Cái tập khí ở ngoài đời của mình còn mạnh, có lúc mình bị nó kéo đi xa hơn, vì vậy mình tạo ra một bức tường giữa mình với tăng thân, và mình đau khổ vì điều đó. Mình đòi hỏi sư anh phải chăm sóc mình như thế này, sư chị phải thương mình như thế kia, và chính mình đau khổ vì những điều đòi hỏi ấy. Mình không tập làm được một cây ở trong rừng, đứng rất thẳng bên những cây khác. Nhiệm vụ của người tu là phải học những điều này. Lập tức đứng dậy cho thật thẳng và chăm lo cho thế đứng của mình. Khi mình đứng thẳng được rồi thì mình có thể bắt đầu đóng góp cho tăng thân, mình bắt đầu làm công việc xây dựng tăng thân. Mình đi, đứng, nằm, ngồi, gìn giữ giới luật về cả ba phương diện thân, khẩu, ý cho thật uy nghi, đem hết tất cả tấm lòng của mình ra để học hỏi, đừng đi tìm những tiện nghi nho nhỏ, đòi người này thương, đòi người kia để ý, đòi bình quyền, đòi được chia sẻ đồng đều, những điều đó không quan trọng đối với người tu. Cái quan trọng là mình phải đứng cho thật thẳng ở trong tăng thân. Đứng với tăng thân thì tự nhiên mình sẽ lớn lên rất mau. Chỉ chừng đó là mình đã tích cực đóng góp cho tăng thân rồi. Góp sức trong việc dựng tăng thì thế nào mình cũng tạo được hạnh phúc.”
(Trích: Sống chung an lạc – Thiền sư Nhất Hạnh)
Những ngày nắng hạ đang đổ về thay thế cho mùa Xuân vừa qua, dòng thời gian thì cứ mãi trôi mặc cho thế sự điên đảo, con người chúng ta cũng vậy, quay cuồng theo thế giới, mãi không quan tâm đến thời gian trôi qua từng ngày, khi chợt dừng lại nhận ra thì đã quá muộn cho một kiếp người.
Gửi những sư em – những mầm non của Phật Pháp, người đang kế nhiệm những bước chân của các sư huynh đi trước, những gia tài pháp bảo mà Thầy Tổ đã truyền trao.
Tuổi thơ vào đạo, ở một lứa tuổi mà đáng nhẽ ra các Sư em ở nhà được ba mẹ chăm sóc, được thoải mái vui đùa cùng chúng bạn, được ăn uống những thứ mình thích nhưng một nhân duyên nào đó, đã đưa các em đến với đạo, từ nhỏ phải tự lập trong những sinh hoạt hằng ngày của mình, thức khuya dậy sớm công phu chấp tác hằng ngày, vừa phải học đạo vừa phải học kiến thức thế học, các sư em phải tự mình trưởng thành hơn các bạn cùng trang lứa khi phải tập sống trong một môi trường đại chúng lớn hơn.
Là một người đi trước, người cũng đã trải qua những gì mà các đệ đang và sẽ trải qua, nên một phần nào đó cũng thấu hiểu những khó khăn mà các em đang phải đối mặt ở lứa tuổi đang trưởng thành.
Có những sư em không vượt qua được những thú vui ở bên ngoài, nên đã chọn một con đường mới, từ giã Thầy cùng các huynh đệ để bước một con đường riêng của mình. Các sư em đang nằm trong vòng tay chăm sóc của Thầy, các huynh đệ, các sư chú không biết rằng Thầy và các huynh đệ lúc nào cũng để mắt, dõi theo từng bước đi, từng sự trưởng thành của các sư chú.
Các thời khóa tụng niệm của chùa mình, những công việc tụng niệm, chấp tác, quét dọn cho đến những Phật sự mình tham gia, tuy các sư em thấy đó là bận rộn, mất thời gian, mệt mỏi nhưng từ cái bận rộn đó nó giữ cái tâm mình an tịnh, đó là phương tiện, dùng cái này để đối trị với cái kia, dùng sự bận rộn ở trong Đạo đối trị với những thú vui ở bên ngoài, nó giúp mình về với đạo, là kết nhiều thiện duyên với chúng hữu tình mà nó làm cho đạo lực của mình thêm lớn, vì mình được nuôi dưỡng bởi các Thầy các huynh đệ chăm sóc cho mình, nhưng các sư em không hiểu được, lại cho đó là sự mệt mỏi, phiền não, trước giờ mình tưởng cái này là bận rộn, mình làm theo ý mình mới là thảnh thơi nhưng không ngờ những cái mình cho là thảnh thơi nó đi vào sự ràng buộc trong thế tục.
“Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”, trên có Thầy, dưới có các huynh đệ nương tựa với nhau giống như nhờ canh mà cơm nuốt dễ, không hiểu thì cho nó là bận rộn, chúng ta tu học nhiều khi mình cứ nghĩ, mình hay hơn Thầy, mình giỏi hơn sư huynh, rồi mình phủ nhận cái kinh nghiệm mà Thầy Tổ, huynh đệ đã chỉ dạy cho mình, mượn hình ảnh đó để giữ thân tâm đi vào quỹ đạo của sự tu hành, nếu không có Thầy, không có bạn chăm sóc, nuôi dưỡng và mình không có tiếp nhận sâu sắc những cái sự chăm sóc đó, thì mình sẽ không trưởng thành và bị thất bại trước cái nghịch cảnh.
Âu thì cũng là duyên mỗi người khác nhau, các sư em đã rời đi, bao lâu cũng được, cứ đến nơi nào các sư em thấy bình yên hơn ở bên Thầy cùng các huynh đệ, cứ đến nơi nào mình cảm thấy an vui, cả thế giới rộng lớn ngoài kia, hãy trải nghiệm từng chút một, rồi có lúc mệt mỏi sẽ vấp ngã, nhưng phải tự mình học cách đứng dậy, lúc đó những bài học mà Sư Phụ đã dạy nhưng mình chưa kịp thấu hiểu, những trải nghiệm cùng huynh đệ mà sư em chưa từng lưu tâm, rồi cuộc đời ngoài kia sẽ dạy cho sư em tất cả.
Mong các sư em còn lại, luôn trân trọng những giây phút hiện tại tuyệt vời này, khi còn Thầy và các huynh đệ, quay về với hiện tại, đừng rong ruổi tìm kiếm những thứ mà mình cho là đẹp đẽ bên ngoài kia nữa. Mong rằng các em luôn tinh tấn, để không phụ lòng Thầy Tổ, huynh đệ hy vọng, giáo dưỡng từng ngày.
Phật học Trí Diệu, ngày 27/3/2022 – Phật lịch 2566.
Hiền Nguyên
Tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam, Tp.HCM