Con người khổ đau là do tham ái

Tác giả: Hiền Nguyên

Sau khi giúp chúng sinh giác ngộ thế gian là khổ, đức Phật đã chỉ ra nguyên nhân của những sự khổ đó chính là Tập đế. Nếu tâm sinh lên là tâm tham thì chúng ta có tập đế chuẩn bị đón nhận cảnh khổ. Đau khổ là dấu chân xe, còn nguyên nhân của khổ là bánh xe. Chúng ta phải biết rõ khi nào có tập đế hay không.Có giác ngộ bản chất đời sống là khổ, con người và thế giới vô thường, vô ngã, luôn sinh diệt, biến dị thì mới xa lìa tham ái, chấp thủ. Bởi chỉ có ly tham mới thoát khỏi những hệ lụy của cuộc đời, thoát khỏi sự chi phối của phiền não khổ đau. Khổ đế được đức Phật nói trước tiên khi nói pháp tứ đế là vì thế.

Nói chính xác nhân của tập đế chính là Ái. Ái này đi đôi với dục. Ái có nghĩa là tham ái, khát ai, khao khát, thèm thuồng,v.v… Vì lòng tham muốn nên con người bất chấp mọi hành vi, thủ đoạn để có thể đạt được những gì bản thân ưa muốn, đó chính là nguyên nhân đưa đến nỗi khổ niềm đau của chúng sanh.

Lòng tham của con người được ví như cái túi không có đáy, cái túi không có đáy thì dù có đựng bao nhiêu vàng bạc của quý cũng không thể nào đầy được. Do vậy, lòng tham của con người thì vô độ nên không có điểm dừng, không có giới hạn, mà lại vô hạn…

Chính vì vậy con người mãi chạy theo dục lạc để tận hưởng, không bao giờ biết dừng. Giống như con thiêu thân lao mình vào ánh đèn mà không thể nào biết rằng nó sẽ bị nguy hiểm biết dường nào và nó không thể nào biết được khi lao vào bóng đèn thì nó sẽ chết ngay.

Khổ là do ái, càng khổ càng muốn ái. Con người ngày nay chính dục vọng của họ mà cuộc sống và môi trường của họ đang đi đến chỗ bị khủng hoảng, bị đe dọa, thế nhưng để thỏa mãn khát khao, sự thèm muốn, mà họ tàn phá môi trường, tàn phá hữu tình để thỏa mãn dục vọng.

Ví như hiện nay bão lũ miền trung, nguyên nhân chính là do các đập thủy điện xả lũ. Từ thủy điện, nguyên nhân chính cũng do con người tích nước, làm thủy điện, nhờ sức nước tạo ra điện để bán. Nhưng khi mưa bão đến, nước đổ về nhiều, sợ vỡ đập buộc họ phải xả lũ. Và người chịu thiệt chính vẫn là người dân. Đây là hệ quả của lòng dục của một nhóm người. Các mẩu rừng nguyên sinh đều bị khai thác triệt để, lấy gỗ để tiêu thụ, để bán, đề làm cảnh. Nhưng khi nước lũ ở nguồn xả về, không có cây rừng, không lấy gì mà giữ lại nước, gây ra lũ lụt. Đây cũng bắt nguồn từ dục vọng của con người, gây ra hệ quả như vậy. Con người đã khổ, do dục vọng mà càng khổ hơn.

Hằng ngày, không biết bao nhiêu giống loài tuyệt chủng, do con người. Do thỏa mãn về vị ngon, nhiều loài bị đánh bắt triệt để. Con người phát triển du lịch, phá môi trường sinh sống của các loài động vật. Con người ăn bất kỳ con gì, cách chế biến dã man, miễn là làm thú vui cho con người. Ví như món ăn “não khỉ sống” dã man của người Trung Quốc, não khỉ được ăn khi khỉ vẫn còn sống và giết hại trực tiếp, đó là hành động vô nhân đạo gây ra những tranh cãi và phản đối gay gắt, nhưng có nhiều người vẫn xem đó là thú vui. Dục vọng con người thật là khủng khiếp. Những điều này cũng bắt nguồn từ sự khát ái.

Giữa một cơn đại dịch xảy ra, ta có thể nhận thấy lòng tham của con người phát khởi từ nhiều góc độ khác nhau.
Những thảm họa mà con người đang đón nhận, không phải từ bên ngoài, hay đấng thần linh nào gây ra mà cũng bắt nguồn từ lòng tham ái của con người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *