống vật chất của con người, nó thể hiện sự phát triển hay sự khó khăn trì trệ về kinh tế của đất nước ấy.

Thông qua chất liệu của trang phục, màu sắc… nói lên đời sống của cư dân tại chỗ. Nhu cầu về trang phục đã tạo điều kiện lao động rất lớn như: Các ngành chế biến chất liệu, phụ liệu, gia công, thiết kế mẫu… Trong các ngành kinh tế thì kinh doanh trang phục mang lại lợi lợi nhuận rất cao.

ỨNG DỤNG: Chủ đề “Văn hóa trang phục Phật giáo thể hiện qua “chiếc túi vải” của tu sĩ Phật giáo”.

Từ ý tưởng chiếc túi vải của Bố Đại Hòa thượng mà dân gian thường gọi là ông Phật Di Lặc bụng bự và hình ảnh nhẹ nhàng của người tu sĩ qua bài kệ của Ngài:

“Một bát cơm ngàn nhà
Thân trong chơi dặm xa
Mắt xanh nhìn cuộc thế
Mây trắng hỏi đường qua.”

Vâng, một hình ảnh nhẹ nhàng như thế thì không thể mang theo kềnh càng bao nhiêu thứ vật dụng, mà nó chỉ cần một chiệc túi vài là đủ. Tuy đơn sơ nhưng bên trong không thể thiếu hành lý phục vụ bước đường tu tập và hành trang đến Niết bàn thì không thể thiếu yếu tố giải thoát nội tâm. Nhưng muốn giải thoát thì phải có từ bi và trí tuệ để đôi “mắt xanh” kia mới “nhìn cuộc thế” (sự thể hiện của bản chất vạn hữu) một cách chính xác. Nó gởi gắm vào đó một hình ảnh thể hiện linh hồn của Phật giáo sẽ được tu sĩ mang vào khắp các nẻo đời bất hạnh để giúp họ giải thoát đau khổ.

Do đó, chúng ta thấy “chiếc túi vải” sử dụng thường nhật của tu sĩ Phật giáo thể hiện ý nghĩa đặc trưng của trang phục Phật giáo. Hơn nữa, chiếc túi vải chính là sự thích nghi cuộc sống xã hội của trang phục Phật giáo đại thừa.

Chất liệu vải nâu là “địa văn hóa” thể hiện màu truyền thống dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt nam thường ưa chuộng màu “nâu, lam” thì hiện nay các tăng sĩ Phật giáo đều giữ được sắc thái riêng biệt ấy. Hơn ai hết, trong bài “Trường Ca Mẹ Việt Nam”, phần mở đầu, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết:

“Mẹ Việt Nam không son không phấn
Mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn
Mẹ Việt Nam không mang nhung lụa
Mẹ Việt Nam mang tấm nâu sồng.”

Mọi đường nét, hình mảng, màu sắc… tất cả quyện trong một bố cục tổng thể chặt chẽ và hết sức cô đọng, nhưng mang một ý nghĩa rất đầy đủ. Sự phối hợp thể hiện là tính hình thức thông qua thẩm mỹ nghệ thuật, phản ánh giá trị phát triển của văn hóa đã thể hiện tính kế thừa truyền thống và hiện đại.

Tóm lại, chiếc túi vải của tu sĩ Phật giáo là một trong những trang phục đặc thù của Phật giáo Việt Nam.

2 – Văn hóa nhà ở thể hiện từ chức năng của nó

– Chức năng phản ánh sự thích nghi của con người và kiến trúc không gian nhà ở đối với môi trường tự nhiên:

Qua vật liệu kiến trúc tại chỗ, chúng ta có thể hiểu được môi trường sinh thái tại địa phương đó. Vật liệu xây dựng nhà trong xã hội truyền thống của bất cứ dân tộc nào thoạt đầu cũng được khai thác, sử dụng chủ yếu nơi chính địa bàn cư trú của họ.

Điều kiện khí hậu cũng có ảnh hưởng nhất định đến nơi ở, tạo nên những hình thái nhất định cho căn nhà (cấu trúc, hướng nhà, kết cấu kỹ thuật…). Trong điều kiện nhiệt độ thấp, có tuyết, kết cấu nhà thường là trần thấp, tường dày, cửa ít và nhỏ để giữ được hơi ấm. Nhưng đối với xứ nóng, trong điều kiện nhiệt độ cao, độ ẩm cao, lượng mưa lớn; kết cấu nhà thường thoáng mát, mái nhà cần có độ dốc lớn để nước mưa thoát nhanh, tránh dột, tránh hư mục mái nhà. Do vậy, tùy điều kiện khí hậu từng vùng mà kết cấu kỹ thuật nhà ở sẽ có sự thay đổi cho phù hợp. Việc chọn hướng nhà cũng phụ thuộc yếu tố thời tiết khí hậu.

