Kinh Phật Thuyết A Di Đà giảng thuật – phần 04

Tác giả: Thích Huyền Châu

KINH PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ GIẢNG THUẬT, PHẦN 04 – THÍCH HUYỀN CHÂU CHỦ GING

5- Ma ha Câu Hy La

Câu Hy La là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung Hoa là Đại Tất, tức người có đầu gối to.

Tôn giả Ma ha Câu Hy La là cậu của Trưởng lão Xá Lợi Phất. Như đã nhắc đến ở trên, tôn giả vốn là người giỏi tài tranh biện. Nhưng từ khi người chị mang thai Xá Lợi Phất, không lúc nào ngài có thể tranh biện hơn chị mình. Biết có vị thánh nhân trong bụng đã chiêu cảm nên người chị mới có khả năng như thế, ngài sợ làm cậu mà thua cháu thì mất mặt. Do suy nghĩ thế, ngài quyết tâm du phương Nam Ấn Độ, học hết tất cả các môn luận lý đương thời trong 16 năm ròng rã, học đến quên cắt móng tay, nên có danh hiệu “Trường trảo Phạm Chí”.

Trong khi đó, Trưởng lão Xá Lợi Phất ở nhà, chỉ mới 8 tuổi đã trở thành đại luận sư nổi tiếng thiên hạ.

Khi tôn giả học thành tài, liền trở về nhà thì biết Trưởng lão Xá Lợi Phất đã xuất gia theo Phật. Nên ngài nghĩ: “Giờ này tranh luận với cháu mình, nếu có thắng cũng chẳng hay ho gì, vì cậu thắng cháu cũng bình thường, mà rủi thua thì xấu hổ quá. Chi bằng ta đến tranh luận với thầy của nó thì hay hơn”. Nghĩ vậy, ngài đến yết kiến đức Phật và dự định bắt cháu mình về. Nên ngài nói:

– Này Sa môn Cù Đàm, ông có thể tranh luận với tôi không?

Phật bảo:

– Điều kiện tranh luận là gì?

Câu Hy La trả lời:

– Nếu ông thua tôi, thì tôi dắt Xá Lợi Phất về. Còn nếu ông thắng tôi, thì tôi tự nguyện đem đầu cho ông cắt lấy.

Đức Phật hỏi:

– Vậy ông dựa vào lý do gì mà bắt cháu về? Ông lấy tông chỉ gì làm cơ sở của suy nghĩ đó?

– Tôi lấy “không thọ” làm tông chỉ.

– Nếu đã lấy “không thọ” làm tông chỉ, vậy ông có còn thọ cái kiến chấp “không thọ” nữa hay không?

Nếu trả lời là “thọ cái kiến chấp không thọ” thì tông chỉ “không thọ” của ông đã bị gãy đổ. Còn nói “không thọ” thì ngay khi lập tông chỉ này là đã có kiến chấp rồi. Cho nên trả lời là “thọ” hay “không thọ” cũng đều thất bại. Nghĩ thế, ông tự biết lý luận của mình đã thua cuộc, cho nên sinh tâm sợ hãi và bỏ chạy.

Trưởng lão Xá Lợi Phất đứng nghe cuộc lý luận của Phật và cậu mình, liền hoát nhiên đại ngộ, thông đạt thật tướng các pháp, chứng quả A la hán. Khả năng chứng ngộ của bậc trí tuệ thật không thể nghĩ bàn.

Câu Hy La chạy được vài dặm, trong lòng suy nghĩ bỏ chạy thế này thì xấu hổ quá. Thôi, bậc trượng phu thua thì chấp nhận chết. Nghĩ thế, ông tìm con dao, đem đến trước Phật và nói:

– Tôi chấp nhận thua cuộc, đầu tôi đây, ông muốn làm gì tùy ý.

Đức Phật dạy rằng:

– Trong giáo pháp của ta không có làm như thế. Nay ông thua rồi thì phải nên xuất gia là mới đúng.

