Kinh Phật Thuyết A Di Đà giảng thuật – phần 03

Tác giả: Thích Huyền Châu

KINH PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ GIẢNG THUẬT, PHẦN 03 – THÍCH HUYỀN CHÂU CHỦ GING

2- Ma ha Mục Kiền Liên

Nghe nhắc đến Tôn giả Mục Kiền Liên, chúng ta thường liên tưởng đến bậc hiếu hạnh và thần thông quảng đại. Cho nên trong khi giảng thuật bản Kinh Phật Thuyết A Di Đà này, tôi chỉ nhắc khái lược vài nét cho chúng ta nhớ mà thôi.

Ở đây, chúng ta hiểu Ma ha Mục Kiền Liên nghĩa là gì?

Ma ha có 3 nghĩa. Thứ nhất, Ma ha nghĩa là “lớn”, tức là bậc trưởng lão mà ngay cả quốc vương, đại thần đều kính trọng. Thứ hai, nghĩa là “nhiều”, tức là bậc Tôn giả học thông cả 3 tạng và 12 bộ kinh. Thứ ba, nghĩa là “hơn hết”, tức là bậc vượt hơn tất cả các ngoại đạo. Còn Mục Kiền Liên nghĩa là Thái Thúc Thị, hay Câu Luật Đà, chính là tên riêng của ngài. Tên riêng này do nhân duyên người mẹ cầu thần cây mà sinh ra ngài. Cũng có chỗ gọi là Lai Phục Căn, ý chỉ cho tổ tiên ngài ăn rau tu hành.

Ma ha Mục Kiền Liên là bạn thân của Tôn giả Xá Lợi Phất. Sau khi được bạn giới thiệu xuất gia trong giáo pháp của Phật một thời gian ngắn, ngài đã chứng quả Lục thông. Cho nên, ngài được tôn xưng là bậc đại đệ tử thần thông đệ nhất.

Vậy Lục thông là gì?

1/ Thiên nhãn thông: Tức khả năng nhìn thấy tất cả chúng sinh ở các cõi trời, người, a tu la… họ đang làm gì, sống thế nào, vui khổ ra sao, một khi nhìn là ngài có thể thấy rõ ràng tất cả.

2/ Thiên nhĩ thông: Tức có khả năng nghe được tất cả âm thanh của mọi loài. Âm thanh nhỏ to đến mức nào, xa ở đâu ngài cũng nghe rõ ràng hết.

3/ Tha tâm thông: Tức là biết rõ trong tâm chúng sinh nghĩ gì.

4/ Túc mạng thông: Tức là ngài có thể biết nhân quả ba đời. Đời trước làm gì, đời này thế nào, đời sau ra sao ngài đều biết rõ ràng.

5/ Thần túc thông (còn gọi là Thần cảnh thông hay Như ý thông): Đây là khả năng biến hóa tự tại, ẩn hiện thiên hình vạn trạng.

6/ Lậu tận thông: Tức thần thông này một khi thành tựu thì không bao giờ bị thuyên giảm. Điều này khác với ngoại đạo, thần thông như ma vương Ba Tuần có thể biến hiện ra sông núi, biển cả nhưng cũng không thành tựu được lậu tận thông. Cho nên ma vương phải tu luyện nhiều tà thuật, nếu không thì qua thời gian, thần thông của họ bị suy giảm.

Sau khi tu chứng Lục thông, Tôn giả Mục Kiền Liên dùng thần thông quán chiếu cùng khắp, thấy mẹ sinh làm ngạ quỷ đói khát nơi địa ngục. Ngài dùng thần thông quảng đại cứu mẹ ra khỏi địa ngục, nhưng không được, vì nghiệp san tham, sát hại và hủy báng Tam bảo của bà quá nặng. Thế mới biết, nghiệp ai gây người ấy lãnh, cho dù là cha con cũng không thể chịu khổ thay cho nhau được.

Sau đó, ngài bạch lên đức Phật chuyện bi ai của mẹ mình, được đức Phật dạy cho pháp Vu lan bồn. Lễ Vu lan được tiến hành vào dịp rằm tháng 7, tức ngày Tự tứ sau 3 tháng chư tăng an cư kiết hạ. Từ nhân duyên đó, ngày Vu lan báo hiếu trở thành ngày đại lễ mang tính truyền thống của Phật giáo, nhắc nhở người con Phật chúng ta phải thể hiện lối sống hiếu đạo với cha mẹ và lục thân quyến thuộc.

Thầy Thích Huyền Châu, ảnh HN

3- Ma ha Ca Diếp

Như đã giải thích ở trên, Ma ha có ba nghĩa: Lớn, Nhiều, và Hơn hết. Thế nên Ma ha Ca Diếp còn được gọi là Đại Ca Diếp.

Ca Diếp là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung Hoa là Đại Quy Thị. Đại Quy Thị là họ của ngài. Nhân vì tổ tiên ngài thấy con rùa cõng trên lưng hình đồ bàn, nên theo bản đồ ấy tu hành và lấy họ như thế. Ngài còn có tên gọi khác là Tỳ Bát La, tức là tên của một loài cây. Do nhân duyên người mẹ cầu thần cây mà sinh ra ngài, nên lấy tên cây ấy đặt tên cho con.

Ca Diếp còn được dịch là Ẩm Quang Thị, tức là “uống ánh sáng”. Vì trên thân ngài có ánh sáng vàng chói rất đặc biệt nên gọi tên như thế. Do nhân duyên gì màu da ngài có ánh sáng vàng ánh như thế? Vào thời đức Phật quá khứ Tỳ Bà Thi, ở một ngôi chùa nọ có tượng Phật bị hư nát. Lúc ấy có một cô gái nghèo phát tâm quyên góp tịnh tài để thếp vàng tượng Phật, còn ngài làm nghề thếp tượng. Kẻ bỏ công, người góp của, họ thếp xong tôn tượng và sửa sang ngôi chùa cho trang nghiêm. Sau đó, họ thương nhau rồi kết thành vợ chồng. Từ đó trải qua 91 kiếp đôi vợ chồng này nhờ nhân duyên thếp tượng Phật mà có màu da vàng ánh. Đến đời này ngài sinh ở nước Ma Kiệt Đà trong dòng họ Ca Diếp.

Năm 20 tuổi, cha mẹ muốn ngài lập gia đình. Trong lòng muốn sống đời thanh tịnh, nhưng vì chữ hiếu, ngài đành thưa rằng: “Con chỉ lấy người con gái nào có màu da giống như con mà thôi”. Quả nhiên, ở một nước kia có người con gái cũng có màu da vàng ánh như ngài. Thật đúng là nhân quả trước sau tự nó chiêu cảm, đến đời này họ lại thành đôi vợ chồng.

Sau khi gặp Phật, ngài xuất gia làm Tỳ kheo, người vợ cũng xuất gia theo Phật làm Tỳ kheo ni tên Tử Kim Quang.

Tôn giả Ma ha Ca Diếp có sức ảnh hướng rất lớn và có địa vị quan trọng trong tăng đoàn Phật giáo. Ngoài sự kiện 1.000 đệ tử của ba anh em ngài xuất gia theo Phật làm chấn động xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, một hôm trên hội Linh Sơn, đại chúng cả ngàn người vân tập đông đủ, đức Thế Tôn cầm cành hoa sen vàng đưa lên nhưng không có ai hiểu ý gì cả, chỉ duy ngài ngộ được thâm ý của Phật nên mỉm cười. Liền khi đó đức Phật nói: “Ta có chánh pháp nhãn tạng niết bàn diệu tâm, pháp môn tâm ấn thật tướng vô tướng, nay ta truyền cho Ma ha Ca Diếp”. Sau khi Phật nhập niết bàn, ngài chính là vị tổ sư đầu tiên lãnh đạo tăng đoàn Phật giáo.

Theo lời Phật dạy, Tôn giả Ma ha Ca Diếp không được nhập niết bàn mà phải ở lại thế gian này, giữ gìn y bát của Phật Thích Ca Mâu Ni, đợi khi đức Phật Di Lặc ra đời để trao lại. Cho nên sau khi truyền tâm ấn cho tổ sư A Nan kế vị, ngài đến núi Kê Túc, vào trong hang đá, dùng thần thông làm cho miệng hang khép lại. Tương truyền rằng hễ bậc cao tăng nào đến đây thì trong núi có tiếng chuông phát ra. Người ta bảo đó là tiếng chuông chào đón của ngài. Hòa thượng Hư Vân đã có lần nghe được tiếng chuông này.

Tôn giả Ma ha Ca Diếp khi xuất gia theo Phật, ngài đã được 160 tuổi. Tuy thân hình già nua, ốm yếu, nhưng ngài chính là bậc tu hạnh đầu đà đệ nhất.

Đầu đà nghĩa là gì? Đầu đà tức là khổ hạnh. Phật dạy: Có mười hai thứ khổ hạnh làm cho Phật pháp trụ lâu ở thế gian. Người tu hạnh đầu đà tuân thủ lối sống với mười hai điều như sau:

Thứ nhất: mặc y phấn tảo. Y phấn tảo là loại y phục mà người ta lấy vải rách ở bãi rác, hay vải liệm xác chết sót lại ở nghĩa địa rồi giặt nhiều lần cho sạch sẽ, xong khâu lại thành y phục của mình. Người tu mặc y phấn tảo khiến cho tâm mình không còn tham sắc phục nữa. Quả thật, có nhiều người vì tham sắc phục, diện quần áo kiểu này kiểu nọ nên suốt đời khổ sở rất nhiều. Nếu chúng ta bớt lòng tham sắc phục, có lẽ chúng ta cũng giải thoát một chút ưu phiền.

Thứ hai: chỉ có ba y, một bình bát và một tọa cụ. Ba y gồm: đại y (y cửu) là loại y 25 điều, tổng cộng 108 miếng vải, dùng để mặc khi thuyết pháp hay thi hành đại lễ. Thất y là y bảy điều, dùng để mặc khi bái sám, tụng kinh. Ngũ y là y năm điều dùng để lao động, đi đường, tiếp khách. Tại sao người tu hạnh đầu đà tài sản chỉ có ba y, một bình bát và một tọa cụ ngồi thiền? Đó là vì thể hiện hạnh muốn ít và biết đủ.

Thứ ba: thường khất thực. Tức là mỗi ngày ôm bát đi khất thực, chứ không thọ của nhận thí chủ đem đến cúng dường.

Thứ tư: theo thứ lớp khất thực. Tức là mỗi ngày người tu hạnh đầu đà vào trước giờ ngọ đi khất thực ở bảy nhà. Mỗi nhà dừng lại trước cửa một chút, nếu qua bảy nhà mà không có người cúng dường thì ngày đó nhịn đói. Đây là tinh thần bình đẳng khất thực. Nhưng Tôn giả Ma ha Ca Diếp vì thương người nghèo ít phước, nên ngài chỉ khất thực người nghèo, tạo duyên cho họ cúng dường tích phước. Trái lại, ngài Tu Bồ Đề thì nghĩ rằng người nghèo tội nghiệp, không có tịnh tài tịnh vật, nên ngài chỉ khất thực ở nhà giàu mà thôi. Cả hai suy nghĩ ấy đều bị Phật quở trách, và dạy phải nên bình đẳng khất thực.

Thứ năm: ăn vào giờ ngọ. Sáng và chiều không ăn gì hết, chỉ ăn theo quy định của Phật là thọ trai đúng ngọ. Vì buổi sáng chư thiên ăn, quá ngọ súc sanh ăn và chiều tối ngạ quỷ ăn. Tại sao không ăn quá ngọ? Vì chiều tối ăn, khua đũa chén ra tiếng, loài ngạ quỷ nghe âm thanh ấy, sinh tâm thèm khát mà không ăn được nên trong cổ nổi lửa. Như thế chúng ta đã tự làm tổn giảm lòng từ bi của mình.

Thứ sáu: ăn ít một chút. Tức là không ăn quá no.

Thứ bảy: quá ngọ không uống nước cô đặc. Tức là sau giờ ngọ, những nước uống như nước ép trái cây, sữa… đều không được uống.

Thứ tám: ở nơi A lan nhã. A lan nhã dịch là Tịch tịnh xứ, tức chỗ ít người. Vì nơi ít người, sẽ không có nhiều âm thanh tạp loạn, dễ dàng dụng công tu hành.

Thứ chín: ở dưới bóng cây. Buổi tối thì nghỉ ngơi dưới gốc cây, nhưng không quá ba đêm, vì sợ người đời biết và đến cúng dường.

Thứ mười: ở lộ thiên. Tức là thường ngồi thiền nơi khoảng đất trống.

Thứ mười một: ở gò mả. Vì sao phải ở gò mả? Vì nơi ấy có nhiều thây chết, nhìn thấy sự chết để cảnh tỉnh mà tu hành tinh tấn.

Thứ mười hai: lưng không dính chiếu. Người tu hạnh đầu đà, suốt đời chỉ ngủ ngồi mà thôi.

Tôn giả Đại Ca Diếp tu hạnh đầu đà cả đời. Đến lúc ngài được 200 tuổi thì đức Phật nhận thấy thân thể Đại Ca Diếp già yếu quá đỗi, nên đã khuyên thôi tu khổ hạnh đầu đà. Nhưng ngài không nghe, vì nghĩ rằng cần phải sách tấn đàn hậu thế, nên không vì già yếu mà lười mỏi. Đức Phật biết như thế, nên khen: “Hạnh đầu đà của Ca Diếp làm cho Phật pháp trụ thế 500 năm nữa”. Do vậy, Tôn giả Ma ha Ca Diếp là đại đệ tử của Phật, có sức tu hạnh đầu đà đệ nhất.

4- Ma ha Ca Chiên Diên

Chữ “ma ha” chúng ta đã học rồi. Còn “Ca Chiên Diên” là tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa dịch là Văn Sức, tức khéo văn từ và luận nghị. Ngài còn có tên gọi khác là Phiên Thằng, tức là sợi dây không cho mẹ tái giá. Vì ngài có đôi vai nở nang nên có tên gọi khác nữa là Hảo Kiên. Đại chúng tôn xưng ngài là bậc Tư Thắng, vì ngài thành tựu Tứ vô ngại biện tài. Tứ vô ngại biện tài là gì?

1/ Pháp vô ngại biện tài: Tức là khả năng thông đạt danh từ các pháp, lý luận trôi chảy.

2/ Nghĩa vô ngại biện tài: Tức là khả năng biết rõ nghĩa lý của các pháp, trình bày thông suốt.

3/ Từ vô ngại biện tài: Tức là khả năng dùng từ ngữ trôi chảy, diễn nói tự tại.

4/ Nhạo thuyết biện tài: Tức là vui thích giảng thuyết giáo pháp cho đại chúng, không sinh tâm mệt mỏi.

Ngài thường dùng tứ vô ngại biện tài này nhiếp phục ngoại đạo chấp đoạn, chấp thường khiến họ quy y Phật.

Một hôm, ngoại đạo hỏi:

– Phật giáo cho rằng có sáu nẻo luân hồi. Nhưng tôi thấy người chết rồi giống như ngọn đèn hết dầu tắt ngún, làm sao tái sinh làm người? Cát bụi trở về cát bụi. Chết thì hết làm gì có luân hồi. Thuyết luân hồi chẳng qua chỉ là sản phẩm tưởng tượng mà thôi.

Tôn giả nghe thế, bèn hỏi ngoại đạo rằng:

– Tôi xin hỏi ông, một người phạm tội, bị pháp luật giam cầm, người ấy có thể tự do trở về nhà được không?

Ngoại đạo trả lời:

– Dĩ nhiên là không thể được.

Tôn giả nói:

– Cũng vậy, người tạo ác nghiệp, khi chết đọa vào địa ngục, họ cũng không thể tự do trở lại nhân gian nói cho người thân biết được. Còn nếu họ tạo thiện nghiệp, đến khi chết thần thức sinh về các cõi trời. Thiên chúng xem cõi người đầy dẫy ngũ trược ác thế xấu ác này chẳng khác nào hầm phẩn xí. Vậy ông nghĩ rằng có người ở trong hầm xí, khi được ra khỏi mà còn muốn nhảy vào nữa không? Hơn nữa, một ngày một đêm ở cõi trời Đao Lợi bằng một trăm năm ở cõi người. Một ngày một đêm cõi trời Tứ thiên vương bằng năm mươi năm ở cõi người. Khi sinh lên cõi trời, họ phải lo ổn định chỗ ở mất vài ngày. Xong họ trở lại cõi người này thì liệu các ông còn sống để họ nói cho các ông nghe về cõi trời nữa hay không?

Bằng những lý luận khéo léo như thế, Tôn giả Ca Chiên Diên nhiếp phục ngoại đạo rất nhiều.

Thích Huyền Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *