Trong những năm đầu thiết lập Tăng đoàn, đức Phật chưa chế pháp an cư, thế rồi khi mùa mưa đến cây cối mọc lên kéo theo sự sinh sôi nảy nở của vô số côn trùng. Một số đạo sĩ các giáo phái khác họ cũng có quy định an trú trong mùa mưa để tránh giẫm đạp làm tổn hại sinh mạng, trong khi đó chư Tăng đệ tử đức Phật lại vẫn tiếp tục du hành hoằng pháp trong ba tháng mùa mưa.
Đến mùa mưa, chim, kiến còn biết làm tổ để trú mưa mà các đệ tử Sa môn Gotama cứ đi mãi và giậm phải côn trùng. Sự kiện này được kính trình lên đức Phật, ngài dùng huệ nhãn quán xét và nhận thấy nhân duyên đã đến, nên đã ban hành pháp An cư.
Đức Phật vì lòng từ bi chẳng những thương người mà còn thương tất cả các loài trùng kiến nhỏ bé, nên không đành giẫm đạp lên chúng trong mùa nước nổi, vì vậy đức Thế Tôn chế ra ba tháng An cư ở yên một chỗ để tránh sát hại côn trùng và để những người xuất gia có thời gian thúc liễm thân tâm tu trì Giới-Định-Tuệ.
Như vậy, ba tháng An cư là để cho Tăng, Ni không giẫm đạp các loài trùng kiến phạm tội sát sanh, nói lên lòng từ bi vô lượng của đức Phật. Kế đến, nhân mùa An cư, chư Tăng Ni tụ hội lại một nơi, thỉnh những vị đạo cao đức trọng nhắc nhở, dạy bảo tu hành. Nhờ những bậc có kinh nghiệm trên bước đường tu tập đi trước, chỉ dạy lại cho hàng hậu học đến sau.

Ba tháng An cư Kiết hạ có ý nghĩa rất lớn đối với hàng xuất gia lẫn tại gia. Đó là thời điểm chư Tăng Ni dành trọn thời gian cho việc tu học, đồng thời đây cũng là cơ hội cho hàng Phật tử tại gia phát tâm gieo trồng ruộng phước thông qua việc cúng dường, ngoại hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho chư Tăng, Ni an cư tu học.
Hàng năm đến mùa An cư, chư Tăng Ni tạm gác lại các Phật sự bận rộn như du hóa, hoằng pháp, vân tập về một trú xứ để chuyên tâm tu học. Trong ba tháng An cư, chư Tăng Ni hạn chế mọi tiếp xúc bên ngoài, không bị ngoại duyên chi phối hay làm ảnh hưởng. Những hành giả xuất gia thực hiện phận sự An cư tinh tấn trong việc học pháp, hành pháp, nghiêm trì giới luật sẽ khiến cho công đức, giới hạnh, đạo lực tăng trưởng, xứng đáng là nơi nương tựa và là phước điền của hàng Phật tử tại gia.
Thời buổi hiện nay đất nước chúng ta đường sá rộng lớn, xe cộ đi lại không phải giẫm đạp côn trùng như thời xưa, nhưng thể theo lời đức Phật dạy chúng ta cũng cần phải Kiết hạ An cư. Hành giả cùng nhau tập trung ở chung một điểm, một khu vực để rồi cố gắng tinh tấn tu hành. Nương nhờ các vị lớn tu trước, hiểu đạo hơn, hướng dẫn chỉ dạy chúng ta cố gắng tu cho có kết quả tốt. Từ đó Phật pháp mới được xưng minh nơi thế gian.
Kinh Trường A-hàm, kinh số 2-Du Hành đức Phật đã dạy cho các vị Tỳ-kheo về bảy pháp bất thối:
1. Thường hội họp luận bàn nghĩa lý chân chính, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
2. Trên dưới hòa đồng, kính thuận không trái, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
3. Trọng pháp, hiểu điều cấm kỵ, không trái qui chế, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
4. Nếu có Tỳ-kheo nào có năng lực hộ chúng, có nhiều tri thức, nên được kính thờ, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
5. Niệm hộ tâm ý, lấy sự hiếu kính làm đầu, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
6. Tịnh tu phạm hạnh, không chạy theo trạng thái dục, thời lớn nhỏ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
7. Trước người rồi sau mình, không tham lam danh lợi, thời già trẻ hòa thuận mà Chánh pháp không bị suy thoái.
Như vậy, trọng tâm An cư ngày nay đặt vấn đề tu học nhiều hơn vấn đề sợ giẫm trùng kiến chết. Cho nên ba tháng An cư rất quý báu. Đến mùa An cư người xuất gia nên thu nhiếp sau căn, dồn hết tâm lực cho việc tu học để trau dồi đức hạnh, làm nền tảng Phước điền vững chải cho tứ chúng nương tựa trên lộ trình tìm về bảo sở. Từ nền tảng đó Phật pháp được hưng thịnh và trường tồn nơi cõi đời.
Kinh Trường A-hàm, kinh số 2-Du Hành đức Phật đã dạy cho các vị Tỳ-kheo về bảy pháp làm Phật pháp hưng thịnh.
1. Ưa ít việc, không ưa nhiều việc, thời Chánh pháp tăng trưởng không bị tổn giảm.
2. Ưa yên lặng, không ưa nói nhiều.
3. Bớt sự ngủ nghỉ, tâm không hôn muội.
4. Không tụ họp nói việc vô ích.
5. Không tự khen ngợi khi mình thiếu đức.
6. Không kết bè bạn với người xấu ác.
7. Ưa ở một mình nơi chỗ nhàn tịnh, núi rừng.
Tóm lại, pháp An cư giúp cho đệ tử Phật có thời gian nhiều hơn để quán chiếu sâu hơn về pháp học và pháp hành nơi ngôi nhà Phật trí, đó là nền tảng của để giải quyết vấn đề lớn nhất mà bất cứ đệ tử Phật ai cũng phải đạt đến đó là Sanh – Tử (sanh tử đại sự).
Phật học Trí Diệu, Phước Long tự, ngày 12/8/2021, Phật lịch 2565
Hiền Đức
Viết tại Đô thành.