Ma ha Câu Hy La cảm kích và thán phục, bèn chấp nhận xuất gia. Vốn người có trí tuệ thông thái, chẳng bao lâu ngài chứng quả A la hán và cũng là một trong 16 đại đệ tử của đức Phật.

6- Ly Bà Đa

Ly Bà Đa là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Phòng Tú. Ngài là em út của Trưởng lão Xá Lợi Phất. Nhân vì mẹ ngài cầu nguyện ngôi sao Phòng Tú, ngôi sao thứ tư trong thập nhị bát tú mà sinh ra ngài, nên dùng tên ngôi sao ấy đặt tên.

Vì ngài là người con trai út, nên được mẹ rất cưng quí. Trước bối cảnh những người anh chị trong gia đình đều bị Trưởng lão Xá Lợi Phất khuyến hóa xuất gia theo Phật, mẹ ngài lo sợ rằng ngài cũng nối gót anh chị, xuất gia bỏ đi trách nhiệm thừa kế gia nghiệp tổ tiên của mình. Bà nghĩ rằng may ra sợi dây ái tình và trách nhiệm sau khi sinh con cái sẽ cột chặt Ly Bà Đa ở lại với gia đình. Vì thế, tuy tuổi đời của Ly Bà Đa còn trẻ nhưng bà mẹ đã tìm cách cưới vợ cho ngài.

Chuyện kết hôn tưởng chừng diễn ra tốt đẹp. Nhưng vào ngày hôn lễ, không may cho hai gia đình, trong nghi thức trao nhẫn cưới, Ly Bà Đa nhìn thấy bàn tay nhăn nheo của bà ngoại già 120 tuổi so với đôi tay búp măng xinh đẹp của vợ mình, ngài trực nhận lý vô thường. Ngài nghĩ, rồi mai kia, qua thời gian vợ mình cũng như bà ngoại, sắc đẹp kiều diễm ấy cũng sẽ úa tàn theo năm tháng. Ôi! Vô thường thật đáng kinh sợ. Rồi trong phút chốc cậu đâm ra chán ngấy tất cả cảnh hoa lệ phù sinh giả dối và muốn thoát ly bằng mọi giá.

Trước đó, Trưởng lão Xá Lợi Phất quán thấy căn cơ em mình đến lúc ấy sẽ phát tâm xuất gia. Cho nên, ngài đến ngôi tinh xá gần nhà, báo trước với vị trú trì rằng: “Mặc dù đức Thế Tôn có dạy là phải được sự đồng ý của cha mẹ mới được phép xuất gia, nhưng đây là trường hợp đặc biệt, nếu Ly Bà Đa em tôi đến xin xuất gia thì hãy nên chấp thuận cho”.

Quả nhiên, Ly Bà Đa lấy cớ đau bụng đi nhà xí và trốn chạy đến ngôi tinh xá gần nhà, xin xuất gia tức khắc. Ban đầu các vị tỳ kheo chưa biết danh tánh của ngài nên hỏi có được sự chấp thuận của cha mẹ chưa. Ngài trả lời: chưa. Do vậy, Ly Bà Đa bị khước từ, không cho xuất gia.

Các vị có biết ngài phản ứng thế nào không? Ngài phản ứng thật buồn cười, nhưng cũng có lý. Ngài la làng lên:

– Ăn cướp, ăn cướp…

Các vị tỳ kheo nghe thế, vô cùng ngạc nhiên và hỏi:

– Chúng tôi ăn cướp ở cậu điều gì mà cậu la làng lên như thế?

– Các ngài ăn cướp pháp thân huệ mạng của tôi. Các ngài không cho tôi xuất gia, để tôi bị trôi lăn trong sinh tử ái dục, tôi muốn thoát ra mà các ngài không đồng ý, thế không phải ăn cướp còn gì?

Nghe thế, các vị tỳ kheo bèn hỏi:

– Cậu tên gì, ở đâu, sao lại có những kiểu nói năng lạ đời như thế?

Ly Bà Đa thưa:

– Con là em út của Trưởng lão Xá Lợi Phất.

Nói đoạn rồi thuật lại mọi chuyện, các vị tỳ kheo nhớ lời dạy của Trưởng lão, liền cạo tóc cho Ly Bà Đa và chấp thuận để cậu xuất gia.

Ít năm sau khi nhập đạo, vào một mùa an cư, trên đường đi bái yết Phật, tôn giả Ly Bà Đa dừng chân ở rừng cây Khadìra (cây gai), ngủ tạm trong ngôi miếu cổ, và nằm mơ thấy hai con quỷ vác thây ma vào trong cổ miếu. Chúng định chia thây chết ra để ăn, nhưng bị ngài cản lại. Chúng quỷ nói:

– Nếu chúng tôi không ăn thây ma này thì sẽ bị chết đói. Ngài là người tu hành có tâm từ bi ngăn cản việc này, thì phải bố thí thân ngài cho chúng tôi xơi.

Nói đoạn, hai con quỷ giữ chặt ngài lại rồi xé xát. Con quỷ mặt đen rứt chân, con quỷ mặt đỏ thấy ngài mất chân đau đớn thật tội nghiệp, nên lấy chân của thây ma ráp lại. Cứ thế, hai con quỷ thay phiên nhau ăn, rồi cũng dùng thây ma ráp lại thân cho ngài.

Tỉnh ra, ngài nghĩ mình không có thân nên chạy hỏi khắp nơi là thân tôi còn hay mất? Thân này có phải của tôi không? Nhân đó ngài được hai vị tỳ kheo đắc quả khai ngộ pháp thân thường trú bất diệt và ngài đắc quả A la hán.

Ngoài ra, tính tình của Ly Bà Đa lúc nào cũng hài hòa. Ngài luôn đem hạnh tình thương và ái ngữ đến với mọi người. Những nơi nào có sự tranh chấp, đức Phật thường sai ngài đến hòa giải. Do đó, ngài còn có biệt danh là Giải Hòa Hợp hoặc “Ly Bà Ða ở rừng gai”.

Ngài còn được Phật khen là người xuất sắc nhất trong những vị yêu thích độc cư ở núi rừng. Ly Bà Ða là vị đệ tử thiền định đệ nhất của đức Phật.

Quả thật, cuộc đời và công hạnh của quý ngài đã cho chúng ta một bài học quý giá, xứng đáng để chúng ta suy nghiệm trên bước đường tu học của mình. Giờ chúng ta tìm hiểu đến vị tôn giả thứ bảy, cũng là một trong những đại đệ tử của đức Phật.

7- Châu Lợi Bàn Đà Già

Châu Lợi Bàn Đà Già nghĩa là Tiểu Địa Đạo. Ngài với Tôn giả Bàn Đà Già (Địa Đạo) là hai anh em.

Tập quán người Ấn Độ cũng có phần giống ở Việt Nam chúng ta, khi sinh con, thai phụ thường phải về quê cha mẹ của mình. Chỉ khác nhau là người phụ nữ Việt Nam sinh con đầu lòng thì mới về nhà bố mẹ, còn sinh con thứ thì ở nhà bên chồng. Nhân vì trên đường về quê ngoại, mẹ ngài đã sinh hạ ngài bên con đường nhỏ, nên đặt tên là Tiểu Địa Đạo; còn người anh vì sinh ở con đường lớn nên gọi là Địa Đạo. Hai anh em đều được sinh bên đường, nhưng trí tuệ của hai người hoàn toàn khác nhau. Người anh thì thông minh tuyệt đỉnh, còn em thì ngu si quá đỗi.

Khi ngài xuất gia, đức Phật vì thương xót người đệ tử thiếu trí tuệ của mình nên đặc biệt sai khiến năm vị A la hán dạy cho ngài một bài kệ:

“Giữ miệng nhiếp tâm, thân không phạm

Chớ hại tất cả loài hữu tình

Khổ hạnh vô ích nên xa lánh

Hành giả như thế khéo độ sinh.”

Bốn câu kệ thật đơn giản mà nghĩa lý rõ ràng, sâu sắc.

Câu 1: “Giữ miệng nhiếp tâm, thân không phạm”: Nghĩa là tự thanh tịnh về ba nghiệp thân miệng ý. Giữ gìn cửa miệng thì chớ nên buông lời dối trá, hủy nhục, thêu dệt hoa mỹ, mạt sát đày đọa người khác. Giữ thân mình thanh tịnh thì chớ nên sát sinh, trộm cướp, dâm dục. Giữ ý thanh tịnh thì nên nhiếp phục vọng tưởng, xả bỏ tham sân si.

Câu 2: “Chớ hại tất cả chúng hữu tình”: Nghĩa là không được nhiễu loạn khiến chúng hữu tình sinh phiền não khổ đau.

Câu 3: “Khổ hạnh vô ích nên tránh xa”: Nghĩa là không nên tu tập theo lối khổ hạnh, tự đày đọa thân xác mình, vì làm thế thật là vô ích.

Các vị biết, ngày xưa ở Ấn Độ có rất nhiều lối tu hành khổ hạnh. Hoặc người ta tự đày đọa thân xác mình bằng cách đứng một chân giữa trời từ sáng đến tối; hoặc có người khỏa thân phơi mình trên bãi cát nóng giữa trời nắng oi bức; hoặc còn có người lại đi qua hầm lửa than đến nỗi bàn chân bị bỏng sưng tấy ra… Họ tự đày đọa như thế, vì nghĩ rằng thân mình thật là tội lỗi. Đày đọa đến mức nào đó thì trả xong nghiệp. Khi trả xong nghiệp thì được giải thoát sinh thiên. Có người nhân vì tổ tiên của mình lúc xưa gặp hiểm nạn được chó, rắn… cứu sống; nên họ giữ giới chó, giới rắn bằng cách sủa như chó, ăn như chó, nằm trườn đi như rắn vậy.

Tất cả những quan niệm sai lầm ấy, đều bị đức Phật quở trách. Phải biết rằng tội là do tâm tạo ra, thì phải thành tâm sám hối, tu tập tạo nhiều phước thiện đến khi tâm thanh tịnh thì tội chướng tiêu trừ. Như thế mới gọi là giải thoát.

Câu 4:“Hành giả như thế khéo độ sinh”: Nghĩa là bậc hành giả, đệ tử Phật phải nên như thế như thế, khéo léo tu tập và cứu giúp mọi người.

Bốn câu như thế quá đơn giản phải không? Có thể chúng ta chưa làm được, nhưng để thuộc lòng bốn câu kệ này thì không khó chút nào. Có vị chỉ cần đọc qua ba lần cũng có thể thuộc nhão rồi. Nhưng với Châu Lợi Bàn Đà Già thì trong suốt sáu tháng được năm vị A la hán dạy dỗ chu đáo, mà ngài không thuộc lấy nổi một câu.

Vì thế, người anh Bàn Đà Già mới bảo ngài rằng:

– Em ạ! Người tu thì phải có trí tuệ, phải học và nhớ được mới biết đường tu. Còn em nay chỉ bốn câu kệ mà qua sáu tháng không thuộc được chữ nào, làm sao có thể tu tập được. Anh nghĩ, thôi em hãy hoàn tục đi, về nhà sống với bố mẹ, làm ăn tự nuôi sống mình, kẻo ở đây thọ nhận sự cúng dường của tứ chúng chỉ thêm tổn phước mà thôi.

Nghe anh nói thế, ngài nghĩ cũng có lý và tự thẹn với bản thân mình. Cả đêm ngài không ngủ được, ra sau tinh xá ngồi dưới gốc cây lòng buồn rũ rượi. Thần cây thấy thế mách bảo: ngài cứ lo việc tu của mình, không nên nghe theo lời Tôn giả Bàn Đà Già. Nhưng sáng ra, ngài vẫn buồn thảm, và thu dọn đồ đạc rời tinh xá.

Bước chân ra ngoài cổng tinh xá, ngài đứng nhìn quyến luyến cảnh thiền môn thanh tịnh, bất giác rơi lệ, ra đi chưa đành. Lúc ấy đức Thế Tôn đi khất thực trở về, nhìn thấy ngài và hỏi:

– Tại sao con khóc?

– Bạch Thế Tôn! Tôn giả Bàn Đà Già bảo con không có trí tuệ, dốt quá nên không thể theo đại chúng tu tập được.

Phật dạy:

– Con biết mình dốt, như thế vẫn có thể tu được.

Đức Phật an ủi vài lời, rồi dạy ngài trở lại tinh xá tu hành.

Ở đây, có khi nào quý vị tự cho mình thông minh không? Tôi nghĩ rằng người tự cho mình thông minh, ấy chính là người dốt thật sự. Vì một người thông tuệ, càng học nhiều, càng thấy mình còn nhiều dốt nát. Cho nên, Phật tử chúng ta đừng nên khởi tâm kiêu mạn, luôn tự cho mình đúng đắn, thông minh và biết tất cả.

Đức Phật dắt Châu Lợi Bàn Đà Già trở vào tinh xá, và dạy cho ngài hai chữ “chổi quét”. Nhưng ngài học được chữ “chổi” thì quên mất chữ “quét”, học nhớ chữ “quét” thì lại quên đi chữ “chổi”. Đức Phật lại phương tiện sai ngài làm công việc quét rác tinh xá; vừa cầm chổi, vừa quét như thế sẽ dễ nhớ hơn. Thế mà cũng rất khó khăn ngài mới nhớ nổi hai chữ này.

Quét rác như thế được một thời gian, một hôm ngài suy nghĩ: Tâm của mình cũng như sân vườn này, còn những thứ vọng tưởng điên đảo chính là rác rưởi cần phải quét bỏ đi. Sở dĩ chúng sinh bị khổ đau là do bụi trần nhiễm ô vẩn đục, che mất chân tánh giác ngộ… vậy phải nên quét sạch hết vọng tưởng trong tâm. Ngài niệm tới niệm lui một tuần như thế thì thấu triệt chân lý, liễu ngộ thật tướng các pháp vốn thanh tịnh, liền chứng thánh quả A la hán.

Một hôm, đến ngày ni chúng cầu thỉnh giáo giới, đức Thế Tôn sai ngài đi. Ni chúng ngồi nhìn ngài mà cười ngắt nghẽo. Vì họ nghĩ ông sư dốt nổi tiếng này không biết lấy gì để dạy chúng ta. Quả thật, ngài cũng chỉ biết dạy về hai chữ “chổi quét” mà thôi. Ngài dạy thì dạy, ở dưới các cô cười thì cứ cười. Khi làm xong bổn phận của mình, ngài hiển thị thần thông, bay vút lên hư không rồi trở về tinh xá. Ni chúng thấy vậy, biết ngài đã chứng thánh quả, liền hướng về hư không phía ngài, quỳ lạy thành tâm sám hối.

Các vị hãy tự nghĩ lại mình xem, chúng ta không đến nỗi dốt như Châu Lợi Bàn Đà Già, nhưng tại sao học hoài, tu hoài mà không giác ngộ? Đó là bởi vì chúng ta còn quá yêu thích vọng tưởng của mình, còn nhiều thứ chấp giữ trong tâm, không chịu buông bỏ. Thậm chí có người còn nói: nỗi đau của tôi. Nỗi đau chẳng có gì là hay ho quý giá cả, thế mà cứ muốn ôm giữ làm của riêng mình. Vì thế mà tu hoài không ngộ là vậy. Ngược lại, giá như quý vị không biết chữ, nhưng biết buông bỏ quá khứ, không vọng cầu tương lai, sống trong hiện tại với lòng thành kính thiết tha niệm Nam mô A Di Đà Phật một cách tinh tấn, chuyên ròng thì vẫn được giải thoát như thường.

Thích Huyền Châu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *