Đệ tử tìm thầy dễ – Thầy tìm đệ tử khó

Tác giả: Diệu Trân

Đệ tử tầm sư dị

Sư tầm đệ tử nan!!!

Một lần thuyết pháp, giảng sư thoáng nói hai câu này để chứng minh về một thí dụ trong bài giảng.

Mới nghe qua, tôi tưởng mình lầm lẫn, nghe không rõ chăng? Trò đi tìm Thầy mới khó chứ Thầy đi tìm trò mà khó chi, vì trò lúc nào chả có sẵn quanh Thầy, nếu không nói là nhiều vị Thầy muốn yên thân, ẩn cư chốn hoang sơn cùng cốc mà trò từ tám hướng mười phương nghe danh tiếng, vẫn lặn lội tìm được để xin Thầy thâu nhận.

Tôi nhớ được dăm ba câu chuyện về trò đi tìm Thầy, “nan” lắm chứ không “dị” đâu, quý vị ơi! Chắc quý vị còn biết nhiều hơn tôi nữa.

Chuyện tôi biết là những chuyện rất điển hình thôi.

Ngài Thần Quang bao năm lặn lội tìm cầu học đạo mà tâm luôn bất an, phiền não. Khi nghe tin Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ phương xa đến, đang tọa thiền, diện bích trong động Thiếu Thất, Ngài Thần Quang không quản mưa gió tuyết sương, quyết tìm tới diện kiến. Ngài quỳ ngoài cửa động, giữa trời đông buốt giá, tuyết rơi xuống như mưa mà Tổ vẫn không ngó ngàng tới. Sau bảy ngày đêm như thế, Ngài thầm nghĩ, có lẽ lòng thành này chưa đủ, bèn chặt một cánh tay, dâng lên Tổ để làm lễ bái kiến. Ấy thế mà Tổ Đạt Ma chỉ lạnh lùng bảo:

– Ngươi dâng chút vật mọn này để cầu chi?

Trời ơi, kẻ phàm phu như tôi, không biết quỳ dưới mưa tuyết thì kham nổi mấy giờ, nói chi tới chặt tay cúng dường!

Ảnh minh họa, St

Trò đi tìm Thầy như vậy mà dễ ư?

Còn chuyện của Tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền thì chắc quý vị cũng đã biết, là ngài theo hầu Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận mấy năm trời, khổ nhọc chẳng từ nan, chỉ mong hiểu được một điều “thế nào là đại ý Phật pháp” mà không bao giờ dám hỏi. Một hôm, nhờ sự khuyến khích của Thầy quản chúng, ngài thu hết can đảm, y áo chỉnh tề lên quỳ trước phương trượng, trình câu hỏi đó.

Vừa nghe xong, Tổ Hoàng Bá cầm cây tích trượng vung lên, đập cho ba bốn gậy rồi đuổi ra!

Vừa gạt lệ tủi thân, vừa hoang mang cùng cực, ngài Nghĩa Huyền thưa lại với Thầy quản chúng sự tình như thế.

Thầy quản chúng bảo:

– Mới hỏi có một lần chưa đủ. Lên hỏi nữa đi!

Hôm sau, ngài lại y áo đàng hoàng, quỳ trước phòng Tổ. Tổ quát:

– Muốn gì nữa đây?

Ngài Nghĩa Huyền lập lại câu hỏi hôm qua. Và lại nhận đủ ba, bốn gậy và lời hắt hủi:

– Đi ra ngay!

Ấy thế mà, quá tam ba bận, Ngài trở lại lần thứ ba, với cùng một câu hỏi, để nhận trận đòn thứ ba mới đủ thấm thía, gạt lệ xin giã từ Thầy!

Với câu chuyện này, tôi phản quang tự kỷ, thử nhìn lại mình, nếu tôi là ngài Nghĩa Huyền, chắc là ăn đòn lần đầu đã bạt hồn khiếp vía, thắc mắc gì cũng theo sự sợ hãi mà biến mất tiêu! Ấy, bởi duyên mỏng nghiệp dầy nên làm sao hưởng được sự dạy dỗ thâm thúy của Thầy, như khi ngài Đại Ngu khai triển ba trận đòn dữ dội cho ngài Nghĩa Huyền rõ, đó chính là “Tổ Hoàng Bá đã chỉ đạo tột cùng cho ngươi rồi đó! Không phải chỉ trả lời câu hỏi thế nào là đại ý Phật pháp đâu!”

Chuyện Thiền sư Hư Vân tìm Thầy cũng có dễ dàng gì đâu! Quý vị hẳn biết về công hạnh của Đại lão Hòa thượng 120 tuổi này rồi. Suốt cuộc đời, ngài đã viên thành bao lời phát nguyện khó khăn, kể không thể hết, trong đó, để thể hiện hạnh hiếu thảo, ngài đã phát nguyện thực hành Nhất Bộ Nhất Bái, bước một bước, lạy một lạy, bất chấp gió mưa sương tuyết, bất chấp núi cao vực sâu, khởi lạy từ núi Phổ Đà, phía Đông Nam Trung Quốc tới núi Ngũ Đài, phía Đông Bắc Trung Quốc. Lời phát nguyện đó phải mất ba năm ròng rã mới hoàn thành!

Với tâm băng thạch đó, thời niên thiếu ngài đã lặn lội tầm sư vô vàn khổ nhọc. Nghe nói có vị Cao Tăng ở núi Cổ Sơn thường từ bi thuyết pháp, ngài trốn nhà tìm tới, xin Hòa thượng Diệu Liên thâu nhận. Ở đó hơn bốn năm, không được thanh thản tu học vì thân phụ luôn sai gia nhân đi lùng tìm, không cho đi tu, nên ngài thường xuyên phải trốn trong hang động, lập nguyện tu khổ hạnh, chỉ ăn đọt cây, uống nước suối! Rồi khi nghe trên núi Thiên Thai có Pháp sư Dung Cảnh đạo cao đức trọng, ngài lại bôn ba đi tìm. Chính Pháp sư Dung Cảnh là vị Thầy đã khai tâm cho ngài tu đạo “xuất thế gian mà không rời thế gian pháp”. Từ đó ngài mới bỏ cách tu khổ hạnh và bắt đầu xiển dương hoằng pháp, sau khi thân phụ qua đời.

Dù những câu chuyện, trò tìm Thầy, gian nan không thiếu nhưng khi được nghe câu “Đệ tử tầm sư dị. Sư tầm đệ tử nan” từ một vị giảng sư nghiêm túc, tôi đã không dám không tin, chỉ hoang mang thôi. Sự hoang mang khiến tôi luôn quẩn quanh suy nghĩ “Sư tầm đệ tử nan” là những trường hợp nào nhỉ?

May thay, một tối, tụng Pháp Bảo Đàn Kinh, tâm tôi bỗng bừng sáng hình ảnh ngài Huệ Năng giã gạo! “Sư tầm đệ tử nan” ngay đây chứ đâu xa. Tại đạo tràng Đông Thiền, huyện Huỳnh Mai, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn có hơn một ngàn đệ tử theo học, trong đó đã có sẵn một người xuất sắc là Thần Tú. Vậy mà khi tuổi cao sức yếu, Tổ cần trao Y Bát cho trò để nghỉ ngơi mà không được!

Vì sao thế?

Vì Thầy vẫn đang đi tìm trò. Năm này tháng khác, Thầy vẫn âm thầm chờ đợi người học trò xứng đáng nhận Y Bát.

Thế nào là xứng đáng? Chỉ vị Thầy biết thôi.

Ngũ Tổ chờ mãi… Kiên trì chờ mãi… Chờ cho tới ngày một thanh niên nghèo khổ, không biết chữ, người đất Lĩnh Nam, ngơ ngác tới, bái kiến Tổ, trình Tổ ngắn gọn, rõ ràng mục đích “Con chỉ cầu làm Phật”

Nhận ra được cớ sự “Sư tầm đệ tử nan” này, tôi bàng hoàng! Quả là, khi nghiêm chỉnh quán chiếu ta có thể thấy bao lẽ diệu kỳ mà với tâm lơ là, ta có nhìn cũng chỉ là cái nhìn của người mù mà thôi.

Ngũ Tổ chỉ có hơn một ngàn đệ tử mà khi cần trao truyền vẫn kẹt vào “Sư tầm đệ tử nan” khiến tôi liên tưởng tới đức Thế Tôn, từng thâu nhận nhiều ngàn vạn đệ tử. Con số 1250 vị Tỳ kheo thường được nhắc trong kinh điển chỉ vì đó là những vị thường xuyên theo sát đức Thế Tôn đi hoằng pháp mà thôi. Với số lượng nhiều ngàn vạn đệ tử mà đức Thế Tôn cũng chỉ gạn lọc được mười vị xứng đáng mà chúng ta thường nghe qua danh hiệu Thập Đại Đệ Tử. Rồi trong mười vị đó, đức Thế Tôn cũng chỉ thấy một vị thực sự hiểu được mình. Đó là Tôn giả Ma Ha Ca Diếp, đã chứng tỏ “tâm truyền tâm” qua giai thoại Niêm Hoa Vi Tiếu.

Bây giờ thì tôi đã thật tin là Thầy đi tìm trò cũng chẳng dễ đâu. Nhưng khi trò đi tìm Thầy thì thường hiển lộ rõ rệt, ồn ào; còn Thầy đi tìm trò thì khó biết hơn, vì Thầy phương tiện, uyển chuyển, khi âm thầm, tĩnh lặng, lúc lại la mắng, dữ dằn, trò khó mà nhận ra được.

Tôi nhớ, có đọc đâu đó, về thời gian Thầy Tuệ Sỹ làm giảng sư ở Phật học viện Hải Đức. Thời đó, Thầy còn rất trẻ, hình như trẻ nhất trong các vị giảng sư, nhưng lại khó nhất, nghiêm nhất. Thầy có thể hòa ái, thân mật với Tăng sinh trong những sinh hoạt thường nhật, nhưng chuyện học thì Thầy rất nghiêm túc, không thể lơ mơ được. Tôi cũng tình cờ được biết, có lần, một Tăng sinh không thuộc bài, Thầy buồn lắm, im lặng giây lát rồi bỗng đứng bật dậy, bước ra khỏi lớp, đi thẳng về phòng riêng, đóng cửa lại!

Mấy ngày liền, Thầy không tiếp ai.

Thế mà chưa hết. Lại có lần, một Tăng sinh bị gọi đứng lên trả bài. Buổi đó, Thầy truyền trò, chia một động từ tiếng Pāli. Hỡi ơi, vị Tăng sinh bị Thầy điểm danh lại chưa kịp ôn bài, cứ ấp a ấp úng mãi. Thầy Tuệ Sỹ nhìn học trò mình giây lâu rồi bất ngờ quăng cuốn sách về phía Tăng sinh đó, kèm theo lời khiển trách nghiêm nghị: “Bài không thuộc thì làm sao biết ngôn ngữ để hiểu kinh, để dịch sách?”. Rồi như cảm thấy chưa đủ, Thầy truyền hình phạt, là chép tay 100 lần, toàn bộ động từ Pāli đó!

Có lẽ giây phút ấy, vị Tăng sinh chưa thuộc bài chỉ mong đất dưới chân mình lún xuống để được biến mất!

Ấy thế mà quý vị có biết Tăng sinh bị Thầy quở phạt quá nghiêm khắc trước mặt đại chúng năm xưa, nay là ai không?

Vị nào muốn biết, xin thử đóng vai thám tử, điều tra xem. Kẻ viết bài xin tặng một ít tài liệu:

Thưa, đó là vị Thượng tọa thường ít khi có mặt trong ngôi chùa Thầy trụ trì, vì Thầy luôn đeo túi vải trên vai, trực chỉ các phi trường, tuần này ở Pháp, tuần sau ở Úc, gần hơn thì Canada, quẩn quanh thì cũng là những tiểu bang khắp hướng Đông Tây Nam Bắc trong nội địa Hoa Kỳ, để xiển dương hoằng pháp theo lời mời gọi khắp nơi. Mỗi bước Thầy đi là mỗi lợi lạc chúng sanh. Thầy đi như dòng sông, êm ả, nhưng hoành tráng, đi mài miệt, không ngừng nghỉ. Thầy thanh thản, an nhiên như thế, nhưng đôi khi có dịp được điện đàm với Sư phụ năm xưa, Thầy đều nghẹn ngào thưa rằng “Ơn Sư phụ lớn hơn núi cao biển rộng, muôn đời con chẳng thể đáp đền cho đủ”.

Thưa liệt vị Tăng, Ni sinh, kẻ viết bài này trộm nghĩ, nếu vị nào bị Thầy la rầy, quở phạt nhiều nhất, xin quý vị chớ vội buồn. Biết đâu, đó là Thầy đang “nhìn” thấy trò? Biết đâu, đó là cách Thầy đang âm thầm chuẩn bị Y Bát?

Quý vị đã sẵn sàng thân, tâm và ý, để nhận chưa?

(Trích: Tập san Hoằng Pháp, số 16)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *