Bản chất ẩm thực Phật giáo

Tác giả: Thích Huyền Châu

Khi một sinh thể từ chối dưỡng chất, tức đồng nghĩa nó đang đứng trước cái chết, vậy thì ăn để sống hay sống để ăn? Câu hỏi như thể mổ phỏng những tâm hồn hướng thượng, xem cái ăn chỉ là dưỡng chất tồn tại hay mê đắm vật thực hưởng thụ thấp hèn. Ở đây, vấn đề đặt ra không chỉ dừng lại ngang đó mà nó còn được nhìn nhận trên bình diện phổ quát về đối tượng và các quan năng hấp thụ dưỡng chất từ thổ thiển đến vi tế hơn.

Cơ bản, chúng ta tập trung vào những dưỡng chất được hình thành từ bốn loại thức ăn mà theo Khế kinh thì “đó là đoàn thực, xúc thực, ý tư thực và thức thực”[1]. Nhìn chung bốn loại thức ăn này đều có những nét đặc thù riêng, cung ứng nhu cầu nuôi lớn và duy trì thân mạng của chúng sinh thông qua các cơ quan tiếp nhận. Thức ăn bằng phẩm vật thô sơ đáp ứng quá trình tăng trưởng sinh lý; thức ăn vi tế hơn, như: xúc, ý tư và thức[2] hỗ trợ nhu cầu thăng hoa tinh thần. Rồi qua đó phát hiện thêm về khả năng tiêu hóa và sức hấp thụ dưỡng chất của chúng sinh. Cho nên, muốn nắm được yếu tính cơ bản này, chúng ta phải thấu triệt đặc tính, bản chất cũng như quá trình tổng hợp, phân hóa và tiếp nhận bốn loại thức ăn này. Chúng ta sẽ thấy rõ bản chất bốn loại thức ăn ở ba cõi như là nhu cầu tất yếu để duy trì sự sống.

1. Đoàn thực[3]: Tức là thức ăn được vo tròn thành miến. Đây là thuật ngữ Trung Hoa dựa theo nguyên tắc tượng hình để mô phỏng thực phẩm trong truyền thống ăn bằng tay của người Ấn.

Tuy đoàn thực có những thứ thô cứng hay mềm lỏng, nhưng chung quy nó đều tạo ra khả năng nuôi lớn và tăng ích các giác quan. Với phạm trù này, chúng ta thấy trong cõi dục, đoàn thực có ba đặc tính phổ biến đó là hương, vị và xúc. Khi đưa thức ăn vào miệng, phải nhờ xúc giác nhận biết độ cứng mềm, dùng lưỡi phân biệt vị chua cay và nhờ khứu giác ngửi được mùi hương của nó. Cả ba yếu tố này sau khi được dung nạp vào cơ thể, nó biến thành một tổ hợp: xúc – vị – hương, nhưng hoàn toàn chưa có tác dụng gì cả. Đến khi nào thức ăn được trải qua quá trình tiêu hóa thông qua các cơ quan hấp thụ tương thích, thì khi ấy chúng mới trở thành một dạng dưỡng chất hay năng lượng làm tăng trưởng khả năng hoạt động các giác quan. Dạng năng lượng này mới có tác dụng nuôi lớn và duy trì mạng sống. Tuy nhiên, nó cũng chỉ nuôi lớn cơ thể trong một chừng mực nào đó, nếu vượt quá cái ngưỡng cho phép thì sẽ trở thành bịnh, như bịnh béo phì chẳng hạn.

Ngược lại, nếu thức ăn không bị tiêu hóa[4], chúng ta thường gọi đó là “trúng thực”, thì nó sẽ trở thành độc tố, gây tai hại đến khả năng sinh trưởng. Cũng vậy, hương thơm có khả năng làm thăng hoa khứu giác nên được xếp vào dạng dưỡng chất, ngược lại mùi xú uế, tanh hôi,… làm tổn hại đến năng lượng sinh trưởng nên nó không được cho là thực phẩm.

Trong quá trình tiến hóa, tùy vào khả năng phân bào, chúng ta thấy có sinh vật chưa hoàn thiện các cơ quan tiếp nhận thức ăn. Có những loài thuỷ sản như sứa biển, nó không ăn bằng xúc – vị – hương mà chỉ dùng quan năng toàn cơ thể để hấp thụ dưỡng chất và lớn lên. Một đứa trẻ trong bụng mẹ, chỉ có khả năng hấp thụ dưỡng chất nhờ tiếp xúc một dạng năng lượng được bào chế đặc biệt từ cơ thể mẹ và ý thức sinh tồn để sinh trưởng, chứ không có thể đoàn thực như chúng ta. Đứa trẻ phải qua thời gian hoàn thiện cơ quan tiếp nhận và được sinh ra đời thì nó mới có thể đoàn thực.

Nói chung, hầu như tất cả chúng sinh cõi Dục đều phải dựa vào đoàn thực để sinh trưởng. Cho đến hàng Nhập chúng ngạ quỷ trong địa ngục hay một số chư thiên các cõi trời cũng phải dùng đoàn thực để tồn tại. Điều này như là yếu tính bản năng sinh tồn. 

Các cõi từ cảnh giới Sơ thiền trở lên chỉ có xúc, chứ không có hương và vị, cho nên ở đây đoàn thực không còn tác dụng nữa. Vì không có hương và vị nên khứu giác và vị giác cũng không có. Hai cơ quan mũi và miệng giờ đây chỉ có chức năng mỹ thuật mà thôi. Ở cõi Sắc cũng vậy, món ăn đoàn thực này không có tác dụng gì cả. Bởi lẽ, cõi Sắc được hình thành từ màu sắc, nó chỉ có tác dụng với đôi mắt nên có giá trị trong lĩnh vực xúc thực. Nếu màu sắc bị biến hoại thì nó không còn tác dụng đoàn thực nữa. Cho nên, cõi Sắc chúng sinh không dùng đoàn thực như chúng ta, mà cõi Sắc chỉ có xúc thực.

2. Xúc thực[5]: Đây là đặc tính dưỡng chất hình thành nhờ vào xúc chạm đối tượng.

Hầu như tất cả các giác quan đều có khả năng xúc chạm, chẳng qua nó thô thiển dễ thấy hay vi tế khó biết mà thôi. Xúc được đề cập ở đây chính là một tổ hợp gồm ba yếu tố: giác quan, đối tượng được tiếp xúc và khả năng nhận thức đối tượng. Quá trình tổ hợp ba yếu tố này, đều đi theo chiều hướng tích lũy dưỡng chất trong một giới hạn nhất định nào đó, rồi cũng bị hủy diệt để làm điều kiện sinh ra cái khác; vì đặc tính tất yếu của vạn vật là hủy diệt.

Xúc có hai loại: hữu lậu và vô lậu. Xúc hữu lậu, khi tiếp thu đối tượng sẽ làm phát sinh  trạng thái hoan hỷ, an lạc và bấy giờ nó trở thành thức ăn[6]. Bởi lẽ, bản chất những dòng cảm xúc tích cực chính là tổ hợp hài hòa giữa vật chất và tinh thần, cho nên nó có khả năng kích thích quá trình trao đổi chất, hình thành năng lượng cung cấp cho các giác quan hoạt động. Vì thế mà tiếng hát ầu ơ toát ra từ tình yêu bao la của người mẹ, có khả năng nuôi dưỡng tâm hồn thánh thiện một đứa trẻ; hay một dạng âm nhạc đặc thù có thể thích thích quá trình sinh trưởng một số loài cây, là những minh chứng cho vấn đề này. Do vậy, chúng ta khẳng định những trạng thái vui vẻ, an lạc, buông xả đều là thức ăn tinh thần.

Đặc biệt, người thực tập thiền định sẽ làm cảm xúc hỷ lạc ngày một tăng trưởng, cho nên nó hình thành một dạng năng lượng đặc thù có khả năng thay thế một số dưỡng chất. Do vậy, người tu thiền định không cần ăn cũng có thể kéo dài mạng sống trong một thời gian, tùy vào sức định. Nhờ sức định nên sinh hỷ lạc và cảm thọ này phát triển đến một mức nào đó có thể chứng đắc thần thông. Những ai từng có kinh nghiệm an lạc trong thiền định đều có thể biết rõ dưỡng chất và tổn hại của loại xúc này.

Ngoài ra, trong trường hợp xúc thực đưa đến trạng thái buồn khổ thì nó không phải là một dạng dưỡng chất. Vì bản chất của cảm xúc buồn khổ hình thành trên cơ sở xung đột của ba tổ hợp cảm xúc nên dẫn đến trạng thái không điều hòa giữa vật chất và tinh thần. Điều này có vẻ như mơ hồ, khó thấy, nhưng thật ra trong sâu thẳm tâm hồn, những xung đột tiềm tàng ấy đã tạo ra tính hủy hoại năng lượng sinh tồn. Như đôi tai hằng ngày nghe âm thanh chát chúa, quá cường độ cho phép có thể dẫn đến màng tai bị hỏng. Trong trường hợp này, năng lượng tích lũy bị tiêu hoại, cho nên chúng ta không xem nó là dưỡng chất tồn tại.

Cũng thế, màu sắc không phải là thực phẩm có thể ăn được dưới dạng vật thực, nhưng nó có khả năng hình thành dưỡng chất dưới dạng xúc thực. Nếu ai nói đôi mắt không cần ăn thì đó một nhận định sai lầm. Thật ra đôi mắt vẫn cần được nuôi dưỡng bằng muôn sắc màu. Chỉ đơn cử, khi đôi mắt nhìn một đối tượng với cường độ ánh sáng đầy đủ thì nó sẽ được bảo dưỡng tốt. Nhất là nhìn đời sống thiện ích thì nó sẽ được thăng hoa đến một mức nào đó, chúng ta thấy đôi mắt trở nên trong sáng. Ngược lại, khi đôi mắt nhìn sự vật trong điều kiện thiếu anh sáng, hay nhìn kẻ thù như kim đâm vào mắt; tất nhiên nó sẽ đưa đến sự tổn hại.

Vẫn biết rằng, tám giác quan nội sinh đều có khả năng tiếp xúc, nhưng điều này diễn ra ở ý thức vẫn là mạnh mẽ và dễ thấy nhất. Nhờ sự tiếp xúc này mà sinh ra hỷ, lạc và thuận lợi cho tâm xả để làm dưỡng chất. Còn bản ngã thì thường lấy tiềm thức làm đối tượng khởi lên cảm xúc, nhưng vì quá vi tế nên chúng ta khó thấy.

Nói chung, cả ba cõi đều tồn tại xúc thực. Ở cảnh giới Sơ thiền, không tồn tại năm thức mà điều kiện hình thành của nó dựa trên cơ sở của năm giác quan và năm đối tượng nhận thức. Ở đó chỉ còn tồn tại ý thức, cho nên xúc thực vẫn có mặt và đỉnh cao của xúc thực được thấy ở cảnh giới Phi tưởng Phi phi tưởng. Trong cảnh giới Vô sắc, chúng sinh không còn có đôi mắt nữa, mọi hiện tượng lúc bấy giờ được phân biệt bằng ý thức; nhưng khi lên đến Diệt tận định ở cõi Vô sắc thì xúc thực không còn tồn tại.

3. Ý tư thực[7], có đặc tính là hy vọng hay nói cách khác, khả năng tồn tại dựa vào ý chí và hy vọng.

Quả thật, ý chí sinh tồn và niềm hy vọng một ngày nào đó mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn so với hiện tại, chính là động lực thúc đẩy con người luôn hành động. Hành động vì sự mong muốn đổi đời, hành động vì mơ ước một ngày kia tâm hồn mình được chuyển hóa thánh thiện. Nói chung, ý chí và hy vọng kích thích sự hoạt động của ý thức, thúc đẩy cho hành động tương lai. Do vậy, ý tư thực ở đây luôn đồng hành với mong muốn mà đối tượng của nó chính là những điều khả ái[8]; và lúc bấy giờ nó trở thành thức ăn. Ngược lại, một hồi ức ở quá khứ hay hưởng thụ dục lạc chỉ có tác dụng hiện tại, chứ không đưa đến ước muốn trong tương lai, cho nên nó không tạo ra dưỡng chất.

Nói cách khác, tư duy có khả năng tương thích với tất cả các thức nội sinh, nhưng so với khả năng nổi trội của ý thức khi hy vọng vào đối tượng thì nó liên hệ mạnh nhất. Nhờ khả năng tư duy này, ý thức vọng về quá khứ, nắm giữ hiện tại và hướng tới tương lai. Quá trình ấy diễn ra đồng hành với tham muốn. Ý muốn tuy không có tác dụng nuôi lớn thể xác nhưng nó có khả năng duy trì mạng sống trong một chừng mực nào đó, cho nên hy vọng cũng chính là thức ăn tinh thần.

Với sức hy vọng mãnh liệt ở tương lai, người ta không cảm thấy đói trong một thời gian. Điều này tồn tại dựa vào khả năng chấp trì của thức.

4. Thức thực: Hay thức ăn bởi thức, trạng thái hoạt động của nó là chấp trì[9]. 

Sau khi dung nạp và tiêu hóa thức ăn, nên thể lực tăng trưởng và hai loại thức ăn xúc thực và ý tư thực cũng đều nuôi dưỡng các giác quan, làm cho khả năng nhận thức tăng trưởng. Do đó, tính chất chung của ba loại thức ăn này đều duy trì sự tồn tại và hướng tới tương lai để làm tăng trưởng khả năng nhận thức và ngược lại nó cũng nuôi dưỡng, duy trì sự tồn tại sáu giác quan. Cho nên thức thực có khuynh hướng bảo tồn khả năng chấp giữ những dòng cảm thọ buồn vui, và từ đó khởi lên tham ái trong chuỗi: xúc, thọ, ái, thủ,… nên gọi đó là duyên khởi. Quá trình tác thành sự sống có ý thức cũng được diễn tiến theo quy luật tự nhiên này.

Quả thật, nếu tự ngã mất đi thì sự sống trong ba cõi cũng không còn, cho nên có tồn tại ý niệm tự ngã thì chúng sinh mới có khả năng duy trì sự sống. Nhưng khổ nỗi, bản chất của tất cả các dòng cảm xúc nuôi lớn tự ngã chính là khả năng duy trì khát ái. Cho nên chúng ta có thể nói: thức ăn của thức là phiền não. Đây là yếu tố cơ bản tạo nên sự sống. Năng lực tiềm tàng của nó được tổng kết theo ba nhóm: Danh ngôn tập khí, ngã chấp tập khí và hữu chi tập khí.

Danh ngôn tập khí chính là quá trình nhận thức, tùy vào tiếp xúc mà sinh ra cảm thọ, tùy theo cảm thọ mà có tri giác; và tri giác kích thích khởi lên hành động với sự can thiệp của ý thức và tất cả ấn tượng ghi nhận đó được lưu trử dưới dạng một tên gọi. Khi một tên gọi được kích hoạt thì toàn bộ ảnh tượng quá khứ, hiện tại và tương lại được hiện lên. Quy trình này như là hình thức lưu trử tài liệu dưới dạng file trong một data của máy tình vậy. Hình thức file ấy chính là ký ức được tích lũy, nhưng nó được phân nhóm để tác thành ý niệm phân biệt tồn tại của tự ngã, đây chính là ngã chấp tập khí. Nhưng thật ra, tự ngã không tồn tại liên tục vĩnh hằng, mà bản chất của nó chỉ là một dòng sinh diệt liên tục được ý thức bởi cấu trúc phân biệt, giống như dòng chảy một thát nước vậy. Sức mạnh của dòng chảy này chính là năng lực đưa đến tái sinh, nên gọi là hữu chi tập khí.

Sự kết hợp giữa ba loại tập khí chính là nguồn gốc của nhận thức và hành động. Chúng ta nhận thức sự vật hiện tượng rồi ý thức kết tập thành hợp thể, lưu vào bộ nhớ và tồn tại dưới dạng tập khí chủng tử. Còn hành động chính là sự phát khởi của nghiệp cảm theo hai hướng thiện ác và tạo thành dòng sống từ đời này sang đời khác nhờ vào khả năng duy trì của tập khí. Cho nên khi thực tập thiền định tiến đến thức thực một thời gian, nhưng đoàn thực bị khổ cạn quá mức sẽ làm cho tâm rơi từ ngưỡng Vô sắc trở lại cõi Dục, hình thành nên khái niệm luân hồi.

Nói chung, bốn loại thức ăn đều có khả năng làm tăng trưởng sự sống nên chúng ta xem nó là thức ăn[10] để tồn tại. Sự tập khởi của nó chính là khát ái với đối tượng tương lai, và còn đi đôi với tham đắm hệ lụy, mong ước tái sinh ở đời sau[11]. Tuy nhiên, nguyên lý chuyển dịch của thức ăn không phải thường hằng, để có thể duy trì thân mạng liên tục. Có khi nó bị gián đoạn trong các trạng thái: khi vô tâm[12], khi ngủ say, khi hôn mê, và trong Vô tưởng thiên. Còn nếu ở trong trạng thái hữu tâm, nó bị chuyển dịch theo sở y, duyên, tính, giới, địa[13]. Vì vậy, khả năng duy trì thân mạng của chúng sinh không thường xuyên.

Tóm lại, sự hình thành ba cõi dựa trên nhiều yếu tố, nhưng trong ấy bốn loại thức là nền tảng căn bản. Thức ăn đoàn thực có tác dụng mạnh ở cõi Dục và chúng sinh nơi đây bị ràng buộc bởi tham luyến ngũ dục nên chịu nhiều đau khổ. Thức ăn hỷ lạc tinh vi hơn, được nhìn thấy phổ biến ở cõi Sắc và Vô sắc. Cuối cùng chỉ còn thức ăn của thức tồn tại đến cảnh giới Diệt tận định là hết. Khi không còn thức ăn của thức nào nữa thì người ta đi vào trình độ giải thoát các vị A-la-hán.

Thích Huyền Châu

Chú thích:

[1] – Đại chánh, kinh 838. Pāli, S. 55.31. Abhisanda.
[2] – Bốn loại thức ăn, hay tứ thực: thô đoàn thực, tế xúc thực, ý tư thực, thức thực 麤摶食, 細觸食, 意思食, 識食. Pāli: cattaro āhārā; kabaliṅko āhāro oḷāriko vā sukhumo vā, phasso dutiyo, mano-sañcetanā tatiyā, viññāṇaṃ catutthaṃ.
[3] – Đoạn thực 變食; hoặc đoàn thực 團食, thức ăn phiến đoạn, từng miếng. Skt. kāvaḍikā-ahāra (Pali: kabaḷīkāro āhāro oḷāriko vā sukhumo vā). Cf. Câu-xá, ch.iii (tr. 55a08).
[4] – Du-già 66 (tr. 664b13): “Hương, vị, xúc, ngay khi chúng tiêu biến mới trở thành dưỡng chất. Nếu không tiêu biến, chúng trở thành tác hại.” Cf. Tạp tập 5 (tr. 716c8).
[5] – Xúc thực 觸食. Skt. sparśa-ahāra (Pali: phassa ahāra).
[6] Du-già, ibid., hưong, vị, xúc, khi được thọ dụng mà chưa tiêu hóa là xúc thực. Sau khi tiêu hóa, chúng trở thành đoàn thực. Du già 94 (tr. 838c14): “Các xúc hữu lậu làm thức ăn cho hỷ, lạc. Do hỷ lạc mà đại chủng của các căn được nuôi lớn.”
[7] – Ý tư thực 意思食; Skt. manaḥsaṃcetanā (Pali: manosañcetanā): tư (tâm sở) của ý, tương ưng ý. Câu-xá 10 (tr. 55a25): tư tức ý nghiệp (manaskarman).
[8] – Yêu thích cảnh hiện tại và hướng đến vị lai. Với cảnh quá khứ thì chỉ là ức niệm, nên  tư duy trong trường hợp này không trở thành thức ăn.
[9] – Thức thực 識食, Thức ăn bởi thức; Skt. vijñāna-ahāra (Pali: viññāna-ahāra). Tạp tập 5 (tr. 716c11): “Thức thực, do lực chấp trì của thức a-lại-da mà thân tồn tại.”  Du-già 50 (tr. 576c): “Do y nơi đây mà các loại hữu tình hoặc đã sinh, hoặc đang tồn tại được duy trì, và chất chứa ước vọng tái sinh.”
[10] – Du-già 57 (tr. 619c11): “Do được ba loại thức ăn trước bồi dưỡng, thể của thức tăng thịnh, rồi duyên vào các đối tượng hiện tại và vị lai mà sinh khởi, nó nuôi dưỡng đại chủng của các căn.”
[11] – Bỉ bỉ lạc trước 彼彼樂著: ham muốn đời sau ta sẽ sanh chỗ này, chỗ kia. Pāli: tatratatrābhinandī (S. iii. 158).
[12] – Hữu bộ: thức không hiện hành trong vô tâm vị. Nhưng trước đó nó hiện hành, và là thức ăn. Vì quá khứ thực hữu, cho nên trong vô tâm vị thức vẫn là thức ăn.
[13] – Sở y, tức các căn. Duyên, tức cảnh giới (đối tượng nhận thức). Tình: thiện, ác, vô ký. Giới: Dục, Sắc, Vô sắc. Địa: 9 địa.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *