Hòa thượng Không Tín – Kế Châu họ Nguyễn, sanh ngày 20 tháng 5 năm Nhâm Tuất (1922), quê làng Nhạn Tháp xã Nhơn Hậu huyện An Nhơn tỉnh Bình Định. Thân phụ là Cụ ông Nguyễn tự Bá pháp danh Như Phát, thân mẫu là Cụ bà Nguyễn hiệu Dự pháp danh Như Bát. Ngài có hai người anh trai và một em gái. Ba anh em Ngài được sự đồng ý của cha mẹ dốc chí đến chùa Thập Tháp xuất gia, được Quốc sư Phước Huệ thâu nhận làm đệ tử. Về sau, người em gái đi lấy chồng còn song thân thì lại già yếu, do đó mà người anh kế đành phải xin phép Bổn sư hoàn tục, trở về phụng dưỡng cha mẹ trong lúc tuổi xế chiều. Còn người anh cả của Ngài là Hòa thượng Không Vân hiệu Trí Diệu, về sau được cử đến trú trì chùa Phước Long tại Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định do chính Bổn sư khai sơn. Riêng Ngài đi xuất gia lúc 12 tuổi, được Quốc sư cho pháp danh là Không Tín pháp tự Giải Thâm pháp hiệu Kế Châu, Lâm tế chánh tông đời thứ 41.

Ngài vốn tư chất thông minh trí nhớ hơn người lại được Quốc sư lưu tâm dạy dỗ, về sau được ra Huế theo học tại Phật học đường Báo Quốc. Bởi trí nhớ ưu việt sẵn có, nên Ngài học một hiểu mười, kinh sách điển chương một khi lướt qua đều nằm lòng, chẳng bao lâu Ngài thâm ngộ phật học, bác lãm thế nho ít người sánh kịp. Đến năm 21 tuổi Ngài được thọ Đại giới tại Giới đàn chùa Hưng Khánh do Hòa thượng Chí Bảo làm Đường Đầu truyền giới. Năm 1943, Ngài đắc pháp với Bổn sư Phước Huệ, được cấp Pháp quyển với pháp hiệu là Kế Châu. Kể từ đó Ngài giữ chức vụ thư ký tại tổ đình Thập Tháp, trợ thủ cho sư huynh Huệ Chiếu lúc bấy giờ đang ở cương vị trú trì. Đến năm 1947, Ngài được mời vào Giáo Sư Đoàn của Phật học đường Phật Giáo Cứu Quốc, góp phần hoạt động chung với phong trào Phật Giáo cả nước.
Năm 1950, Ngài được Hoà thượng Huệ Chiếu cử đến trú trì chùa Bảo Sơn tại xã Mỹ Thành huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định. Ngôi chùa nầy nằm trên một lũng núi cao hùng vĩ với cảnh trí thiên nhiên bốn mùa thâm vắng u nhàn. Tuy có phần vắng vẻ cách xa xóm làng nhưng với tài trí và đức độ, chẳng bao lâu, Ngài cảm hóa được rất đông đảo tín đồ cũng như hàng thức giả tại địa phương. Vì vậy mà Ngài đã tái thiết lại ngôi chùa nầy trở thành một phạm vũ uy nghiêm, làm nơi quy ngưỡng cho dân chúng khắp vùng. Trong thời gian trú trì tại đây, Ngài đã độ được rất nhiều đệ tử xuất gia và khai sơn ngôi chùa Bảo Châu tại mé biển Chánh Trạch thuộc xã Mỹ Thọ huyện Phù Mỹ.
Đến năm 1958, Ngài được chư tăng toàn tỉnh bầu làm Giám đốc Phật học đường Giáo Hội Tăng Già Bình Định và sau đó được mời tham gia vào Giáo Hội Tăng Già Bình Định, tiếp tục đấu tranh chống chính sách độc tài và kỳ thị Tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Năm Ất Tỵ (1965), Hòa thượng Không Hoa – Huệ Chiếu viên tịch, đệ tử của Hòa thượng tuy nhiều nhưng lúc bấy giờ chưa đủ khả năng kế thừa, vì vậy mà chư Sơn môn phái Tổ đình Thập Tháp tổ chức Đại hội suy cử Hòa thượng Không Tín – Kế Châu kế vị trú trì Tổ đình, gánh vác sự nghiệp của chư Tổ nhiều đời để lại. Từ đó Ngài bắt đầu từng bước tu bổ chùa tháp, điều chỉnh nề nếp sinh hoạt của tăng chúng, làm cho Tổ đình mỗi ngày mỗi trang nghiêm hưng thịnh. Cũng trong năm nầy, Ngài được chư Tăng toàn tỉnh bầu làm Chánh đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bình Định, trực tiếp lãnh đạo Giáo Hội làm cho Phật Giáo được phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp quần chúng. Lúc bấy giờ uy tín của Ngài trở nên mạnh mẽ, nhất là được sự tín nhiệm của toàn thể Tăng Tín đồ, vì vậy mà Ngài tiếp tục lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Bình Định cho đến tận những năm cuối cùng của cuộc đời.
Tuy Phật sự Giáo hội đa đoan nhưng Hòa thượng không quên trách nhiệm trọng đại đối với Tổ đình Thập Tháp. Năm 1967, Hòa thượng tái thiết lại ngôi Giảng đường trở nên khang trang rộng rãi, dùng làm nơi tiếp khách cũng như để tiện dụng sinh hoạt cho Tăng chúng và Phật tử. Năm 1968, Ngài đứng ra khai mở Đại giới đàn tại chùa Long Khánh – Qui Nhơn để cho hàng hậu học lãnh thọ giới thể tu hành. Năm 1969, Ngài cho xây dựng lại tường thành bốn phía chùa và tu bổ toàn bộ những ngôi tháp Tổ lâu năm hư hoại.

Để thực hiện phương châm “Tre Tàn Măng Mọc” cũng như hạnh nguyện “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức” mà năm 1970, Ngài đứng ra thành lập Phật học viện Phước Huệ – Chuyên khoa Phật học tại tổ đình Thập Tháp và chính Ngài đứng ra làm Giám Viện. Ban Giáo Thọ gồm chư vị như: Hòa thượng Giác Tánh, Hòa thượng Tâm Hoàn, Hòa thượng Giác Ngộ, Hòa thượng Bửu Quang, Hòa thượng Đồng Từ, Hòa thượng Tâm Hiện, v.v… Tăng chúng khắp nơi trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh qui tụ về tu học có đến 100 vị.
Năm Kỷ Tỵ – 1989, nhằm tục Phật huệ đăng, truyền trì chánh pháp, Ngài cùng chư tôn đức tỉnh nhà tổ chức Đại Giới Đàn Nguyên Thiều tại chùa Long Khánh, Quy Nhơn. Ngài được cung thỉnh làm Đàn Chủ giới đàn này.
Đến năm 1994, vì nhu cầu tăng chúng tu học tại bản tỉnh mỗi ngày một đông, Ngài lại phải mở tiếp một Giới Đàn nữa và làm Hòa thượng Đường Đầu truyền giới cho Đại Giới Đàn Phước Huệ.
Trong thời gian trú trì tổ đình Thập Tháp, Hòa thượng Kế Châu đã khai sơn nhiều ngôi chùa trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh:
– Chùa Bảo Châu tại xã Mỹ Thọ huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định.
– Chùa Bảo An tại xã Mỹ Thọ huyện Phù Mỹ – Bình Định.
– Chùa Viên Thông tại Đồng Phó huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định.
– Chùa Thừa Ân tại thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai.
– Chùa Bảo Hoa tại Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, Bình Định
– Chùa Bảo Lâm, Bảo Quang, Bảo Giác tại tỉnh Đồng Nai.
Ngoài ra Hòa thượng Kế Châu còn là một thi nhân cự phách, văn hay chữ tốt. Ngài viết thành thạo cả bốn thể loại Hán tự, như: Chân, Thảo, Triện, Lệ, vì vậy mà rất nhiều người đến xin chữ và liễn đối của Ngài. Hiện nay Hòa thượng để lại rất nhiều liễn đối và tranh thư pháp vô cùng giá trị ở tại nhiều ngôi chùa trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh. Những thi sĩ nổi danh lúc bấy giờ thường xuyên tìm đến bàn luận văn chương thi phú và rồi ai cũng cảm phục tài trí cũng như đức độ của Hòa thượng. Để tìm hiểu thi văn của Hòa thượng, xin tìm đọc tác phẩm Long Bích Kế Châu Thi Liên Tập do Hòa thượng Thích Viên Đạt sưu tầm và biên dịch.
Đến năm 1995, mặc dầu Hòa thượng tuổi cao sức yếu nhưng cảm thấy không yên lòng vì chùa viện hư dột xuống cấp, nên đã đứng ra vận động tổ chức Đại trùng tu ngôi tổ đình Thập Tháp. Nhưng tiếc thay, Phật sự chỉ mới ở giai đoạn đầu thì Hòa thượng lại vội vàng Quảy dép về Tây, nhằm ngày mùng 5 tháng chạp năm Ất Hợi (1995) tức ngày 24 tháng 1 năm 1996, trụ thế 75 tuổi.

Tháp thờ nhục thân Hòa thượng hiện ở phía bắc chùa, long vị thờ tại Tổ đường ghi rằng: “Sắc Tứ Thập Tháp trú trì, Từ Lâm Tế tứ thập nhất thế, húy Không Tín hiệu Kế Châu Hòa thượng chi vị”.
Hiện tại tháp Hòa thượng có ghi lại nhiều bài thi của các Hòa thượng Thi nhân đề tặng, đặc biệt phía sau tháp còn có một bài thơ thất ngôn bát cú thuộc thể Đường luật, do chính Hòa thượng sáng tác, bài thơ như sau:
無 題
幾 多 冷 暖 幾 春 秋
驟 隙 光 陰 過 白 駒
聲 色 已 知 空 寂 寂
見 聞 何 礙 日 攸 攸
雲 飛 嶺 岫 應 常 在
水 濟 泉 源 空 自 流
即 境 即 心 隨 現 量
當 人 還 要 悟 心 頭
辛 酉 年 夏 髻 珠
Vô Đề
Kỷ đa lãnh noãn kỷ xuân thu
Sậu khích quang âm quá bạch câu
Thanh sắc dĩ tri không tịch tịch
Kiến văn hà ngại nhật du du.
Vân phi lãnh tụ ưng thường tại
Thủy tế tuyền nguyên không tự lưu
Tức cảnh tức tâm tùy hiện lượng
Đương nhân hoàn yếu ngộ tâm đầu.
Tân Dậu niên Hạ Kế Châu.
Bài thi trên cũng do chính Hòa Thượng dịch như sau:
Không Đề
Bao nhiêu ấm lạnh, bấy xuân thu
Kẽ hở chợt lòn bóng bạch câu
Thanh sắc đã hay không vắng bặt
Thấy nghe nào ngại tháng ngày lâu.
Mây bay đỉnh núi ưng còn mãi
Nước trút đầu nguồn tự chảy sâu
Tức cảnh tức tâm theo hiện lượng
Đương nhân cần ngộ lý tâm đầu.

Mặc dầu dành hết tâm trí vào Phật sự Giáo hội cũng như Tổ đình, nhưng Hòa thượng luôn luôn lưu tâm giảng dạy kinh điển cho Tăng chúng Tổ đình trong những mùa An Cư – Kiết Hạ. Đặc biệt Hòa thượng còn để lại một vài bản dịch như sau:
– Khói nước trăm thành (dịch và tác thơ). Nguyên bản: Bách Thành Yên Thủy của Phật Quốc Thiền Sư.
– Thập Mục Ngưu Đồ Tụng (dịch và tác thơ)
– Long Bích Thi Tập, tập I và II.
Hòa thượng có rất đông Tăng chúng đệ tử xuất gia, hiện nay nhiều vị còn đang trong giai đoạn tu học và hành đạo tại các ngôi Tự Viện khắp trong nước cũng như hải ngoại.
Sau đây là một số bài thi của các Hòa thượng, Thi nhân học sĩ đương thời kính tặng cho Hòa thượng. Những bài thi nguyên bản nầy hiện được treo tại ngôi Phương trượng tổ đình Thập Tháp:
Bài 1:
平定省寶山寺住持
元監督佛學堂髺珠仁者之贈
十 方 三 世 在 心 頭
法 法 何 勞 向 外 求
寶 氣 結 成 山 上 玉
金 輪 自 有 髺 中 珠
空 言 色 相 還 天 地
誰 識 風 光 射 斗 牛
觸 處 皆 真 無 罣 礙
拈 華 微 笑 壹 齊 收
佛曆二千五百二年歲次戊戌孟東月
順城水月主人碧峰
Bình Định tỉnh Bảo Sơn Tự trú trì, nguyên Giám đốc Phật học đường Kế Châu nhơn giả chi tặng:
Thập phương tam thế tại tâm đầu
Pháp pháp hà lao hướng ngoại cầu
Bảo khí kết thành sơn thượng ngọc
Kim luân tự hữu Kế trung Châu.
Không ngôn sắc tướng hoàn thiên địa
Thùy thức phong quang xạ đẩu ngâu
Xúc xứ giai chơn vô quái ngại
Niêm hoa vi tiếu nhất tề thâu.
Phật lịch nhị thiên ngũ bá nhị niên. Tuế thứ Mậu Tuất, mạnh đông nguyệt.
Thuận thành thủy nguyệt, chủ nhân Bích Phong.
Hòa thượng Viên Đạt dịch như sau:
Mười phương ba cõi chỉ do tâm
Chớ hướng ngoài chi nhọc sức tầm
Ngọc ở non cao là vật quý
Châu trên đỉnh Kế ấy vàng câm (kim)
Phong quang cao vút vầng nhật nguyệt
Sắc tướng trò chơi ngõ tối tăm
Gặp việc sẵn lòng không sợ sệt
Cành hoa Ca Diếp bặt ngôn âm.
Bài 2:
十塔祖住持髺珠和尚惠存
元 韶 遠 裔 正 當 君
变 葉 相 承 氣 象 春
圓 頂 藏 珠 真 法 器
方 袍 帶 碧 寔 家 珍
松 冠 昔 日 招 時 士
寶 剎 今 朝 轉 法 輪
福 慧 傳 鐙 光 祖 印
叢 林 面 目 是 其 人
歲在辛酉年秋
元韶修院監院玄光和南親纪
Thập Tháp tổ đình trú trì Kế Châu Hòa thượng huệ tồn:
Nguyên Thiều viễn duệ chánh đương quân
Dịch diệp tương thừa khí tượng xuân
Viên đảnh tàng châu chơn pháp khí
Phương bào đới bích thật gia trân.
Tòng quan tích nhật chiêu thời sĩ
Bảo sát kim triêu chuyển pháp luân
Phước Huệ truyền đăng quang tổ ấn
Tòng lâm diện mục thị kỳ nhân .
Tuế thứ Tân Dậu niên thu,
Nguyên Thiều tu viện, Giám viện Huyền Quang hòa nam thân kỷ
Sau đây là bài dịch của Hòa thượng Viên Đạt:
Nguyên Thiều nối pháp chính là Ngài
Kế tục môn phong cảnh rạng ngời
Đảnh báu tàng châu gìn vật đạo
Y vàng giắt ngọc vượt danh đời.
Cửa tùng lúc trước vang trí thức
Chùa cũ ngày nay sáng pháp đài
Phước Huệ truyền đèn nêu dấu Tổ
Tòng lân diện mục tỏa tương lai.
Bài 3:
彌陀十塔古寺住持髺珠上座留念
學 山 策 力 歷 深 秋
要 道 奇 岩 遍 覽 遊
髻 上 心 天 玄 月 印
珠 中 性 地 慧 華 敷
神 清 繼 往 明 三 學
致 遠 開 來 悟 一 如
文 筆 雅 花 仁 智 會
安 危 興 化 任 通 週
佛曆二五二二年戊午季夏
沙門釋廣碩敬書贈
Di Đà Thập Tháp cổ tự, trú trì Thích Kế Châu Hòa thượng lưu niệm:
Học sơn sách lực lịch thâm thu
Yếu đạo kỳ nham biến lãm du
Kế thượng tâm thiên huyền nguyệt ấn
Châu trung tánh địa huệ hoa phu.
Thần thanh kế vãng minh tam học
Trí viễn khai lai ngộ nhất như
Văn bút nhã hoa nhơn trí hội
An nguy hưng hóa nhậm thông chu.
Phật lịch nhị ngũ nhị niên, Mậu Ngọ quý hạ.
Sa môn Thích Quảng Thạc kính thơ tặng.
Bài nầy do chính Hòa thượng dịch như sau:
Núi học bao phen dốc sức người
Nẻo mầu ngàn nhiệm khắp vui chơi
Trăng in bảo kế “tam ma ấn”
Hoa nở trân châu “bát nhã đài”
Tam học sáng ngời noi quá khứ
Nhất như tỏ ngộ dắt tương lai
Văn chương nhắn nhủ làng nhân trí
Mấy khúc hưng suy mặc bước đời.

Bài 4:
和見賜詩原韻敬上
山 門 近 得 睹 玄 雲
名 士 高 僧 獨 譲 君
杜 老 囊 詩 方 外 物
慧 能 衣 缽 道 中 親
前 因 定 是 三 生 契
後 果 翻 從 一 念 分
安 得 祟 寒 披 舊 衲
閒 餘 日 共 浪 吟 頻
歲次壬寅年冬月
吉祥居士陳國標題
Hòa kiến tứ thi nguyên vận kính thượng,
Bảo Sơn thượng nhân phương trượng.
Sơn môn cận đắc đổ huyền vân
Danh sĩ cao tăng độc nhượng quân
Đỗ Lão nan thi phương ngoại vật
Huệ Năng y bát đạo trung thân.
Tiền nhân định thị tam sanh khế
Hậu quả phiên tùng nhất niệm phân
An đắc túy hàn phi cựu nạp
Nhàn dư nhật cộng lãng ngâm tần.
Tuế thứ Nhâm Dần niên đông nguyệt,
Cát Tường cư sĩ Trần Quốc Phiêu đề.
Sau đây là bản dịch của Hòa thượng:
Cửa chùa huyền diệu đượm màu mây
Danh sĩ cao Tăng nức tiếng thầy
Y bát Huệ Năng vòm nguyệt chiếu
Rượu thơ Đỗ Phủ ngát trời say.
Tiền nhân ba kiếp còn dang díu
Hậu quả muôn đời phút đổi thay
Những ước non Hàn phi nạp cũ
Chung vui ngày tháng vịnh thơ hay.