Yếu tố môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất và cuộc sống của con người trong không gian nhà ở. Không gian thiên nhiên góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Cho nên trong quy hoạch đô thị hiện tại và tương lai phải luôn gắn với môi trường. Điểm đặc biệt chú ý là cần có những không gian xanh, liên kết với kết cấu đô thị và nhà ở để tạo sự cân bằng về tâm sinh lý trước thách thức cuộc sống công nghiệp hóa. Ở tổng thể ấy, điểm nhấn văn hóa trong đô thị rất quan trọng.

Ngày nay, kiến trúc hiện đại luôn thể hiện sự hài hòa giữa xã hội và môi trường. Do vậy, vấn đề kiến trúc phải gắn với cuộc sống xã hội và thiên nhiên thì mới góp phần giáo dục thẫm mỹ và cảm thụ thẫm mỹ tốt cho con người.

– Chức năng xã hội thể hiện địa vị xã hội, trình độ phát triển kinh tế, sự giao lưu văn hóa: Thông qua kiến trúc căn nhà, chúng ta sẽ biết được địa vị của gia chủ trong xã hội. Việc trang trí nội ngoại thất cùng các vật dụng trong nhà, phần nào thể hiện điều kiện kinh tế và xu hướng thẫm mỹ của gia chủ.

Sự giao lưu văn hóa thể hiện ngay trong ngôi nhà, cách làm nhà của các cư dân có quan hệ giao lưu với nhau. Ở đây, đặc trưng văn hóa tộc người được thể hiện qua nhà ở.

– Chức năng tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán: Không gian nhà ở thể hiện tính tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán cá biệt. Nơi sinh hoạt tâm linh của các tôn giáo hoàn toàn khác nhau, vì chúng phục vụ cho chiều hướng tâm linh khác nhau.

– Chức năng kinh tế của nhà ở:

+ Dùng làm tài sản cả vô hình lẫn hữu hình: Khai thác vị trí thuận lợi của căn nhà để kinh doanh mua bán, cho thuê, dịch vụ…; Dùng làm bất động sản để thế chấp, úy quyền… và khai thác các ngôi nhà cổ để phục vụ dịch vụ, du lịch…

+ Dùng làm nơi sản xuất: Vùng sông, kênh rạch, ao hồ thì ngôi nhà vừa là nơi ở vừa là nơi sản xuất thủy hải sản.

Tại các nước đang phát triển, các nước có nền nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, nhà ở phục vụ thích hợp cho môi trường sản xuất vừa và nhỏ. Ở đây chính là nơi sản xuất các mặt hàng thủ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để tận thu các nguồn nguyên liệu tại chỗ, giải quyết lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Nói chung, mỗi dân tộc đều có những không gian cư trú tốt nhất, nhằm thích nghi với môi trường sống và phương thức sản xuất để vừa tận dụng và vừa đồng điệu với thiên nhiên. Chúng ta nghiên cứu chức năng nhà ở sẽ thấy được đặc trưng văn hóa của từng dân tộc.

ỨNG DỤNG: Chủ đề “Văn hóa nhà ở được thể hiện qua ngôi villa có kiến trúc cách điệu từ nhà sàn Tây Nguyên”.

Lịch sử kiến trúc cổ truyền Việt Nam đa phần sử dụng kết cấu khung gỗ kết hợp với các vật liệu bổ trợ khác như gạch, đá, ngói, đất, rơm, tre… Trong thể loại kiến trúc này, thực sự không có sự khác biệt nhiều về kết cấu của các thể loại công trình. Tuy nhiên, đi vào khảo sát những đặc tính chi tiết, chúng ta sẽ phát hiện giữa chúng có những nét cá biệt.

Khác với nhà sàn miền Bắc thường nhỏ vì của tiểu gia đình, nhà sàn ở Tây Nguyên thường dài vì hợp với gia đình lớn. Cơ bản khung được làm bằng gỗ (cột, dầm, vì kèo), dừng (tường) và sàn lát bương đập dập, mái lợp lá gianh. Nhà sàn đứng trên cột để tránh ẩm thấp và thú dữ… Trong nhà có phân chỗ ngủ cho bố mẹ, con trai, con gái, khách. Nhà sàn của gia đình lớn còn phân gian cho từng tiểu gia đình (của con gái). Mỗi nhà thường có hai bếp, của chủ và khách. Trong nhà có một cột thiêng chỉ có chủ nhà mới được ngồi cạnh đó.

Truyện dân gian dẫn về nguồn gốc của nhà sàn từ hình tượng con rùa; mái nhà là mai rùa, tượng trưng cho trời mang yếu tố dương; sàn là bụng – phẳng, tượng trưng cho đất -âm, cột là chân…. Do âm dương hoà hợp mà ngôi nhà ấm cúng và hạnh phúc.

Công cụ làm nhà sàn thường chỉ bằng chiếc rìu, liên kết bằng con sò hoặc lạt buộc.

Bước lên nhà sàn ở Tây Nguyên có hai cầu thang cho gia đình và khách, cầu thang thường chạm đôi vú thạch sùng (thần giữ lửa), mặt trời, mặt trăng, đôi ngà voi… để cầu phúc. Trong nhà không trang trí, vì hình thú vật sẽ có linh hồn (tức ma) không thể sống chung với người, trang trí chỉ có ở nhà mồ. Nhà sàn Tây Nguyên là một đặc điểm của các dân tộc Đông Nam Á. Ở Việt Nam, hiện chỉ còn phổ biến ở miền núi (dân tộc ít người).

Từ nét kiến trúc đặc trưng của nhà sàn Tây Nguyên và những mô hình kiến trúc hiện đại Tây Âu, chúng ta thử kết hợp hai hình thái kiến trúc ấy lại thành ngôi Villa Tây Nguyên để phục vụ sinh hoạt hiện đại.
– Vật liệu xây dựng gồm gạch, đá, gỗ quí (thiết mộc ),… được lấy từ “địa văn hóa” Tây Nguyên.

– Kết cấu: khung sườn bằng gỗ, vĩ kèo gỗ đòn tay, rui mè, đòn vong, cột kê tán và vách dùng gạch nung tại chỗ. Kết cấu nâng sàn là nửa nhà sàn nửa giả sàn vì nền đất không phẳng. Mái nhà có độ dốc cao (khoảng 45 độ) được lợp bằng ngói nung để tránh mưa nhiều.

– Trang trí bên trong là hình ảnh thảo mộc núi rừng.

– Thiết kế bình đồ là 3 gian: nhà chính (nhà trên) và nhà phụ (nhà dưới) và nhà khách. Từ nhà chính đến nhà đọc sách (nhà nhỏ bên phải) có hồ bơi (sân thiên tỉnh).

– Vật lý kiến trúc: cột nhà chính được cách điệu bằng thông gió tự nhiên và cũng chính là cầu thang đi lên tầng trên. Ngôi vila này có mặt tiền là hướng Nam để đón gió nồm thổi mát vào mùa hè và 2 mái nhà sẽ là hướng Đông Tây chống hơi nóng mặt trời sáng và chiều.
– Trồng cây: trước nhà trồng cau để đón gió Nam mát mẻ và sau nhà trồng chuối để ngăn bớt gió bấc lạnh vào mùa Đông.

Tóm lại

Văn hóa đảm bảo đời sống là ba dạng thức cơ bản để người làm công tác nghiên cứu hiểu rõ mối tương quan giữa “địa văn hóa” với cộng đồng tộc người. Kinh qua những lý thuyết hết sức cơ bản ấy, chúng ta lấy đó làm kim chỉ nam cho việc định hướng nghiên cứu văn hóa một cách khoa học.

Trong phạm vi bài này, người viết đã thống cơ lại hai dạng thức Trang phục và Nhà ở, qua đó phát họa ý tưởng vào ứng dụng thực tiễn cho chiếc túi vải của tu sĩ Phật giáo và ngôi Villa Tây Nguyên để trình làm sáng tỏ tính “địa văn hóa” của hai dạng thức ấy.

Có thể nói người làm công tác nghiên cứu văn hóa nắm rõ được các loại hình trang phục và không gian kiến trúc nhà ở của một công đồng dân tộc, tức là người đó hiểu rõ được động thái văn hóa và môi trường tự nhiên mà dân tộc ấy đã sinh sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *